Để có những con tàu

1. Nước ta có 3 mặt: Đông, Nam và Tây Nam tiếp giáp với biển, với đường bờ biển dài tới 3.260km. Diện tích biển Việt Nam hơn 1 triệu km2, lớn hơn 3 lần diện tích đất liền.

Từ thuở xa xưa, các thế hệ người Việt đã biết đóng thuyền để mở nước và dựng nước. Hình ảnh chiếc thuyền và mái chèo, còn lưu lại trên mặt những trống đồng.

Nghề đóng thuyền trong lịch sử nước ta đã phát triển rực rỡ. Trong sách Vũ Bị Chế thời Minh (Trung Quốc) - kẻ xâm lược nước ta thời nhà Hồ đã chép rằng:

“Cách đóng thuyền của người Việt khác hẳn với phương Bắc, thuyền người Việt không đóng đinh, không xảm bằng sợi gai tẩm dầu, mà lại dùng tre, cỏ xảm vào khe hở…”

Cũng không ngoa ngôn khi nói rằng, tàu thuyền của ông cha ta thuở xưa có những kỹ thuật vào loại hàng đầu của thế giới. Chính John Brarow, viện hàn lâm khoa học nước Anh khi sang Việt Nam vào thế kỷ 17 đã tường thuật rằng: “Thuyền biển của Việt Nam tuy đi không nhanh lắm, nhưng rất chắc, có thể đâm vào đá ngầm mà không bị chìm, vì nước chỉ vào được một khoang. Hiện nay ở bên Anh đã bắt chước cách làm này áp dụng vào việc đóng tàu”.

Thành phố Hải Phòng được thành lập ngày 19 tháng 7 năm 1888, tại đây đã có những cơ sở đóng và sửa chữa tàu thủy của người Pháp và người Việt.

Xưởng tàu A.R.Marty do nhà doanh nghiệp Việt Nam Bạch Thái Bưởi mua lại của Pháp năm 1915 đã trở thành xưởng đóng tàu đầu tiên của người Việt.

Sau ngày hòa bình lập lại (1954) Hải Phòng được Đảng và Nhà nước chọn để phát triển công nghiệp đóng tàu. Những cơ sở đóng tàu của các nhà tư sản đã được tổ chức lại cùng với đầu tư mới thành xưởng đóng tàu I, II, III, IV. Đó chính là cái nôi để có những Bến Kiền, Phà Rừng, Nam Triệu, Bạch Đằng, Sông Cấm, Tam Bạc của công nghiệp đóng tàu bây giờ.

 2. Đóng tàu Việt Nam đã có lịch sử hàng trăm năm trước, nhưng để có một ngành công nghiệp đóng tàu quốc gia thì phải tính từ ngày 31 tháng 1 năm 1996 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 69/TTg thành lập Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam -Vinashin).

 Cùng với quyết định ra đời một ngành công nghiệp làm nòng cốt cho đóng tàu và sửa chữa tàu cả nước, là những cơ chế đặc biệt mà Đảng và Nhà nước đã dành cho công nghiệp đóng tàu.

Sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp này đã tạo tiền đề cho Vinashin nhanh chóng vươn lên hội nhập với thế giới trong lĩnh vực đóng mới tàu thủy.

Hàng loạt đơn hàng của các chủ tàu trên thế giới đã đến Việt Nam đặt đóng tàu. Những con tàu đi biển đóng mới xuất khẩu trọng tải từ 6.500, 6.800, 11.500, 22.000, 34.000, 53.000 DWT... đã được đóng thành công, Vinashin đã ghi tên mình vào địa chỉ các quốc gia đóng tàu phát triển. Thương hiệu đóng tàu Việt Nam không chỉ được biết đến ở những sản phẩm tàu chở hàng với cấp đi biển không hạn chế, mà còn đóng thành công những loại tàu có hàm lượng khoa học cao luôn chỉ dành cho các quốc gia có công nghệ đóng tàu phát triển như: tàu chở ô tô, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở dầu, tàu công vụ trên biển…
Các chủ tàu của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh quốc, Đức, Hà Lan, Israel… đã là khách hàng của công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Sự phát triển công nghiệp đóng tàu nước ta đã tạo nên lớp người mới có kiến thức, tay nghề và lòng nhiệt huyết với ngành.

