10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2009

Thị trường ngoại tệ căng thẳng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, nguồn vốn FDI giảm...Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009 vừa qua đã vượt qua rất nhiều thách thức và đạt được những kết quả khả quan nhất định. Sau đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật do Tintuconline bình chọn.

Cơn “điên loạn” của giá vàng khởi đầu tư ngày 4/11/2009 và tạm yên vào ngày 12/11/2009 nhưng vẫn còn kéo dai dẳng trong những ngày tiếp theo và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Ngày 3/11, giá vàng từ mức trên 23 triệu đồng/lượng đã vượt ngưỡng 24 triệu đồng; ngày 4/11, giá vàng tiếp tục leo lên mức 24,5 triệu đồng; ngày 5/11, giá lại tăng lên tới 24,75 triệu đồng; ngày 6/11, giá vàng lên tới 25,3 triệu đồng; ngày 7/11, giá là 25,6 triệu đồng; ngày 9/11, giá vàng vọt lên mức 26,7 triệu đồng; ngày 10/11, giá chạm ngưỡng 27 triệu đồng; ngày 11/11, đỉnh điểm của “cơn điên loạn” giá vàng là 29,3 triệu, thậm chí ở một số cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội, đã lên đến 30 triệu đồng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định nhập khẩu vàng để bình ổn cung cầu vàng trên thị trường trong nước, giá vàng giảm nhiệt đột ngột xuống tới mức trên 25 triệu đồng/lượng vào ngày 12 - 13/11, nhưng tới những ngày tiếp theo giá vàng lại tăng lên mức 26 – 27 triệu đồng/lượng.

Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn đến “cơn điên loạn” ấy. Có thể khái quát lại trong mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Giá vàng chịu ảnh hưởng ở mức độ nhất định của sự biến động giá vàng thế giới 3 và tình trạng suy yếu của đồng đô la Mỹ;

- Sự mất cân đối cung cầu vàng do Nhà nước cấm nhập khẩu vàng từ đầu năm 2009;

- Yếu tố đầu cơ, lợi dụng diễn biến bất ổn của giá vàng thế giới và tâm lý lo ngại giá vàng thế giới tiếp tục tăng để đầy giá vàng trong nước lên cao;

- Tâm lý “đám đông” trong mua bán vàng góp phần làm gia tăng mất cân đối cung - cầu vàng trên thị trường, “khi giá tăng lại đua nhau mua, khi giá giảm lại chen nhau bán”.

“Cơn điên loạn” của giá vàng đặt ra một số vấn đề kinh tế vĩ mô cần phải chú ý, trong đó có vấn đề về tâm lý thị trường và vai trò của Nhà nước trong điều tiết thị trường.
 
Theo thông lệ cứ khi nào vàng tăng, USD giảm nhưng diễn biến của đồng đôla năm 2009 lại đi theo chiều ngược lại. Giá USD liên tục “nhảy múa” cùng giá vàng. USD trên thị trường tự do liên tục “leo thang” với tốc độ chóng mặt. Mốc kỷ lục lịch sử của giá USD được đánh dấu chiều 24/11 tại thị trường tự do Hà Nội, hàng loạt điểm thu đổi ngoại tệ nâng giá lên mức phổ biến 19.900 VND/1 USD, một số nơi giá thậm chí lên tới 20.000 đồng.
 
2. Lãi suaất và tỷ giá baSáng 25/11/2009, Thống đốc NHNN đã bất ngờ ký ban hành Quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 8%, sau 10 tháng liên tiếp duy trì ở mức 7%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất tái cấp vốn cũng tăng từ 7% lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Cũng trong ngày 25/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 17.961 VND/USD và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là +/-3%, thay cho +/-5%. Mức tỷ giá sàn giao dịch là 17.422 VND/USD và tỷ giá trần giao dịch sẽ là 18.500 VND/USD. Qua lần điều chỉnh này, đồng Việt Nam đã mất giá 3,44%.

Các quyết định về điều chỉnh lãi suất cơ bản và tỷ giá này được xem là bất ngờ, bởi trước đó người đứng đầu NHNN khẳng định sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, không có sự phá giá VND, không điều chỉnh lãi suất cơ bản và dự trữ bắt buộc cho đến hết năm 2009.
 
