Bài 3: Gợi mở từ “cái gốc của công việc”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Cán bộ là cái gốc của công việc. Câu chuyện Vinashin đổ vỡ và cuộc tái thiết đầy cam go hiện nay một lần nữa thêm minh chứng, muốn để những tập đoàn, tổng công ty lớn thực sự phát huy vai trò chủ đạo của nền kinh tế, cần phải thực hiện thật tốt công tác cán bộ…

Con người mới, cách làm mới

Là những người lính, chúng tôi khá ấn tượng với đề nghị của một đại biểu trên diễn đàn Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ nên cử những người lính bộ đội Cụ Hồ với phẩm chất can trường vào gánh vác công cuộc tái thiết Vinashin. Lý do vì trong lịch sử giữ nước của chúng ta, quân đội luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đó là một gợi mở nhưng thương trường không như chiến trường, cũng không dễ tìm được người đủ khả năng như đề xuất này. Tuy nhiên, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với hàng loạt điều chuyển trong công tác cán bộ cho Vinashin gần đây thực sự rất quan trọng và rất cần thiết. Có thể còn phải mất nhiều thời gian và qua nhiều công việc để kiểm chứng nhưng chỉ riêng việc lựa chọn hai vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc điều hành mới đã cho thấy quyết tâm tìm ra những nhân tố mới, những con người có năng lực và nhiều kinh nghiệm. Việc lựa chọn, bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sự và Tổng giám đốc Vinashin mới, Anh hùng Lao động Trương Văn Tuyến, đều là những cán bộ giỏi, giàu kinh nghiệm từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sang đã thể hiện tư duy mới, sự tiếp thu kiến nghị của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, cử tri: Tái thiết Vinashin cần có một dòng máu mới, trí tuệ mới. Nếu vẫn chỉ là những con người cũ, thậm chí là những người từng gây sai lầm nghiêm trọng tham gia tái thiết như trước kia thì rất khó thành công.

Có được những con tàu hiện đại như thế này để phát triển kinh tế biển vẫn là điều mà nhân dân mong đợi ở Vinashin. Ảnh: Lê Quý Đôn.

TS Nguyễn Ngọc Sự nói rằng, từ một đơn vị làm ăn tốt, ông từng từ chối, không muốn gánh vác vai trò chèo lái con tàu quá nhiều thương tích như Vinashin và từng lo lắng đến mất ăn mất ngủ sau khi ngồi lên chiếc “ghế nóng” ở Vinashin. Nhưng rồi, với vai trò trách nhiệm người cán bộ, đảng viên, vị tân “thủ lĩnh” đã nhìn thẳng vào sự thật, tìm hiểu thực tế và dần định hình các quyết sách. Nhiệm vụ còn nặng nề, nhưng rõ ràng những tuyên bố mới đây của ông Sự, ông Tuyến về “căn bệnh” và “cách chữa” Vinashin có nhiều điểm được dư luận hoan nghênh và đều là những điểm mà những người lãnh đạo tiền nhiệm chưa bao giờ đề cập. Chẳng hạn như những nghịch lý: 15 năm ra đời, lên Tập đoàn đã 3 năm mà Vinashin vẫn chưa hoàn thiện điều lệ và quy chế tài chính vẫn “chưa đâu vào đâu”. Ban tài chính mà không nắm được nợ nần, Tập đoàn có nhiều công ty mẹ-con-cháu nhưng quan hệ lại vô cùng lỏng lẻo. Có nhiều ban bệ chồng chéo chức năng đã phải sắp xếp lại. Chỉ riêng trong tháng 11 vừa qua, theo yêu cầu của ông Sự, Vinashin đã hoàn thiện tới 54 bản quy chế và đến nay đã hoàn tất các quy chế khác. Hay như việc xây dựng một tài khoản trung tâm để tất cả các đơn vị tham gia vào hệ thống đó, giúp đơn vị thiếu vốn có thể sử dụng vốn của đơn vị thừa và đơn vị thừa vốn vẫn được hưởng lãi suất bình thường cũng được coi là giải pháp rất hiệu quả…

