Phát triển khoa học - công nghệ, thiết kế tàu thủy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030

Ngày 5/9/2011, Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có Nghị quyết số 07-NQ/ĐU về công tác triển khoa học - công nghệ, thiết kế tàu thủy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố, ổn định và phát triển Tập đoàn Vinashin giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xin trích phần II của Nghị quyết về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu với đầu đề của Ban biên tập.

                          Sản xuất que hàn tại Công ty vật liệu hàn Nam Triệu
1- Mục tiêu, quan điểm:

- Khoa học - công nghệ là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và sự ổn định, phát triển bền vững của Tập đoàn. Khoa học - công nghệ không chỉ phục vụ sản xuất mà còn phải mở đường cho sản xuất phát triển. Mọi hoạt động khoa học - công nghệ phải hướng vào mục tiêu đổi mới sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn. Khoa học - công nghệ phải làm tốt nhiệm vụ: tổng kết thực tiễn; dự báo xu hướng phát triển; cung cấp luận cứ xây dựng các định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thị trường và phải gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, an toàn lao động. Do đó trong giai đoạn tới phát triển khoa học - công nghệ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; vừa là yêu cầu, vừa là động lực để tạo ra thay đổi về chất nhằm đưa Tập đoàn vượt qua khó khăn, củng cố, ổn định và phát triển.

- Phát triển khoa học - công nghệ phải gắn bó hữu cơ với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có kiến thức quản trị doanh nghiệp giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, chuyên gia chuyên sâu; đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề và chuyên nghiệp.

2- Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

2.1- Đối với công tác phát triển khoa học - công nghệ, thiết kế tàu thủy:

- Đầu tư phát triển khoa học - công nghệ phải được tiến hành đồng bộ trên cả lĩnh vực kỹ thuật và lĩnh vực quản lý tạo nền tảng vững chắc, cân đối về trình độ quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật, công nghệ và quản lý sản xuất kinh doanh.

- Tập trung đầu tư (nhất là về tài chính) vào các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến và các sản phẩm mới, chủ lực mang thương hiệu Vinashin để thật sự tương xứng với vai trò của ngành, đáp ứng yêu cầu của một ngành công nghiệp mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển của đất nước.
                       Bể thử mô hình tàu thủy tại Viện KHCN tàu thủy
- Tăng cường liên kết với các đơn vị, cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo để tạo ra sự phối hợp có hiệu quả trong ứng dụng khoa học - công nghệ, dự báo công nghệ mới chuyên ngành tàu thủy và không ngừng nâng cao năng lực thiết kế đạt trình độ quốc tế.

- Quan tâm phát triển các dịch vụ khoa học - công nghệ, tạo lập thị trường hoạt động và chuyển giao khoa học - công nghệ trong và ngoài ngành.

- Xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với lực lượng cán bộ khoa học, chuyên gia nước ngoài có chuyên môn cao nhằm tập hợp và thu hút nhân tài phục vụ cho Tập đoàn. Khuyến khích và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ cho sinh viên được đào tạo tại các trường nghiệp vụ tàu thủy, trung tâm thử nghiệm, kiểm định tàu thủy ...

- Tập trung đầu tư các công nghệ tiên tiến, hình thành các cụm CNTT tự đáp ứng được nhu cầu, tạo thế chủ động và liên hoàn ở các khu vực trọng điểm của đất nước; chú trọng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại đóng tàu và sửa chữa tàu – đặc biệt các loại sản phẩm mà tập đoàn có lợi thế cạnh tranh.
                Sản xuất hạt mài tại Công ty cơ khí chính xác Vinashin
- Đổi mới mạnh mẽ công tác thiết kế, tư vấn, chế tạo thử nghiệm, tiếp tục đầu tư, nâng cấp Viện Khoa học công nghệ tàu thủy, kiện toàn và quy hoạch lại các cơ sở nghiên cứu, thiết kế trong Tập đoàn, lấy Viện Khoa học công nghệ tàu thủy làm nòng cốt để có đủ khả năng tư vấn thiết kế hoàn chỉnh nhiều cỡ tàu và thực hiện hợp tác với nước ngoài trong các chương trình thiết kế tàu thủy cỡ lớn, các loại tàu có tính năng kỹ thuật phức tạp như tàu chở ô tô, tàu chở khí hóa lỏng, acêtylen, phà biển, tàu chở khách đến 2.500 chỗ ngồi. Hoàn chỉnh đầu tư và đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia – trung tâm thử nghiệm mô hình  tàu thủy tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nâng cao năng lực Công ty Thiết kế đóng tàu Miền Nam để đáp ứng các yêu cầu thiết kế tàu thủy nội địa, tàu chuyên dụng, dịch vụ tại khu vực phía Nam. Bước đầu tự thiết kế, chế tạo thử nghiệm các loại tàu đặc chủng như: tàu nghiên cứu biển, tàu lặn, tàu  nghiên cứu khai thác dầu khí, tàu cánh ngầm ...

