Đang tải...
Chào mừng đến với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu Thủy
Tiếng việt
Tiếng việt
Tiếng anh
Sửa chữa tàu biển tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn
Thời gian qua, nhu cầu vận tải biển liên tục sụt giảm, giá cước thấp, chưa có dấu hiệu phục hồi đã ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị đóng tàu. Nếu như trước đây, các đơn vị đóng tàu trong nước phát triển mạnh nhiều mẫu tàu chở hàng, chở công-ten-nơ trọng tải lớn lên đến hàng chục nghìn tấn thì hiện nay đơn hàng đóng mới loại tàu này rất hạn chế. Do vậy, từng đơn vị đều phải nỗ lực tìm kiếm những phân khúc thị trường mới để duy trì sản xuất.
Công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) hiện đang tập trung cho dòng sản phẩm phà chở khách với điểm đặc biệt là ca-bin làm bằng nhôm, nhẹ hơn nhưng bền hơn. Công ty đã đóng chiếc phà thứ bảy, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. Phó giám đốc SSIC Nguyễn Mạnh Đức cho biết: Những chiếc phà này có khả năng tự hành, phục vụ tuyến vận tải từ Hà Tiên (Kiên Giang) đi đảo Phú Quốc. Phà có thể chở khoảng 400 khách, ngoài ra còn vận chuyển cả phương tiện như ô-tô, xe máy. Từ việc đóng thành công phà chở khách, đã mở ra những hướng đi khả quan cho SSIC trong việc phát triển các sản phẩm tàu vỏ nhôm. "Chúng tôi đang đầu tư một xưởng đóng tàu vỏ nhôm, đồng thời đưa lao động đi đào tạo. Đặc tính của tàu vỏ nhôm nhẹ hơn so với vỏ thép, độ bền cao hơn nên đạt tốc độ nhanh hơn. Tàu vỏ nhôm cũng mang lại giá trị sản phẩm cao hơn so với các loại tàu thông thường khác” - ông Nguyễn Mạnh Đức bày tỏ.
Khi đơn hàng đóng mới không có nhiều, lĩnh vực sửa chữa tàu đã trở thành "cứu cánh" cho nhiều đơn vị đóng tàu trong nước. Tận dụng cơ sở vật chất với khả năng sửa chữa tàu trọng tải đến 25.000 tấn, SSIC mỗi năm nhận sửa hàng chục tàu, giúp có thêm việc làm cho người lao động. Tình hình ngành vận tải biển vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến ngành đóng tàu nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty chưa được cao như kỳ vọng, thấp so với công suất thiết kế của SSIC. Đơn vị đã áp dụng các hệ thống quản lý sản xuất, kinh doanh, đồng thời ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác quản trị. Nhờ đó, tối ưu lao động ở các khâu quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cũng như thừa hành phục vụ.
Cũng nằm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) hiện có hai ụ nổi trọng tải 6 nghìn tấn và 8.500 tấn có khả năng sửa chữa được tàu trọng tải đến 27 nghìn tấn. Doanh thu bình quân hằng năm từ sửa chữa của công ty đạt khoảng 80 tỷ đồng. Theo Giám đốc Saigon Shipmarin Đỗ Văn Khoa, nhu cầu sửa chữa tàu dồi dào hơn bởi muốn hoạt động an toàn trên biển, tàu bắt buộc phải quan tâm đến bảo dưỡng, sửa chữa. Công việc này tuy nguồn thu không lớn như đóng mới nhưng được trả tiền ngay, thời gian ngắn, không bị đọng vốn.
Cuối tháng 3 vừa qua, tàu hàng Trường Minh Fortune, trọng tải hơn 56 nghìn DWT đã tạm biệt những người thợ đóng tàu Nam Triệu (Nasico), bắt đầu những chuyến hành trình trên biển. Đây là tàu chở hàng rời, mạn đơn, đáy đôi, dẫn động bằng động cơ đi-ê-den với chiều dài 190 m, rộng hơn 32 m, cao hơn 18 m. Tàu có năm hầm hàng với tổng dung tích gần 72 nghìn m3, nắp hầm hàng vận hành thủy lực gập hai đầu và bốn cần cẩu có sức nâng 30 tấn. Năm 2016, Nasico đã hoàn thành kế hoạch sản lượng với giá trị 617 tỷ đồng, tăng 110% so năm 2015. Năm nay, công ty phấn đấu tăng 10% giá trị sản lượng và có lợi nhuận trên doanh thu thuần. Lãnh đạo Nasico cho biết, đây là tàu có trọng tải lớn nhất được công ty đóng mới và bàn giao cho chủ tàu trong nước, mở ra hướng đi mới trong giai đoạn khó khăn hiện nay và trong bối cảnh thị trường thế giới chưa có nhiều khởi sắc.