Từ nhận thức: Để có những con tàu mang đẳng cấp quốc tế, phải có những con người mang tầm vóc thời đại.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là điều cốt lõi để giải quyết vấn đề con người. Con người trong đạo đức Hồ Chí Minh không tồn tại như một phạm trù có tính trừu tượng, mà được đề cập một cách cụ thể. Bác đã từng định nghĩa:

“Chữ người nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn, nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn là cả loài người”.

Học Bác, cả Tập đoàn Vinashin là một thể thống nhất tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết, sáng tạo, để làm chủ khoa học công nghệ của thời đại.

Tấm gương đạo đức của Bác là bài học vươn tới đỉnh cao, mà bất cứ ở cương vị công tác nào trong cả Tập đoàn đều có thể nhận thức và áp dụng cho công việc của chính mình.

Hơn 4.000 bài viết về những điển hình tiêu biểu trong lao động của cả Tập đoàn, là kết quả cuộc thi viết về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ủy Vinashin đã phát động.

Chưa bao giờ những tấm gương của người lao động Vinashin lại được phản ảnh phong phú như thế bằng chính ngòi bút của người lao động.

Chúng ta gặp trong những bài tham gia dự thi những anh chị thợ hàn, thợ ống, thợ cơ khí, lắp ráp; thợ sơn, thợ điện…của tất cả các đơn vị thành viên trong Tập đoàn từ Bắc đến Nam đang góp sức làm nên những con tàu. Chúng ta gặp những gương mặt quen của những kỹ sư thiết kế, chỉ đạo thi công, quản lý, những thầy cô giáo trong nhiều đơn vị của Tập đoàn. Họ làm những công việc khác nhau, như những mảnh ghép tổng đoạn để đấu ráp nên những con tàu.

3. Vinashin đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Chủ trương của Chính phủ là xây dựng Tập đoàn trở thành nòng cốt của công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải, thực hiện chiến lược biển Việt Nam tới năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc tái cơ cấu phải duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, tập trung vào 3 lĩnh vực chính:

- Đóng mới và sửa chữa tàu biển.

- Sản xuất công nghiệp phụ trợ phục vụ đóng và sửa chữa tàu.

- Đào tạo nguồn nhân lực.

Thời gian này, lãnh đạo Tập đoàn đã phát động đợt thi đua 60 ngày đêm nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2010 để chào mừng Đại hội đại biểu Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với tư duy mới: “Phải thay đổi quan điểm về quản lý, điều hành từ con người tới cơ chế”.

Ngày 26 tháng 10 năm 2010, một bản giao ước thi đua đã được ký kết giữa lãnh đạo Tập đoàn với 14 Tổng Giám đốc các đơn vị thành viên.

Sự thay đổi quan điểm về điều hành và quản lý của một Vinashin mới đã làm cho đợt thi đua này đạt được kết quả cao với việc hoàn thành 42 tàu, vượt chỉ tiêu 7 tàu trong năm 2010.

Trong đó có những con tàu tưởng như không thể bàn giao trước thi đua, nhưng cũng đã hoàn thành vượt tiến độ, như: tàu chở Ethylene 4.500m3 số 1, tàu container 1.700 TEU của Bạch Đằng, tàu hàng 53.000 DWT của Nam Triệu, tàu khách 64 phòng của Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, tàu hàng 6.800 DWT của Công ty Công nghiệp và hàng hải Saigon, tàu hút bùn 2.800 m3  của Công ty Công nghiệp tàu thủy Bến Kiền. Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm đã bàn giao 6 tàu công tác trên biển xuất khẩu cho vương quốc Hà Lan. Đặc biệt công ty đóng tàu Hạ Long đã hoàn thành 2 chiếc tàu xuất khẩu gồm tàu chở hàng 53.000 DWt (HL09) xuất cho chủ tàu Đức và tàu chở ô tô 4.900 xe (HL02) cho Israel mà trước thi đua tưởng chừng không thể kịp tiến độ.

