Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam

             Tính đến thời điểm hiện nay, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho đóng mới và sửa chữa tàu biển của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã có bước phát triển, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã sản xuất được một số vật tư, thiết bị với chất lượng và giá cả đảm bảo cạnh tranh với các loại vật tư, thiết bị nhập khẩu như: que hàn, hạt mài, ống thép xoắn, nội thất, xuồng và giá xuồng cứu sinh, sản phẩm gia công cơ khí…vv. Góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu nội địa hóa của Công nghiệp Tàu thủy.

Thực hiện kết luận số 81-KL/TW ngày 6/8/2010 của Bộ Chính trị (khóa X), ngày 18/11/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2108-QĐ/TTg về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, trong đó công nghiệp phụ trợ phục vụ cho đóng mới và sửa chữa tàu biển là một trong ba lĩnh vực chính của Tập đoàn. Trong những năm qua, Tập đoàn đã đóng được những loại tàu lớn có yêu cầu kỹ thuật cao như: tàu chở hàng 53.000 DWT, 34.000 DWT, tàu chở ô tô 4900 xe, tàu chở khí Ethylene, tàu chở hóa chất 6.500 DWT…. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao, tiến độ thi công chậm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các vật tư, thiết bị phục vụ cho đóng tàu đều nhập khẩu từ nước ngoài, dẫn tới giá thành sản phẩm cao; không chủ động được thời gian cung cấp, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dẫn đến việc bàn giao tàu bị chậm tiến độ.
Tính đến thời điểm hiện nay, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho đóng mới và sửa chữa tàu biển của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã có bước phát triển, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã sản xuất được một số vật tư, thiết bị với chất lượng và giá cả đảm bảo cạnh tranh với các loại vật tư, thiết bị nhập khẩu như: que hàn, hạt mài, ống thép xoắn, nội thất, xuồng và giá xuồng cứu sinh, sản phẩm gia công cơ khí…vv. Góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu nội địa hóa của Công nghiệp Tàu thủy. Thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu, xây dựng ngành đóng tàu là ngành mũi nhọn của kinh tế hàng hải trong chiến lược kinh tế biển của Đảng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Do vậy, việc phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong Tập đoàn là việc làm rất cấp thiết, bởi lẽ:

1. Phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn nhằm khai thác tối đa thế mạnh trên cơ sở nội lực sẵn có của các đơn vị, xây dựng và phát triển hiệu quả, bền vững, từng bước củng cố uy tín và thương hiệu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, xây dựng ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 – khóa X của Đảng. Trước mắt phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II, theo đó đến năm 2015 đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50%; tỷ trọng sản xuất công nghiệp phụ trợ đạt 20% sản lượng đóng mới.

2. Ưu tiên sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trợ và dịch vụ trong nội bộ Tập đoàn nhằm nâng cao tỷ trọng nội địa hóa trên cơ sở phát huy năng lực hiện có của các cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ, Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy, các Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở cung cấp dịch vụ khác. Theo thứ tự nguyên tắc ưu tiên như sau:

Ưu tiên sử dụng 100% các sản phẩm phụ trợ mà các đơn vị thành viên hoặc liên doanh trong Tập đoàn đã sản xuất được trên cơ sở bảo đảm chất lượng, có chứng chỉ Đăng kiểm phù hợp, giao hàng đúng tiến độ, giá cả cạnh tranh.

Sử dụng 100% các dịch vụ mà các đơn vị thành viên, liên doanh trong Tập đoàn có đủ năng lực tổ chức thực hiện trên cơ sở chất lượng, hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Kết hợp, liên doanh với các doanh nghiệp trong Khối doanh nghiệp Trung ương, các doanh nghiệp trong nước để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong khi các đơn vị thành viên hoặc liên doanh trong Tập đoàn chưa sản xuất được.

3. Góp phần tháo gỡ khó khăn, định hướng sản xuất cho các đơn vị sản xuất sản phẩm phụ trợ và cung cấp dịch vụ trong Tập đoàn, tổ chức sản xuất phù hợp với năng lực của từng đơn vị trên cơ sở bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, giá thành hợp lý. Tiến tới xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho đóng mới và sửa chữa tàu biển thực sự trở thành một trong ba lĩnh vực chính của Tập đoàn.

Để thực hiện tốt việc phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong Tập đoàn, các đơn vị cần chú trọng một số điểm sau:

1. Xây dựng và triển khai Quy chế mua sắm vật tư, thiết bị (mà các đơn vị trong Tập đoàn đã sản xuất được) và các sản phẩm dịch vụ giữa các đơn vị trong nội bộ Tập đoàn.

2. Tập trung vào các sản phẩm đặc thù trong nước chưa sản xuất mà các đơn vị trong Tập đoàn có thế mạnh hoặc đang đầu tư như: sản xuất thép đóng tàu, động cơ Diezel tàu thủy, nội thất tàu thủy, thiết bị boong...vv.

- Với các sản phẩm phục vụ sản xuất chung như: que hàn, khí công nghiệp, sơn, ống thép xoắn, thép đóng tàu, trang bị nội thất…vv, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ cả trong và ngoài Tập đoàn để phát huy hết công suất hiện có, giảm giá thành sản phẩm.

- Với các trang thiết bị tàu thủy như: động cơ Diezel, thiết bị trong buồng máy, thiết bị trên boong…vv, cần nghiên cứu lựa chọn đối tác nước ngoài để liên doanh, liên kết, mua bản quyền để sản xuất tiêu thụ.

3. Đầu tư có trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ cho ngành đóng tàu như: thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công tàu biển; thiết kế, thi công các công trình cho nhà máy đóng tàu; các dịch vụ tư vấn kiểm tra, giám sát, quản lý dự án…vv, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của các nhà máy và cạnh tranh được với các đơn vị trong và ngoài nước.

4. Các đơn vị sản suất sản phẩm phụ trợ và cung cấp dịch vụ phải làm tốt công tác quảng cáo, quảng bá giới thiệu các sản phẩm và năng lực cung cấp dịch vụ của mình trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam là hành động thiết thực để tiếp tục hưởng ứng và triển khai cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo thông báo kết luận số: 264-TB/TW ngày 31/07/2009 của Bộ Chính trị khóa X, đồng thời cũng thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX vào cuộc sống./.

Chu Xuân Lai

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam

  

 

Go to top