Ngành đóng tàu đón cơ hội phục hồi thị trường

Đứng trước khó khăn kéo dài do thị trường chậm phục hồi, nhiều doanh nghiệp (DN) đóng tàu đã bằng mọi biện pháp tìm kiếm thị trường, bảo đảm việc làm cho người lao động. Mặc dù cầm cự qua khủng hoảng, nhưng một số đơn vị đã tính đến chuyện đầu tư mở rộng, nâng cấp nhà xưởng, mua sắm thiết bị và đào tạo nhân lực. Đây chính là cách DN tích cực, chủ động chuẩn bị điều kiện cần thiết, đón đầu cơ hội khi thị trường vận tải biển phục hồi.

 

              Công ty Đóng tàu Thịnh Long (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) đóng mới tàu hút bùn công suất lớn.

 

Bên bờ sông Ninh Cơ (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), thời kỳ hoàng kim của ngành đóng tàu chừng hơn 10 năm trước, những con tàu đóng mới xếp hàng dài, liên tục hạ thủy, bàn giao. Hàng trăm DN đóng tàu tư nhân mọc lên như nấm sau mưa. Đơn hàng dồi dào, các tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay đã biến khu vực này trở thành công xưởng đóng tàu nhộn nhịp. Nhưng cách làm ăn theo kiểu mùa vụ đó đã sớm lụi tàn khi thị trường vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo nhu cầu đóng tàu giảm sút. Hàng loạt đơn vị đóng tàu nhỏ lẻ buộc phải giải thể, phá sản. Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) là DN đóng tàu lớn nhất tại Nam Định và cũng là DN hiếm hoi trên địa bàn còn tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm này. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Trần Quang Nho, công ty được thành lập năm 2006, quy mô nhà máy khoảng 46 ha, máy móc, thiết bị, các công trình phục vụ đóng tàu đều được đầu tư mới. Với lợi thế về vị trí địa lý, chỉ cách cửa biển 3 km, Công ty Đóng tàu Thịnh Long có thể đón tàu ra vào thuận tiện, cơ sở vật chất và nguồn lực ở mức tương đối khá giúp công ty đủ khả năng đáp ứng các đơn hàng đóng mới với yêu cầu kỹ thuật cao. Tổng Giám đốc SBIC Cao Thành Đồng cho biết, Nhà máy đóng tàu Thịnh Long được đầu tư với quy mô lớn nhất, đồng bộ và hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định, đủ năng lực đóng mới tàu vỏ thép tải trọng đến 22.500 DWT, đóng mới tàu cao tốc vỏ nhôm và sửa chữa tàu đến 6.500 DWT. Hiện nay, nhu cầu đóng mới tàu trọng tải lớn không nhiều, do vậy, định hướng của SBIC đối với công ty là tập trung vào những mẫu tàu chuyên dụng, có hàm lượng kỹ thuật cao. Mới đây, công ty đã hoàn thành đóng mới tàu hút bùn trọng tải 2.000 tấn bàn giao cho khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục phát triển các mẫu tàu cá vỏ thép, trong đó, có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Cao Thành Đồng, tiềm năng đóng mới tàu cá vỏ thép rất lớn, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu, một số đơn vị của SBIC đang tích cực đàm phán với các đối tác nước ngoài đóng tàu cá vỏ thép.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) hiện có hai ụ nổi trọng tải 6.000 tấn và 8.500 tấn, có khả năng sửa chữa tàu biển trọng tải đến 27 nghìn tấn. Chỉ tính riêng lĩnh vực sửa chữa của Saigon Shipmarin, đã đạt doanh thu bình quân hằng năm khoảng 80 tỷ đồng. Theo Giám đốc Saigon Shipmarin Đỗ Văn Khoa, trong thời điểm thị trường đóng mới trầm lắng, nhu cầu sửa chữa tàu dồi dào hơn, bởi muốn hoạt động an toàn trên biển, chủ tàu buộc phải quan tâm đến bảo dưỡng, sửa chữa. Công việc này tuy không đem lại nguồn thu lớn như đóng mới nhưng có lợi thế làm trong thời gian ngắn, chủ tàu trả tiền ngay, không bị đọng vốn.

