Chiếc tàu khách vỏ thép hai thân vừa được hoàn thiện và chạy thử thành công tại TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) là chiếc đầu tiên trong mẫu tàu này được đóng tại Công ty Đóng tàu Cam Ranh, một thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). Hình dáng con tàu khá đặc biệt, hai thân tàu là trụ đỡ cho mặt sàn rộng gần 500m2. Theo ông Võ Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Công ty Đóng tàu Cam Ranh, với mục đích chở khách trên vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), mẫu tàu này được thiết kế hai thân để bảo đảm sự ổn định. Mặt sàn của tàu tương đối rộng rãi đáp ứng nhu cầu giải trí của khách. "Dù không phải là mẫu tàu có trọng tải lớn nhưng để đóng tàu khách vỏ thép hai thân cần yêu cầu kỹ thuật khá cao, bên cạnh đó phải bảo đảm tính thẩm mỹ từ hình dáng, kết cấu cho đến những chi tiết nội thất"-ông Võ Ngọc Tuấn chia sẻ. Sau khi hoàn thành chiếc đầu tiên, con tàu thứ hai cũng đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện. Nhu cầu tàu du lịch vỏ thép ở tỉnh Khánh Hòa nói riêng và những địa phương gắn liền với du lịch biển nói chung được đánh giá rất tiềm năng.
Tàu chở khách vỏ thép hai thân đang được hoàn thiện tại Công ty Đóng tàu Cam Ranh.
Nếu như trước đây, các đơn vị đóng tàu trong nước phát triển mạnh nhiều mẫu tàu chở hàng, chở công-ten-nơ trọng tải lớn, thì hiện nay đơn hàng đóng mới loại tàu này rất hạn chế. Do vậy, từng đơn vị đều phải nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để duy trì sản xuất. Công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) hiện đang tập trung cho dòng sản phẩm phà chở khách với điểm đặc biệt là ca-bin làm bằng nhôm, nhẹ và bền hơn. Công ty đã đóng chiếc phà thứ 7, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. "Những chiếc phà này có khả năng tự hành, phục vụ tuyến vận tải từ thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) đi đảo Phú Quốc. Phà có thể chở khoảng 400 khách cùng ô tô, xe máy"-ông Nguyễn Mạnh Đức, Phó giám đốc SSIC cho biết. Từ việc đóng thành công phà chở khách đã mở ra hướng đi khả quan cho SSIC trong phát triển các sản phẩm tàu vỏ nhôm.
Khi đơn hàng đóng mới không có nhiều, lĩnh vực sửa chữa tàu trở thành "cứu cánh" cho nhiều đơn vị đóng tàu trong nước. Tận dụng cơ sở vật chất sẵn có với khả năng sửa chữa tàu trọng tải đến 25.000 tấn, Công ty SSIC mỗi năm nhận sửa chữa hàng chục tàu, tạo thêm việc làm cho người lao động. Cũng nằm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) hiện có hai ụ nổi với khả năng sửa chữa được tàu trọng tải đến 27.000 tấn. Doanh thu bình quân hằng năm từ sửa chữa của công ty đạt khoảng 80 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Văn Khoa, Giám đốc Saigon Shipmarin, nhu cầu sửa chữa tàu khá dồi dào khi ngành vận tải thủy phát triển khá nhanh trong thời gian qua.
Bù đắp thiếu hụt vốn lưu động
Ngay cả khi tìm được hợp đồng đóng tàu mới, nỗi lo của nhiều đơn vị cũng chưa thể giải tỏa. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trực thuộc SBIC hiện nay là thiếu hụt nguồn vốn lưu động. Ký kết xong với đối tác, họ phải xoay xở bằng nhiều cách để có vốn bảo lãnh hợp đồng và mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ dự án đóng tàu. Công ty Đóng tàu Cam Ranh đang đàm phán để thực hiện hợp đồng đóng mới 3 sà lan cho đối tác đến từ Na Uy. “Việc đàm phán tiến hành thuận lợi, cùng với đó, chúng tôi đang tìm mọi nguồn có thể để huy động vốn. Công ty rất khó với tới nguồn tín dụng từ ngân hàng do thời gian qua ngành đóng tàu gặp nhiều khó khăn"-ông Lê Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đóng tàu Cam Ranh chia sẻ.
Phà chở khách mang tên Bình An - Hà Tiên được đóng mới tại Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn.
Bên cạnh đó, một số nhà máy đóng tàu dù đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa bảo đảm tính đồng bộ, như: Công ty Đóng tàu Cam Ranh, mặc dù triền đà có thể đóng được tàu đến hai vạn tấn nhưng lại không có cầu tàu. Tàu đóng mới sau khi hạ thủy phải neo ở cầu tàu tạm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty. Đơn vị đã lập dự án đầu tư xây dựng cầu tàu đáp ứng cho tàu trọng tải 3 vạn tấn với số vốn khoảng 70 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngành đóng tàu còn bộn bề thách thức như hiện tại, muốn tìm được số vốn này là bài toán không dễ có lời giải. Để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, giải pháp trước mắt của các đơn vị đóng tàu là sử dụng tiền ứng trước của khách hàng làm vốn lưu động. Về lâu dài, muốn ngành đóng tàu thật sự phát triển theo hướng nâng cao hàm lượng kỹ thuật sản phẩm, gia tăng giá trị, cần có sự đầu tư bài bản cũng như hỗ trợ các nguồn lực thiết yếu.