Đang tải...
Chào mừng đến với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu Thủy
Tiếng việt
Tiếng việt
Tiếng anh
Nhiều năm trở lại đây, du lịch tàu biển có xu thế chuyển dịch mạnh sang khu vực châu Á, các hãng tàu lớn trên thế giới thường đưa khách đi theo tuyến châu Âu - châu Mỹ - Địa Trung Hải đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), chiến lược phát triển du lịch tàu biển đến năm 2020 của thế giới sẽ có xu thế phát triển mạnh đến vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.200 km cùng hàng nghìn đảo nhỏ, hệ sinh thái đa dạng cùng nhiều di sản vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú,tuyến đường giao thông hàng hải thuận lợi… Việt Nam đang là thị trường khai thác tiềm năng của nhiều hãng du lịch tàu biển trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ khác của nhà nước như giảm lệ phí visa cho du khách nhập cảnh Việt Nam bằng tàu biển, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, quy định biểu giá hành khách qua cảng…đã mở ra một cơ hội mới về phát triển dịch vụ du lịch tàu biển tại Việt Nam và Cảng Chân Mây là nơi hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển.
Những lợi thế về đón tàu biển tại Cảng Chân Mây và hiệu quả kinh tế mang lại
Với vị trí hàng hải thuận lợi kết nối với Singapore, Philippines và Hong Kong. Thêm vào đó, Cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm, trên dải đất miền Trung của Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), các trung tâm di sản thế giới như Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích cố đô Huế và cạnh khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô - Hải Vân, Vườn quốc gia Bạch Mã). Là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông – Tây. Bên cạnh đó, Cảng Chân Mây có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, độ sâu khu nước -12.5m không bị bồi lấp, đảm bảo cho nhiều tàu lớn cập cảng.
Với những lợi thế đó, ngay từ khi đi vào hoạt động Cảng Chân Mây đã được Tập đoàn Star Cruises chọn lựa để đưa du thuyền 5 sao Super Star Leo (đăng ký quốc tịch Panama) từ Singapore với 1.300 du khách và 1.300 sĩ quan, thuyền viên cập Cảng Chân Mây ngày 24/3/2004 và sau này rất nhiều hãng tàu biển khác như Skysea Cruise Line; Princess Cruises; Oceania Cruises; Costa Crociere; Crystal Cruises; Norwegian Cruise Line; Hapag Lloyd; Cruise & Maritime Voyages… đã chọn Cảng Chân Mây là điểm đến, đưa hàng trăm nghìn lượt khách quốc tế đến với địa phương và con số này đang tăng đều theo hàng năm.
Từ năm 2015 trở lại, đây Hãng tàu biển Royal Caribbean đã quyết định ứng vốn đầu tư nâng cấp Bến số 1 - Cảng Chân Mây, tăng cường thêm các trụ neo, nạo vét khu nước, hệ thống đệm va đủ tiêu chuẩn và khả năng tiếp nhận các tàu du lịch quốc tế cỡ lớn có chiều dài đến 362m và tải trọng 225.282GT như Ovation of the Seas có sức chở trên 6.200 hành khách và thủy thủ. Ngoài ra, còn có nhiều đối tác trong và ngoài nước đã tiếp xúc và mong muốn hợp tác trong việc phát triển Cảng Chân Mây thành nơi đón tàu khách hạng sang cỡ lớn tại khu vực miền trung Việt Nam.
Theo số liệu thống kê tại Cảng từ năm 2015 đến tháng 6/2018 đã có 150 lượt tàu khách cập cảng, đón gần 350.000 lượt khách từ nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại nguồn thu cho cảng gần 53 tỷ đồng. Mức tăng trưởng lượt khách bình quân hàng năm trên 35%, trong đó năm 2017 tăng 46% so với năm 2016. Mức tăng trưởng về doanh thu dịch vụ tàu khách bình quân hàng năm là trên 30%. Trước mắt, những lợi ích kinh tế mang lại cho doanh nghiệp cảng khi đón tàu khách chưa thể sánh bằng lợi ích đón tàu hàng, tuy nhiên, việc đón hàng trăm nghìn lượt khách cập Cảng không chỉ mang lại thu nhập và nâng cao đời sống cho nhiều người dân trong địa phương và các vùng phụ cận mà còn góp phần giới thiệu quảng bá đất nước con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế cũng như thúc đẩy phát triển du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian tới các cơ quan ban ngành cần có những giải pháp tối ưu để dung hòa quyền lợi cho doanh nghiệp cảng giữa đón tàu khách và tàu hàng.
