Hội nghị chuyên đề về công tác định mức kinh tế - kỹ thuật

Ngày 13/7/2012, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Chuyên đề về công tác định mức kinh tế - kỹ thuật, quản lý tiến độ và các chi phí khác trong sản xuất kinh doanh.

Đồng chủ tịch Hội nghị là các ông: Trương Văn Tuyến - Tổng giám đốc Tập đoàn, Đỗ Thành Hưng - Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn. Tham gia Hội nghị còn có các đồng chí trong HĐTV, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Ban Tổng giám đốc và các trưởng ban của Tập đoàn. Đồng thời còn có các chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, trưởng phòng kỹ thuật, lập dự án, khoán sản phẩm và các kế toán trưởng của các đơn vị thành viên….
Tổng giám đốc Tập đoàn nhấn mạnh: Hội nghị chuyên đề không được hình thức mà phải bàn những vấn đề thiết thực

Phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc Trương Văn Tuyến nhấn mạnh: Do không có định mức tốt nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Công tác quản trị còn kém nên thời gian đóng tàu thường kéo dài, chi phí quản lý lớn. Hội nghị chuyên đề này không được hình thức mà phải bàn những vấn đề thiết thực để mỗi đơn vị có một định mức của riêng mình. Bàn về định mức không chỉ ở cấp Tập đoàn mà từng đơn vị thành viên phải tổ chức tốt về lĩnh vực này.

Cách đây 31 năm, vào ngày 26 tháng 5 năm 1981, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 201/CP về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ cho các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch và quản lý kinh tế tài chính. Tuy vậy, trong khoảng thời gian dài kể từ khi ngành công nghiệp tàu thủy ra đời, vấn đề này chưa được coi trọng đúng mức. Nhiều hợp đồng đóng tàu bị chậm tiến độ, chi phí gián tiếp cao dẫn đến lỗ bởi chưa xây dựng được định mức tiên tiến và áp dụng vào sản xuất.

Trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn Vinashin đã tập trung vào đề tài Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và ngày 1/11/2011, Tổng giám đốc Tập đoàn đã ký Quyết định số 1014/QĐ-CNT ban hành Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật tạm thời phục vụ đóng mới của Tập đoàn.
Hội nghị chuyên đề lần này nhằm cụ thể hóa việc xây dựng định mức tại các đơn vị thành viên. Bởi vậy, có nhiều tham luận đã được trình bày như: Kinh nghiệm xây dựng, áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật (của Tổng công ty Phà Rừng); Quản lý chi phí (Ban Tài chính Kế toán Tập đoàn);  Xây dựng, phê duyệt và quản lý tiến độ các sản phẩm (Ban KTSX-AT Tập đoàn); Quản lý và sử dụng hiệu quả nhân công tại các đơn vị đóng tàu (Tổng công ty Nam Triệu); Kinh nghiệm xây dựng Quy chế khoán, tổ chức giao khoán (SSIC); Việc quản lý thiết bị và Cơ giới (Ban Quản lý thiết bị Tập đoàn),…
Ban KTSX-AT Tập đoàn trình bày tham luận
Các tham luận đã đi thẳng vào những vấn đề cần thiết nhằm trao đổi kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và áp dụng định mức. Phân tích những yếu tố cấu thành lỗ trong quá trình sản xuất hoặc định mức giao khoán đến phân xưởng tạo lợi nhuận (SSIC),… Đó là những kinh nghiệm rút ra từ thực tế tại các đơn vị. Và đã có những chuyên đề từ thực tế sản xuất, được áp dụng thành công.
Áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật giúp quản lý sản xuất và tiến độ sản phẩm tốt hơn

Xây dựng, ban hành, áp dụng, theo dõi và điều chỉnh kịp thời định mức kinh tế - kỹ thuật cùng các quy chế khác của Tập đoàn nhằm quản lý tốt tiến độ, giảm chi phí quản lý, nâng cao sức cạnh tranh của công nghiệp đóng tàu là một trong những mục tiêu của quá trình tái cơ cấu Vinashin. Đó là hướng đi để công nghiệp tàu thủy Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu và phù hợp với sự phát triển của một ngành công nghiệp trong xu thế toàn cầu.

 

Tạp chí Vinashin

Go to top