Công nghệ tin học hỗ trợ công nghiệp tàu thủy phát triển (Phần 1)

Với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp tàu thủy. Từ một ngành công nghiệp nặng, chủ yếu sử dụng nhân công lao động đến nay ngành này đã trở thành một ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao với sự đầu tư nguồn vốn rất lớn và tính dây chuyền tự động hóa cao. Có hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc ứng dụng tin học trong đóng tàu là:

- Tàu thủy đã trở thành một công trình kỹ thuật cao

- Phương thức tổ chức đóng tàu đã thay đổi.

Tàu thủy đã trở thành một công trình kỹ thuật cao

Cùng với sự phát triển chung của khoa học kỹ thuật và nền kinh tế cũng như đòi hỏi của thị trường, yêu cầu về kỹ thuật và công nghệ đối với một con tàu ngày càng cao, càng phức tạp, thể hiện ở các lĩnh vực sau:

+ Về tính năng : yêu cầu ngày càng cao về kích cỡ, tốc độ, an toàn hàng hải, hệ thống điều khiển tàu, bốc dỡ hàng hóa, tiện nghi sinh hoạt...

+ Về môi trường: Các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe hơn. Do vậy tàu phải được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, tiên tiến để giảm phát xạ khí thải và chất bẩn ra môi trường xung quanh.

+ Về thiết bị: Các hệ thống thiết bị ngày càng trở nên phức tạp, hiện đại. Việc thiết kế, mua sắm, lắp đặt đòi hỏi các kỹ sư, công nhân phải có trình độ kỹ thuật cao.

Trước đây, khối lượng và chi phí để đóng một con tàu chủ yếu là việc gia công các tổng đoạn sắt thép chế tạo thân tàu và sử dụng nhiều nhân công lao động nặng, khối lượng công việc mang tính chất khoa học hiện đại ít, chiếm tỷ lệ không lớn. Nhưng tính chất này ngày nay đã thay đổi. Khối lượng công việc và chi phí cho phần đơn thuần là sắt thép ngày càng giảm. Ngược lại, tỷ lệ phần công việc mang tính kỹ thuật cao ngày càng tăng.

Ngày nay, việc thiết kế con tàu, lập kế hoạch sản xuất, quản lý vật tư... ngày càng đòi hỏi có lượng chất xám cao và là yếu tố quan trọng để giảm giá thành, rút ngắn thời gian thi công và bàn giao tàu, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, trong những công việc đó người ta phải áp dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Đó là những hệ thống máy tính, phần mềm phức tạp và chi phí cho những hệ thống này có thể chiếm tới 10% giá trị con tàu.

Phương thức tổ chức đóng tàu đã thay đổi

Ngành đóng tàu là một trong những ngành chịu ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa rất rõ nét với những đặc điểm sau:

+ Khách hàng: Các khách hàng đóng tàu như các chủ tàu, các nhà đầu tư, môi giới đóng tàu v.v... ngày nay có ở khắp nơi trên thế giới. Các công tác tiếp thị, đàm phán, hợp đồng, hợp tác đóng tàu, bảo hành, sửa chữa v.v... cũng phải thích ứng cho phù hợp.

+ Cung cấp vật tư, thiết bị và dịch vụ: Các nguồn cung cấp vật tư, thiết bị và dịch vụ để đóng một con tàu hiện nay rất đa dạng và có ở khắp mọi nơi trên thế giới. Để đảm bảo chất lượng con tàu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhà máy buộc phải tiếp cận và sử dụng được những nguồn cung cấp đó.

Thị trường cạnh tranh giữa các quốc gia đóng tàu cũng là một nguồn động lực để thúc đẩy kỹ thuật và công nghệ đóng tàu ngày càng phát triển.

Trước đây, các nhà máy đóng tàu thường được tổ chức khép kín, tự thực hiện hầu hết các công đoạn sản xuất trong quá trình đóng tàu. Ngày nay, phương thức tổ chức khép kín đã không còn phù hợp và không có hiệu quả. Nhà máy đóng tàu trở thành nhà thầu chính và việc chuyên môn hóa từng công đoạn đóng tàu cụ thể được giao cho các nhà thầu phụ với việc chế tạo các thiết bị phụ trợ.

Thí dụ như việc sơ chế tôn, chế tạo các tổng đoạn, lắp ráp hệ thống ống v.v... đều được các nhà thầu phụ thực hiện ở những địa điểm khác nhau và sau đó chuyên chở tới nhà máy chính để lắp ráp. Do vậy, nhà máy đóng tàu hiện đại ngày nay thực chất chỉ là nhà máy lắp ráp các tổng đoạn và lắp đặt các trang thiết bị cho tàu. Đã có những nghiên cứu đánh giá rằng 70% giá trị gia tăng của con tàu là đến từ các nhà thầu phụ. Đây được xem như là một xu hướng tất yếu cạnh tranh trong chiến lược để giảm chi phí đóng tàu.

Việc chế tạo và lắp ráp các thiết bị phụ trợ phục vụ cho đóng tàu tại các nhà thầu phụ khác nhau đã làm phức tạp thêm công tác tổ chức sản xuất và quản lý lên rất nhiều. Việc lập kế hoạch sản xuất và kết hợp chặt chẽ công việc của các đơn vị khác nhau cũng như việc quản lý, kiểm soát được những công việc đó trong quá trình đóng tàu đòi hỏi những năng lực, kỹ năng và công cụ quản lý mới, ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin.