Ông Nguyễn Đức Thận, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Hạ Long, người đề xuất sáng kiến “ba cây chụm lại” kể rằng, đó là chuyện ai cũng biết nhưng trước đây không làm được. Từ thực tế đơn vị mình có lúc chưa đủ năng lực để đáp ứng các đơn hàng đang liên tiếp mà các chủ tàu nhiệt tình mang đến, ông Thận đã đề nghị với lãnh đạo Tập đoàn tổ chức sắp xếp, bố trí thi công chung để tận dụng nội lực của các công ty trực thuộc. Đề xuất lập tức được ghi nhận và thực hiện ngay. Hạ Long là đơn vị tổ chức sản xuất tốt, uy tín ở nước ngoài, nhưng khó khăn về mặt bằng. Trong khi đó, Phà Rừng, Nam Triệu có mặt bằng rộng hơn nhưng ít tàu đóng và trình độ không bằng. Vinashin từ đó cải tổ lại quy chế, quy trình sản xuất, “chia lửa” lẫn nhau giữa các đơn vị. Để có được cuộc chuyển mình “thần tốc”, về đích hàng chục con tàu chỉ trong hai tháng cuối năm vừa qua, mỗi ngày xuất xưởng một con tàu, một lần nữa việc phát huy nhân tố con người đã được làm rất tốt. Thành công một phần quan trọng chính nhờ lãnh đạo Tập đoàn tổ chức biệt phái hàng trăm lượt cán bộ kỹ thuật của Ban Kỹ thuật sản xuất và Viện khoa học công nghệ tàu thủy xuống làm việc trực tiếp tại các nhà máy, điều chuyển các thiết bị, nhân lực từ những đơn vị ít việc làm sang hỗ trợ các đơn vị nhiều việc làm; chuyển các cán bộ quản lý từ những đơn vị con, có năng lực tổ chức sản xuất tốt như Công ty đóng tàu Hạ Long, Công ty đóng tàu Sông Cấm… sang đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở các đơn vị yếu kém về quản trị sản xuất như Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Bến Kiền, Phà Rừng. Khi có cán bộ tốt thì đương nhiên “cán bộ nào, phong trào ấy”, trong đợt thi đua 60 ngày đêm vừa qua ở Vinashin, đã có trên 6.500 công nhân  tham gia, 200 tổ làm thêm giờ, thêm ca để 64 con tàu từng bị trở thành “sắt vụn” đã hồi sinh.

Những bài học, những câu hỏi

Nhìn lại câu chuyện Vinashin, rồi đây sẽ phải có thêm những bài học cay đắng cần làm rõ về công tác cán bộ. Nghiên cứu nghị quyết về công tác cán bộ của Đảng ủy Tập đoàn ra ngày 8-12-2010 vừa qua, chúng tôi thấy đã có nhiều dòng thừa nhận những yếu kém, khuyết điểm: “Việc xây dựng, cụ thể hóa các quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước về cán bộ và công tác cán bộ còn chậm, chưa đồng bộ. Việc phân cấp quản lý cán bộ chưa được thực hiện triệt để, đúng quy định. Vai trò tham mưu của cơ quan chức năng về công tác cán bộ còn yếu. Trong thời gian dài, vai trò của tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ còn hạn chế, yếu về chuyên môn nghiệp vụ; công tác quản trị doanh nghiệp còn yếu; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; công tác cán bộ chưa được coi trọng. Công tác thi đua, khen thưởng chưa trở thành động lực; cán bộ tích cực, tận tâm, liêm khiết, có thành tích và cống hiến chưa được tôn vinh và quan tâm kịp thời. Bố trí, sắp xếp cán bộ chưa khoa học. Trách nhiệm của tổ chức Đảng và người đứng đầu trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, luân chuyển, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ chưa cao...”. Tân chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, TS Nguyễn Ngọc Sự sau một thời gian về công tác, đi sâu tìm hiểu cũng thừa nhận: “Cái gốc đầu tiên là vấn đề "con người" trong Tập đoàn đã dẫn tới những lỗ hổng "chết người" trong quản trị”. Và rồi, một lần nữa, câu chuyện “mất mùa thì đổ tại… thiên tai” lại tái diễn. Theo ông Sự, việc bị hủy hợp đồng đóng tàu có phần lỗi lớn ở phía chủ quan Vinashin làm chậm tiến độ, chứ không đơn thuần là do... khủng hoảng kinh tế như nhiều báo cáo đã nêu trước đây!

Những con tàu suýt bị đưa vào lò mổ do sai lầm nghiêm trọng trong điều hành của lãnh đạo Tập đoàn đối với một số dự án ở Tổng công ty Bạch Đằng - đơn vị từng phải gánh cú sốc nặng nề từ vụ việc “bắt đóng tàu khi chưa có thiết kế” năm 2001. Ảnh: Phan Anh.

