Bài 1: Tái cơ cấu - chủ trương đúng đắn, kịp thời

Chuyện “con tàu Vinashin gặp bão” đã trở thành tâm điểm của dư luận suốt thời gian qua. Thực hiện kết luận số 81 của Bộ Chính trị và chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ, con tàu ấy sẽ đi về đâu giữa bộn bề thách thức? Nhằm có được một cái nhìn toàn cảnh về “con tàu” dù gặp bão vẫn đang nắm giữ nguồn lực kinh tế không nhỏ này, những ngày cuối năm vừa qua, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trở lại Hải Phòng, Hạ Long, đến một số nhà máy của Vinashin và ghi nhận được nhiều thông tin về những con tàu đang gắng gồng mình trên hành trình vượt khó đầy nghiệt ngã…

“Thà ít mà tốt”

Tái cơ cấu? Làm gì? Từ đâu?

Có phải tất cả các nhà máy của Vinashin thời gian qua đều “có vấn đề”, đều phải “sửa chữa”?

Câu trả lời là không hẳn như vậy!

“Bộ chỉ huy” mới của con tàu Vinashin thời gian vừa qua sau nhiều tính toán tìm giải pháp mới đã bắt đầu cuộc tái thiết bằng việc nhìn thấy một con tàu điển hình đã “không chết” sau bão tố sai lầm. “Con tàu” ấy mang tên: Công ty đóng tàu Sông Cấm – đơn vị đã được lãnh đạo Tập đoàn Vinashin tuyên dương về công tác quản trị và quyết định lựa chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra toàn Tập đoàn trong cuộc tái thiết đầy cam go những năm tới.

Công ty đóng tàu Sông Cấm-đơn vị phát triển bền vững theo mô hình “thà ít mà tốt”.

Chiều cuối năm, chúng tôi đến Công ty đóng tàu Sông Cấm đúng giờ tan tầm, công nhân tấp nập đi dọc bờ sông, nét mặt vui tươi. Cảnh tượng ấy đủ minh chứng sự tự tin của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, người gắn bó với nhà máy suốt từ năm 1976 đến nay. Nằm bên bờ sông Tam Bạc hiền hòa, sông Cấm chỉ là một nhà máy nhỏ với hơn 740 cán bộ, công nhân. Nguồn tài chính rót cho nhà máy này suốt giai đoạn 1999-2006 cũng chỉ có 55 tỷ đồng. Những con tàu họ có thể đóng được chỉ đạt mức 4000 tấn và tàu kéo chuyên dụng. Thế nhưng, suốt từ năm 1996 đến nay, Sông Cấm đã đi lên bằng con đường như câu nói bất hủ của Lê-nin: “Thà ít mà tốt”. Năm 2005, Công ty đã được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và đến nay vẫn liên tục duy trì được “phong độ”.

Từ chỗ chỉ đóng mới những con tàu vận tải quân sự, tàu đánh cá, tàu tuần tra cao tốc phục vụ Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, các tàu dầu khí, Sông Cấm đã lọt “mắt xanh” của một “ông lớn” trong làng đóng tàu quốc tế: Tập đoàn Đa-men của Hà Lan. Từ năm 2002, Sông Cấm nhận đóng cho tập đoàn này 5 con tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển, chất lượng rất tốt, được nước bạn và đăng kiểm quốc tế Lloyd’s công nhận “như đóng tại Hà Lan”. Thế là từ năm 2005 đến nay, loại tàu xuất khẩu đã chiếm tới 100% tổng sản lượng của Sông Cấm. Khó như loại tàu kéo 3213 được chủ tàu đặt hàng ra đề bài là loại tàu có sức kéo lớn nhất thế giới, Sông Cấm cũng hoàn thành rất tốt. Khi chúng tôi đến, Sông Cấm vẫn ung dung với việc hoàn thành 3 con tàu trong kế hoạch 2010 và vừa cùng đối tác Đa-men thỏa thuận  các hợp đồng đóng 9 con tàu nữa, tạo đủ việc làm cho công nhân đến hết năm 2011. Hiện đời sống cán bộ, công nhân đạt mức thu nhập trung bình gần 6 triệu đồng/ tháng. Riêng năm 2010, Sông Cấm đóng mới và bàn giao cho Đa-men 16 tàu, dự kiến đạt 800 tỷ đồng doanh thu. Ngày 22-9 vừa qua, Công ty đã được xếp hạng 502 trong top 1000 doanh nghiệp Việt Nam có kết quả kinh doanh tốt và đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất trong 3 năm gần đây.

