Tàu tàng hình (Phần 1)

Vài nét về công nghệ tàng hình
Tàng hình là làm sao để đối phương không phát hiện ra mình. Vì vậy, công nghệ tàng hình đã được phát triển sau công nghệ phát hiện, mà công nghệ phát hiện chủ yếu dựa trên các máy radar, nơi phát ra các tia sóng để phát hiện mục tiêu.
Về xuất xứ thì từ năm 1895, khi nhà sáng chế người Nga Alexander Popov đang làm việc tại Học viện Quân sự Hoàng gia Nga, đã chế tạo thành công thiết bị cho phép xác định tọa độ vật thể từ xa dựa trên nguyên lý phản hồi của sóng điện từ đơn cực đồng nhất đẳng hướng (Coherent).

Chùm tia coherent, còn gọi là laser, có thể "bắn" đi rất xa mà không bị tán xạ. Thông thường các tia phản xạ từ một vật thể bị tản mát về các hướng khác nhau, còn chùm tia phản xạ của tia coherent vẫn giữ được đặc tính coherent. Đó chính là bản chất của nguyên lý Alexander Popov trong công nghệ radar,  công nghệ "phát hiện" mục tiêu (radar truyền thống "thu-phát", để phân biệt với radar thụ động chỉ thu các tín hiệu phản hồi các nguồn có sẵn lên mục tiêu).

Công nghệ ngụy trang hay "tàng hình" một vật thể để tránh sự phát hiện của radar dựa trên nguyên lý cơ bản là làm sao cho chùm tia phản xạ từ vật thể ấy không đến được máy thu radar. Muốn vậy thì hoặc là làm cho đặc tính phản xạ của bề mặt vật thể bị yếu đi, hoặc chùm tia phản xạ bị chệch ra hướng khác...

Công nghệ tàng hình được các nước âm thầm phát triển, nhưng thành công đầu tiên có tính chất quân sự là vào năm 1970 sau khi hãng Lockheed Mỹ thử nghiệm thành công công nghệ này dựa trên lý thuyết của nhà vật lý Nga Pyotr Ufimtsev. Công trình nghiên cứu này được đăng trong tạp chí "Soviet Radio", Moskva, năm 1962.
 
Các công nghệ tàng hình chủ yếu hiện nay
- Công nghệ giảm bề mặt phản xạ hện nay dụng của phương tiện chiến đấu bằng nhiều cách như: sử dụng vật liình chủ yêếu hioó khả năng hấp thụ hoặc tản xạ sóng radar, cấu trúc phương tiện chiến đấu có bề mặt nhiều góc cạnh để tản xạ theo nhiều hướng khác nhau hoặc nhẵn bóng để giảm tối đa phản xạ sóng radar.

- Công nghệ giảm bức xạ nhiệt hồng ngoại do động cơ hoạt động thải ra, nhất là khi bị tên lửa bám, bằng nhiều cách: che chắn các phần bị hun nóng của động cơ, giảm "góc nhìn" của địch, sử dụng turbin cánh quạt để hạ nhiệt, tối ưu hoá việc đốt cháy để không sản sinh bức xạ nhiệt hồng ngoại, hạn chế các yếu tố làm tăng việc thải này...

- Giảm phát xạ điện từ bằng những cách như: che chắn các khí tài điện - điện tử của phương tiện chiến đấu, giảm phát xạ xung để thu hẹp khả năng phát hiện tín hiệu, thay bộ phát xạ điện từ bằng kỹ thuật quang, kỹ thuật la-de...

Ngoài 3 công nghệ chủ yếu trên thì hiện Nga đang phát triển loại công nghệ tàng hình Plasma tiên tiến, tuy nhiên nó còn đang trong quá trình thử nghiệm chưa được đưa vào sử dụng trên thực tế!