- Xây dựng và thực hiện chương trình nghiên cứu, đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ để tăng dần tỉ lệ nội địa hoá đối với sản phẩm đóng mới theo lộ trình thích hợp. Đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá và hội nhập ngành CNTT. Tận dụng cơ sở vật chất hiện có, kết hợp với đầu tư công nghệ chiều sâu thông qua các dự án, sản phẩm mục tiêu mà hoàn thiện chất lượng công nghệ.

- Kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng KHCN và Ban KHCN của tập đoàn tương xứng với vai trò, vị trí, yêu cầu trong giai đoạn mới.

- Tiến hành hợp tác và chuyển giao công nghệ với các cường quốc đóng tàu trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung quốc, Ba Lan, Đan Mạch… mua bản quyền, thuê chuyên gia đối với các dự án đóng mới tàu mẫu và seri tàu mới, phát triển công nghiệp phụ trợ.

- Trước mắt, lựa chọn khâu đột phá là xây dựng, triển khai đề tài nghiên cứu giải pháp về đổi mới toàn diện phương thức tổ chức quản lý, quản trị để đưa vào thực tiễn sản xuất làm thay đổi căn bản năng lực tổ chức, quản trị đóng mới và sửa chữa tàu thủy của tập đoàn; hình thành được một số đơn vị điển hình về tổ chức quản lý, quản trị đóng tàu tương đương theo mô hình doanh nghiệp đóng tàu quốc tế.
           Gia công thiết bị cơ khí tại Công ty cơ khí chính xác Vinashin
2.2- Đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chính là nhân tố  quyết định cho tăng trưởng kinh tế vì vậy phải được xây dựng thành một chiến lược dài hạn và phải được đầu tư thỏa đáng.

- Công tác đào tạo phải đảm bảo để nguồn nhân lực phát triển một cách đồng bộ, toàn diện với số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong những năm tới.

- Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo phù hợp với đề án tái cấu trúc Tập đoàn, trong đó Viện KHCN tàu thủy sẽ là một trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm khoa học - công nghệ, thiết kế tàu thủy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường cao đẳng CNTT được đầu tư nâng cấp để đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật và kỹ sư thực hành với các chuyên ngành tàu thủy. Các trường dạy nghề thuộc các Tổng công ty được đầu tư đạt chuẩn về chất lượng có cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy tiên tiến, hiện đại; có đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên sâu; nội dung, chương trình đào tạo tùy theo tính chất, quy mô đáp ứng được yêu cầu đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao và đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực làm công tác quản lý chuyên ngành của Tập đoàn và các đơn vị.

- Tăng cường các hoạt động dự báo về cung, cầu nguồn nhân lực trong toàn Tập đoàn theo từng giai đoạn 2011 - 2015, 2015 - 2020 và định hướng tới 2030. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, chương trình, mục tiêu, quy mô đào tạo để có nguồn nhân lực với chất lượng chuyên môn cao, có tay nghề phù hợp.
              Tàu 53.000 tấn chuẩn bị hạ thủy tại Công ty đóng tàu Hạ Long
- Xây dựng môi trường làm việc; quy chế về thu hút, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực; chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với sự cống hiến và khả năng phát triển của mỗi cá nhân. Đây là những yếu tố đảm bảo cho việc thu hút nhân tài, không bị “chẩy máu chất xám”, giải quyết tận gốc tình trạng thiếu hụt nhân lực trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, tạo lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn trong xu thế hội nhập quốc tế./.

 

Go to top