Chuyện người trong cuộc: Rèn “ngựa Thánh Gióng” của Biển Đông (Bài 1)

            Bài 1: Blog kỹ sư tàu biển và bí mật “Chồn Alpha”

Câu chuyện về huyền thoại đoàn tàu không số đã được nhiều nhà văn, nhà báo khai thác ở nhiều khía cạnh. Sự anh hùng, sáng tạo của những người lính trực tiếp đi trên những con tàu không số thì quả thật quá đỗi tuyệt vời, có lẽ các trang viết dù nhiều vẫn chưa thể tái hiện đủ.

 Nhưng muốn đi biển phải có tàu, ai đóng tàu, đóng như thế nào thì còn ít người biết đến. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc chúng tôi ngược dòng lịch sử đi tìm những người trong cuộc. Và kết nối đầu tiên của người bạn rành rẽ ngành đóng tàu mách cho chúng tôi vào đọc blog Đỗ Thái Bình!

Cựu kỹ sư kể chuyện

Đỗ Thái Bình là một kỹ sư tàu biển kỳ cựu, tốt nghiệp khoa vỏ tàu Trường Đại học Giao thông Vận tải từ năm 1966 và đã nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế tàu biển nhiều năm. Hiện đã nghỉ hưu, sống ở TP Hồ Chí Minh và chuyển sang kinh doanh nhưng ông vẫn rất quan tâm tới ngành công nghiệp đóng tàu, biên soạn, dịch nhiều cuốn sách có giá trị về tàu biển. Blog của ông khá dung dị và được lập từ năm 2005, lấy tên “Bình Biển”. Trong blog, ông nhiều lần nhắc tới tàu không số với một số bài viết, hình ảnh thú vị.

Cách đây chừng hai tháng, trước khi ông Lương Văn Triết - một kỹ sư đóng tàu kỳ cựu qua đời, Đỗ Thái Bình đã có bài viết trên blog với tiêu đề “Lương Văn Triết - người thiết kế tàu không số”. Ông tâm sự: “Biết tin Lương Văn Triết bị đau bệnh nặng, tôi gọi điện về nhà anh, đường Âu Cơ, Hà Nội nhưng không ai bắt máy. Giờ này có lẽ chị Long - vợ anh cũng đang trong bệnh viện cùng anh giành giật những giây phút cuối cùng của sự sống. Một số các bậc tiền bối của ngành đóng tàu nước ta đã lần lượt ra đi như Nguyễn Hữu Tố, Hồ Quang Long, Lê Xuân Ôn... Biết rằng, đời người không tránh khỏi quy luật của tuổi tác và bệnh tật, sinh tử là lẽ thường, nhưng vào lúc này, những kỷ niệm về một trong những người thiết kế tàu thủy đầu tiên của nước nhà bắt tôi cầm bàn phím và hồi tưởng lại. Và có lẽ những ghi chép này có ích phần nào cho các bạn trẻ đang làm việc trong ngành công nghiệp biển của nước nhà”.
Một bản vẽ thiết kế tàu thời chống Mỹ, ảnh; Đỗ Thái Bình
Theo lời kể của ông Bình, ông Triết là một trong những người đầu tiên được đào tạo tại Trường Chuyên nghiệp Đóng tàu Thượng Hải (Trung Quốc). Những năm chống Mỹ, ban đầu, cơ quan thiết kế chỉ là một phòng trong Cục Cơ khí (Bộ GTVT). Lúc này, ông Bình là cán bộ thường cùng lãnh đạo cục xuống dự các cuộc họp giao ban với Phòng Thiết kế. Cán bộ kỹ thuật phòng này được đào tạo từ nhiều nước như Trung Quốc, Ba Lan, Liên Xô, Tiệp Khắc, CHDCND Triều Tiên, CHDC Đức, Ru-ma-ni... Riêng số cán bộ học từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ đông nhất. Có thể kể ra một số người tiêu biểu như các ông: Trịnh Xương, Trưởng phòng, sau phát triển lên Phó viện trưởng; Hồ Quang Long, sau làm Cục phó Cục Cơ khí và ông Lương Văn Triết. Riêng ông Triết tốt nghiệp trường bên Thượng Hải từ năm 1958.