Tại Công ty Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa), một đơn vị thành viên của SBIC, chiếc tàu khách vỏ thép hai thân - chiếc đầu tiên trong mẫu tàu này - vừa được hoàn thiện và chạy thử thành công. Qua quan sát, hình dáng con tàu khá đặc biệt, hai thân tàu là trụ đỡ cho mặt sàn rộng gần 500 m2. Theo Phó Giám đốc Công ty Võ Ngọc Tuấn, với mục đích chở khách chạy trên vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), mẫu tàu này được thiết kế hai thân để bảo đảm sự ổn định, ít bị tròng trành khi gặp sóng lớn, mặt sàn phải tương đối rộng để phù hợp các hoạt động thư giãn, giải trí của khách trên tàu. "Dù không phải là mẫu tàu có trọng tải lớn nhưng để đóng tàu khách vỏ thép hai thân, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật khá cao, bên cạnh đó phải bảo đảm tính thẩm mỹ từ hình dáng, kết cấu cho đến những chi tiết nội thất" - ông Võ Ngọc Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, ngay cả khi tìm được hợp đồng đóng tàu mới, nỗi lo lắng của nhiều đơn vị đóng tàu cũng chưa thể giải tỏa. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trực thuộc SBIC hiện nay là thiếu hụt nguồn vốn lưu động. Ký xong với đối tác, họ phải xoay xở bằng nhiều cách để có vốn thực hiện bảo lãnh cho hợp đồng và mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ dự án đóng tàu. Công ty Đóng tàu Cam Ranh hiện đang đàm phán để thực hiện hợp đồng đóng mới ba sà-lan cho đối tác đến từ Na Uy. “Việc đàm phán tiến hành thuận lợi, cùng với hợp đồng, chúng tôi đang tìm mọi nguồn có thể để huy động vốn. Chúng tôi rất khó tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng, do thời gian qua ngành đóng tàu gặp nhiều khó khăn, ngân hàng không mặn mà giải ngân cho vay” - Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Văn Hải chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số nhà máy đóng tàu dù đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa bảo đảm tính đồng bộ. Tại Công ty Đóng tàu Cam Ranh, mặc dù triền đà có thể đóng được tàu đến 20 nghìn tấn, nhưng lại không có cầu tàu. Tàu đóng mới sau khi hạ thủy phải neo ở cầu tàu tạm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của công ty. Đơn vị đã lập dự án đầu tư xây dựng cầu tàu đáp ứng cho tàu trọng tải 30 nghìn tấn với số vốn khoảng 70 tỷ đồng, tuy nhiên chưa tìm được nguồn đáp ứng. Trong bối cảnh ngành đóng tàu còn bộn bề thách thức như hiện tại, có được số vốn này là bài toán không dễ. Để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, giải pháp trước mắt của các đơn vị đóng tàu là sử dụng tiền ứng trước của khách hàng làm vốn lưu động. Về lâu dài, muốn ngành đóng tàu thật sự phát triển theo hướng nâng cao hàm lượng kỹ thuật của sản phẩm, gia tăng giá trị, cần có sự đầu tư bài bản, hỗ trợ nguồn lực thiết yếu.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công nhận định, sau khi triển khai thực hiện tái cơ cấu, một số công ty đóng tàu như Saigon Shipmarin, SSIC và một số đơn vị khác đã đạt được những kết quả ban đầu khá khả quan. Có thể nhận thấy một số “điểm sáng” như việc tái cơ cấu lao động, sắp xếp lại phòng, ban, tiết giảm được các chi phí,... Mặc dù vậy, nhiều kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong thời gian tới, các công ty đóng tàu cần tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý gián tiếp, mua bán vật tư, nhiên liệu, tăng năng suất lao động; tiếp tục nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý,… Các đơn vị nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh, đơn hàng đóng mới và sửa chữa tàu biển phải có lãi, bằng mọi cách giữ lao động có tay nghề.
Bài và ảnh: MINH TRANG
(Nguồn: Nhandan.com.vn)