Cơ hội mới cho ngành đóng tàu

Gần 10 năm trước, "con tàu" Vinashin đã ngấp nghé bờ vực phá sản. Sau rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, thời điểm này dù ngành đóng tàu vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ do thị trường thế giới chưa thật sự ổn định, song nhiều cơ hội cũng đang mở ra cho ngành đóng tàu Việt Nam.

Tàu hàng rời 56.200 DWT do Công ty Ðóng tàu Nam Triệu (SBIC) đóng cho chủ tàu Dongbacshin được hạ thủy thành công ngày 9-10 vừa qua.
 
Ngày 9-10 vừa qua, tại huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), Công ty đóng tàu Nam Triệu (NASICO) thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã hạ thủy thành công tàu chở hàng rời trọng tải 56.200 DWT số 2 mang tên Trường Minh Fortune, cho chủ tàu Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Ðông Bắc (Dongbacshin). Tàu Trường Minh Fortune có chiều dài 190 m, rộng hơn 32 m, cao 18 m, do Công ty IHI Marine United INC (Nhật Bản) thiết kế, Cơ quan Ðăng kiểm quốc tế NK (Nhật Bản) và Ðăng kiểm Việt Nam (VR) phân cấp, giám sát. Tàu lắp máy chính của Nhật Bản công suất 8.890 kW, có mạn đơn, đáy kép, gồm năm hầm hàng, tổng dung tích gần 66 nghìn m3, nắp hầm hàng vận hành thủy lực gập hai đầu và bốn cần cẩu sức nâng 30 tấn, đáp ứng đầy đủ quy phạm của NK cũng như các công ước quốc tế mới nhất về hàng hải. Sau tiếng nổ của chai sâm-banh, con tàu từ từ rời triền đà về với đại dương trong tiếng vỗ tay vang dội. Có người thợ tàu NASICO quần áo lấm lem dầu mỡ, trên khóe mắt rưng rưng hàng lệ. Năm, sáu năm qua, sau khi Vinashin rơi vào cảnh bi đát, đối với họ là quãng thời gian đằng đẵng, bởi chưa biết khi nào nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm". Giờ đây, khi tàu Trường Minh Fortune - một trong số ít tàu có sức chở lớn nhất từ trước đến nay - rẽ tung sóng cửa biển Bạch Ðằng, họ thở phào nhẹ nhõm, trở lại những cảm xúc vui sướng, khi "đứa con" chuyên chở bao công sức miệt mài ngày đêm nhập vào biển cả. Sau khi hạ thủy thành công, NASICO tiếp tục đấu đà tàu 56.200 DWT tiếp theo cho Dongbacshin.
Thời điểm trước đây, NASICO ký hợp đồng đóng mới sê-ri tàu cùng trọng tải 56.200 DWT với chủ tàu nước ngoài, tuy nhiên, do khủng hoảng năm 2011, chỉ chiếc đầu tiên được đóng và bàn giao trót lọt, những con tàu tiếp theo rơi vào cảnh dang dở, ngừng trệ. Ðầu tháng 4-2015, Dongbacshin ký hợp đồng với NASICO tiếp tục thi công đóng chủng loại tàu hàng rời này, làm lợi nhiều tỷ đồng cho cả đôi bên. Tổng Giám đốc NASICO Nguyễn Văn Hoài cho biết: Hai năm trở lại đây, công ty đã cố gắng bứt phá từ khủng hoảng; năm 2015, đạt giá trị sản lượng hơn 566 tỷ đồng, tăng 400% so năm 2014. Sáu tháng đầu năm 2016, giá trị sản lượng công ty đạt hơn 300 tỷ đồng, phấn đấu cả năm đạt 617 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Với các đơn hàng đóng mới tàu 56.200 DWT, ba tàu kiểm ngư và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu cá vỏ thép,... công ty bảo đảm đủ việc làm cho người lao động tới năm 2017.
Tàu cá vỏ thép do Công ty Ðóng tàu Phà Rừng đóng cho ngư dân với tính năng hiện đại, đủ sức đi biển xa dài ngày.
 