Thực trạng và giải pháp nâng cao dịch vụ đón tàu biển tại Cảng Chân Mây
Cơ sở hạ tầng
Cũng như đa phần các cảng đón khách tàu biển tại Việt nam, vì là cảng tổng hợp vừa làm hàng vừa đón tàu khách nên yếu tố cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu đón khách như: thiếu nhà ga hành khách và vị trí đón khách riêng biệt, dùng chung lối đi với tàu hàng. Để khắc phục hạn chế đó, Cảng Chân Mây đã nỗ lực trong việc ưu tiên không gian hậu cần khi đón tiếp tàu khách bằng cách sắp xếp tinh gọn nhất các thiết bị xếp dỡ hàng hóa, đầu tư nhiều thiết bị, hạn chế bụi từ công tác làm hàng, tăng cường lực lượng nhân công dọn vệ sinh… Từ năm 2020 trở đi, khi Bến số 2, Bến số 3 đưa vào hoạt động sẽ ưu tiên không gian của Bến số 1 để đón tàu khách và làm các mặt hàng sạch khác, cùng thời điểm đó hạng mục đầu tư đê chắn sóng cũng hoàn thành thì những hạn chế về không gian, thời tiết sẽ hoàn toàn được khắc phục.
Tuy nhiên, để trở thành điểm đến "An toàn, thân thiện và chất lượng" đối với du khách tàu biển, phát triển du lịch theo hướng bền vững, Tỉnh cần tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư, triển khai các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm. Trong đó, chú trọng việc xây dựng khu dịch vụ tại bến cảng, gồm: khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí; khu mua sắm hàng lưu niệm với các mặt hàng mỹ nghệ chất lượng cao; khu ẩm thực với nhiều sản vật của địa phương. Đó là không gian khách có thể thoải mái thư giãn, tìm hiểu văn hóa bản địa, mua những sản phẩm vùng miền, thưởng thức món ăn đặc sản của địa phương mà họ không thể tìm được trên tàu.
Công tác phối kết hợp các đơn vị hữu quan và chính quyền cảng cần tăng cường hơn nữa để cải tiến quy trình đón khách được nhanh gọn và khoa học nhất.
Trên thực tế, lượng khách du lịch qua đường biển đang tăng nhanh với nhiều loại du thuyền chuyên chở lớn, yêu cầu cấp thiết phải sớm đầu tư xây dựng cảng biển hiện đại để đáp ứng, nếu không sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực du lịch.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Hầu hết khách tàu biển cập Cảng Chân Mây đều lựa chọn các tour du lịch tham quan các di sản tại Đà Nẵng, Hội An, Huế. Ngoài ra, còn có một lượng khách lớn đang hướng đến nhu cầu được tìm hiểu văn hóa, nét sống của cư dân địa phương nhưng vẫn chưa được khai thác.