Ông Sico Postma, Giám đốc giám sát dự án của Tập đoàn đóng tàu Đa-men tại Sông Cấm rất hài lòng nói: “Chúng tôi hợp tác với toàn thế giới, vừa qua khủng hoảng, chúng tôi cũng phải rút bớt đơn hàng ở nhiều nơi, nhưng với Sông Cấm thì không. Sông Cấm vẫn là địa chỉ tin cậy của chúng tôi trong các chương trình hợp tác tới đây”. Hỏi lý do tại sao, ông chuyên gia người Hà Lan nói gọn: “Hiệu quả. Hiệu quả thì mới duy trì”.

Điều gì giúp cho "con tàu Sông Cấm" dù bé nhỏ vẫn “vượt bão”? Có thể thấy phần nào khi chúng tôi quan sát từng ngóc ngách nhà máy này. Sạch sẽ, ngăn nắp, quy củ đến mức luôn luôn không một cọng rác, không một mẩu thuốc, ngày nào cũng vậy. Tổng giám đốc Phạm Mạnh Hà chỉ lên những khẩu hiệu được kẻ vẽ rất to trên khắp các công trường: “Vinh quang thuộc về những người giữ đúng lời hứa”, “Làm đúng ngay lần đầu, làm tốt hơn lần trước, không có sản phẩm xấu”… Theo lời ông Hà kể, công nhân trước khi vào làm việc bắt buộc phải học thuộc những khẩu hiệu này. Khi vào nhà máy, không ai được hút thuốc, xả rác, ra vào đúng thời gian quy định. Kỷ luật nhà máy được duy trì như kỷ luật quân đội.

Ông Nguyễn Duy Hưng so sánh nhà máy như thứ “nhà trong ngõ”, sông bé, địa điểm đóng tàu nhỏ hẹp, vốn liếng không nhiều. “Tất cả là nhờ vào con người, dám nghĩ dám làm, làm tốt, làm quyết liệt, giữ chữ tín. Điển hình về quản trị chưa đủ mà chúng tôi còn điển hình về hiệu quả đầu tư, điển hình về văn hóa doanh nghiệp” – ông Hưng cho biết.

Con em cán bộ, nhân viên bị tật nguyền ở Tổng công ty Nam Triệu được nhận vào sản xuất tăm tre và đũa ở các bếp ăn tập thể.

Giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long Nguyễn Đức Thận có vẻ là một người “ăn sóng nói gió”. Khi nói về cơn bão khủng  hoảng tài chính thế giới, ông tuyên bố “chúng tôi không bị ảnh hưởng gì lớn”. Bằng chứng là năm 2010, Hạ Long vẫn đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng và trong bối cảnh sóng gió của ngành đóng tàu, đến cuối năm 2010, Hạ Long đã “ung dung” thu xếp được việc làm đến năm 2015. Nguyên nhân để Hạ Long đạt được điều đó chính vì thực lực của họ. Từ một nhà máy nhỏ bé, từ năm 2002 đến nay, công ty này đã được cải tạo, nâng cấp, có 3 dây chuyền đóng tàu lớn và hiện đại loại 22.000 tấn, 53.000 tấn và 70.000 tấn. Các dự án đầu tư đều hướng vào nhiệm vụ theo kiểu “tiền tươi thóc thật”, không có dự án nào ngoài ngành hoặc chưa sử dụng. “Vinashin có thể gặp khó khăn, nhiều đơn vị bị ngân hàng từ chối vay vốn nhưng Hạ Long với thương hiệu và uy tín vẫn vay vốn bình thường” - ông Thận khẳng định.

Câu chuyện từ hai công ty của Vinashin chưa thể nói lên bức tranh toàn cảnh nhưng phần nào cũng cho chúng ta thấy một thực tế khác: Ngành đóng tàu vẫn còn “đất” sống nếu biết tìm một luồng lạch hợp lý.

