Cơ hội nào cho thị trường ngành đóng tàu Việt

Sau thời gian khủng hoảng kéo dài, đến nay, ngành đóng tàu của Việt Nam đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức do thị trường đóng tàu của thế giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi trầm lắng.
 

Doanh nghiệp đóng tàu cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, củng cố thương hiệu, hướng tới phát triển lâu dài, bền vững.

Nỗ lực hồi sinh

“Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 120 nhà máy đóng, sửa chữa tàu với trọng tải trên 1.000 tấn, với 170 công trình nâng hạ thủy. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 2,6 triệu tấn/năm, nhưng năng lực thực tế chỉ đạt 800.000 - 1 triệu tấn/năm”

Ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ từ năm 2002 và mới chỉ đang trong giai đoạn tiếp nhận chuyển giao từ các trung tâm đóng tàu lớn ở châu Á. Hiện nay, ngoài Vinashin được thành lập từ năm 2006 (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) giữ vai trò nòng cốt, ngành đóng tàu của Việt Nam còn có các cơ sở đóng tàu thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số tập đoàn và tổng công ty Nhà nước khác, các cơ sở đóng tàu thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, các DN địa phương và DN FDI.

Cùng với khủng hoảng của ngành đóng tàu toàn cầu, thời gian qua ngành đóng tàu của Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm. Sự đổ vỡ của Vinashin đã làm cho ngành công nghiệp đóng tàu cùng với hàng chục nghìn người lao động lâm vào cảnh khốn đốn khi hàng loạt các nhà máy đóng tàu lớn nhỏ tại Việt Nam bị hủy đơn hàng, thiếu việc làm...

Xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp này, Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo tái cơ cấu ngành đóng tàu một cách mạnh mẽ. Đối với Vinashin (nay là SBIC), từ 2010-2015 là giai đoạn tổng công ty phải tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và cũng là giai đoạn DN này gặp rất nhiều khó khăn do đối tác nước ngoài huỷ hợp đồng, khách hàng truyền thống là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng tạm dừng dự án đóng hàng chục tàu biển… Đến nay, cùng với sự hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước, SBIC đã và đang thực hiện công cuộc tái cơ cấu và đã thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Hội thảo "Xác định thị trường tiềm năng cho các nhà máy đóng tàu Việt nam" diễn ra tại Vietship 2016

Theo ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng giám đốc SBIC, thời gian qua một số dự án đóng tàu gồm đóng mới hoặc triển khai tiếp tàu đóng dở đã được khởi động lại, đặc biệt việc SBIC và đơn vị thành viên ký được các hợp đồng đóng tàu cho nước ngoài khiến cho hy vọng hồi phục có cơ sở hơn. Theo lãnh đạo SBIC, năm 2015 toàn tổng công ty đã triển khai thi công được 254 sản phẩm, gồm 15 tàu kiểm ngư, 20 tàu cá, 143 sản phẩm khác và phương tiện thuỷ nội địa…, đã bàn giao 178/254 sản phẩm, lợi nhuận toàn tổng công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng. 

Mô hình tàu kiểm ngư hiện đại KN-781 do Nhà máy Đóng tàu Hạ Long (thuộc SBIC) đóng mới tại triển lãm Vietship 2016
 
Nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) hiện cũng đã khôi phục hoạt động đóng tàu 56.000 tấn, đồng thời tiếp tục thực hiện một số sản phẩm tàu lớn và tìm kiếm các chủ tàu mới.
Ông Đặng Văn Cảnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy cho biết, trước đây DN của ông chuyên đóng các loại tàu như tàu hàng, tàu khách, đầu kéo và đã từng đóng tàu lớn tới 7.000 tấn. Tuy nhiên, trải qua thời kỳ khó khăn, dự án bị đình trệ, hoạt động của DN gần như cầm cự, đến nay DN đã và đang mở rộng chủng loại sản phẩm, đi sâu vào một số mảng khác như du thuyền, tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới. Tới đây DN cũng chuẩn bị ký hai hợp đồng đóng tàu hàng tải trọng 3.000 tấn.
Nhiều cơ hội phát triển
Là quốc gia có bờ biển dài cùng với vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông rộng hơn 1 triệu km2, và là một trong 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về độ dài của bờ biển ở ba hướng Đông, Nam và Tây Nam, Việt Nam vẫn luôn được xác định là nước có vị trí thuận lợi để phát triển ngành đóng tàu. Bên cạnh đó, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định kinh tế biển là động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng khác phát triển, tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020 là phát triển công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển. Cùng với nhu cầu vận tải sẽ tăng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, đây chính là những cơ hội, tiềm năng cho ngành đóng tàu trong việc khôi phục và phát triển bền vững.