Cuối tháng 8 vừa qua, tại Quảng Ninh, Công ty đóng tàu Hạ Long, một đơn vị thành viên khác của SBIC cũng đã hạ thủy thành công tàu dịch vụ dầu khí PSV 3300 số 2. Theo Tổng Giám đốc Công ty Ðóng tàu Hạ Long Nguyễn Tuấn Anh, tàu dịch vụ dầu khí PSV 3300 có chiều dài 80 m, rộng 16,2 m, cao 7,5 m, tải trọng 3.850 tấn. Ðây là loại tàu dịch vụ cấp không hạn chế, phục vụ giàn khoan và sản xuất dầu khí xa bờ. Tàu được đóng theo thiết kế của Tập đoàn Damen (Hà Lan), với đầy đủ tính năng hiện đại. Trong quá trình thi công tàu, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Tập đoàn Damen (Hà Lan) và Ðăng kiểm Lloyd’s Register (Anh) giám sát nghiêm ngặt, thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu đề ra. Phó Tổng Giám đốc SBIC Ngô Tùng Lâm cho biết, dòng sản phẩm tàu dịch vụ dầu khí là lĩnh vực thị trường mới, lần đầu được đóng ở một đơn vị thành viên của SBIC. Tàu có tiêu chuẩn chất lượng rất cao của sản phẩm phục vụ công nghiệp khai thác dầu khí xa bờ; toàn bộ yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường đều thực hiện cao hơn so với các sản phẩm hàng hải thông thường. "Tàu dịch vụ dầu khí này là tàu thứ hai được thực hiện trong loạt hợp đồng đóng mới cho Tập đoàn Damen (Hà Lan), khẳng định sự tín nhiệm của chủ tàu đối với năng lực của SBIC" - Phó Tổng Giám đốc Ngô Tùng Lâm khẳng định.

Theo nhận định của một chuyên gia hàng hải, đối với những tàu lớn, thực tế trình độ công nhân đóng tàu Việt Nam chỉ đủ năng lực gia công phần vỏ và lắp ghép, ráp nối các bộ phận của con tàu. Tuy nhiên, theo khái niệm chuỗi cung ứng toàn cầu, trong các công đoạn của con tàu, nếu có khả năng chen chân vào một trong những khâu đó, khẳng định được khả năng, khi đó đã thành công. Vì vậy, đối với ngành đóng tàu Việt Nam, nếu phấn đấu trở thành một quốc gia gia công hàng đầu, dịch vụ hàng đầu, vẫn đem lại hiệu quả cao hơn cách tự làm mọi thứ. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC Nguyễn Ngọc Sự, ở điều kiện hiện tại, các nhà máy của SBIC chỉ có thể tham gia thị trường quốc tế dưới hình thức gia công. Hai trở ngại lớn nhất của SBIC là khả năng chào giá (gồm khả năng chào hàng kỹ thuật, bóc tách khối lượng, dự toán chi phí sản xuất,…) và khả năng tài chính (gồm thu xếp bảo lãnh và vốn lưu động để có mức chi phí tài chính hợp lý). Trong chín tháng qua, SBIC đã bàn giao 125 trong tổng số 180 tàu (bằng 68,7% kế hoạch năm), giá trị sản xuất dự kiến đạt hơn 3.773 tỷ đồng (bằng 48% kế hoạch năm). Dự kiến, trong ba tháng cuối năm, SBIC sẽ tiếp tục bàn giao 55 tàu nữa, đạt doanh thu gần 4.200 tỷ đồng (bằng 57% kế hoạch năm),…