Khi ngành đóng tàu chìm trong khó khăn, Công ty Đóng tàu Sông Cấm nổi lên là một trong những đơn vị thuộc SBIC có kết quả kinh doanh khả quan, đạt lợi nhuận tốt. Sông Cấm là đơn vị đóng tàu đi đầu trong việc đóng mới sản phẩm tàu kéo - đẩy, mẫu tàu tầm trung nhưng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Đội ngũ lao động lành nghề chính là "tài sản" của công ty được tích lũy qua nhiều năm. Sản phẩm đóng mới của Sông Cấm chủ yếu phục vụ xuất khẩu, cho nên khi thị trường hàng hải trầm lắng kéo dài, đơn hàng của công ty bắt đầu ít dần. Từ quý IV-2016 sang quý I-2017, công ty thiếu việc làm, công nhân phải nghỉ việc luân phiên. Theo Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hà, trong hoàn cảnh đó, công ty đã đẩy mạnh tìm kiếm thêm đơn hàng khác ngoài sản phẩm xuất khẩu. Tháng 3-2017, công ty ký hợp đồng đơn hàng đóng mới hai tàu chở khách tiêu chuẩn 5 sao phục vụ khách lưu trú trên vịnh Cát Bà (Hải Phòng). Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu SBIC, Sông Cấm tiếp nhận nhà xưởng, mặt bằng, người lao động của Công ty Đóng tàu Bến Kiền. Diện tích nhà máy được mở rộng thêm, nhưng thực tế cơ sở vật chất của Nhà máy Đóng tàu Bến Kiền đã bị xuống cấp do nhiều năm khai thác không được đầu tư nâng cấp. “Các công nhân đóng tàu của Sông Cấm đã tự tay chỉnh trang từ nhà ăn ca, sau đó nâng cấp nhà xưởng, xây dựng nhà nghỉ ngơi cho công nhân. Có những thiết bị được Bến Kiền đầu tư từ năm 1970 đến nay mới được thay thế", Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hà bày tỏ. Dấu hiệu cho sự hồi phục của thị trường đóng tàu đã bắt đầu le lói trở lại, khi đối tác truyền thống của Đóng tàu Sông Cấm là Tập đoàn Damen (Hà Lan) đã tiếp tục ký đơn hàng đóng mới. Tháng 4 vừa qua, Sông Cấm tiếp tục ký hợp đồng đóng bốn sản phẩm tàu chất lượng cao cho Damen, đến tháng 6 lại ký thêm đơn hàng đóng sáu sản phẩm nữa. Các công nhân sau một thời gian phải nghỉ việc luân phiên, đã bắt đầu đi làm thêm ca vào thứ bảy.

Theo nhận định của Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, sau khi tái cơ cấu, một số DN đóng tàu như Saigon Shipmarin, Thịnh Long và một số đơn vị khác đã đạt được những kết quả ban đầu khả quan. Có thể nhận thấy một số “điểm sáng” như việc tái cơ cấu lao động, sắp xếp lại phòng, ban, tiết giảm được các chi phí,... Trong thời gian tới, các đơn vị đóng tàu cần tiếp tục giảm chi phí quản lý, nâng cao năng lực quản trị DN; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh, đơn hàng đóng mới và sửa chữa tàu biển phải có lãi, bằng mọi cách giữ lao động có tay nghề. Ngành công nghiệp đóng tàu luôn được xác định có vị trí không thể thiếu đối với nền kinh tế nước ta. Thời gian gần đây, SBIC đang từng bước tinh giản bộ máy, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng tìm kiếm những mẫu mã thị trường có nhu cầu. Bằng những hướng đi mới, các DN đóng tàu vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Sự phát triển của ngành đóng tàu luôn theo chu kỳ nhất định, sau một thời gian khai thác, những con tàu có tuổi đời ngoài 20 năm sẽ đến lúc phải thay thế bằng một loạt tàu mới. Có thể thấy rõ, cơ hội cho ngành đóng tàu phát triển trở lại đang đến rất gần.

 

 

Bài và ảnh: MINH HƯNG

(Nguồn: Nhandan.com.vn)
Các bài viết khác

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Go to top