Từ cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển công nghiệp đóng tàu trên cơ sở sự hợp tác chiến lược với Nhật Bản. Với kế hoạch này, Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa ngành đóng tàu trở thành ngành mũi nhọn trong thực hiện Chiến lược kinh tế biển. Theo đó sẽ tập trung vào sản xuất một số gam sản phẩm phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam và xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia có ngành đóng tàu với chất lượng cao, tốc độ tăng giá trị sản lượng toàn ngành đạt từ 5-10%/năm...

Không phải ngẫu nhiên mà thị trường đóng tàu Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, hãng tàu, trong đó có những cường quốc, tập đoàn đóng tàu lớn. Damen, tập đoàn đóng tàu lớn của Hà Lan, đã đầu tư 60 triệu USD để xây dựng nhà máy liên doanh đóng tàu Damen – Sông Cấm. Theo ông J.F Van Drenth, Giám đốc hợp tác kỹ thuật của Tập đoàn Damen, từ năm 2003 đến nay, Damen đã thực hiện đóng hơn 100 sản phẩm tàu các loại tại nhà máy Đóng tàu Sông Cấm dưới sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Với tay nghề cao và quản trị tốt, nhà máy Đóng tàu Sông Cấm đã thực hiện đúng các cam kết về chất lượng theo tiêu chuẩn của Damen, đảm bảo tiến độ, thời gian bàn giao tàu… Cũng theo đại diện Damen, DN này đang trong quá trình thảo luận về việc đầu tư tiếp ở vị trí Bến Kiền (Hải Phòng) thuộc nhà máy Đóng tàu Sông Cấm. Những thông tin cụ thể chưa được đại diện Damen tiết lộ, nhưng mức độ đầu tư cũng có thể tương đương giai đoạn trước.
Yếu về thiết kế kỹ thuật
Hiện công nghiệp đóng tàu Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết, theo những thông tin chia sẻ của ông Đàm Đình Vĩnh, chuyên gia thuộc Công ty môi giới tầu biển quốc tế Maersk Broker, thị trường đóng mới tàu trên toàn thế giới hiện đang rất khốc liệt khi nhu cầu đóng tàu đang giảm, giá cả ở tất cả các phân khúc tàu đang tương đối thấp và các hãng đóng tàu nói chung đang cạnh tranh quyết liệt ở mọi lĩnh vực như chiến lược về loại hình tàu, giá cả, về vấn đề tài chính, dịch vụ... 
Về hạn chế nội tại, năng lực thi công của ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay chỉ đạt 30-40% công suất thiết kế. Công nghiệp hỗ trợ rất quan trọng đối với ngành đóng tàu nhưng tiến độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ còn chậm, đầu tư dàn trải, chưa đạt được mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa. Về nhân lực, các lao động đóng tàu có chứng chỉ quốc tế còn rất ít so với yêu cầu. Về thiết kế, theo các chuyên gia, khâu thiết kế kỹ thuật hiện chỉ đáp ứng được yêu cầu cho các dòng tàu nhỏ, thông dụng. Việt Nam chưa có bể thử mô hình đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các mẫu thiết kế mới, toàn bộ thiết kế kỹ thuật của các tàu XK vẫn mua của nước ngoài. Đây là điểm yếu nhất của ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay và sẽ còn là điểm yếu trong thời gian tới nếu không có chính sách ưu tiên đầu tư, đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế.
Các DN đóng tàu cũng đang gặp phải khó khăn về vấn đề tài chính khi việc vay vốn ngân hàng để sản xuất gần như là không thể. Chia sẻ với Báo Hải quan, ông Đặng Văn Khanh, Phó trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Đóng tàu 76 cho biết, hệ thống chính sách cho ngành mới chỉ đúng về mặt chủ trương, nhưng triển khai còn hạn chế. DN gần như không vay được vốn của ngân hàng. Đóng tàu đòi hỏi vốn rất lớn, do đó gần như DN phải huy động từ chủ tàu, anh em, bạn bè và các đối tác cung cấp vật tư. “May mắn của chúng tôi là chủ đầu tư xác định thị trường rất tốt vì thế đã thanh toán đúng thời hạn, nhờ đó chúng tôi sản xuất và giao tàu đúng tiến độ”, ông Khanh cho biết.
"Mặc dù ngành công nghiệp đóng tàu hiện nay vẫn chưa hoàn toàn vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng tiềm ẩn trong thách thức cũng chính là những cơ hội. Đây là thời điểm để các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tàu thuỷ đánh giá và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, củng cố thương hiệu, tiếp tục duy trì và hướng tới phát triển lâu dài, bền vững", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công nhấn mạnh. 
 
Tổng hợp theo baohaiquan.vn
(Tên bài do BBT đặt)
Go to top