Còn nhớ câu chuyện liên quan đến việc đóng con tàu 11.500 tấn đầu tiên tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (nay là Tổng công ty Bạch Đằng) vào năm 2001, vị Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình khi ấy đã ép ông Phạm Đình Đá, Giám đốc nhà máy lúc đó phải đóng tàu dù chưa có cả bản thiết kế. Ông Đá phản đối chủ trương trái nguyên tắc kỹ thuật trên thì ngay lập tức bị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin, kiêm luôn cả Bí thư Đảng ủy Tổng công ty, đồng thời đại diện bên A ký ngay một quyết định có hiệu lực ngay trong ngày để cách chức ông. Tuy nhiên, 15/15 đảng ủy viên nhà máy đã phản đối quyết định trên, người được bổ nhiệm chức giám đốc thay ông Đá cũng từ chối không nhận nhiệm vụ. Thành ủy Hải Phòng, đơn vị quản lý ông Phạm Đình Đá trong sinh hoạt Đảng thì lại không được biết thông tin này. Câu chuyện trôi qua đã 10 năm nhưng bài học về “lỗ hổng” thiếu dân chủ, sai nguyên tắc kinh tế, nguyên tắc tổ chức của Đảng ở đây vẫn còn nguyên tính thời sự. Về vấn đề này, có đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu thẳng thắn rằng: “Công tác lựa chọn và sử dụng cán bộ là một trong những mấu chốt dẫn đến vụ việc Vinashin. Việc để quá lâu một cá nhân vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn là một trong những điều kiện tạo cho sai sót của Vinashin thêm nặng nề”.

Kết luận số 81 của Bộ Chính trị về Vinashin nêu rõ nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ: “Trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên của Vinashin chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị một tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt là người đứng đầu còn hạn chế về năng lực, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, tuỳ tiện, cá nhân, báo cáo không trung thực, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước, quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi chỉ đạo các hoạt động đầu tư, dự án, vốn cho sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn và bố trí cán bộ. Lãnh đạo Tập đoàn, trước hết là Hội đồng Quản trị và người đứng đầu với chức năng đại diện trực tiếp chủ sở hữu đã có nhiều khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức, quản lý, điều hành, nhất là trong việc xác định lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý các công ty con, công ty liên kết, tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài chính, vay và trả nợ…”.

Những sai phạm đã được chỉ rõ nhưng ở đây có thể thấy, cần phải rút ra nhiều bài học trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy sức chiến đấu, năng lực của tổ chức Đảng trong một tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin. Theo báo cáo của Đảng ủy Tập đoàn Vinashin, tính đến tháng 11-2010, Đảng bộ Vinashin có 60 tổ chức cơ cở đảng (gồm 35 đảng bộ cơ sở với 436 chi bộ trực thuộc và 25 chi bộ cơ sở), với 5.476 đảng viên. Có 3 đảng bộ Tổng công ty-Đảng bộ cơ sở được thí điểm giao một số quyền cấp trên cơ sở ở các Tổng công ty Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng. Như vậy, tính bình quân, chưa tới 10 cán bộ, công nhân đã có một đảng viên song các tổ chức Đảng vẫn chưa phát hiện hoặc có được giải pháp để ngăn ngừa, ngăn chặn những sai phạm, xử lý những bất cập. Chưa một tổ chức Đảng nào phát hiện hoặc giám sát được cán bộ lãnh đạo có những sai phạm pháp luật nghiêm trọng.

Câu hỏi đặt ra là quy chế, quy trình lãnh đạo, phải chăng còn nhiều lỗ hổng, chưa được hoàn thiện? Khi sự đổ vỡ xảy ra, người ta mới biết kết luận số 45-KL/TW, ngày 10-4-2009 của Bộ Chính trị về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế cũng mới chỉ ban hành được hơn một năm, các quy chế tạo hành lang pháp lý của một tập đoàn ở Vinashin còn chưa được xây dựng xong. Và có lẽ, tương tự như thế, việc xác lập những quy chế, quy trình “chuẩn” để phát huy sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, quy chế, quy định để phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng ở một tập đoàn Nhà nước cũng chưa được hoàn thiện, còn rất nhiều việc phải làm hôm nay và ngày mai…

(Còn nữa)
theo QĐND
Các bài viết khác

CÔNG TY ĐÓNG TÀU BẠCH ĐẰNG: HẠ THỦY THÀNH CÔNG TÀU 17.500DWT

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Go to top