Trở lại xứ Đoài

Xe chở chúng tôi đi trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội) 28 phút, rồi rẽ vào khu công nghệ cao Hoà Lạc. Đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt thuộc xứ Đoài thủa trước.

Được Nhà nước cho sử dụng 25 ha, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đang tiến hành triển khai công trình: Bể thử mô hình tàu thuỷ. Đó là phòng thí nghiệm cấp quốc gia để phát triển công nghiệp đóng tàu.

Nói đến Xứ Đoài, các thế hệ người Việt không quên nhắc đến những vị anh hùng như: Phùng Hưng (761-802) đã phát động cuộc khởi nghĩa của nông dân thành công, và ông trở thành người trông coi chính sự của đất nước với danh xưng Bố Cái Đại Vương; rồi Ngô Quyền (898-944) còn được sử sách chép lại với chiến thắng Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử vào năm 938 và trở thành Tiền Ngô Vương.

Cả hai vị anh hùng này đều quê tại làng Đường Lâm của xứ Đoài, Hà Tây cũ nay đã nhập về Hà Nội.

Ba năm trước đây, ngày 13 tháng 8 năm 2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng phát lệnh khởi công xây dựng Công trình bể thử của Vinashin. Hơn 10 tháng sau ngày khởi công, sáng 25 tháng 10 năm 2010, Phó Thủ tướng lại đến thăm công trình của Tập đoàn. Hôm ấy trời mưa nặng hạt, nhưng Phó Thủ tướng vẫn thu xếp thời gian tới xem xét và gặp gỡ động viên anh chị em của Viện Khoa học công nghệ tàu thuỷ và lãnh đạo Tập đoàn. Ông căn dặn: “Tiến độ và chất lượng là hai yêu cầu cao nhất của công trình thử nghiệm này. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án và luôn quan tâm tới Bể thử mô hình tàu thuỷ. Đây là Phòng thí nghiệm quốc gia”.

Các hạng mục của công trình được xây dựng trên diện tích 25ha, đủ chỗ làm việc khép kín cho 250 nhà khoa học. Bên trong hàng rào là một dòng sông, theo thiết kế thì dòng sông này được cải tạo, lắp đặt thiết bị và là nơi thử nghiệm mô hình những con tàu thuỷ hoạt động ngoài trời.

Chúng tôi trở lại Xứ Đoài lần này vào ngày 16 tháng 7 năm 2011, ngày mà Viện Khoa học công nghệ tàu thuỷ làm lễ khởi công Nhà đặt ống sủi bọt. Đây là một hạng mục công trình trong chuỗi các hạng mục của bể thử.

Nắng tháng bảy ở Xứ Đoài, những vầng mây trắng từ núi Ba Vì cứ lớp lớp kéo về. Chẳng rõ nhà thơ Quang Dũng có lên Xứ Đoài vào tháng bảy không, nhưng trong Đôi mắt người Sơn Tây, ông đã viết Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm. Mây xứ Đoài tháng bảy trắng như những dải lụa, không che được ánh nắng, nhưng làm cho cả bầu trời lâng lâng lạ lẫm quá.

Đường lên xứ Đoài bây giờ thênh thang quá.

Khu công nghệ cao Hoà Lạc sẽ là nơi chỉ để dành cho các công trình nghiên cứu khoa học, các thử nghiệm có công nghệ cao. Đã có một thời gian, dư luận thắc mắc: Tại sao tàu thủy lại có mặt ở vùng đất Xứ Đoài?

