Phát triển Khoa học Công nghệ phải đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của công nghiệp đóng tàu

Đồng chí Đỗ Thành Hưng - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trả lời phỏng vấn Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam về Công tác phát triển Khoa học Công nghệ trong Tổng Công ty
 

Xin đồng chí chia sẻ một số thành tựu nổi bật nhất của Khoa học công nghệ (KH-CN), đào tạo và phát triển nhân lực của Tổng Công ty trong những năm gần đây?

Ngành đóng tàu Việt Nam đã có một quá trình hình thành và phát triển tương đối dài, và luôn luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là từ khi Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (tiền thân của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy hiện nay) được thành lập năm 1996. Cùng với sự thay đổi, chuyển dịch trung tâm đóng tàu thế giới, Lãnh đạo Tổng Công ty cùng CB-CNV - trong đó có lực lượng làm công tác KH-CN và đào tạo, đã nỗ lực, sáng tạo, bền bỉ, dấn thân cho việc phát triển ngành đóng tàu Việt Nam. Ngành đóng tàu đã xây dựng và triển khai các chương trình phát triển quy mô lớn, rất tham vọng nhằm đưa công nghiệp tàu thủy Việt Nam bứt phá từ xuất phát điểm rất thấp trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam và được thế giới công nhận. Vì vậy, ngành đóng tàu đã tạo được sự thay đổi mạnh về năng lực kỹ thuật – công nghệ (cả cơ sở vật chất, nhân lực và tri thức), làm chủ được công nghệ đóng mới nhiều loại tàu có trọng tải lớn, trong đó có một số tàu yêu cầu cao về công nghệ. Từ chỗ mới nghiên cứu, đóng mới tàu chở hàng 3.850DWT phục vụ nhu cầu vận tải ven biển khi Tổng công ty mới được thành lập, ngành đóng tàu đã nỗ lực từng bước, đến năm 2005 đã đóng được các tàu hút xén thổi 1.500m3/h, tàu chở hàng rời 11.500DWT – 12.500DWT phục vụ xuất khẩu, đến năm 2010 đã đóng được hàng loạt tàu cỡ lớn, điển hình là các sê-ri tàu chở hàng rời 34.000 DWT, 53.000 DWT, tàu chở ô tô 4.900 xe... xuất khẩu sang các nước có ngành vận tải biển và đóng tàu phát triển như Anh Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Na Uy; tàu chở dầu thô 105.000DWT, kho nổi FSO chứa xuất dầu 150.000T... phục vụ cho nhu cầu trong nước; xây dựng ụ khô cỡ 100.000T, thiết kế được tàu 56.000T, 104.000T... Phần lớn các tàu này là những tàu chỉ có một số ít quốc gia đóng được do tính chất phức tạp đòi hỏi sự nghiêm ngặt về kỹ thuật - công nghệ từ chủ tàu và đăng kiểm quốc tế.  Đã có hơn 20.000 công nhân kỹ thuật được đào tạo, trong đó có hàng ngàn công nhân có chứng chỉ quốc tế, gần 4.000 lượt người được đào tạo với sự hợp tác của nước ngoài (trong đó hơn 1.000 công nhân được tu nghiệp ở nước ngoài)... tạo ra một lực lượng cán bộ, công nhân kỹ thuật, quản lý rất quan trọng của ngành đóng tàu Việt Nam.

 Kết quả phát triển khoa học – công nghệ trong đóng mới tàu thủy đó đã được thừa nhận rộng rãi trong nước và quốc tế. Theo kết quả bình chọn của Tạp chí Ship and Shipping số ra ngày 26/1/2011, tàu hàng 34.000DWT mang tên San Felice do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng đóng và bàn giao cho Công ty vận tải Lavant-Italia là con tàu đầu tiên được bình chọn trong 12 con tàu tốt nhất năm 2010. Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã trao 03 giải nhất (năm 2003, 2004, 2007) và nhiều giải khác cho các công trình KH-CN của Tổng Công ty; nhiều sản phẩm đóng mới và thiết kế tàu thủy đã được tặng huy chương vàng tại các kỳ triển lãm quốc tế về đóng tàu, hàng hải và vận tải, cúp Ngôi sao chất lượng tại Hội chợ triển lãm Cơ khí - Điện - Điện tử - Luyện kim....

