Đang tải...

Chào mừng đến với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu Thủy

Phát triển kinh tế biển: Không thể cứ chỉ dừng lại ở mức khát vọng

12/07/2018
kinh te bien
Một gian trưng bày mô hình tại Triển lãm về công nghệ đóng tàu, hàng hải và công trình biển thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp.Ảnh minh họa: MĐ

 

Đây là đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo Thị trường vận tải biển và đóng tàu Việt Nam – Cơ hội và thách thức, ngày 25/1/2018.

 

Khai thác biển còn truyền thống

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020 kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP của cả nước. Sau năm 2020 kinh tế hàng hải phải trở thành ngành kinh tế hàng đầu trong năm ngành kinh tế biển. Một giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược này là phát triển kinh tế vận tải biển, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, mặc dù Việt Nam có lợi thế biển rất rõ ràng cả về tài nguyên lẫn vị thế, song về cơ bản vẫn chưa định hình một tư duy phát triển với một chiến lược tổng thể về kinh tế biển.

“Cách tư duy của chúng ta chủ yếu tập trung khai thác cái có sẵn chứ chưa nâng cao năng lực và giá trị gia tăng. Lợi thế có lẽ là không đủ cho một sự phát triển mà điều này phải đi liền với cách thức, cho đến giờ chúng ta vẫn chưa làm được”, ông Thiên nói.

Ông Thiên cho rằng, chính cách khai thác lợi thế từ biển chủ yếu vẫn truyền thống nên không tạo ra năng lực cạnh tranh, do đó muốn khai thác biển có hiệu quả thì cần phải có những tập đoàn mạnh. Từ thực tế này, cần đẩy mạnh tái cơ cấu để xây dựng, phát triển Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) làm nòng cốt trong lĩnh vực vận tải biển và công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển.

Đồng thời, học tập kinh nghiệm của những nước đi trước là điều rất cần thiết. Ông Thiên dẫn chứng về nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực, từ nước Anh, Mỹ, Nhật Bản, gần Việt Nam là Singapore, Hàn Quốc đều vươn lên cùng kinh tế biển với hạt nhân là ngành đóng tàu, vận tải biển và cảng biển.

Đối với Việt Nam, ông Thiên cho rằng kinh tế biển mới chỉ dừng lại ở mức khát vọng. “Chiến lược biển thông qua các tập đoàn mạnh tôi cho là chưa có, quản trị cũng có vấn đề, cách của những quốc gia có biển đi lên bằng xây dựng các tập đoàn tôi nghĩ là bài học lớn ở tầm vĩ mô mà chúng ta cần học hỏi”, ông Thiên nhấn mạnh.

 

Cần ưu tiên phát triển kinh tế hàng hải

Từ những thực tế này, theo ông Thiên trong chiến lược phát triển kinh tế biển thì ngành Hàng hải sẽ đóng vai trò quan trọng, là huyết mạch chính trong hệ thống lưu thông trong nước và quốc tế. Với vai trò đó, việc ưu tiên phát triển kinh tế hàng hải sẽ tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững, kết nối kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế thế giới hiệu quả. Cùng với đó, để ngành đóng tàu phát triển cần có chính sách khuyến khích đặc thù hỗ trợ, cụ thể là chương trình phát triển ngành đóng tàu, ngành hàng hải được thiết kế tốt, có tầm nhìn xa. 

Hơn hết, ông Thiên lưu ý các doanh nghiệp làm chủ chiến lược biển phải có cách tiếp cận sớm về mặt chiến lược với Chính phủ. “Tôi nghĩ rằng chiến lược biển sẽ lại được tái khởi động lại rất bài bản trong lần bàn thảo chiến lược 10 năm tới trong năm nay, chứ không phải như thời gian qua chúng ta bàn, nhưng vì vướng nhiều thứ nên chưa làm được”, ông Thiên khẳng định.

Cùng với đó, ông Thiên cho rằng đây cũng là cơ hội để bàn dứt điểm câu chuyện về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhà nước chứ không thể kéo dài mãi được. “Nếu không làm dứt điểm chúng ta cứ vướng, vẫn là tư tuy tháo gỡ là không được, tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi, nhiều vấn đề đang rối mà cứ đi sửa từng chính sách một làm sao mà gỡ được, ở đây cần có sự phối hợp đồng bộ trên tinh thần vì một tầm nhìn lớn tốt hơn”, ông Thiên nhấn mạnh./.

 
 
Theo Mai Đan
Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn
[ThongBao]
[Dong]