Sự hồi sinh của những con tàu suýt bị “nấu cao”

Ánh hoàng hôn đã chập chờn buông bên bờ biển là lúc chúng tôi đến Tổng công ty đóng tàu Nam Triệu và ngạc nhiên nhìn thấy một sự thật: Hàng trăm công nhân vẫn hối hả làm việc trên một con tàu rất nhiều tầng. Đó là con tàu chở ô tô khổng lồ, thuộc loại lớn nhất thế giới, chở 6.900 xe. Có một sự thật khó tin: Con tàu hiện đại này được chủ tàu Na Uy đặt hàng, lẽ ra phải bàn giao năm 2008 nhưng bị dở dang do khó khăn về tài chính. Suýt nữa thì con tàu này sẽ được “hạ thủy” trong lò tái chế, “nấu cao” để khai thác sắt vụn nếu như không có chủ trương tái cơ cấu. Nếu hủy hợp đồng không những chúng ta phải hoàn lại 60 triệu USD cho khách hàng (chưa kể tiền phạt) mà còn mất cả uy tín. Nhờ được tăng vốn điều lệ, hỗ trợ về tài chính, con tàu rất giá trị đã hồi sinh, khoản tiền lớn không bị mất…

Ở Tổng công ty Bạch Đằng, chỉ trong tháng 12-2010, đã có tới 4 con tàu trong tình trạng tương tự được hồi sinh. Chủ tịch HĐQT Chu Thế Hưng cho biết, nhờ cú hích tài chính 42 tỷ đồng, đơn vị ông đã được nạp thêm năng lượng để hoàn thành dự án dở dang, thu về hơn 400 tỷ đồng, một bài toán kinh tế mà suýt nữa “lạc nước, bốn tàu đành bỏ phí” nếu không được quan tâm đúng đắn. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, ông Nguyễn Ngọc Sự, sự tăng tốc vào 2 tháng cuối năm đã giúp cho Vinashin vượt kế hoạch năm 2010 tới 12%, bàn giao 64 con tàu, trị giá 577 triệu USD. Có tới 2/3 số tàu được hoàn tất chỉ trong 2 tháng cuối năm sau một thời gian rất ngắn. Nếu như 8 tháng đầu năm nay, Vinashin mới bàn giao được 22 con tàu, đạt 50% kế hoạch năm thì 2 tháng cuối năm, Vinashin đã bàn giao tới 36 con tàu. Riêng trong tháng 12-2010, trung bình mỗi ngày Vinashin bàn giao 1 tàu. Đó đều là các con tàu bị chậm tiến độ nên chưa thể có lãi, nhưng có khấu hao và giải pháp hoàn thiện hiệu quả hơn rất nhiều so với để nó bị… "nấu cao". Ngoài những con tàu “suýt bị nấu cao” do chậm tiến độ, nhiều hợp đồng đóng tàu mới đã và đang được triển khai. Tại Bạch Đằng, đơn vị này đã có đơn hàng đủ việc làm tới năm 2012 với doanh thu dự kiến năm 2011 sẽ đạt gần 2.300 tỷ đồng. Công ty Sông Cấm năm 2011 có 11 con tàu sẽ đóng và dự kiến còn thêm nhiều hợp đồng mới. Tổng công ty Nam Triệu đã có đủ việc làm năm 2011, sẽ đóng 10 con tàu. Một số khách hàng từ Nhật, Đức, U-crai-na đã quay trở lại và mong muốn đóng loại tàu trọng tải 56.000 tấn. Công ty đóng tàu Hạ Long dự kiến năm 2011 sẽ có 12 tàu lớn được đóng mới và nhiều hợp đồng khác, đủ việc làm tới năm 2015…

Nhìn vào những con số ấy, phần nào thấy được chủ trương tái cơ cấu là bài toán hợp lý, mang lại hiệu quả cao hơn là để các dự án thiếu vốn đổ bể, tiền mất tật mang, mất lợi nhuận, mất uy tín, mất việc làm của người lao động. Qua đó cũng phần nào thấy được, lời hứa hẹn, Vinashin sẽ dần dần trả được nợ là có cơ sở…

(Còn nữa)
theo QDND
Các bài viết khác

CÔNG TY ĐÓNG TÀU BẠCH ĐẰNG: HẠ THỦY THÀNH CÔNG TÀU 17.500DWT

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Go to top