Các kết quả nêu trên trong KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực là tiền đề quan trọng để Tổng Công ty củng cố và tiếp tục phát triển trong bối cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay của ngành đóng tàu thế giới và Việt Nam. Tuy chúng ta nâng cao được năng lực về kỹ thuật - công nghệ phục vụ đóng mới các tàu thủy nêu trên, nhưng chưa đủ năng lực cạnh tranh (đặc biệt là về giá, tiến độ) và trình độ khoa học quản trị trong đóng tàu vẫn còn rất hạn chế. Hơn nữa, trong những năm gần đây các doanh nghiệp đóng tàu tiên tiến trên thế giới đã phát triển rất nhanh về KH-CN (hướng đến các tàu tiết kiệm nhiên liệu, tàu xanh, tàu thông minh) và ngành đóng tàu Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa về mặt KH-CN so với các nước có ngành đóng tàu tiên tiến. Vì vậy, Tổng công ty cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế, đồng bộ và thực sự hiệu quả.

 Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách cho phát triển khoa học công nghệ, nhất là đối với ngành cơ khí. Đảng bộ, Hội đồng thành viên Tổng Công ty cũng đã phê duyệt Đề án phát triển KH-CN và thiết kế tàu thủy với chương trình mục tiêu và các giải pháp cho từng giai đoạn. Theo đánh giá của đồng chí thì việc đưa các giải pháp trên vào thực tiễn tại các công ty đóng tàu gặp phải những khó khăn, thuận lợi gì?

Ngành cơ khí đóng tàu rất được Đảng và Chính phủ quan tâm và đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, và trên thực tế ngành đã có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Từ năm 2008 đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và nhiều nguyên nhân khác, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy) gặp rất nhiều khó khăn, và từ năm 2010 đã tiến hành tái cơ cấu theo định hướng của Đảng và Chính phủ. Để ổn định, củng cố và phát triển, Tập đoàn đã xây dựng và ban hành nhiều đề án, nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 06/NQ-CNT ngày 17/1/2012 của HĐTV về “Phát triển KH-CN và thiết kế tàu thủy của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2030”, với nhiều giải pháp quan trọng. Quá trình thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CNT và các giải pháp đó, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng gặp một số khó khăn chủ yếu sau:

a)      Về thuận lợi: Thứ nhất, đó là sự quan tâm, hỗ trợ rất quan trọng của Đảng và Chính phủ trong suốt thời gian hàng chục năm qua đối với ngành đóng tàu, đối với KH-CN nói chung, đối với Tổng công ty nói riêng. Thứ hai, Lãnh đạo Tổng Công ty kiên trì phát triển KH-CN trong điều kiện rất khó khăn hiện nay. Thứ ba, lực lượng cán bộ kỹ thuật - công nghệ, quản lý và công nhân lành nghề được đào tạo, xây dựng trong môi trường đóng tàu phát triển nhiều năm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm; tuy hiện nay có sút giảm về số lượng, nhưng còn nhiều người rất tâm huyết và gắn bó với nghề. Thứ tư, Tổng Công ty nay chỉ tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính là đóng mới và sửa chữa tàu thủy, cũng là lĩnh vực mà chúng ta đã xây dựng được cơ sở vật chất – kỹ thuật rất quan trọng.

b)      Về khó khăn: Trong điều kiện khó khăn về tài chính, công việc hiện nay, nhiều đơn vị thành viên chưa thực sự quan tâm thúc đẩy hoạt động KH-CN, ít đầu tư kinh phí, nguồn lực cần thiết cho KH-CN, các giải pháp chậm được triển khai và kết quả nói chung còn rất khiêm tốn. Do thay đổi về tổ chức, tiềm lực của Tổng công ty (nhất là về nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, đào tạo) cũng có nhiều hạn chế. Trong bối cảnh ngành vận tải biển và ngành đóng tàu thế giới chưa thực sự phục hồi, kinh tế chưa thực sự khả quan, việc phát triển thị trường (bao gồm cả thị trường KH-CN) của Tổng công ty còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, sau khi Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy được thành lập, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2014, BCH Đảng bộ Tổng Công ty quyết định xây dựng Nghị quyết chuyên đề mới về “Đổi mới căn bản hoạt động KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030”.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực thiết kế, tư vấn, thử nghiệm và quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay của ngành đóng tàu Việt Nam. Để giải quyết vấn đề trên, các đơn vị đóng tàu trước mắt cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào?

