Tàu chở container cũng được gọi là tàu hộp (Box ship)

Chữ container trong tiếng Anh có nghĩa là chiếc thùng chứa. Tàu chở container (Container ship) là tàu chở những thùng container mà trong đó có chứa những loại hàng hóa nhất định. Trên thế giới những tàu chở container (Container ship) thường hay gọi một cách đơn giản là những tàu hộp (Box ship). Box ship cũng có thể hiểu là loại tàu chở những khối hàng có kích thước hình hộp. Vì thế nên khi các bạn đọc trong các tài liệu tiếng Anh nếu có gặp từ Box ship thì nên biết đây không phải là một loại tàu mới mà đó chính là tàu chở container.

Ông tổ tàu container

Năm 1956, Malcom McLean, chủ một hãng tàu biển, cho chiếc tàu container đầu tiên ra khơi. Đó là một ý tưởng siêu việt, nhưng không ai nhận ra. Đối thủ cạnh tranh cười nhạo, nhưng ý tưởng đột phá đó đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nền kinh tế thế giới.

Chuyến đi lịch sử

Ngày 26/4/1956, một chiếc tàu chở dầu cỡ nhỏ của Công ty tàu biển Pan-Atlantic-Steamship lặng lẽ rời cảng New York đi Houston, Mỹ. Không ai để ý đến con tàu Ideal X này, vì nó chỉ là một trong khoảng 40 tàu chở hàng rời cảng hôm đó. Hầu như không ai nhận ra thứ hàng hóa lạ lẫm trên tàu. Người ta không bơm dầu vào Ideal X như vẫn thường làm đối với tàu chở dầu, mà những chiếc cần cẩu khổng lồ lại cẩu 58 thùng sắt lớn bằng rơ-moóc xe tải thả xuống tàu. Trên tàu, những chiếc thùng sắt được gắn với nhau nhờ một kết cấu đặc biệt. Chỉ trong ít giờ đồng hồ, hàng đã được chuyển xong lên tàu và Ideal X khởi hành. ít ngày sau tại Houston, chu trình vận chuyển hàng kỳ lạ đó được lặp lại. Cần cẩu nhấc 58 chiếc thùng sắt chuyển lên xe tải đợi sẵn trên cầu cảng. Malcom McLean, sếp của Pan-Atlantic, vui mừng xoa tay. Thử nghiệm của ông đã thành công! Ideal X cập cảng Houston an toàn và nhờ những thùng sắt - container, ông tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc. Thay vì phải trả 15.000 USD cho thời gian Ideal X nằm trên cảng, nay chỉ phải trả có 1.600 USD - tiết kiệm chi phí đến 90%!
(Ảnh sưu tầm Internet chỉ có tính minh họa)

Ngày 26/4/1956 đã đi vào lịch sử như là ngày khai sinh của tàu container và đã mở đầu một cuộc cách mạng của ngành vận tải vĩnh viễn làm thay đổi nền kinh tế thế giới.

McLean vốn là chủ một công ty xe tải. Ông đã cực kỳ mạo hiểm khi dấn thân vào lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng tàu container. Năm 1955, McLean bán công ty xe tải đang phát triển của mình và mua lại Công ty tàu biển Pan Atlantic Steamship.

Phương thức chuyên chở hàng trong những chiếc thùng sắt không chỉ rất hiệu quả, mà còn chắc chắn. Sóng gió, thời tiết bất ổn và trộm cắp không còn động chạm đến hàng hóa được niêm phong trong các container nữa.

McLean cũng là người đầu tiên thiết lập tuyến tàu container đi châu Âu năm 1966. Một năm sau, ông vươn đến châu á. Nhận thấy hiệu quả của việc chở hàng bằng các container, lúc đó, người châu Âu mới thay đổi tư duy và bắt đầu một cuộc rượt đuổi với người Mỹ. Công ty Overseas Conatiner Line (OCL) và Associated Container Transportation (ACT) của Anh, Công ty Hamburg-Amerika-Linie và Norddeutsche Llyod của Đức là những công ty đầu tiên của châu Âu đặt đóng tàu container năm 1966 và 1967. Sau đó, ngành vận tải biển của châu á cũng vào cuộc. Năm 1968, Orient Overseas Container Line (OOCL) là công ty tàu container đầu tiên của châu Á. Năm 1969, Đài Loan thành lập Evergreen Marine Corporation - ngày nay thuộc những công ty tàu biển lớn nhất thế giới.

