Damen mua 70% cổ phần nhà máy đóng tàu Sông Cấm

Đề nghị của Tập đoàn Damen mua 70% cổ phần Nhà máy đóng tàu Sông Cấm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Damen mua 70% cổ phần nhà máy đóng tàu Sông Cấm

Công ty CP đóng tàu Sông Cấm từ hơn 10 năm nay đã hợp tác đóng tàu theo các đơn hàng của Damen

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN vừa cho biết, đề nghị của Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan) về việc mua 70% cổ phần Nhà máy đóng tàu Sông Cấm mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hiện SBIC đã có văn bản báo cáo, trình Bộ GTVT phương án bán.

Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm được đánh giá là một trong những "đứa con" khỏe mạnh nhất của SBIC, không bị “dính bão Vinashin”, không hề thua lỗ trong suốt nhiều năm qua và là đơn vị đưa về nhiều ngoại tệ nhất cho SBIC nhờ các hợp đồng xuất khẩu tàu có giá trị kỹ thuật cao, trong đó nổi bật nhất là sản phẩm từ nhà máy liên danh với Tập đoàn Hà Lan mang tên Damen Sông Cấm.

Còn Damen là tập đoàn đóng tàu lớn trên thế giới và không hề xa lạ với ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Đối tác Hà Lan này bắt đầu hợp tác với Vinashin – tiền thân của SBIC từ hơn mười năm trước và hiện cũng là đối tác quan trọng của nhiều công ty đóng tàu thành viên của SBIC mà nổi bật nhất là nhà máy đóng tàu liên danh Damen – Sông Cấm có giá 60 triệu USD vừa khánh thành đầu năm 2014, trong đó 70% vốn góp từ nhà đầu tư Hà Lan. Đối tác này cũng đã đặt vấn đề mua lại đa số cổ phần tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, một doanh nghiệp thành viên khác của SBIC khi doanh nghiệp này IPO tới đây. Hiện tại, Damen cung cấp gần như toàn bộ các đơn hàng, giúp nhà máy Sông Cấm và Hạ Long “làm không hết việc” giữa lúc thị trường đóng tàu trong nước và thế giới đang chưa phục hồi.

Lãnh đạo SBIC cho biết, chủ trương chọn Damen làm đối tác chiến lược đã được phê duyệt trong đề án tái cơ cấu Sông Cấm. Việc tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới chuyên về tàu có hàm lượng chất xám rất cao này mua cổ phần tại Sông Cấm không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư phục vụ chủ trương tái cơ cấu SBIC, mà còn góp phần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân có tay nghề giỏi, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường đóng tàu thế giới, đồng thời tạo sức lan tỏa đối với các nhà máy đóng tàu thuộc SBIC.

Bên cạnh đó, việc SBIC chuyển nhượng cổ phần cho Damen là phù hợp với chủ trương của Chính phủ đã được đề cập tại Quyết định số 1224 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2013 về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trong đó có nội dung giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các đơn vị thành viên SBIC. Nghị định 60 năm 2015 vừa được Chính phủ ban hành, hướng dẫn Luật chứng khoán cũng nêu chủ trương không hạn chế room ngoại ở một số ngành nghề.

 
Nguồn: baogiaothong.vn
Go to top