Đang tải...
Chào mừng đến với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu Thủy
Tiếng việt
Tiếng việt
Tiếng anh
Oceanbird sử dụng năm cánh buồm khổng lồ cao 80 mét, có thể thu gọn còn ¼ độ cao để giảm tới 90% lượng khí thải trong vận chuyển hàng hóa. (Ảnh: Oceanbird)
Những con tàu sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã thành công phi thường, mở ra mạng lưới thương mại toàn cầu mà chúng ta đang tận hưởng ngày nay. Nhưng chúng ta có thể chưa thấy sự kết thúc của những cánh buồm.
Ngành công nghiệp vận tải hàng hải thương mại đóng góp khoảng 2,5% vào lượng khí thải CO2 của thế giới, và chịu trách nhiệm cho 18-30% nitơ oxit thải vào khí quyển, cũng như 9% oxit lưu huỳnh bởi vì ngành hàng hải sử dụng các loại nhiên liệu rẻ và gây ô nhiễm môi trường.
Đó rõ ràng là một lĩnh vực cần cải tiến để giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay Tổ chức hàng hải thế giới (IMO) đã và đang đưa ra hàng loạt các quy định về giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Để đối phó với những hậu quả ngày càng rõ ràng của biến đổi khí hậu, một số công ty đang tìm cách đưa động cơ cánh buồm không phát thải khí nhà kính trở lại thế giới vận chuyển hàng hóa, tận dụng các vật liệu tiên tiến, điều khiển bằng máy tính và một số thiết kế mới thú vị để nâng cao hiệu suất và tốc độ lên cấp độ cao hơn để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.
Mẫu concept mới nhất là chiếc Oceanbird, một chiếc tàu biển chuyên dụng chở xe tải và ô tô khổng lồ có khả năng vận chuyển tới 7.000 chiếc ô tô với tốc độ trung bình 10 hải lý/giờ trên đường băng qua Bắc Đại Tây Dương.
Chiếc tàu này không thể đi nhanh như một con tàu thông thường; nó cần phải đi trong khoảng 12 ngày để băng qua Bắc Đại Tây Dương thay vì 8 ngày như thông thường, nhưng 4 cánh buồm khổng lồ cao 80 mét (260ft) có thể mở rộng của Oceanbird hứa hẹn giảm tới 90% lượng khí thải nhà kính.
Các cánh buồm, được chế tạo bằng kim loại và vật liệu composite, có thể thu gọn về khoảng 20m (66 ft) khi cần thiết, giữ chúng an toàn trong điều kiện bão và cho phép tàu chui qua các gầm cầu khi cần thiết.
Trong khi nhóm dự án Oceanbird coi những cánh buồm cung cấp phần lớn nguồn năng lượng làm sức đẩy cho con tàu, thì cũng sẽ có những động cơ được trang bị để di chuyển gần đất liền và bến cảng, đồng thời giúp con tàu thoát khỏi tình trạng khó khăn trong trường hợp khẩn cấp.
Oceanbird là một dự án ba bên giữa các công ty đóng tàu nổi tiếng Wallenius Marine, đơn vị khởi xướng dự án, Viện nghiên cứu Thụy Điển SSPA và Viện Công nghệ Hoàng gia Stockholm.
Khi hạ thủy vào năm 2024, Oceanbird dự kiến sẽ là con tàu buồm lớn nhất thế giới, có khả năng chở tới 7.000 ô tô. (Ảnh: Oceanbird)
Nhóm nghiên cứu đã chế tạo một mô hình con tàu có kích thước 7m (23 ft), đã được thử nghiệm ở vùng nước mở và sẽ tiếp tục thử nghiệm trên biển trong vài tháng tới.
Theo các nhà nghiên cứu, một thiết kế kỹ thuật cho sản xuất sẽ hoàn thiện và sẵn sàng cho các đơn đặt hàng vào cuối năm 2021 và Wallenius dự kiến sẽ bàn giao chiếc tàu đầu tiên cho khách hàng vào cuối năm 2024.
Nhóm dự án cho biết đây sẽ là chiếc tàu buồm lớn nhất thế giới khi nó hạ thủy, có chiều dài khoảng 200m (656 ft) và chiều rộng 40m (131ft), và tất nhiên công nghệ này sẽ được áp dụng cho nhiều loại tàu lớn, bao gồm cả những tàu du lịch.
Đây chắc chắn là một suy nghĩ hấp dẫn: một ngành công nghiệp khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, đang khởi đầu cho những bứt phá giảm thiểu ô nhiễm bằng cách quay trở lại với công nghệ mà nhân loại đã sử dụng để đi lại trên đại dương khắp thế giới từ thủa xa xưa, trước khi biến đổi khí hậu do con người gây ra xuất hiện một cách đáng sợ đối với tương lai của nhân loại chúng ta.
Ban Sản xuất – Kinh doanh (SBIC)
Nguồn: https://www.oceanbirdwallenius.com/