Cơ hội lớn phát triển đội tàu biển trong nước

Quy định ưu tiên đội tàu biển trong nước chạy các tuyến nội địa được đưa vào dự thảo Bộ luật Hàng hải VN...

3
Đội tàu biển trong nước sẽ được ưu tiên trên các tuyến nội địa

Quy định ưu tiên đội tàu biển trong nước chạy các tuyến nội địa được đưa vào dự thảo Bộ luật Hàng hải VN sửa đổi đang trình Quốc hội thông qua, được cho là cơ hội lớn phát triển đội tàu biển khi thị trường này có giá trị tới hơn 1 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Rõ chính sách lớn

Bộ GTVT vừa báo cáo Quốc hội việc xây dựng Bộ luật Hàng hải (sửa đổi), trong đó có nội dung quy định về quyền vận tải nội địa, nhằm bảo hộ quyền vận tải của đội tàu biển trong nước. Trong khi Bộ luật Hàng hải hiện hành, tại Điều 7, chỉ quy định tàu biển Việt Nam được ưu tiên vận tải nội địa với hàng hóa, hành khách và hành lý, dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi quy định rõ ràng hơn: “Hàng hóa, hành khách và hành lý vận chuyển nội địa bằng đường biển phải được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam, thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Nếu đội tàu trong nước không thực hiện được thì tàu nước ngoài mới được tham gia vận tải với những trường hợp cụ thể.

"Hiện đội tàu biển nội đã đảm đương gần như 100% lượng hàng vận tải trong nước bằng đường biển. Điều này cũng khiến cho việc cơ cấu lại đội tàu theo hướng tăng trọng tải tàu container đã diễn ra nhanh hơn. Minh chứng là số tàu container chạy nội địa đã tăng từ 19 chiếc năm 2013 lên 30 tàu trong năm 2014. Hiện tỷ trọng tàu container mới chỉ chiếm 3,5% tổng trọng tải đội tàu biển VN, trong khi con số này của thế giới là 14%. Nếu quy định về quyền vận tải nội địa cho đội tàu biển Việt Nam chính thức được xác lập tại Bộ luật Hàng hải VN sửa đổi lần này, kỳ vọng về tái cơ cấu đội tàu biển Việt Nam sẽ tích cực hơn”.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN
Nguyễn Xuân Sang

Để đội tàu trong nước làm tốt vận tải đường biển nội địa, dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi cũng bổ sung quy định về chính sách ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua ưu đãi về thuế, lãi suất, ưu tiên phát triển đội ngũ thuyền viên đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế...

Thực ra, từ hơn 2 năm nay, Bộ GTVT đã quy định quyền ưu tiên vận tải nội địa cho đội tàu biển Việt Nam. Chủ trương trên là “liều thuốc tăng lực” cho các hãng vận tải biển trong nước ở  giai đoạn đặc biệt khó khăn.

“Trong đó, chỉ tính riêng Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), “anh cả” trong lĩnh vực vận tải biển, đã giải quyết được đủ việc làm cho người lao động và “hầu hết các tàu container của Vinalines đưa từ nước ngoài về đều đã bắt đầu có chân hàng tương đối ổn định trên các tuyến nội địa”, ông Bùi Việt Hoài, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trang, Phó giám đốc Công ty vận tải Biển Đông, từ đầu năm 2013 đến nay, khi Bộ GTVT có quy định hạn chế cấp phép cho tàu nước ngoài vận chuyển container tuyến nội địa, đơn vị này đã lấy hai tàu cho nước ngoài thuê về tự khai thác đều đặn cùng với 5 tàu trong nước.

Tương tự, Công ty Vận tải Vinapco, dù đã có ba tàu chạy tuyến Hải Phòng - TP HCM, vẫn đầu tư thêm một tàu container để mở tuyến Hải Phòng - Đà Nẵng. Đại diện DN này cho biết, sản lượng hàng trung bình trên tuyến nội địa của hãng đã tăng khoảng 5% so với năm trước.

“Đến nay, sau hơn 2 năm ngừng cấp phép trên diện rộng cho tàu nước ngoài vận tải container tuyến nội địa, nhiều DN vận tải biển Việt Nam đứng bên vực phá sản đang có cơ hội hồi phục trở lại. Một số DN trước đây phải đưa tàu ra nước ngoài cho thuê, nay đã đưa về khai thác, thậm chí có DN còn đầu tư mua thêm tàu”, ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN nói.

Doanh nghiệp tập trung mạnh cho vận tải nội địa

Nắm bắt chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với vận tải biển nội địa khi dự thảo Bộ luật Hàng hải sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhiều doanh nghiệp quyết định tập trung mạnh cho vận tải nội địa. Ngày 20/10 vừa qua, tàu Vạn Hưng của Công ty Vận tải Biển Đông có chuyến đầu tiên khai thác tuyến dịch vụ nội địa đưa hàng về các tàu mẹ đi Mỹ, châu Âu đã cập cảng Cái Mép (CMIT) và làm hàng thành công. 

Ông Bùi Việt Hoài, Phó Tổng giám đốc Vinalines phụ trách khối vận tải biển, đồng thời là Chủ tịch HĐTV cảng CMIT bày tỏ vui mừng khi chuyến tàu đầu tiên khai thác tuyến dịch vụ nội địa, chở hàng xuất khẩu ở miền Bắc và miền Trung về trung chuyển tại Cái Mép - Thị Vải, sau đó được xếp trực tiếp lên các chuyến tàu mẹ đi Mỹ, châu Âu và ngược lại. Từ đó, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tham gia các thị trường lớn, tăng sức cạnh tranh và giúp giảm thiểu chi phí.

Nhiều hãng vận tải biển nhỏ hơn như: VietSun, Hải An, Tân Cảng cũng cho biết đang tính phương án thuê thêm tàu từ các DN khác để tăng số lượng tàu, mở thêm tuyến mới trong nội địa như Hải Phòng đi Cửa Lò, Vũng Áng, Quy Nhơn...

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang, cho biết, thực tế 2 năm qua cho thấy năng lực đội tàu nội hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu vận tải hàng hóa đường biển trong nước và vẫn còn dư thừa khoảng 20%. Hiện các tàu chạy từ Nam ra Bắc mới đạt khoảng 80% công suất, trong khi tuyến ngược lại chỉ đạt 50% công suất. Cùng với đó, giá cước vận tải biển vẫn trong xu hướng giảm sâu. Do vậy, thực hiện quyền bảo hộ vận tải nội địa là rất quan trọng, tạo điều kiện cho sự phục hồi đội tàu trong nước.

Đại diện Cục Hàng hải VN cũng khẳng định, việc ưu tiên quyền vận tải nội địa của quốc gia là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam. Hầu hết các quốc gia đều bảo vệ nghiêm ngặt quyền này nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế cũng như thúc đẩy ngành vận tải biển trong nước. 
 
 
Nguồn: baogiaothong.vn
Go to top