Trường Chuyên nghiệp Đóng tàu Thượng Hải, theo ông Bình là một trường thực hành chuyên phục vụ cho công nghiệp đóng tàu và hải quân của Trung Quốc, sau này là Viện Khoa học Đóng tàu Hoa Đông và hiện nay là Đại học Khoa kỹ Giang Tô.  Từ năm 1954 tới 1962, trường đã nhận đào tạo 24 lưu học sinh Việt Nam và CHDCND Triều Tiên. Sau này, họ đều thành những người giữ trọng trách trong công nghiệp và hàng hải. Trong số đó, có thể kể ra các ông Trịnh Xương, Lương Văn Triết, Nguyễn Soạn, Nguyễn Tố, Hồ Quang Long, Ngô Ngọc Lân, Nguyễn Gia Đăng là những lãnh đạo của ngành đóng tàu tại Cục Cơ khí, Bộ GTVT. Ngoài ra, còn có các ông: Nguyễn Phương Ninh (Cục trưởng Cục Kỹ thuật Hải quân); Trần Luân (Bí thư Đảng ủy Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng); Nguyễn Văn Thức (Phó giám đốc Công ty Vận tải biển III); Nguyễn Văn Huấn (Phó giám đốc Nhà máy Đóng tàu Tam Bạc)…

"Chồn Alpha" giờ ở đâu?

Trong blog này, ông đã bật mí một đường link đặc biệt. Đó là bài báo tiếng Anh đăng trên một tạp chí Hoa Kỳ kể lại cuộc rượt đuổi của 5 tàu hải quân Mỹ với một con tàu không số của ta năm 1967. Dịch bài báo, chúng tôi thật sự kinh ngạc về những tình tiết, câu chuyện đầy hấp dẫn của cuộc rượt đuổi. Bài báo mang tên “Chiến thắng trên sông Sa Kỳ” có thể tóm tắt như sau: Đêm 11-7-1967, máy bay Mỹ phát hiện một tàu cá lạ gần bờ biển Đà Nẵng. Nghi ngờ, họ đã mở chiến dịch truy đuổi, đặt tên con tàu là “Chồn Alpha”. Phải mất ba ngày rưỡi rượt đuổi vây bắt với 5 tàu khu trục Mỹ trên một hành trình dài dặc, phải sử dụng đến cả đạn phốt-pho và hiệp đồng với lính thủy đánh bộ Hàn Quốc mới “tóm” được con tàu, thu 90 tấn vũ khí do đối phương không thể kích nổ tàu, trong khi tất cả thủy thủ đoàn đã “chuồn” êm.

Bằng con mắt nhà nghề, Đỗ Thái Bình đã phát hiện ngay ra “Chồn Alpha” chính là một con tàu không số năm xưa. Ông còn biết đích danh nó được sản xuất ở đâu, là chiếc thứ mấy. Trong blog, ông viết: “Tôi tìm được toàn bộ các ảnh chụp và hồ sơ của con tàu 198, con tàu thuộc đoàn “tàu không số”. Đó là con tàu thứ tư trong loạt “tàu 100 tấn” đóng tại Xưởng Đóng tàu Ba, dưới sự chỉ huy của giám đốc Đoàn Kim Quang và chuyên viên kỹ thuật Phạm Văn Năm”. Còn Lương Văn Triết chính là người thiết kế chính của con tàu 198. Biết thông tin này, với tình cảm sâu đậm, ông Bình mang các tấm hình, hồ sơ về cuộc rượt đuổi con tàu tới nhà ông Lương Văn Triết.
Tàu không số 198 (Chồn Alpha) bị máy bay Mỹ phát hiện và chụp ảnh

