Giao thông vận tải nhìn từ Công nghiệp đóng tàu

Việt Nam, một quốc gia có nhiều sông trên 41.000 km cùng với biển rộng và dài, nên giao thông thủy đã hình thành và phát triển sớm so với các loại hình giao thông khác.
 

Trong lịch sử người Việt, thì kiến thức thủy văn, khí tượng, kinh nghiệm tác chiến thủy cũng như kỹ thuật chế tác thuyền đã có trước cả thời đại Hùng Vương.

Những kinh nghiệm ấy ngày càng phát triển và được hệ thống lại cùng với kỹ thuật trắc địa, kỹ thuật thi công, kỹ thuật đóng phương tiện đã giúp nhà Lê ở thế kỷ thứ X, đào hệ thống kênh để tiến về phương Nam, mà ngày nay vẫn gọi là hệ thống kênh nhà Lê.

Còn kỹ thuật chế tác phương tiện thì nhiều cuốn sách in bằng tiếng nước ngoài đã từng mô tả:

“Thuyền gỗ của người Việt không đóng đanh, không sảm bằng sơ gai tẩm dầu, mà dùng tre, cỏ dầu rái để bịt các mối ghép...” (Sách Vũ Bị Chí thời Minh), hoặc: “Thuyền biển của người Việt được chia thành nhiều khoang, nên dù đâm vào đá ngầm, nước cũng chỉ vào được một khoang, không bị chìm...” (John Barrow, Hội Hoàng gia Anh thế kỷ XVIII), hoặc “Những chiếc thuyền chiến chạy buồm có một hệ thống truyền động phức tạp, có thể đi biển vào mọi lúc, mọi hướng...” (Sách Thái Bình Ngự lãm).
Hình ảnh thuyền buồm của người Việt cổ đã xuất hiện trong các tài liệu nước ngoài.
 

Nghề đóng thuyền của dân tộc Việt đã tạo ra không chỉ có những thuyền buôn để vượt biển, mà còn cả một hệ thống thuyền chiến. Vào năm 40, nữ tướng Lê Chân (của Hai Bà Trưng) được giao trấn giữ cửa biển An Biên (Hải Phòng) với một đạo quân thủy, thuyền chiến của Lê Chân trong một trận đã đánh chìm 4 chiến thuyền bọc sắt của Mã Viên, đủ để đoán rằng việc chế tạo thuyền chiến của nữ tướng vững chãi như thế nào.

Hai trận Bạch Đằng (938,1288), trong đó Bạch Đằng 1288, 400 chiến thuyền của quân Nguyên rơi vào tay quân Trần, hơn 4 vạn tướng sĩ Nguyên Mông đã bị loại khỏi vòng chiến. Chứng tỏ kỹ nghệ đóng thuyền của Đại Việt đã tinh xảo hơn thuyền chiến ngoại bang.

Lịch sử chép rằng “Thời Lý đã có những xưởng lớn để đóng thuyền chiến, xuất xưởng mỗi năm vài, ba trăm chiếc, có thuyền chở được 200 người với số lượng thực mang theo cho một hành trình hàng ngàn cây số...” (Theo Hoàng Xuân Hãn).

Bắt đầu từ chiếc thuyền độc mộc phát triển thành những chiếc thuyền lớn chạy buồm, rồi đến thuyền có máy gọi là Thủy Xa một thành, tàu lắp động cơ hơi nước (1838) được đặt tên là Yến Phi, Vân Phi, Vụ Phi... là một quá trình phát triển của công nghệ đóng tàu Việt Nam trong nhiều thế kỷ.

Những con tàu ấy đã làm thay đổi không chỉ giao thông thủy, mà còn tăng sức mạnh quốc phòng của các triều đại phong kiến Việt Nam...Một đại tá Hải quân Mỹ tên là White đến Việt Nam (1820) đã thốt lên rằng: “Người Việt quả là những nhà đóng tàu thành thạo. Họ hoàn thành công trình với một kỹ thuật hết sức chính xác”.

Vào ngày 2 tháng 3 năm 1801, khi mô tả về thủy quân Việt ở Thi Nại, Jean Baptist Chaigneau đã viết: “Ở đó (Thi Nại Quy Nhơn) có 300 pháo hạm, 100 tàu chở quân, 93 thuyền chiến trên mỗi thuyền có 1 đại bác cỡ nòng 36, 40 tàu khác, mỗi tàu có 16 súng cỡ nòng 12...Tổng cộng có tới 600 thuyền và thương thuyền...”

Năm 1817 nhà Nguyễn đã cho đào Kênh Kiên Giang, năm 1819 đào tiếp kênh Vĩnh Tế (nối liền Châu Đốc – Hà Tiên), tạo một hệ thống giao thông thủy thuận tiện cho Nam Bộ. Nghề đóng tàu thuyền đã phát triển và trở thành phương thức vận tải chính của cả khu vực.