Khi chiếc tàu 11.500 DWt bàn giao ở Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Ông Henji Okada trưởng văn phòng đại diện của Tập đoàn Kanematsu của Nhật Bản (đại diện chủ tàu) tại Việt Nam đã nói rằng:

“ Trong vòng 10 năm, chúng tôi đã đóng mới ở Vinashin 12 chiếc tàu. Nhưng lần này được nhận bàn giao tàu sớm. Bởi vậy, có thể khẳng định Việt Nam có đủ khả năng thực hiện tốt các hợp đồng. Chúng tôi hứa sẽ làm tốt vai trò liên kết giữa Nhật Bản với Vinashin trong lĩnh vực đóng mới phương tiện vận tải biển”.

4. Quá trình tái cơ cấu Vinashin, Tập đoàn luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đồng thời là Trưởng ban tái cơ cấu Vinashin đã nhiều lần đến làm việc với Tập đoàn.

Sáng ngày 26 tháng 1 năm 2011, Phó Thủ tướng đã đi thăm và chúc Tết cán bộ công nhân Tập đoàn.

Tại hai đơn vị: Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Phó Thủ tướng đã đến tận triền đà, nơi đang đấu nối những con tàu, tặng quà cho những người lao động.

Phó Thủ tướng đã ân cần:

“Từ 2012, Vinashin phải phát triển. Muốn làm được điều này, Tập đoàn cần có lực lượng lao động tay nghề cao để đóng được những con tàu có chất lượng, đẳng cấp quốc tế. Cán bộ Vinashin ở mọi cương vị công tác phải gương mẫu, toàn Tập đoàn phải đoàn kết như Bác Hồ đã từng dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Năm 2011 này vừa tròn 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911- 2011). Vinashin đã lựa chọn 100 gương mặt điển hình tiên tiến trong Tập đoàn hội tụ về Hà Nội để báo cáo với Bác về việc chúng cháu đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, nhằm xây dựng một Vinashin mới để gánh vác trọng trách là nòng cốt cho nền công nghiệp đóng tàu của nước nhà.

5. Đất nước ta chưa hết những khó khăn, công nghiệp đóng tàu Việt Nam còn đầy những bộn bề. Vinashin tiếp tục và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03/CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế đang tồn tại, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Vinashin sẽ lấy lại uy tín bằng thương hiệu của mình trong những sản phẩm đóng tàu, sửa chữa tàu, sản xuất phụ trợ cho đóng tàu.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu và yêu cầu tái cơ cấu Tập đoàn trong bối cảnh Tập đoàn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức; Để làm ra những con tàu cho đất nước ngày càng có chất lượng cao hơn, vừa xuất khẩu, vừa sử dụng cần có những con người vững tay nghề và một trái tim cùng nhịp đập với Tập đoàn.

Hơn bao giờ hết, đội ngũ những người thợ của Vinashin cần một sự đoàn kết để tạo nên sức mạnh. Chúng ta thường nói tới phát huy nội lực. Nội lực của chúng ta chính là con người.

Con người Vinashin là con người của một nền công nghiệp có kỹ thuật, có kỷ luật, luôn làm chủ những máy móc hiện đại, quản lý những cơ sở sản xuất hiện đại để biến những tấm sắt thép thành con tàu, mang thương hiệu của Việt Nam.

Những Tổng Công ty, Công ty thành viên của Tập đoàn dù ở vị trí địa lý nào: Hạ Long, Nam Triệu, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Nhưng sản phẩm của chúng ta đều có chung một thương hiệu, đó là Vinashin.

Hàng chục vạn con người dù ở bất cứ vùng quê nào của Tổ quốc, nhưng đều chung một mái nhà đó là mái nhà Vinashin. Tất cả chúng ta đang chung tay xây dựng một Vinashin mới để đủ sức gánh vác trọng trách mà Đảng và Nhà nước đã giao cho, đó là nòng cốt của công nghiệp đóng tàu Việt Nam, để góp phần phát triển kinh tế biển và giữ vững an ninh quốc phòng, như tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI.

Đỗ Quyên

 

Go to top