Hội thảo khoa học quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”

Ngày 25-11-2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lân Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam". Đoàn đại biểu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC do ông Đỗ Thành Hưng, Thành viên HĐTV Tổng công ty dẫn đầu tham dự
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Cùng tham dự còn có đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam ra khỏi nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, công nghệ sản xuất đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm công nghiệp được chuyển dịch theo hướng với hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao hơn.

Đoàn chủ tọa phiên toàn thể

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, điển hình như: tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng trong GDP còn cách khá xa so với các nước trong ASEAN, năng suất lao động thấp. Sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ khoa học - công nghệ của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo chưa cao. Nhìn chung, việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP tại Việt Nam phát biểu tham luận

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đã gợi mở một số nội dung để các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý tập trung thảo luận như:

Một là, làm rõ các đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới các nước phát triển và đang phát triển.

Hai là, làm rõ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng các chương trình hành động của chính phủ trong bối cảnh của cuộc cách mạng lần thứ tư, nhất là về điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chính sách công nghiệp quốc gia.

Ba là, nhận diện những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là, đề xuất các định hướng, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực của Việt Nam để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. 

Giáo sư Mike Gregory, nguyên Trưởng Bộ môn chế tạo và quản lý, Đại học Cambridge, nguyên Giám đốc điều hành Viện Cambridge – MIT phát biểu tham luận

Phát biểu tại Hội thảo, bà Louise Chamberlain, Giám độc UNDP tại Việt Nam đặt vấn đề: làm thế nào để Việt Nam sử dụng lao động hiệu quả, duy trì được sự bình đẳng trong xã hội. Bà cho rằng, khu vực dịch vụ có rất nhiều tiềm năng để duy trì và phát triển thị trường lao động Việt Nam. Cần khai thác, thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là thị trường công nghệ. Các doanh nghiệp cần được thông tin đầy đủ hơn trong việc áp dụng công nghệ mới. Theo bà, cần tập trung duy trì các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tư nhân để đem lại lợi ích cho nhiều người hơn. Cần đẩy nhanh tiến trình phát triển lực lượng lao động, giáo dục đào tạo, sức khỏe tốt hơn, an sinh xã hội hiệu quả hơn để nâng cao năng suất lao động.

Trình bày tham luận, Giáo sư Mike Gregory, nguyên Trưởng Bộ môn chế tạo và quản lý, Đại học Cambridge, nguyên Giám đốc điều hành Viện Cambridge – MIT cho rằng, bôi cảnh toàn cầu hóa khiến các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc. Tác động của nó rất sâu rộng, trong đó tạo ra sự thay đổi về nhân khẩu học. Sự bền vững là yêu cầu tất yếu mà chúng ta có thể nhận thức được, và ngày nay tất cả các nước đều chấp nhận rằng, quá trình đô thị hóa ảnh hướng đến cuộc sống của con người. Ông cho rằng, nhiều quốc gia chưa thực sự chú trọng đến chính sách công nghiệp. Công nghiệp chế tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển. Điều quan trọng chúng ta phải hiểu được công nghiệp, công nghiệp chế tạo là gì. Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có nhiều khái niệm khác biệt, nhưng không thể tách rời công nghệ thông tin, số hóa. Sự tương tác qua lại giữa các công nghệ hiện đại đã tác động rất lớn đến cuộc sống, làm thay đổi cuộc sống. GS Mike Gregory đưa ra đề xuất cho Việt Nam để đón thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thú 4: chính phủ cần thiết kế các chương trình phù hợp để tiếp thu những công nghệ mới, xây dựng các chính sách cho các ngành, lĩnh vực. Ông nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận mới để xây dựng chính sách dựa trên hiểu biết về nền kinh tế truyền thống và phả ánh được xu hướng thay đổi khoa học công nghệ.

TS. Nguyễn Thắng – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (VASS) phát biểu tham luận

Quang cảnh Hội thảo
 
 
TT SBIC (Tổng hợp)
Go to top