Quá trình toàn cầu hóa trước kia dựa trên giá nhân công rẻ, nhưng ngày nay dựa chủ yếu trên tri thức, tri thức cùng với đổi mới - sáng tạo trở thành yếu tố then chốt cho quá trình phát triển trong thời đại mới của xã hội loài người cũng như của mỗi doanh nghiệp, cá nhân. Sự phát triển công nghệ tạo nên sự thay đổi thế giới một cách mạnh mẽ với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Công nghệ thông tin là nền tảng cho sự phát triển tri thức, và công nghệ thông tin ngày càng gắn kết hơn với tự động hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất (bao gồm cả thiết kế, tư vấn, thử nghiệm và quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh). Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định công nghệ thông tin và tự động hóa là một trong 4 lĩnh vực công nghệ cao cần ưu tiên phát triển.

Đóng tàu ngày càng trở nên một ngành sản xuất thông minh. Trong những năm vừa qua, ngành đóng tàu Việt Nam đã chú trọng nhất định việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa, trong đó nổi bật là sử dụng các phần mềm thiết kế và trang bị các thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại có mức độ tự động hóa khá cao, tuy vậy hiệu quả còn chưa tương xứng với đầu tư. Trong điều kiện khó khăn hiện nay của ngành đóng tàu Việt Nam, các công ty đóng tàu cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa.

Trước hết, cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực, bởi vì chỉ những người được đào tạo tốt về chuyên môn mới có thể làm chủ được máy móc, thiết bị hiện đại, mới có thể sử dụng tốt các thiết bị, hệ thống xử lý thông tin và ứng dụng kết quả xử lý thông tin đó. Nếu không có nhân lực được đào tạo tốt thì không thể làm ra được thiết kế tối ưu mặc dù có trang bị phần mềm thiết kế hoặc thiết bị thử nghiệm hiện đại. Các máy móc tự động (từ máy hàn, máy cắt, máy gia công phân đoạn phẳng… cho đến các thiết bị nâng hạ tiên tiến, các hệ thống quản lý và điều khiển tập trung) đều ít tác dụng, thậm chí tạo ra hàng loạt sản phẩm hư hỏng nếu không có người điều khiển, quản lý giỏi.

Thứ hai, cần xây dựng, áp dụng và tích hợp các hệ thống công cụ quản lý – kỹ thuật tiên tiến, bao gồm các cơ sở dữ liệu, các tiêu chuẩn, định mức, các quy trình (quản lý và công nghệ), các hệ thống ISO,  TQM, 5S, ERP… đó chính là nền tảng để ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa. Không có các tiêu chuẩn, định mức, các quy trình tốt thì các phần mềm dù tiên tiến, các thiết bị và hệ thống dù hiện đại cũng không thể hoạt động trôi chảy và hiệu quả. Việc xây dựng các công cụ này tuy không đòi hỏi nhiều kinh phí (như đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin và tự động hóa), nhưng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của toàn thể doanh nghiệp, đặc biệt là ý chí của những người lãnh đạo.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn hiện nay, cần nắm vững và sử dụng thật hiệu quả các thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin, tự động hóa hiện có (cũng như cơ sở vật chất – kỹ thuật nói chung) của nhà máy; nếu phải trang bị thêm thì cần đảm bảo yếu tố đồng bộ và tối ưu hóa (về công nghệ, năng suất cũng như khả năng khai thác hiệu quả nhất).

Xin đồng chí cho biết một số chủ trương của Đảng ủy, HĐTV đối với hoạt động KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực của Tổng Công ty trong năm 2014 và những năm tiếp theo?

Nhiệm vụ lớn nhất hiện nay của chúng ta là tái cơ cấu thành công về mọi mặt (từ tài chính, đến tổ chức, kinh doanh, và đặc biệt là KH-CN và đào tạo, phát triển nhân lực), phù hợp với bối cảnh mới của Tổng Công ty. Mặc dù hoạt động KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực đã tạo được những tiền đề quan trọng nêu ở trên, nhưng trong bối cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay, cần xác lập một định hướng mới tối ưu cho ngành đóng tàu nói chung, Tổng Công ty nói riêng. Nghị quyết chuyên đề về “Đổi mới căn bản hoạt động KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030” sẽ thể hiện quan điểm mới là phát triển toàn diện, đồng bộ và có khâu đột phá, ưu tiên gắn chặt với thực tiễn và hướng tới thị trường hơn giai đoạn vừa qua, để có thể cạnh tranh thành công và phát triển bền vững. Phấn đấu làm chủ thị trường đóng tàu trong nước, kết hợp các mục tiêu phát triển kinh tế và quốc phòng, phục vụ chiến lược kinh tế biển của Đảng và Nhà nước; tham gia vào thị trường quốc tế một cách chọn lọc, có lộ trình, phương thức thích hợp, vững chắc:

- Trước hết, cần thực sự thông suốt quan điểm của Đảng “Phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, vì vậy cần gắn kết hữu cơ KH-CN với đào tạo và phát triển nhân lực; cần quan tâm phát triển thường xuyên, liên tục KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực ở mọi tổ chức của Tổng Công ty. KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực phải giải quyết được bài toán cốt tử của nhà máy đóng tàu là năng suất lao động (nâng cao dần theo lộ trình phù hợp để đạt trình độ của thế giới), chất lượng (thỏa mãn yêu cầu của khách hàng quốc tế) và giá thành hợp lý, đảm bảo cạnh tranh thành công.

- Trong điều kiện rất khó khăn nhiều mặt hiện nay, hoạt động KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực của Tổng công ty phải có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn và ưu tiên thực hiện một số khâu đột phá, có tính khả thi và thực tiễn cao. Cần lựa chọn 01 nhà máy hiện có và đánh giá toàn diện, đầu tư đồng bộ, tối ưu hóa mọi hoạt động để xây dựng trước thành nhà máy đóng tàu theo chuẩn mực tiên tiến của thế giới; và cần kiên trì quan tâm phát triển lĩnh vực thiết kế của Tổng Công ty, vì đó là khâu quyết định tính chủ động và chất lượng trong đóng mới tàu thủy.

- Cần xây dựng lộ trình, phương thức phù hợp để từng bước vững chắc phát triển năng lực KH-CN, chất lượng đội ngũ nhân lực của Tổng Công ty. Ưu tiên nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới, thiết kế - chế tạo để có sản phẩm mang thương hiệu Tổng Công ty.

- Đầu tư kịp thời, đủ nguồn lực (về tài chính, nhân lực, thời gian) để đảm bảo KH-CN, đào tạo và phát triển nhân lực đáp ứng được yêu cầu của Tổng Công ty.

- Chú trọng lựa chọn (với tầm nhìn dài hạn) trong hợp tác với các đối tác chiến lược để nâng dần năng lực của Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đạt chuẩn quốc tế (có hệ thống quản lý tiên tiến, có sản phẩm được thị trường chấp nhận, có khả năng cạnh tranh quốc tế).

- Cần có các cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng (cả người Việt Nam và người nước ngoài), sử dụng, đãi ngộ cán bộ KH-CN, cán bộ quản lý, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành giỏi, để đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững của Tổng Công ty.

- Trong giai đoạn hiện nay, việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho ngành đóng tàu phát triển đến mức có thể tự chủ được, là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, chúng ta tiếp tục đề xuất, kiến nghị Nhà nước ưu tiên kinh phí thích đáng đặt hàng ngành đóng tàu thực hiện các nhiệm vụ KH-CN để phát triển thiết kế,  đóng mới các loại tàu cá vỏ thép, dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác, chế biến hải sản xa bờ; tàu Ro-ro phục vụ các tuyến vận tải biển; các loại tàu khách, hàng hóa ra các đảo của Việt nam; các loại tàu hỗ trợ, hậu cần phục vụ hải quân, cảnh sát biển, lĩnh vực an ninh – quốc phòng, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; các loại tàu dịch vụ dầu khí và công trình ngoài khơi; tàu khách ven biển, gần bờ; các loại tàu chở khách du lịch cao tốc, các loại tàu sử dụng nguồn nhiên liệu khí hóa lỏng LPG, các dòng tàu tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường... và hàng năm dành 50 suất học bổng cho các du học sinh và nghiên cứu sinh đi học tập cả về kỹ thuật - công nghệ và quản lý ngành công nghiệp đóng tàu tại các nước có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển.

Xin trân trọng cám ơn đồng chí!

 

Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam thực hiện

Go to top