Đang tải...
Chào mừng đến với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu Thủy
Hotline:
+84(24) 3.77.11.212Tiếng việt
Tiếng việt
Tiếng anh
"Ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang trỗi dậy" - Sputnik nhận định. Tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính lên tới 200 tỷ USD/năm.
Bài viết số tháng 5/2024 của hãng tin Sputnik (Nga) cho hay, ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang một lần nữa trỗi dậy, sau khi mất nhiều năm vượt qua các tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2012.
Trong danh sách "Top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới" mới nhất - do tờ Insider Monkey (Mỹ) xếp hạng vào tháng 4/2023 dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam đang đứng vị trí thứ 7 toàn cầu.
Tờ báo Nga cho biết, một trong những sự kiện đáng chú ý nhất gần đây đối với ngành đóng tàu Việt Nam là việc hạ thủy tàu hàng rời trị giá 35 triệu USD mang tên Trường Minh Dream 01 vào ngày 11/5. Với tải trọng toàn phần 65.000 DWT, Trường Minh Dream 01 thuộc dự án tàu hàng "lớn nhất từ trước tới nay" do Việt Nam đóng mới.
Tàu Trường Minh Dream 01 có chiều dài tổng thể 199,99m, rộng 32,36m, tổng dung tích 35.823GT. Toàn bộ các công đoạn chế tạo tàu do đội ngũ kỹ sự và công nhân của Công ty đóng tàu Nam Triệu kết hợp với các nhà thầu trong nước thực hiện.
Một thành tích nổi bật khác của ngành đóng tàu Việt Nam được ghi nhận vào ngày 9/3 năm nay, khi siêu tàu cao tốc Thăng Long - do nhà máy đóng tàu Công ty TNHH MTV 189 (Z189) chế tạo - bắt đầu được đưa vào khai thác trên tuyến đường biển từ Vũng Tàu đến Côn Đảo.
Theo Sputnik, con tàu này có "sức chứa bằng 3 chiếc Boeing", trở thành tàu cao tốc một thân lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Ngoài tàu thương mại, Việt Nam đã cho thấy rõ năng lực đóng tàu tiên tiến của mình khi hoàn thiện và xuất sang châu Phi hàng chục tàu tuần tra cao cấp trong năm 2020.
Ông Taras Ivanov - phụ trách Văn phòng đại diện thường trú của Sputnik tại Hà Nội cho biết thêm rằng:
Các công ty đóng tàu của Việt Nam như Nhà máy Damen Sông Cấm đã chế tạo thành công và xuất khẩu hàng loạt tàu hiện đại dành cho lực lượng hải quân các nước như tàu cứu hộ tàu MV Besant và MV Stoker, tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore (Úc), tàu tuần tra lớp Spa 5009 (Venezuela).
Với xu hướng đổi mới trong vận hành tàu và nhu cầu gia tăng của các ngành công nghiệp ngoài khơi trên thế giới, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiếp cận với nhiều đơn hàng hơn nữa.
Trong phiên thảo luận chiều 29/5 về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước tại Hội trường Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cho biết, Việt Nam đang nắm trong tay những thế mạnh cạnh tranh với khu vực và quốc tế khi có đội ngũ nhân lực đóng tàu khá lành nghề và chi phí nhân công thấp.
Ông Tân dẫn số liệu nghiên cứu cho biết, tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính lên tới 200 tỷ USD/năm.
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trên cả nước hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới - sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của nhà máy đóng mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.
"Báo cáo về ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam" của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết, công suất của các nhà máy đóng tàu ở Việt Nam đã có bước chuyển lớn khi Hyundai Việt Nam chuyển sang lĩnh vực đóng mới tàu. Đây là liên doanh giữa Nhà máy đóng tàu Hyundai Mipo (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - Việt Nam).
Mới đây nhất, vào ngày 23/5 vừa qua, tại trụ sở Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa (TP.Nha Trang) đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn tín dụng ngắn hạn 3.800 tỷ đồng giữa Vietcombank Khánh Hòa với Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là điển hình cần được nhân rộng trong hệ thống ngân hàng để góp phần vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp theo hướng hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó ưu tiên phát triển theo chiều sâu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh như đóng tàu.