Công nghệ tàng hình là tổng hợp của rất nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau thuộc các lĩnh vực vật lý kỹ thuật, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin, động lực, tự động hoá, năng lượng... Hiện nay, kỹ thuật tàng hình được coi là một kỹ thuật tổng hợp tiên tiến nhất đối chọi lại các thủ đoạn trinh sát, thăm dò của radar, điện tử, hồng ngoại, sóng âm thanh....và thường được gọi là kỹ thuật tàng hình radar, kỹ thuật tàng hình điện tử, kỹ thuật tàng hình các nguồn sáng có thể phát hiện được và kỹ thuật tàng hình sóng âm thanh... Tuy nhiên, thực chất kỹ thuật tàng hình là sự phát triển của kỹ thuật ngụy trang truyền thống theo hướng công nghệ cao.

 
Vật liệu tàng hình
Trong kỹ thuật tàng hình, vật liệu tàng hình được coi là yếu tố then chốt. Hiện nay trên thế giới đã và đang phát triển một số vật liệu tàng hình sau:

 

- Vật liệu polyme:

Loại vật liệu này mới được phát triển trong những năm gần đây nhờ có kết cấu đa dạng, đặc tính cơ lý-hóa học độc đáo. Phức hợp vật liệu polyme dẫn điện với vật liệu vô cơ tổn hao từ, hoặc các hạt cực nhỏ có thể phát triển thành một loại vật liệu kiểu mới, nhẹ, hấp thụ sóng viba dải tần rộng. Sản phẩm kết hợp polyme dẫn là Contex, một loại sợi do hãng Milliken & Co, sản xuất từ năm 1990. Sợi được phủ lớp vật liệu polyme dẫn được gọi là Polypyrrole và có thể dệt thành thảm chống tĩnh điện, đã được Mỹ sử dụng cùng với những tấm Card trên máy bay để triệt tiêu năng lượng đến của radar.

 - Chất hấp thụ sợi thép đa tinh thể:

Công ty Gamma của châu Âu đã phát triển một loại sơn hấp thụ sóng ra-đa kiểu mới, sử dụng sợi xenlulô thép đa tinh thể làm vật liệu hấp thụ. Đây là một loại vật liệu hấp thụ ra-đa từ tính, hiệu quả cao trong băng tần rất rộng trong khi trọng lượng giảm tới 40-60%; khắc phục được khuyết điểm quá nặng của đa số vật liệu hấp thụ từ tính.

 

- Vật liệu Chiral:

Chiral là một loại hiện tượng mà vật thể và ảnh đối xứng qua gương của nó không tồn tại tính đối xứng về hình học; không thể sử dụng bất cứ phương pháp nào để làm cho vật thể và ảnh đối xứng qua gương của nó tồn tại tính đối xứng về hình học, cũng không thể sử dụng bất cứ phương pháp nào để làm cho vật thể và ảnh đối xứng qua gương trùng hợp được với nhau. Bắt đầu từ những năm 1950, các công trình nghiên cứu cho thấy vật liệu Chiral có thể làm giảm phản xạ của sóng điện từ chiếu vào, đồng thời có thể hấp thụ sóng điện từ. Đến những năm 1980, nghiên cứu đặc tính hấp thụ và phản xạ sóng viba của vật liệu Chiral được thực sự coi trọng. Hiện nay, vật liệu Chiral hấp thụ sóng radar là hỗn hợp vật chất có kết cấu dựa trên vật liệu cơ bản để tạo thành vật liệu phức hợp.

 

- Sơn tàng hình:

Sơn tàng hình là loại sơn phức tạp có thể hấp thụ các loại sóng cao tần, vi ba, sóng milimét. Sau khi tạo lớp sơn bảo vệ, lớp sơn cuối cùng sẽ làm cho vũ khí trang bị dày thêm vài micrômét. Các hạt hình cầu nhỏ li ti rất thích hợp để phủ lên bất kỳ kết cấu nào. Các nhà khoa học đã tạo ra được nhiều loại sơn thẩm thấu hình cầu li ti để phối hợp với nhau nhằm tạo nên các công cụ khác nhau, bao gồm cả chống nhiễu điện tử, hấp thụ sóng ra-đa, sóng hồng ngoại và ngụy trang hồng ngoại. Sử dụng chất sơn hạt hình cầu liti còn có ưu điểm giá thành hạ, và thời gian sử dụng kéo dài.

