Đang tải...
Chào mừng đến với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu Thủy
Tiếng việt
Tiếng việt
Tiếng anh
Đầu tháng 4/2025, lại thêm một con tàu nữa do bàn tay, khối óc người thợ đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy thi công được hạ thủy thành công, tiếp tục hoàn thiện để bàn giao cho chủ tàu. Ít ai biết rằng, để tạo nên những con tàu đáng tự hào ấy, những người thợ đóng tàu đã trải qua chuỗi ngày tháng đổ mồ hôi, miệt mài trên công xưởng, thực hiện các công đoạn kỹ thuật phức tạp để tạo nên hình hài những con tàu lớn.
Những tấm thép được cắt theo thiết kế để dần hàn, ghép thành các block, modul. Chị Hoàng Thị Thúy, công nhân phân xưởng gia công, lắp ráp vỏ (Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long) tập trung vận hành máy cắt CNC, đảm bảo máy cắt tôn theo đúng bản vẽ kĩ thuật. "Bén duyên với nghề đóng tàu 20 năm, vất vả thì có nhưng tôi cũng rất tự hào bởi người thợ đóng tàu như những người thợ may, cũng cắt, cũng máy bằng những đường chỉ lửa hàn, cũng trang trí, tạo nên vóc dáng con tàu đẹp đi năm châu bốn bể", chị Thúy tâm sự.
Từ những tấm thép, những người thợ lại hàn, ghép thành những block, thành tổng đoạn.
Quá trình sản xuất, những người thợ được trang bị bảo hộ lao động cẩn thận nên yên tâm làm việc.
Công nhân phối hợp kiểm tra đường hàn.
Một thợ sắt tỉ mỉ "vuốt" lại những mép thép.
Những người thợ nữ trong bộ đồ bảo hộ kín mít cũng tập trung mài các mép thanh thép cho nhẵn, đảm bảo kĩ thuật, mỹ thuật.
Chị Phạm Thị Hương (tổ đấu đà 4, phân xưởng vỏ, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu) cho biết, chị làm tại nhà máy từ tháng 3/2004, thợ hàn bậc 5/7. Hơn 20 năm gắn bó với nghề đóng tàu, dù có lúc khó khăn, thăng trầm nhưng chưa bao giờ chị có ý định bỏ nghề.
Các lỗ đột thép được đánh bóng, bảo đảm chất lượng tốt nhất trong từng chi tiết kỹ thuật khi tàu hạ thủy.
Cô thợ trẻ Hoàng Thị Xoa, công nhân tổ sắt hàn 2 (Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng) chăm chú mài thép cho "nuột". Xoa cho hay, quê cô tận vùng cao Bắc Kạn. Năm 2023, vô tình qua mạng xã hội đọc được tin nhà máy tuyển công nhân, hai vợ chồng cô liền khăn gói về đầu quân. Được nhà máy hỗ trợ chỗ ở, không phải thuê nhà, vợ chồng cô đưa các con xuống cùng, quyết định gắn bó lâu dài.
Qua nhiều công đoạn, các block lớn hơn được hình thành.
Quá trình ghép các block thành tổng đoạn, tạo hình dáng cho các con tàu.
Lúc này lại cần người thợ hàn, chau chuốt các "đường kim, mũi chỉ" cả bên ngoài, bên trong. Người thợ phải chui cả vào két kín, hàn, mài với mùi khói hàn nồng nặc.
Là thợ lắp ống, anh Bùi Đức Chiến (bên phải), tổ trưởng tổ lắp đặt ống (Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm) lại có vất vả riêng. Công việc của tổ là lắp đặt các hệ thống ống của tàu nên phải chui trong hầm máy, chật hẹp, kín trong thời gian dài, thiếu sáng. Môi trường lao động khắc nghiệt, song, các tổ đội tham gia đóng tàu được nhà máy trang bị hệ thống thông gió, lọc bụi, tạo môi trường làm việc an toàn.
“Dù ở vị trí công việc nào, những người thợ đóng tàu chúng tôi không được phép sai sót. Các công đoạn đều có bộ phận kiểm tra, nghiệm thu, từ bộ phận kiểm tra chất lượng của nhà máy, bộ phận đăng kiểm của chủ tàu, đăng kiểm của Việt Nam. Không đạt chất lượng sẽ phải làm lại, rất mất thời gian, công sức”, anh Chiến cho hay (Trong ảnh: Người thợ hàn, mài chi tiết trong không gian chật hẹp).
Những phút nghỉ ngơi giữa giờ, lấy năng lượng để tiếp tục công việc.
Dù hiện nay, các nhà máy đã cải thiện điều kiện làm việc, chủ yếu làm trong xưởng nhưng nhiều công đoạn vẫn phải làm ngoài trời. Có những thời điểm, công nhân phải làm dưới ánh nắng "như thiêu, như đốt".
Khi các tổng đoạn đã được đấu đà trên triền, người thợ lại tiếp tục hoàn thiện tàu. Lúc này, họ phải hoàn toàn làm việc ngoài trời, càng thêm vất vả.
Nữ công nhân thực hiện công đoạn sơn chi tiết.
Tất cả hối hả cho ngày con tàu được hạ thủy kịp tiến độ.
Những con tàu hạ thủy thành công sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đi thử và bàn giao cho chủ tàu. Một con tàu mới lại tiếp tục được hình thành bởi bàn tay, tình yêu nghề của những người thợ đóng tàu Việt Nam
Bài và ảnh: https://baoxaydung.vn/ti-mi-dong-nhung-con-tau-made-in-vietnam-192250409071111424.htm