Nhập tàu biển cũ để phá dỡ: Chặt chẽ, thận trọng

Sáng ngày 11/11, Chủ nhiệm UB Pháp luật báo cáo giải trình tiếp thu các ý kiến đóng góp chỉnh lý dự thảo Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).
 


Nhiều nội dung đột phá trong Luật Hàng hải sửa đổi sẽ giúp hàng hải phát triển

Sáng nay (11/11), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).

Khẳng định chính sách hỗ trợ hàng hải phát triển

Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Đa số các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo bộ Luật.́ Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến vào hơn 20 lĩnh vực gồm bắt giữ tàu biển, đăng kiểm tàu biển, phát triển hàng hải kết hợp đường thủy, vận tải nội địa, thanh tra hàng hải...

Có ý kiến đề nghị Bộ Luật Hàng hải cần điều chỉnh tất cả các loại tàu, thuyền hoạt động trên biển và tất cả các loại cảng biển, cảng thủy nội địa mà không nên quy định loại trừ như dự thảo Bộ luật.

Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng Bộ Luật Hàng hải chủ yếu điều chỉnh các đối tượng hoạt động hàng hải thương mại. Đối với tàu cá, giàn di động, ụ nổi, phương tiện thủy nội địa, tàu quân sự, cảng quân sự, cảng cá, cảng thủy nội địa thì hiện nay đã được điều chỉnh trong các văn bản luật khác, như Luật Thủy sản, Luật Giao thông đường thủy nội địa... Do đó, không thể đưa tất cả các đối tượng nêu trên vào điều chỉnh trong Luật này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp có liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng hải nhưng lại chưa được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật nên cần có sự điều chỉnh trong Bộ luật Hàng hải sửa đổi lần này. Kế thừa Bộ luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế về hàng hải mà nước ta là thành viên, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như thể hiện tại Điều 1 của dự thảo Bộ luật.

Có ý kiến đề nghị cần bổ sung chính sách xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực hàng hải và chính sách tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại trong hoạt động hàng hải. Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể các chính sách phát triển hàng hải mà không nên quy định chung chung như tại Điều 7 của dự thảo.

Tiếp thu các ý kiến này, UBTVQH đã cho chỉnh lý quy định về chính sách phát triển hàng hải theo hướng bổ sung chính sách về đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyển giao các ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và hiện đại trong lĩnh vực hàng hải như được thể hiện trong dự thảo Bộ luật.

UBTVQH cho rằng, chính sách cụ thể nhằm phát triển ngành hàng hải, như ưu đãi về thuế, vốn... còn phải tùy vào từng giai đoạn khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, không nên quy định cứng, cụ thể  mà chỉ nên quy định chung mang tính định hướng như được thể hiện tại Điều 7 và một số điều khác trong dự thảo Bộ luật.

Nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ: Chặt chẽ, thận trọng

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định cho phép nhập khẩu tàu biển cũ để phá dỡ tránh ảnh hưởng đến môi trường.

UBTVQH cho rằng việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Việc phá dỡ tàu biển không chỉ là phá dỡ tàu biển của nước ngoài mà còn có phá dỡ tàu biển của Việt Nam; đồng thời, việc này có liên quan đến phát triển công nghiệp đóng tàu của ngành hàng hải, vấn đề an toàn, an ninh hàng hải… nên cần được quy định trong Bộ Luật Hàng hải.

Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường như ý kiến của đại biểu đã nêu, dự thảo Bộ luật đã được bổ sung thêm một mục về phá dỡ tàu biển (Mục 8 Chương II từ Điều 46 đến Điều 50) để quy định chặt chẽ đối với việc phá dỡ tàu biển. Cụ thể bao gồm quy định về điều kiện của cơ sở phá dỡ, nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, phá dỡ tàu biển nước ngoài bị chìm đắm tại Việt Nam. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như thể hiện tại dự thảo Bộ luật đã được chỉnh lý.

Nhiều ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra hàng hải như quy định trong dự thảo Bộ luật. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định này để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật thanh tra. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng quy định về Thanh tra hàng hải như dự thảo Bộ luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu đặc thù có tính chuyên ngành của hoạt động hàng hải, theo các tiêu chuẩn của Tổ chức hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường; thực hiện thỏa thuận Tokyo về kiểm tra nhà nước của các quốc gia cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo – MOU); tương thích với các điều ước quốc tế khác về hàng hải mà nước ta là thành viên. Quy định như vậy cũng thống nhất với quy định về Chánh Thanh tra Cục hàng hải tại khoản 2 Điều 46 Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như tại Điều 11 dự thảo Bộ luật đã được chỉnh lý.

Bỏ quy định trình tự, thủ tục tố tụng bắt giữ tàu biển

Về bắt giữ tàu biển, nhiều ý kiến nhất trí việc luật hóa các quy định của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; đồng thời, đề nghị cân nhắc không nên quy định những vấn đề về trình tự, thủ tục tố tụng trong bắt giữ tàu biển vào Bộ Luật.

UBTVQH cho rằng việc bắt giữ tàu biển liên quan chặt chẽ đến quyền của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, nên việc luật hóa các quy định về bắt giữ tàu biển là cần thiết. Tuy nhiên, quy định về việc bắt giữ tàu biển bao gồm các quy định về thẩm quyền bắt giữ tàu biển và trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển theo tố tụng tư pháp. Bộ Luật Hàng hải chỉ nên có một số quy định mang tính nguyên tắc để điều chỉnh việc bắt giữ tàu biển; còn đối với các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng thì cần đưa vào trong Bộ luật tố tụng dân sự hoặc ban hành luật riêng để quy định.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã lược bỏ các điều quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong việc bắt giữ tàu biển ra khỏi Bộ Luật, chỉ giữ lại 15 điều (tại Chương VI từ Điều 133 đến Điều 147) quy định những nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc trong việc bắt giữ tàu biển, như về thẩm quyền bắt giữ, biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển, việc thả tàu biển sau khi bị bắt giữ… để phù hợp với đối tượng điều chỉnh của dự thảo Bộ luật.

 
Nguồn: Báo Giao Thông
Go to top