Còn những tác động chính của lần điều chỉnh này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng có hai điểm bất lợi cần lưu ý. Thứ nhất, nghĩa vụ trả nợ quốc gia sẽ tăng lên. Thứ hai là tác động đến những doanh nghiệp đang vay ngoại tệ.

Ngược lại, lợi ích cơ bản thứ nhất từ việc điều chỉnh mà Thống đốc phân tích là hỗ trợ cho xuất xuất khẩu, “là đương nhiên”.

Thứ hai, “khi điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, nghĩa vụ đóng thuế cao hơn cũng giúp hạn chế nhập siêu ở mức nào đó.

Thứ ba là tạo tâm lý, niềm tin. “Chính sách đúng sẽ tạo được niềm tin”.
 
 

Có một thực tế đáng buồn và hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc đang tràn ngập khắp thị trường Việt Nam và được bày bán la liệt len lỏi từ những ngóc ngách nhỏ đến những khu chợ lớn. Êm như mưa dầm, ồ ạt như lũ, hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, “quét” sạch hàng nội, "moi" túi người tiêu dùng Việt.

10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng 23,25 lần, đạt tới con số 15.652 tỷ đồng vào năm ngoái. Cùng trong thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu của ta theo chiều ngược lại tăng vỏn vẹn 6,08 lần, chỉ đạt 4.536 tỷ đồng năm 2008.

Kết quả là con số thâm hụt thương mại kỷ lục của Việt Nam trước Trung Quốc: hơn 11.000 tỷ đồng. Điều đáng sợ là không có dấu hiệu nào cho thấy con số này sẽ giảm đi.

Hầu hết hàng Trung Quốc vào Việt Nam qua con đường nhập lậu tiểu ngạch,do các “hộ gia đình” Trung Quốc sản xuất chứ không phải hàng do các doanh nghiệp uy tín làm ra. và chất lượng hàng hóa không được kiểm soát. Người tiêu dùng Việt đã từng hoang mang trước thông tin quần áo, vải vóc nhập từ Trung Quốc có chứa chất formaldehyde gây độc hại cho cơ thể, sữa nhiễm melamin, và gần đây vụ phát hiện ômai,mứt -  "đặc sản của Việt Nam" lại được làm từ Trung Quốc, kẹo cân nhập từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng... 

Thực ra, việc hàng nhập lậu Trung Quốc bành trướng thị trường nước ta đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm...” từ hàng chục năm nay chứ không phải chờ đến bây giờ. Thế nhưng, kể từ khi các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và các nước EU… bị thu hẹp do tác động của cuộc khủng hoảng, hàng hóa Trung Quốc càng có cơ tập trung lực lượng để tổng tấn công vào thị trường các nước lân cận, nhưng có lẽ thị trường nước ta được xem là mảnh đất màu mỡ nhất để hàng nhập lậu Trung Quốc cắm rễ.
 

Ít có nước nào mà hàng nhập lậu lại được bày biện công khai mọi lúc, mọi nơi như ở Việt Nam. Thậm chí có những địa phương, “nhà nhà buôn hàng lậu, người người sống nhờ hàng lậu”. Với những gì đang diễn ra, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam - vốn đang phải vật vã chèo chống trong cơn bão khủng hoảng- sẽ “sức tàn, lực kiệt” và hàng vạn công nhân mất việc làm sẽ không còn chỉ là nguy cơ xa xôi.

Trong sự thảm bại của hàng Việt Nam trên sân nhà, có lẽ người tiêu dùng là ít đáng trách nhất. Ở Việt Nam, thu nhập đầu người thấp, hàng hóa nội địa yếu cả về số lượng và chất lượng, người tiêu dùng quay sang hàng Trung Quốc là điều dễ hiểu.

Đã đến lúc Quốc hội và Chính phủ phải có một quyết sách, bằng việc ban hành Luật phòng chống buôn lậu. Nếu toàn hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân cùng đồng tâm hiệp lực, chắc chắn chúng ta sẽ hóa giải được vấn nạn hàng nhập lậu, hay chí ít cũng không thể để cho hàng hóa Trung Quốc mặc sức “làm mưa, làm gió” ngay trên đất nước này.

4. Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Cuối năm 2008 đầu năm 2009 khi mà người dân chưa hoàn hồn sau cú sốc sữa có chứa melamine, thì lại rộ lên chuyện quần áo và đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc chứa độc tố có thể tràn vào thị trường Việt Nam... Hàng Trung Quốc đang đổ vào thị trường Việt Nam với quy mô lớn chưa từng thấy, mà đa phần là hàng nhập lậu. Thậm chí hàng Trung Quốc được nhập về Việt Nam nhiều đến mức cơ quan quản lý thị trường không thể chống đỡ nổi, vì nếu bắt hôm trứoc thì hôm sau lại tràn ngập".

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận đã chủ động nhập những mặt hàng kém chất lượng về bán dù biết hàng “có vấn đề”. Cơ chế kiểm soát hàng nhập khẩu bị thả lỏng, nhiều khi thờ ơ, vô nguyên tắc cũng là nguyên nhân hàng giá rẻ, kém chất lượng có mặt khắp nơi. Thực tế cho thấy, hàng Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng chất lượng tốt, có uy tín nhưng lại không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu “giá rẻ”.

Chỉ cần đảo qua vài khu phố, ngôi chợ, chúng ta dễ nhận thấy hàng ngoại đang cạnh tranh gay gắt với hàng nội, trong đó không ít loại hàng ngoại đang chiếm ưu thế. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao hàng Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng chất lượng tốt, lại không  thu hút được sự quan tâm của đa số người tiêu dùng. Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần đi cần tìm hiểu sâu sa cốt lõi của vấn đề.

NTD ở nước ta hiện nay chưa được tôn trọng và bảo vệ đúng mức. Khả năng và kiến thức của NTD có hạn, họ không thể tự mình biết được hạt trân châu này làm từ chất gì; trái táo kia bị tẩm dung dịch nào; cái quần, cái áo nọ có hóa chất độc hại hay không để mà tránh, mà tẩy chay...
 

Chính các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thông tin rộng rãi cho NTD biết. Nhưng trong hàng loạt vụ hàng hóa kém chất lượng được lưu hàng trên thị trường năm vừa qua, liệu có được mấy lần các cơ quan Nhà nước là người đầu tiên phát hiện? Và khi sự vụ đã được phanh phui thì luật pháp xử lý thế nào? Hầu như chỉ là những mức phạt hành chính “có cũng như không”.

Năm 2008, theo kết quả một cuộc điều tra trên diện rộng của Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng VN, hơn 50% số người trả lời khi được hỏi về quyền của NTD là “có biết cũng chẳng được gì!”. Trong tình cảnh như vậy, NTD còn chưa thể sử dụng quyền lực của mình để bảo vệ bản thân thì rất khó để họ ủng hộ hàng nội địa trong cuộc chiến với hàng ngoại.

Hơn thế nữa, trong nếp nghĩ, nếp sống của nhiều NTD nước ta đã hình thành một quan niệm rằng: Hàng nội luôn luôn nằm ở một đẳng cấp thấp hơn hàng ngoại. Đây là di chứng của lịch sử để lại khi mà một thời gian dài trước đây, hàng hóa sản xuất trong nước đã từng có chất lượng kém, mẫu mã nghèo nàn, giá cả không hợp lý... Tất thảy đều không bằng hàng ngoại!  Mặc dù chưa hẳn người mua đã biết rõ chất lượng hàng ngoại ra sao, do nước nào sản xuất, mà chỉ đơn giản là vì chúng rẻ hơn, đẹp hơn, mẫu mã bao bì bắt mắt hơn; đồng thời cũng có thể do thói quen của một số tầng lớp dân cư “sính ngoại” hoặc một số thanh niên muốn chứng tỏ mình “sành điệu”. Khi được hỏi vì sao không sử dụng hàng nội, một số bạn trẻ đã trả lời rằng xài hàng nội là nhà quê, là dân hà tiện, là không “mốt”... Xét trong cách nhìn, trong văn hóa, trong xu hướng sống của cộng đồng NTD VN, hàng nội địa đã và đang ở vào một vị thế hết sức bất lợi so với hàng ngoại nhập...

Trứoc tình hình này lần đầu tiên Bộ Chính trị đã mở cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kêu gọi những người Việt Nam yêu nước hãy dùng chính hàng hóa của nước mình sản xuất.

Trong năm 2009, Chính phủ cũng quyết định dành hơn 51 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa. Sự thành công ngoài mong đợi của những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” là cho thấy, sức mua của thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực nông thôn sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh cho cộng đồng DN.