Nhìn thấy hình ảnh con tàu, ông Triết lặng đi xúc động, ký ức về nẻo đường thiết kế hôm nào bỗng trở về tươi nguyên, nóng bỏng. Ông cho hay, ngày đó, ban đầu ông cũng không biết thiết kế cho “tàu không số”. Mục đích của con tàu hoàn toàn được giữ bí mật, chỉ biết đó là tàu hàng 100 tấn, phải có tính năng vượt biển tốt và mọi việc ông đều được giao nhiệm vụ từ ông Trịnh Xương, Trưởng phòng. Ông Trịnh Xương lại nhận chỉ thị trực tiếp từ Cục trưởng Ngô Văn Năm, đôi khi còn được gặp cả các ông Phạm Hùng - Phó thủ tướng,  Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng Bộ GTVT. “Tàu 100 tấn” ban đầu có kích thước 28x5, 6x2,2 đặt máy Đức 225CV, được đóng loạt đầu tiên gồm 6 chiếc tại Xưởng Đóng tàu Ba, nay là Nhà máy Đóng tàu Tam Bạc. Ông Trịnh Xương, Trưởng phòng Thiết kế lúc đó sau khi thực mục sở thị đã nhiều lần phải thốt lên: “Tính năng của tàu 100 tấn là tuyệt vời!”. Không dừng lại ở đó, theo ông Triết, ông Trịnh Xương còn đánh giá: Tuyến hình và các kích thước của tàu 100 tấn “không số” còn trở thành một thông số tham khảo quan trọng cho các tàu Tự Lực, tàu Giải Phóng được đóng hàng loạt tại các xưởng trong nước và tại nhà máy đóng tàu Quảng Châu, Trung Quốc sau này...

“Chồn Alpha" - tức tàu 198 giờ ở đâu? Bản thiết kế những con tàu ấy giờ ở đâu? Đỗ Thái Bình trăn trở: “Điều đáng tiếc là toàn bộ hồ sơ thiết kế con tàu, một vật chứng đáng lưu giữ trong bảo tàng Đường Hồ Chí Minh trên biển lại không còn, dù là một bức phác thảo hay một chỉ thị kỹ thuật. Trong khi đó, bộ ảnh về cuộc triển lãm tàu 198 tại Sài Gòn (do chính quyền Sài Gòn thực hiện tại bến Bạch Đằng - Sài Gòn để quảng bá rùm beng chiến công - PV) và những ghi âm cuộc rượt đuổi mà đối phương ghi lại vẫn đang lưu giữ đâu đó trên internet. Những chi tiết về lịch sử hình thành con tàu chắc chắn sẽ giúp cho các bạn trẻ, dù ngày hôm nay chỉ cần nhấp con chuột máy tính vài cái là có thể hoàn tất một bài toán, hình dung ra được con tàu tạo nên kỳ tích trong cuộc chiến thần thánh được hình thành nhọc nhằn ra sao. Và trên hết, trong quá khứ, dù thiếu thốn đủ điều, đất nước đã gửi những người con đi học về nghề biển từ nhiều nước trên thế giới, tại những trung tâm biển cả lớn của khối XHCN lúc bấy giờ như Thượng Hải, Đại Liên (Trung Quốc), Gdansk (Ba Lan), Rostok (CHDC Đức)... để những “hạt giống đỏ” đó đã tạo nên diện mạo ban đầu của ngành đóng tàu nước ta. Trong đó, có kỹ sư thiết kế Lương Văn Triết, người thiết kế chính của phương án tàu 100 tấn, con tàu không số”.

Câu hỏi mà kỹ sư Đỗ Thái Bình đặt ra cũng là điều mà chúng tôi trăn trở. Những năm tháng “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” ấy, các con tàu không số đã được phác thảo, thiết kế ra sao? Rủi cho chúng tôi, nhóm các nhà nghiên cứu mà kỹ sư Bình “bật mí” đều ở vào độ tuổi gần đất xa trời, nhiều người đã ra đi. Kỹ sư Lương Văn Triết cũng mất ít ngày sau khi ông Bình có bài viết trên blog. Nhưng trong muộn màng, chúng tôi vẫn may mắn tìm lại được một người nắm giữ bí mật kỹ thuật của “Chồn Alpha” cùng hàng trăm con tàu không số khác...

(Theo qdnd.vn)

Bài 2: Người “tạo hình” cho tàu không số

Ghi chép của NGUYÊN MINH - NGỌC HƯNG

 

Go to top