 

- Vật liệu Nanômét:

Sự ra đời của tàng hình Nanômét đã mở ra hướng phát triển vũ khí tàng hình thông minh trong tương lai. Các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga... coi kỹ thuật Nanômét là kỹ thuật tàng hình thế hệ mới.

Vật liệu Nanômét là loại vật liệu do các hạt siêu nhỏ (1- 15 Nanômét) của kim loại, hợp kim, vật liệu vô cơ hoặc của vật liệu polyme qua ép nén, liên kết hoặc phun tạo thành. Vi hạt Nanômét có kích thước nhỏ hơn nhiều so với bước sóng của tia hồng ngoại và sóng radar nên tính truyền sóng qua và tỷ lệ hấp thụ sóng điện từ lớn hơn nhiều so với các loại vật liệu thông thường, đặc biệt nó có đặc tính tổn hao từ lớn, nên có thể làm vật liệu tàng hình.

Vi hạt Nanômét có tính hấp thụ sóng tốt trong phạm vi phổ tần khá rộng, được coi gần như vật "siêu đen" tuyệt đối, nhất là thể rắn Nanômét của các loại chất ô xy có tính hấp thụ tốt đối với sóng hồng ngoại, làm vật liệu tàng hình tổng hợp với kênh phổ rộng dùng cho cả sóng hồng ngoại và radar, làm cho kỹ thuật tàng hình phát triển mạnh theo phương hướng từ kênh sóng đơn nhất sang kênh phổ tần rộng.

 Một đặc tính của vật liệu nanô mà các vật liệu khác không thể so sánh được, là đặc điểm có tính hấp thụ sóng rất mạnh, hoạt tính cao và dễ phân tán, nên rất dễ tạo thành lớp phủ tàng hình nhẹ, siêu mỏng. Như vậy, lớp phủ tàng hình dày hàng chục micrômét như hiện nay sẽ được thay thế bởi lớp phủ dày chỉ mấy chục Nanômét. Điều này làm cho trọng lượng giảm đi rất nhiều, và nâng cao tính năng tàng hình của vũ khí, trang bị. Các nhà khoa học quân sự đã nghiên cứu chế tạo được ''bột siêu đen'' chất sơn tẩm Nanômét có thể hấp thụ 99% sóng radar, có khả năng nhận biết, tự xử lý các mệnh lệnh chỉ huy và tin tức.

 

- Kỹ thuật tàng hình Plasma:

Công nghệ tàng hình Plasma (còn gọi là tàng hình đẳng ion) có tính kinh tế, rẻ tiền hơn tất cả các công nghệ tàng hình đã có, nhưng lại có hiệu quả tàng hình rất cao. Bản chất của công nghệ tàng hình Plasma là cân đối giữa hiệu quả khí động học và tính tàng hình của vật thể. Đó là công nghệ tàng hình  khác hoàn toàn với các công nghệ tàng hình truyền thống.

Thực chất plasma có nghĩa là nguyên tử của nó chứa nhiều động năng tới mức các điện tử hóa trị được giải phóng do những va đập giữa các nguyên tử. Một tín hiệu vô tuyến gặp phải luồng Plasma sẽ dễ dàng bị phân tán. Sóng điện từ gặp phải Plasma cũng sẽ bị năng lượng hóa cao và đổi hướng làm cho máy thu không thu được tín hiệu phản hồi, vì thế radar không phát hiện được sự hiện diện của vũ khí trang bị. Cũng có khả năng là plasma sẽ đánh lừa và tiêu tán năng lượng sóng vô tuyến bằng cách hút tín hiệu xung quanh nó cho tới khi tín hiệu bị triệt tiêu, do đó không phản hồi lại radar.

(Xem tiếp kỳ sau)

 

Trà My

Go to top