Cùng bình luận về sự kiện này, Imarine - trang thông tin lớn nhất về ngành công nghiệp đóng tàu tại Trung Quốc - cho rằng, sự hợp tác giữa Vietcombank và HD Hyundai Việt Nam sẽ tạo ra "sức mạnh tổng hợp", mang lại lợi ích cho cả 2 phía, đồng thời thúc đẩy HD Hyundai Mipo mở rộng hoạt động kinh doanh địa phương tại Việt Nam.
"Trong khi HD Hyundai Việt Nam có thể huy động được nguồn vốn một cách nhanh chóng và an toàn để hoạt động tại địa phương, thì chi nhánh của Vietcombank tại Khánh Hòa cũng sẽ đi đầu trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua HD Hyundai Việt Nam" - Imarine nhận định.
Theo Eworldship - trang thông tin hàng hải top đầu tại Trung Quốc, với cùng công ty chủ quản của các tạp chí có tiếng như "International Ship", "China Shipyard Manual"..., nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, nhà máy Hyundai Việt Nam đã trở thành nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á, và là doanh nghiệp nòng cốt trong ngành đóng tàu Việt Nam.
"Tính đến cuối năm 2023, đơn đặt hàng tích lũy của Hyundai Việt Nam đã lên tới trên 204 đơn hàng" - Eworldship cho hay .
Đáng lưu ý, theo Eworldship, Huyndai Việt Nam chủ yếu đóng tàu chở dầu thô cỡ trung và tàu chở hàng rời có giá trị gia tăng thấp, trong khi đây cũng là loại tàu chủ lực của các nhà máy đóng tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, Huyndai Việt Nam cho ra các tàu có chi phí thấp hơn, từ đó cung cấp giá cả cạnh tranh hơn trên thị trường.
Nhận định chung về ngành đóng tàu Việt Nam, "Báo cáo đánh giá triển vọng đầu tư và môi trường đầu tư tại thị trường đóng tàu Việt Nam 2020-2024" do Trung tâm nghiên cứu công nghiệp New Sijie (Trung Quốc) công bố cho rằng, Việt Nam đang nắm giữ 3 lợi thế lớn.
Đầu tiên là lợi thế về chính sách. Từ năm 2010, để giải quyết vấn đề nan giải trong việc phát triển ngành đóng tàu nội địa, chính phủ Việt Nam đã tiến hành cải tổ, đồng thời thành lập mới Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).
Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam đã xây dựng hàng loạt kế hoạch phát triển và biện pháp khuyến khích nhằm tận dụng lợi thế chính sách để thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp đóng tàu.
Lợi thế thứ 2 là môi trường. Ngành đóng tàu vốn có yêu cầu cao về điều kiện tự nhiên và cần có một số tài nguyên ven biển đặc thù, ví dụ như phải có đường bờ biển dài.
Theo New Sijie, Việt Nam có đường bờ biển dài tới 3.260km và có nhiều bến cảng nước sâu chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, các bến cảng quanh năm không đóng băng, tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành đóng tàu.
Cuối cùng, Việt Nam có lợi thế về dân số. Ngành đóng tàu đòi hỏi một lượng lớn lao động hoạt động thủ công. New Sijie cho rằng, với dân số khoảng 96 triệu người và cơ cấu dân số tương đối trẻ, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và giá rẻ.
Theo trung tâm này, ngành đóng tàu đang là một trong những ngành trụ cột để Việt Nam phát triển kinh tế, có thể góp phần thúc đẩy việc làm cho lao động, phát triển thương mại xuất khẩu và đảm bảo an ninh quốc phòng ven biển.
"Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với những lợi thế như trên, kết hợp với chính sách của chính phủ Việt Nam, ngành đóng tàu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển" - New Sijie kết luận.
Theo Nhật Minh
Đời sống và Pháp luật