Do vậy, Tỉnh cần có chính sách đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt chú trọng các sản phẩm khắc họa rõ nét văn hóa bản địa, các làng nghề… Tùy theo nhu cầu của khách, từ Chân Mây có thể kết nối tour tuyến lên Huế tham quan di tích thắng cảnh; hoặc nghỉ ngơi, đánh golf, sử dụng các dịch vụ giải trí của khu du lịch Laguna; nghỉ mát ở Bạch Mã, Thiền Viện Trúc Lâm… cũng có thể hướng cho du khách tham quan trải nghiệm các dịch vụ du lịch tour sinh thái, cộng đồng ở làng Thủy Biều, đầm phá Tam Giang, Nam Đông, A Lưới…
Vấn đề an toàn, an ninh và môi trường
Cảng Chân Mây với đặc thù là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực nên công tác an toàn lao động, bảo vệ môi trường được công ty đặc biệt quan tâm. Cụ thể, Công ty đã thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường do Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, công ty đã cho xây dựng hệ thống vệ sinh công cộng cỡ lớn, ký hợp đồng để thu gom và xử lý chất thải công nghiệp, thực hiện thường xuyên công tác quan trắc môi trường, giám sát đánh giá chất lượng môi trường trong quá trình hoạt động; xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng chống sự cố (tràn dầu, cháy nổ, an toàn lao động); định kỳ lập báo cáo môi trường khu vực cảng... Cảng Chân Mây cũng đã tiến hành tham vấn công ty MIS (International Maritime Service, Inc) của Hoa Kỳ để khảo sát về vấn đề an toàn lao động, an ninh cảng biển, bảo vệ môi trường trong phạm vi của cảng và nhận được sự đánh giá cao của công ty MIS về các vấn đề trên. Trong thời gian tới, Cảng Chân Mây cũng như chính quyền địa phương cần ưu tiên khai thác các tiềm năng lợi thế biển gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường, xác định tiêu chí Xanh lên hàng đầu như chú trọng công tác kiểm soát khói bụi, quản lý nguồn nước, hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng, xây dựng cơ sở tiếp nhận rác thải, đầu tư phương tiện thu gom rác, ưu tiên sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường.
Xúc tiến quảng bá
Cần có một cú hích mang tính đột phá trong việc xúc tiến vào các trung tâm du lịch tiềm năng. Tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và du lịch tàu biển tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến, thu hút, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi cập Cảng Chân Mây.
Quảng bá Du lịch Huế qua các kênh quốc tế, tham gia các hội chợ du lịch tàu biển thế giới, xây dựng các trang web về những điểm đến của Huế gửi cho các Hãng du thuyền, các nhà khai thác cảng du lịch, thành lập Quỹ Xúc tiến du lịch, tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch tại các thị trường du lịch tàu biển lớn như Mỹ, Hongkong, Singapore, Canada, Thổ Nhĩ Kì, Mongtenegro…và các đơn vị liên quan như các Đại lý Hàng hải, các Đại lý Du lịch đưa khách du lịch. Kết nối với các cảng biển du lịch trong nước để tạo ra các chuỗi điểm đến.
Đào tạo nguồn nhân lực
Hiện nay, nguồn nhân lực được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành du lịch vẫn còn thiếu, do vậy cần gấp rút đào tạo nhân lực và bổ sung các kiến thức chuyên ngành về du lịch đặc biệt là chuyên ngành về du lịch đón tàu biển. Trong thời gian tới, cần tăng cường kết nối với các trường đại học, cao đẳng du lịch để thực hiện các khóa học nâng cao về kiến thức chuyên ngành du lịch.Tiếp tục xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, giỏi kiến thức du lịch và ngoại ngữ để sẵn sàng đứng ra giải quyết các tình huống cho khách tại Cảng.
Thực hiện các giải pháp khắc phục thì chắc chắn những lợi ích từ khai thác du lịch tàu biển sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ. Với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và việc liên kết các doanh nghiệp du lịch, chắc chắn các hãng tàu biển sẽ tăng số chuyến tàu cập cảng và lan tỏa thêm nhiều hãng tàu mới đưa khách cập Cảng Chân Mây. Điều này bắt kịp với chiến lược phát triển du lịch tàu biển và Cảng Chân Mây sẽ trở thành nơi dừng chân lý tưởng của các chuyến tàu 5 sao, là bước đi đúng đắn trong phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lời kết
Trong tương lai để tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện tại, Cảng Chân Mây có thể dần dần ghi dấu trên bản đồ thế giới về một điểm đến cho những con tàu lớn và hạng sang trên thế giới, đồng thời khẳng định xu hướng phát triển du lịch bền vững; Cảng Chân Mây quyết tâm xây dựng và giữ vững niềm tin đối với mỗi khách hàng, mỗi hãng tàu khi cập cảng. Đây là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh lâu dài.
Hồ Hoàng Thi – Cảng Chân Mây