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được dư luận cả nước hoan nghênh, tuy nhiên việc sửa  lại tập quán của một người đã khó, sửa lại cả một tập quán xã hội, một trào lưu “sính ngoại” của một  tầng lớp dân cư không phải là việc ngày một ngày hai. Nó đòi hỏi một ý chí kiên trì tự đấu tranh với bản thân để tạo ra tính tự giác mới trong từng con người. Vì vậy, tạo ra bước ngoặt trong tư duy, trong tập quán toàn xã hội cũng là một thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị.

5. Kim ngạch xuất,  nhập khẩu năm 2009 giảm mạnh

Năm 2009, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu. Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực cao của các doanh nghiệp, nhưng trước những diễn biến bất lợi của thị trường thế giới, kim ngạch xuất, nhập khẩu trong năm 2009 có sự sụt giảm khá sâu so với năm 2008.

Trong năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 56,5 tỷ USD, thấp xa so với kế hoạch đã được điều chỉnh (64,6 tỷ USD), giảm 9,9% so với thực hiện năm 2008 (56,5 tỷ so với 62,7% tỷ USD của năm 2008). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm mạnh nhất.
 

Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không tính dầu thô) chỉ đạt 21,3 tỷ USD, so với 30 tỷ kế hoạch và 24,2 tỷ USD của năm 2008. Trong các nhóm mặt hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 17,6 tỷ USD, giảm 1,6 tỷ USD so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp đạt 25,9 tỷ USD, giảm 2,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 13 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD.

Tình hình nhập khẩu phản ánh những khó khăn của sản xuất trong nước và của xuất khẩu do Việt Nam ở trong tình trạng phụ thuộc nước ngoài về nguyên vật liệu, thiết bị và thị trường tiêu thụ. Khi sản xuất trong nước và xuất khẩu suy giảm, nhu cầu nhập khẩu cũng giảm sút. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2009 đạt 67,5 tỷ USD, thấp hơn kế hoạch tới 25,5 tỷ USD và giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2008. Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng chiếm 29,6% (năm 2008 là 26,6%); kim ngạch nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 62,8% (2008: 66,4%); kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng chiếm 7,6% (2008: 7%).

Trong năm 2009, cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu đều giảm sút khá sâu, nhưng do tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu chậm hơn tốc độ giảm kim ngạch nhập khẩu, nên nhập siêu giảm xuống chỉ còn khoảng 11 tỷ USD, thấp hơn 6 tỷ USD so với năm 2008.

6. Đầu tư trực tiếp nước  ngoài giảm mạnh

Nếu năm 2008, Việt Nam đạt mức kỷ lục về vốn đầu tư đăng ký (64 tỷ USD), vốn đầu tư thực hiện cũng đạt mức cao (11,5 tỷ USD), thì trong năm 2009, lượng vốn FDI, gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn của các dự án đang hoạt động, chỉ đạt mức 20 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt khoảng 8 tỷ USD.

Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng hoạt động do những khó khăn của công ty mẹ ở trong nước. Một số dự án lớn, trong đó có cả các siêu dài án với số vốn đăng ký lên tới gần 10 tỷ USD, phải đình hoãn triển khai.
 

Trong khi nguồn vốn FDI giảm mạnh, thì sự tăng cao của nguồn vốn trong nước đã đẩy vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao. Ước tính tổng đầu tư toàn xã hội năm 2009 đạt 708,5 ngàn tỷ đồng, tuy thấp hơn kế hoạch (715 ngàn tỷ đồng), nhưng vẫn tăng 16% so với năm 2008 và bằng 42,2% GDP. 

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG-2009), cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam 8,063 tỉ USD vốn ODA trong năm tài khoá 2010. Đây là mức cam kết kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt trong bối cảnh kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay bị hạn chế.

7. Thị trường bất đông sản hết "nóng rẫy" lại "rét run"

Năm 2009 được coi là 1 năm khá lạ lùng đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Sau một năm gần như luôn "sốt nóng", có những lúc giá đất bị thổi lên từ 30 đến 50 lần so với giá gốc. Chuyện mua bán căn hộ giá gốc dường như  “ chỉ có trong mơ”. Khi các khu chung cư, liền kề, biệt thự hoàn thiện xong cũng là lúc “hàng hết”. Người mua chỉ còn biết ngẩn ngơ, cắn răng chịu khoản chênh có thể lên đến hàng tỷ đồng từ môi giới.  Tưởng chừng như "cơn sốt" bất động sản sẽ kéo dài suốt cả năm 2009 thì bắt đầu từ tháng 11/2009 giá nhà đất bỗng dưng lạnh ngắt. Người ta đã đến hiện tượng "quả bóng xì hơi" trong lĩnh vực bất động sản sau nhiều tháng được bơm căng một cách bất thường.
 