Nhà máy tàu thủy Ba Son được khởi công xây dựng năm 1858, còn ở Hải Phòng vào những năm 1871-1873, Bùi Viện được vua Tự Đức giao nhiệm vụ xây dựng bến cảng Ninh Hải ở cửa sông Cấm để phát triển giao thông thủy cũng như phòng thủ bờ biển.

Từ đó giao thông thủy (sông và biển) Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển. Đầu thế kỷ XX một số nhà doanh nghiệp của Việt Nam đã trở thành những tư sản vận tải thủy, mà nổi nhất là Bạch Thái Bưởi.
Đóng tàu không số TM2 tại Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng trong thời kháng chiến chống Mỹ
 

Vận tải thủy đã có vinh dự lớn đó là ngày 24 tháng 8 năm 1945 chiếc tàu chở Hồ Chủ Tịch đi theo tuyến sông Hồng, đã cập bến Phúc Xá an toàn để chuẩn bị cho ngày lễ mừng độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2 tháng 9 năm 1945).

Ngày 3 tháng 10 năm 1945, Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh số 41 thành lập Bộ Giao thông công chính. Với tầm nhìn chiến lược ngày 13 tháng 11 cùng năm, bộ trưởng giao thông công chính đã quyết định thành lập Ủy ban quản lý thương thuyền, để quản lý ngành vận tải thủy trong cả nước. Với tất cả phương tiện hiện có của ngành, từ cuối 1945 vận tải biển Bắc Nam đã hoạt động hai chiều. Từ Nam Bộ chở gạo ra Bắc, từ Bắc Bộ chở vũ khí vào Nam. Từ miền Trung chở muối cho các chiến dịch phía Bắc và được gọi là Hạt muối cụ Hồ để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài chống thực dân Pháp.
Tàu không số với những chiến tích trong kháng chiến chống Mỹ đã trở thành huyền thoại trong lịch sử ngành Giao thông nói chung và ngành đóng tàu nói riêng.
 

Những năm chống Mỹ, công nghiệp đóng tàu đã góp phần quan trọng để vận tải trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, bằng các loại tàu không số, chống phong tỏa thủy lôi ở các cảng biển, cảng sông bằng nhiều loại tàu trong đó có tàu không người lái ký hiệu T5.

Có thể nói công nghiệp tàu thủy đã làm thay đổi cục diện ngành vận tải thủy, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước như lời của Hồ Chủ Tịch: “Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ” (năm 1947).

Nước nhà thống nhất, vận tải đường thủy càng có vị trí lớn trong hệ thống giao thông cả nước. Tổng công ty công nghiệp tàu thủy được thành lập theo Quyết định 69/TTg ngày 31 tháng 1 năm 1996 do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký. Thủ tướng đã nhấn mạnh về ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu: “Đó là một quả đấm trong sự nghiệp phát triển nền cơ khí quốc gia”.

Bởi rằng, công nghiệp đóng tàu là bài toán kép, vì trước hết, đó là lĩnh vực tạo ra công cụ lao động của giao thông vận tải. Kế tiếp là công nghiệp đóng tàu sẽ thúc đẩy nhiều ngành sản xuất khác phát triển, đặc biệt là các ngành có tỷ lệ đầu tư khoa học công nghệ cao.
Rồi đến những con tàu chở hàng vạn tấn phục vụ cho vận tải biển trong nước
 
Hay những con tàu xuất khẩu ra nước ngoài có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị cao như tàu chở quân, hay tàu chở ô tô...
Đến những con tàu kiểm ngư hiện đại cho lực lượng chấp pháp trên biển của nước ta...
Và những con tàu cá vỏ thép vững chắc giúp ngư dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
 

Nhìn từ công nghiệp đóng tàu, có thể thấy kết quả của công nghiệp hóa ở một quốc gia biển như Việt Nam. Vươn ra biển để làm giàu từ biển là xu thế của các nước có biển trong thế kỷ XXI. Có ra được biển hay không là câu hỏi đặt cho công nghiệp đóng tàu. Hơn 1 triệu km2 biển cần bao nhiêu con tàu các loại để làm kinh tế, để bảo vệ chủ quyền biển đảo? Vẫn là giao thông, nhưng đó là giao thông nhìnt ừ công nghiệp tàu thủy, nhìn từ nền cơ khí chế tạo và các ngành khoa học cơ bản, phụ trợ để có những con tàu.

Từ 1945 đến 2015, vừa tròn 70 năm Giao thông vận tải Việt Nam. Giao thông thủy chưa bao giờ là thiếu vắng ở mọi thời kỳ lịch sử.

 

 
Bài Trọng Nghĩa
Go to top