Ngày nay phương thức vận chuyển bằng container vẫn giữ một nhịp độ phát triển mạnh mẽ. Năm 1956, chiếc Ideal X chỉ chở được 58 container. 55 năm sau, có không ít tàu đang được đóng có đủ chỗ cho 13.000 container và các kỹ sư cũng đã bắt tay vào thiết kế những gã khổng lồ trên đại dương đủ chỗ cho tới... 18.000 container.

(Ảnh sưu tầm Internet chỉ có tính minh họa)
Kích thước container

Hiện nay các container đều có tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hay quốc gia. Container tiêu chuẩn quốc tế là container được chế tạo theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO.

Trong các loại container tiêu chuẩn quốc tế khác nhau, hiện nay thường sử dụng rộng rãi 2 loại là 1AA và 1CC. Kế tiếp là các loại 1AAA, 1A, 1C cũng khá phổ biến. Còn các loại khác ít được sử dụng.

Trong vận tải người ta dùng đơn vị TEU (Twenty Foot Equivalent Units) và FEU (Forty Foot Equivalent Units) để tính số lượng container. Trong số  container vận chuyển thì có tới 37,6% là loại TEU và 49,7% là loại FEU.

Phân loại container

Có nhiều cách để phân loại container. Theo công dụng thì container có thể được phân loại như sau:

+  Container hàng bách hóa

+  Container mái mở

+ Container thông gió

+  Container phẳng

+ Container lạnh

+  Container hàng rời

+ Container bồn

+  Container chở ô tô

+  Container chở súc vật sống

Phân loại tàu chở container

Theo cách xếp dỡ container trên tàu, các tàu container được chia ra:

1. Tàu container kiểu LO/LO:

Loại này thường được gọi chung là tàu container với những đặc điểm như sau:

+ Tàu có 1 boong:

+ Miệng hầm hàng rộng bằng 70-90% chiều rộng của hầm

+ Hầm hàng cũng như mặt boong được thiết kế tận dụng toàn bộ dung tích và không gian để xếp container.

+ Tàu container không có cần cẩu lắp trên tàu mà dùng cần cẩu treo chuyên dụng ở trên bờ để đưa container xuống tàu và ra khỏi tàu.

+ Trong hầm hàng có các khung dẫn hướng phù hợp với kích thước của container, được đặt đứng để xếp container và để giữ cho container không bị dịch chuyển.

+ áp dụng kết cấu vỏ thép, có nhiều khoang chứa nước dằn

+ Buồng máy thường được đặt ở phía lái hoặc gần lái  để có nhiều diện tích và khoảng không gian xếp được nhiều container.
(Ảnh sưu tầm Internet chỉ có tính minh họa)

2. Tàu container kiểu RO/RO:

Tàu container kiểu lăn RO/RO thì lại là loại tàu có nhiều tầng boong. Các tầng boong đều có đường dẫn nghiêng để cho xe có thể chạy lên xuống được hoặc có các thang máy để di chuyển xe hoặc container xe. Bên mạn hoặc phía lái có cửa mở và cầu thang ngang để nối với cầu cảng. Các đơn nguyên hàng hóa, các xe ô tô chứa trong container được xe chuyên dụng đưa vào các vị trí xếp hàng thông qua các thang ngang, thang máy hoặc cầu dẫn ở phía lái.

Tàu container kiểu lăn RO/RO thích hợp để chuyên chở nhiều loại hàng hóa. Ngoài ô tô, tàu còn có thể xếp các loại xe khác, hàng siêu trọng v.v... Tàu chở ô tô cũng là loại tàu kiểu RO/RO.

Loại tàu này sử dụng cách xếp hàng theo chiều ngang nên cùng một lúc có thể xếp được nhiều loại hàng với tốc độ xếp dỡ hàng khá nhanh.

3. Tàu chở sà lan LASH

Loại tàu này cũng được coi là một loại tàu container, nhưng là loại container nổi trên mặt nước. Đó là các sà lan hộp.

Hình dáng của sà lan phụ thuộc vào phương thức xếp hàng trên tàu mẹ. Trọng tải của sà lan thường là từ 140 - 1000 tấn.

 

M.Quang

Go to top