Các chuyên gia bất động sản nhận định rằng phần lớn các dự án bất động sản hiện nay phổ biến hiện tượng làm “xiếc” giá. Nguồn cầu bất động sản lớn chỉ là một trong những yếu tố tác động đến mặt bằng giá nhà đất, phía sau đó còn là câu chuyện đặc quyền cấp đất dự án và sự “bắt tay” giữa nhà đầu tư và giới đầu cơ.

Năm qua, chính sách đánh thuế thu nhập đối với việc chuyển nhượng BĐS cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường. Theo các chuyên gia nhận định: Chu kỳ tăng giá của thị trường BĐS VN sẽ khởi đầu vào đầu năm tới và ổn định kể từ năm 2011 trở đi.

8. Một năm nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của tin đồn thất thiệt

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và khó khăn nội tại, nền kinh tế Việt Nam năm qua hứng chịu cơn "bão" tin đồn mạnh hơn bao giờ hết, lan từ chợ tới showroom ôtô, thị trường chứng khoán và cả chuyện động trời như đổi tiền.

Gần đây nhất là tin đồn hết gạo khiến giá gạo trên thị trường tăng mạnh ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
 

Các tin đồn liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ như tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc... đã tác động lớn đến thị trường tài chính, trong đó có TTCK.

Trước hiện tượng lan tràn tin đồn thất thiệt, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành công bố thông tin kịp thời theo các kênh chính thống.

9. Sữa "quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo"

Việt Nam nằm trong nhóm đất nước có thu nhập thấp nhất thế giới. Thế nhưng, người tiêu dùng Việt Nam lại đang phải mua sữa với giá cao nhất thế giới.

Theo lý giải của các nhà nhập khẩu sữa ngoại, giá sữa tăng do rất nhiều nguyên nhân, cụ thể như: do nguyên vật liệu đầu vào tăng, do tỷ giá, thông tin điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa, còn theo các nhà chuyên môn một nguyên nhân lớn cho việc giá sữa tăng cao là do tâm lý sính ngoại của người Việt Nam.

Không thể phủ nhận rằng những chiến lược truyền thông để lại dấu ấn rất quan trọng trong tâm lý tiêu dùng của con người. Câu khoe các bà mẹ “con tôi chỉ dùng sữa ngoại” đã trở thành niềm tự hào khi mua sắm, phản ánh thái độ tôn vinh đối với sản nhập ngoại.

Chính từ đặc điểm tâm lý tiêu dùng này mà các hãng sữa ngoại khi vào Việt Nam đổ không biết bao nhiêu tiền của vào việc đầu tư để hình thành mạng lưới phân phối và họ chi quá nhiều cho hoạt động quản cáo, tiếp thị, khuyến mại.
 

Và 1 câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có đáng không khi bỏ ra 1 khoản tiền không nhỏ để mua sữa ngoại để rồi không biết chất lượng của loại sữa đấy có thật giống như những gì quảng cáo. Nếu so sánh về các chất dinh dưỡng thì sữa ngoại không hơn gì sữa nội.Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhận xét: Do sữa ngoại thành phẩm được sản xuất theo công thức dành cho trẻ em của các quốc gia đó nên chưa chắc đã mang lại hiệu quả tốt hơn cho người VN.

Trước những thông tin bất ổn về thị trường sữa Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế tại các công ty nhập khẩu, kinh doanh sữa. Sau thanh tra, một số doanh nghiệp sữa đã phải chuyển số tiền chi quảng cáo vượt 10% chi phí doanh nghiệp sang khoản lợi nhuận trước thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cuối cùng số tiền thuế này cũng tính vào giá bán sản phẩm và người tiêu dùng phải gánh chịu.

Để giải quyết tình trạng bất ổn của thị trường sữa cần có vai trò của Nhà nước. của các ngành các bộ có liên quan để bảo đảm người tiêu dùng mua  đúng giá trị thật của sữa”.