Tàu thủy là phương tiện nổi dùng trên mặt nước. Nhưng trước khi đóng mới một loại tàu, những nhà thiết kế phải làm mô hình thu nhỏ theo một tỷ lệ cần thiết, rồi mang mô hình ấy thử tại vùng nước gọi là bể thử. Tại bể thử nghiệm, người ta phải trang bị đủ loại máy móc để tạo vùng nước đạt được các thông số như khi con tàu thật hành trình ở ngoài đại dương. Không chỉ thử sức bền vỏ tàu, mà còn thử rất nhiều tính năng khác như độ ăn lái ở một dãy tốc độ, bán kính quay vòng, sức cản nước…

Đã có lần chúng tôi đã được theo chân đoàn thử nghiệm tàu ở hồ Đống Đa và được chứng kiến một thực tế buổi thử mô hình ngoài trời. Bởi không khống chế được thời tiết, không tạo được chiều cao các lớp sóng như mô phỏng, công việc thử nghiệm phải kéo rất dài, có khi cả tuần lễ vẫn chưa tiến hành được. Trước đây, khi thiết kế một con tàu, để có những thông số kỹ thuật cho thiết kế, Viện Khoa học công nghệ tàu thủy thuộc Vinashin thường phải mang mô hình sang bể thử của Ba Lan để thuê họ thực hiện.

Công nghệ đóng tàu nước nhà muốn phát triển, chúng ta phải có phòng thí nghiệm – bể thử mô hình. Có loại tàu mang đi thuê thử được, nhưng có loại không thể thuê.

Phòng thí nghiệm – bể thử mô hình tàu thủy với những thiết bị hiện đại và đồng bộ để tiến hành những nghiên cứu khoa học để tạo ra phương tiện sử dụng trên biển.

Tại Hoà Lạc, khi xây dựng xong sẽ là một tổ hợp từ chế tạo mô hình  đến thử nghiệm mô hình trong các môi trường khí động học, thủy động học, cũng như thử nghiệm ngoài trời.

Tiến sĩ Đinh Khắc Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ tàu thủy nói rằng: “Quá trình tái cơ cấu viện, chúng tôi hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và chuyên môn cao, để có thể cạnh tranh với các viện phát triển của khu vực về công nghệ tàu thủy. Cơ sở ở Hoà Lạc của Tập đoàn Vinashin, do Viện quản lý và khai thác sẽ là một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, có đủ chỗ nghiên cứu cho các nhà khoa học về lĩnh vực tàu thủy khu vực và thế giới đến làm việc…”

Trở lại Xứ Đoài tháng bảy này để dự lễ khởi công nhà tạo ống sủi bọt – một hạng mục trong nhiều hạng mục của công trình Bể thử mô hình tàu thuỷ vào thời gian Tập đoàn Vinashin đã tái cơ cấu giai đoạn I, chúng tôi cảm nhận thêm về quyết tâm của Tập đoàn t rong vai trò làm nòng cốt cho công nghiệp đóng tàu cả nước mà Chính phủ đã giao phó.

Nhà nước quan tâm tới xây dựng phòng thí nghiệm tàu thuỷ này từ đã lâu. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2002 về việc cho phép Vinashin xây dựng công trình thử nghiệm. Hồi  ấy Tập đoàn đã triển khai xây dựng bể thử mô hình ở một địa điểm trong nội thành Hà Nội. Nhưng khi có khu công nghệ cao của Nhà nước được quy hoạch ở Hoà Lạc, Chính phủ đã cho phép phòng thí nghiệm của Vinashin được mở rộng trên diện tích mấy chục ha đất ở Xứ Đoài này.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã hai lần đến tận công trình. Chúng tôi còn nhớ, khi khởi công vào ngày 13 tháng 8 năm 2009 Phó Thủ tướng đã chỉ tay về ngọn núi Ba Vì và nhắc nhở: “Nhân dân Xứ Đoài đã trao một phần vùng đất quý này cho Tập đoàn để thực hiện dự án. Tập đoàn phải làm thế nào để công trình ngày hôm nay khởi công phải hoàn thành nhanh, có chất lượng để phục vụ cho chiến lược biển của nước ta, và là nơi đào tạo cán bộ có trình độ cao về lĩnh vực này” .

Trọng Nghĩa

 

Go to top