Công nghệ tin học trong ngành công nghiệp tàu thủy

Công nghiệp tàu thủy có đặc điểm là ngành công nghiệp chế tạo có tính kỹ thuật và công nghệ cao. Do đó ngành này có thể ứng dụng được tất cả các công nghệ, sản phẩm tin học đã dùng trong trong các ngành công nghệ cao khác.

Thông thường, cấu trúc hệ thống tin học trong một nhà máy công nghiệp có các thành phần sau:

Hệ thống tin học công nghiệp

1. Quản lý quan hệ khách hàng CRM: (Customer Relationship Management)

2. Quản lý mạng lưới cung cấp SCM: (Supply Chain Management)

3. Kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp ERP: (Enterprice Resource Planing)

4. Quản lý vòng đời sản phẩm PLM: (Product Lifecycle Management)

Các thành phần trên không bắt buộc phải được thực hiện như từng hệ thống tin học riêng biệt. Trong nhiều trường hợp chúng được tích hợp, đan xen vào nhau dưới dạng các mô đun thành phần. Tính chất sản xuất đơn chiếc, theo hợp đồng của việc đóng tàu cũng ảnh hưởng đến việc ứng dụng tin học trong lĩnh vực này.

Quản lý quan hệ khách hàng CRM

Quản lý quan hệ khách hàng thường có 3 phần chính:

- Các khâu hoạt động như: tiếp thị, bán hàng và dịch vụ sau bán hàng

- Phân tích nhu cầu và phản ứng của khách hàng

- Hợp tác với khách hàng qua trao đổi trực tiếp hoặc qua các phương tiện thông tin.

Trong ngành đóng tàu, khách hàng (các chủ tàu) thường có quan hệ rất chặt chẽ với nhà máy đóng tàu, cung cấp thông tin, vật tư, thiết bị và có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ quá trình đóng tàu. Chủ tàu có thể tham gia, thậm chí có vai trò quyết định trong các quá trình:

- Thiết kế: Lập nhiệm vụ, xây dựng và duyệt phương án, đặc tính kỹ thuật, lựa chọn trang thiết bị ...

- Thi công: Chọn phương án thi công, công nghệ thi công, lựa chọn trang thiết bị thi công... Trong quá trình thi công, chủ tàu có thể đưa ra những yêu cầu sửa đổi riêng biệt đối với tàu.

Vì vậy, hệ thống giao tiếp của nhà máy đóng tàu với chủ tàu phải bảo đảm nhanh chóng, chính xác ở mọi nơi, mọi lúc. Nhà máy phải thiết lập được một hệ thống lưu giữ được các yêu cầu của chủ tàu như là một cơ sở dữ liệu trong suốt quá trình đóng tàu. Đặc biệt, nhà máy phải đáp ứng nhanh các yêu cầu thay đổi của chủ tàu. Đây cũng là một trong những yêu cầu cạnh tranh trong ngành đóng tàu hiện nay.

Quản lý mạng lưới cung cấp SCM

Mạng lưới cung cấp là việc lập kế hoạch cung cấp, thực hiện kế hoạch và điều phối mạng lưới cung cấp sắt thép, vật tư, trang thiết bị cũng như các dịch vụ đến đúng nơi, đúng chỗ để phục vụ cho quá trình đóng tàu.

 Mạng lưới cung cấp gồm có 2 phần:

- Mạng cung cấp nội bộ: đó là việc cung cấp vật tư, các trang thiết bị từ các kho trong nhà máy. Các chi tiết, phân đoạn, tổng đoạn... từng vị trí sản xuất trong nhà máy phải được vận chuyển đến các vị trí cần thiết đúng lúc và đúng chỗ.

- Mạng cung cấp bên ngoài nhà máy: đó là các vật tư, trang thiết bị và cả các dịch vụ như thiết kế, đăng kiểm... được cung cấp từ bên ngoài cũng phải được giao đến đúng chỗ, đúng lúc theo kế hoạch, hạn chế tối đa việc lưu kho, lưu bãi.

Đặc biệt việc phối hợp với các nhà thầu trong việc cung cấp các thiết bị phụ trợ phải được hợp đồng chặt chẽ và việc giao nhận trang, thiết bị cũng như nhân công lắp đặt và thời hạn hoàn thành phải được thực hiện đúng theo tiến độ đã đề ra.

Việc quản lý tốt mạng lưới cung cấp giúp cho vật tư, thiết bị cần thiết luôn có mặt đúng thời gian, đúng địa điểm. Do đó quá trình thi công được thực hiện liên tục, không bị ngắt quãng ở bất cứ công đoạn nào do phải chờ đợi những thứ còn thiếu.

Ngoài ra, việc cung cấp vật tư đúng tiến độ cũng giúp làm giảm được các chi phí như: phí lưu kho, phí tài chính, diện tích kho bãi...

Việc quản lý mạng lưới cung cấp là vấn đề chính, phức tạp nhất, hiệu quả nhất và cũng là cần thiết nhất trong việc quản lý chu trình sản xuất của các nhà máy đóng tàu hiện nay.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

T.My

Go to top