10. Vấn đề lương thưởng ở các tập đoàn

Ngày 2-12, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã công khai kết quả một số cuộc kiểm toán năm 2009. Trong đó, kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và kiểm toán cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho thấy đã có hàng nghìn tỉ đồng bị chi sai và hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); đối chiếu số liệu tại ba doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư của SCIC gồm Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Sữa VN và Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định tổng tài sản, nguồn vốn của SCIC tại thời điểm 31-12-2008 là 40.718 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả 27.302 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 13.416 tỉ đồng.
 

Trong quá trình hoạt động, SCIC chưa hạch toán lãi dự thu của quỹ hỗ trợ sắp xếp DN trung ương 838 tỉ đồng; chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ các khoản nợ về cổ tức và tiền thu Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN trung ương với các DN theo quy định; hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập 72,6 tỉ đồng; trích lập quỹ lương theo đơn giá tiền lương xây dựng thiếu tính hợp lý, không sát thực tế là 3,8 tỉ đồng; quỹ tiền lương của lãnh đạo tổng công ty vượt quỹ lương được duyệt 1,168 tỉ đồng.

Thu nhập bình quân của lãnh đạo tổng công ty khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính và Bộ Lao động - thương binh và xã hội là 40 triệu đồng/tháng nhưng thực tế năm 2008 thu nhập bình quân là 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch.

Tại Công ty JPA, mặc dù thua lỗ nghiêm trọng (lỗ lũy kế đến 31-12-2008 là 1.137 tỉ đồng) nhưng vẫn trả lương cho ban lãnh đạo với mức thu nhập rất cao, không tương xứng kết quả hoạt động của công ty.

Khi nhìn vào bảng lương của Ban lãnh đạo JP, những người làm công ăn lương giật mình. Nếu như năm 2007, lương của Chủ tịch HĐQT Cty chỉ 360 triệu đồng thì năm 2008 tăng vọt lên 986 triệu đồng.

Năm 2007, Tổng Giám đốc Cty nhận mức lương khá khiêm tốn là 444 triệu, thì một năm sau mức lương của ông này đã đại nhảy vọt lên hơn 2,2 tỷ đồng. Lương của hai phó tổng giám đốc người Việt cũng đều gần tỷ đồng/năm. Còn hai phó tổng giám đốc người nước ngoài thì lương và thu nhập ở mức không tưởng, 3- 5 tỷ đồng/năm.
 

Trong quản lý chi phí xăng dầu, hai phó tổng giám đốc của JPA thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo hội đồng quản trị, ban điều hành đã làm công ty lỗ hơn 31 triệu USD (từ tháng 7-2008 đến tháng 5-2009). Do đó, KTNN kiến nghị kiểm tra làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể tại công ty này; xem xét lại việc chi trả quỹ tiền lương cho thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành tại JPA từ năm 2007 đến nay và báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm toán đơn vị này.

Ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính (kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC) Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo giới những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Việc làm này cũng có thể hiểu là thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhưng cũng được xem như là lời “thanh minh” của người trong cuộc. Ông cũng thừa nhận việc Jetstar Pacific kinh doanh thua lỗ nhưng lại trả lương cho lãnh đạo cao là sai là không hợp lý.

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngày 16/2 Nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific (JPA), ông Lương Hoài Nam, khi làm thủ tục xuất nhập cảnh trên chuyến bay từ TP.HCM sang Lào đã bị yêu cầu không được xuất ngoại trong thời gian này để xác minh một số vấn đề liên quan đến JPA khi ông còn đương chức.

Khi trao đổi với báo giới về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: "Chúng tôi không có đề nghị nào về việc cấm ông Lương Hoài Nam xuất cảnh. Tuy nhiên, tôi đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) yêu cầu ông Lương Hoài Nam quay lại để làm rõ một số việc và trách nhiệm của ông Nam trong thời gian ông ấy làm việc tại Jetstar Pacific".

 Sau khi các thông tin trên được đăng tải trên các mặt báo, Ủy ban kiểm tra T.Ư đã chính thức có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước cung cấp báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính năm 2008 của Tổng Cty Đầu tư. và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các hồ sơ liên quan đến báo cáo kiểm toán này. Vấn đề về những sai phạm tại SCIC sẽ được làm rõ trong thời gian sớm nhất.
 
 
Theo www.tintuconline.com.vn
Go to top