“Mắt thần” nhận dạng, theo dõi tàu biển từ xa

Hệ thống LRIT có chức năng thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng, vị trí cho phép theo dõi tàu thuyền...

20

Mô hình tiếp nhận và xử lý thông tin của hệ thống LRIT

Hệ thống thông tin quản lý hành trình cho tàu xa bờ - LRIT mang đến một công cụ quản lý hữu hiệu giúp các nhà quản lý theo dõi và giám sát các tàu của Việt Nam hoạt động trên nhiều vùng biển quốc tế và các tàu quốc tế hoạt động trong vùng LRIT của Việt Nam (phạm vi bán kính 1.000 hải lý tính từ đường cơ sở).

Dễ dàng nhận dạng và truy hành trình tàu thuyền

Ông Vũ Quốc Việt, phụ trách Đài Thông tin Nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (Long Range Identification and Tracking System - LRIT) dẫn chúng tôi tham quan Trung tâm Dữ liệu LRIT nơi các nhân viên trực máy đang theo dõi sát sao các màn hình lớn hiển thị thông tin vị trí các con tàu đang hoạt động trên biển, thông qua giao diện web.

Hệ thống LRIT Việt Nam thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL). “Hệ thống này có chức năng thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng và vị trí cho phép theo dõi tàu thuyền mang quốc tịch Việt Nam hoạt động tại bất cứ vùng biển nào trên thế giới, trừ hai vùng cực và các tàu quốc tế hoạt động trong vùng LRIT với phạm vi bán kính 1.000 hải lý tính từ đường cơ sở, đã có thông báo dự kiến đến cảng hoặc vùng biển thuộc vùng tài phán của Việt Nam”, ông Việt giải thích.

Cùng với các Đài Thông tin duyên hải, Đài Thông tin Vệ tinh mặt đất Inmarsat, Đài Thông tin Vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam (VNLUT/MCC), Đài Thông tin Nhận dạng và truy theo tầm xa LRIT thuộc Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đã tạo thành một hệ thống thông tin hoàn chỉnh luôn sẵn sàng 24/7 phục vụ đắc lực công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an toàn an ninh, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ông Việt cũng cho biết thêm, cùng vớihệ thống thông tin AIS (Automatically Identification System) bao gồm 41 trạm, trải dọc các khu vực cảng biển, các tỉnh ven biển cũng như các đảo lớn như: Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc để giám sát, quản lý tàu thuyền ven biển thì hệ thống LRIT với chức năng giám sát, quản lý tàu tầm xa đã tạo thành một bộ đôi công cụ hữu hiệu giúp các cơ quan Nhà nước dễ dàng quản lý các phương tiện trên biển.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2014 ban hành quy chế quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống LRIT. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị như: Văn phòng Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, các Cảng vụ Hàng hải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng… đang sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo hành trình của tàu thuyền do hệ thống LRIT cung cấp để đánh giá mức độ đe dọa đến an toàn an ninh. Qua thông tin thu nhận được, các cơ quan quản lý sẽ có biện pháp giảm thiểu sự nguy hiểm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát vị trí của các tàu thuyền mang cờ quốc gia, phục vụ công tác quản lý chuyên ngành hàng hải, an toàn, an ninh hàng hải và đặc biệt là hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Vững tâm hơn khi có LRIT

Hệ thống LRIT Việt Nam đáp ứng yêu cầu của Công ước SOLAS-74 sửa đổi, bổ sung năm 2006 về việc thiết lập hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) mà Việt Nam là thành viên.

Thông thường, thông tin LRIT được phát tự động 6 tiếng/lần từ thiết bị LRIT lắp đặt trên tàu qua vệ tinh Inmarsat về Trung tâm Dữ liệu LRIT quốc gia (NDC) để quản lý và lưu trữ. Người sử dụng được cấp tài khoản để có thể truy cập và khai thác hệ thống qua giao diện web.

Khi tàu gặp các tình huống tai nạn, nguy hiểm và phát báo động cấp cứu, đơn vị chủ trì tìm kiếm cứu nạn sẽ ngay lập tức đăng nhập vào Hệ thống LRIT Việt Nam và bằng các lệnh nghiệp vụ để kiểm tra cơ sở dữ liệu đối với các tàu do quốc gia mình quản lý có nằm trong vùng lân cận của tàu bị nạn hay không. Sau đó, bằng sự phối hợp với các NDC và Hệ thống Chuyển mạch dữ liệu LRIT quốc tế, thông tin về vị trí sẽ được hiển thị. Đơn vị chủ trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn sẽ có phương án liên lạc với các tàu ở vị trí lân cận tàu bị nạn để trợ giúp kịp thời. Ngoài ra, ông Việt cũng cho biết, hệ thống hoàn toàn có thể theo dõi được vị trí các phương tiện thăm dò khai thác, lai kéo… trong vùng biển Việt Nam.
 
Cũng theo thông tin từ ông Việt, hiện nay trong gần 400 tàu được tích hợp hệ thống LRIT, vẫn còn một số tàu chưa duy trì hoạt động của thiết bị LRIT do một số nguyên nhân như tàu tắt máy hoặc không bật thiết bị. Điều này đã vi phạm việc phải duy trì thiết bị LRIT theo Quyết định số 62/2014, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan tìm kiếm cứu nạn trong việc theo dõi, xác định vị trí tàu để ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Theo quy định trên các tàu thuyền, tàu chở khách, bao gồm cả tàu cao tốc chở khách, hoạt động trên tuyến quốc tế; Tàu chở hàng, bao gồm cả tàu cao tốc chở hàng, có tổng dung tích từ 300 GT trở lên, hoạt động trên tuyến quốc tế; Giàn khoan di động có nghĩa vụ duy trì thiết bị LRIT hoạt động theo chế độ 24/7. Ngoài các đối tượng quy định bắt buộc ở trên, các phương tiện khác hoạt động trên biển có thể được lắp đặt thiết bị LRIT khi có yêu cầu.

Theo: Thiện Anh
baogiaothong.vn
Go to top