Trong khoảng hai tháng vừa qua, các đơn vị thành viên của SBIC dồn dập bàn giao và đóng mới tàu cá vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ, nhằm hiện đại hóa và phát triển đội tàu cá xa bờ, tạo bước đột phá quan trọng phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngày 12-9, Công ty Ðóng tàu Phà Rừng đã bàn giao hai tàu cá vỏ thép Sông Chanh 01, Hướng Biển 01 cho ngư dân Hải Phòng, Phú Yên và tiếp tục khởi công đóng mới một tàu đánh cá vỏ thép. Theo Tổng Giám đốc Công ty Ðóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến, các tàu cá vỏ thép này được trang bị hiện đại, theo tiêu chuẩn cấp I kỹ thuật quốc gia. Trước khi bàn giao, tàu được chạy thử đường dài, thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ tàu Sông Chanh 01 xúc động: Ðối với cá nhân tôi và gia đình, đây là lần đầu tiên có được một tàu cá vỏ thép giá trị lớn, với thiết kế hợp lý, thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản trên biển xa. Trong chuyến chạy thử vừa qua, tôi trực tiếp lái tàu Sông Chanh 01 chạy hết tốc lực trên biển, cảm nhận độ khỏe khoắn cũng như những tính năng khai thác thủy sản hiện đại, tiên tiến của tàu.

Hai ngư dân Hoàng Văn Triều và Ðồng Văn Duy ở xã Ðại Hợp, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) vui mừng khi được Công ty công nghiệp tàu thủy Thành Long bàn giao hai tàu cá vỏ thép HP-90726 TS và HP-90735 TS. Ðứng trong khoang lái, hai ngư dân kéo một hồi còi dài vang rền chào biển khơi. "Tôi có nằm mơ cũng không nghĩ sẽ được sở hữu con tàu cá vỏ thép này. Tàu chịu được sóng cấp 9, cấp 10, ngư dân chúng tôi yên tâm, tự tin hơn khi vươn khơi; sự hiện diện của tàu cá trên biển chính là những cột mốc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ngư dân Ðồng Văn Duy phấn khởi chia sẻ. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Ðại Hợp Nguyễn Văn Thiện, tàu cá vỏ thép đi một chuyến biển kéo dài khoảng chục ngày, có thể đem lại doanh thu 300 đến 500 triệu đồng. Trong xã có khoảng 300 ngư dân, họ rất kỳ vọng và mong muốn đẩy nhanh tiến độ đóng mới tàu cá vỏ thép thay thế tàu gỗ. Các chủ tàu được ưu đãi vay vốn ngân hàng tối đa 95% giá trị đầu tư, với lãi suất 7%/năm; trong đó, Nhà nước cấp bù 6%/năm, chủ tàu chỉ phải trả 1%/năm. Những tàu cá do các đơn vị của SBIC đóng gần đây đã được tham vấn thiết kế từ phía ngư dân, hạ thấp chiều cao mạn để thuận tiện, phù hợp khi đánh bắt.

Thời gian gần đây, có thể thấy rõ các doanh nghiệp ngành đóng tàu đã thay đổi cách điều hành sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, không còn kiểu phân bổ khô cứng như trước đây, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và phát huy thế mạnh giữa các đơn vị. Khi nền kinh tế thế giới hồi phục, đồng nghĩa với việc mở ra những cơ hội mới cho ngành đóng tàu. Thời điểm hiện tại chưa hết khó khăn, đóng tàu cá vỏ thép phục vụ thị trường trong nước cũng là "dư địa" lớn đối với các đơn vị thuộc SBIC. Các đơn vị cần nghiên cứu, tính toán khả năng, có sự bắt tay liên doanh, liên kết, bổ trợ lẫn nhau để phát triển sản xuất, tiết kiệm chi phí, sắp xếp và đào tạo lại lực lượng lao động, nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Năm 2015, SBIC thi công 254 sản phẩm, gồm 15 tàu kiểm ngư, 20 tàu cá, 143 sản phẩm khác và phương tiện thủy nội địa…; bàn giao 178 trong số 254 sản phẩm, lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2016, SBIC thi công 254 sản phẩm, bàn giao 180 sản phẩm, trong đó có 53 tàu cá cho ngư dân. Ðến nay, SBIC đã ký hợp đồng đóng mới hơn 100 tàu cá vỏ thép và đang thực hiện khoảng 70 tàu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các công ty thành viên đã tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ ngư dân hoàn thiện thủ tục với ngân hàng, thay đổi thiết kế theo nhu cầu sử dụng của chủ tàu trong phạm vi cho phép.

Nguyễn Ngọc Sự

Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC

 

 

 Bài và ảnh: MINH TRANG
     (nhandan.com.vn)
Go to top