Bạn tôi ở Vinashin

Nói chính xác thì bạn tôi chỉ là đốc công ở Công ty Đóng tàu Hạ Long, một đơn vị thành viên của Tập đoàn Vinashin. Mấy tháng nay “Vinashin” là danh từ xuất hiện nhiều nhất trên báo chí, trong hội họp và cả trong những cuộc trà dư tửu hậu đó đây. Mà toàn là những chuyện nóng bỏng, bức xúc, “lành ít, dữ nhiều”… Cho nên sau hơn ba chục năm tình cờ gặp lại nhau, hỏi han dăm ba điều về sức khỏe, vợ con, công việc… rồi câu chuyện của hai thằng bạn cũ là chúng tôi lại về… Vinashin. Và thái độ, tình cảm, chính kiến của anh bạn làm vỡ ra trong tôi nhiều điều hơi khác với những gì tôi vẫn nghĩ, vẫn tưởng…
Kỹ sư Nikolay Vagilov, chuyên gia giám sát kỹ thuật trò chuyện với nhà báo trên boong tàu chở ô-tô 4.900 xe của Công ty Đóng tàu Hạ Long. Ảnh: Anh Minh

Cách nay hơn hai mươi năm, ngày 8-10-1990, lần đầu tiên tôi được về Công ty Đóng tàu Hạ Long, ấy là theo giấy mời nhà báo về dự buổi lễ hạ thủy tàu Trường Sa 01. Đây là con tàu thứ nhất trong “xê-ri” 8 con tàu vận tải đa năng trọng tải 1000 tấn mà Công ty Đóng tàu Hạ Long ký hợp đồng sản xuất cho Quân chủng Hải quân từ năm 1990 đến năm 1995. Sau lễ hạ thủy tàu Trường Sa 01, tôi ở lại tìm hiểu về tiểu đoàn tự vệ của công ty, một đơn vị điển hình của LLVT tỉnh Quảng Ninh ngày ấy. Trong cuốn sổ tay tôi còn cất giữ cẩn thận đến nay, có ghi chép rất chi tiết những nội dung trao đổi với Tiểu đoàn trưởng Ngô Đình Quý, Tiểu đoàn phó về chính trị Đoàn Toại, Tiểu đoàn phó về quân sự Lê Văn Quang, cán bộ chuyên trách quân sự Bùi Văn Thắng… và nhiều gương tự vệ điển hình, như: Chị Trần Thị Dịu ở đại đội trang bị, gửi con nhỏ đi huấn luyện và hội thao đạt thành tích cao; anh Vũ Viết Ninh ở đại đội vỏ tàu, đợt huấn luyện nhằm đúng thời gian vợ ốm nặng, nhưng vẫn thu xếp việc nhà tham gia đầy đủ…

Lần này về lại Công ty Đóng tàu Hạ Long, rất tiếc tôi không tìm gặp được các anh, các chị kể trên. Hai mươi năm rồi còn gì! Nhưng thật tình cờ và may mắn là tôi gặp được Phan Sơn Hà, một người bạn đồng môn phổ thông cấp 3 Tuyên Hóa (Quảng Bình) hơn ba mươi năm trước. Tuy ở khác xã và học khác lớp nhưng chúng tôi vẫn quen biết nhau vì mấy lần tôi đã được Hà cho quá giang chiều thứ bảy về nhà trên chiếc xe đạp Thống Nhất màu xanh không phanh, không chuông. Ngày ấy lũ chúng tôi đi học trọ cách nhà mười mấy cây số, toàn là cuốc bộ, phải là những đứa bố mẹ buôn bán hoặc làm cán bộ Nhà nước mới có chiếc xe đạp cà tàng. Bố Hà nghe nói làm cán bộ Trường Công nhân kỹ thuật Nhà máy Đóng tàu Hạ Long nên mấy anh nó đôi khi cũng rủng rẻng. Tốt nghiệp lớp mười, tôi đi học sư phạm còn Hà ra Quảng Ninh học trường đóng tàu của bố. Thế rồi lần lượt các em của Hà cũng gia nhập đại gia đình Công ty Đóng tàu Hạ Long. Chú hai kỹ sư tàu thủy Phan Hữu Thiện hiện nay là Trưởng phòng Hành chính-Tổng hợp (nhờ chú này mà tôi gặp được Phan Sơn Hà). Chú ba Phan Duy Vũ hiện là cán bộ phòng bảo vệ công ty. Hai cô em dâu của Hà cũng đều là nhân viên dịch vụ của công ty. Hồi chúng tôi còn học với nhau, mẹ Hà là công nhân Hạt giao thông huyện Tuyên Hóa, về sau bà cũng chuyển ra Nhà máy Đóng tàu Hạ Long nốt. Quả là một gia đình “tam đại đóng tàu”. Nói dại, nếu chẳng may Vinashin gặp “mệnh hệ” gì thì đúng là thậm nguy! Mà ở cái tập đoàn công nghiệp đóng tàu có tới hơn hai trăm đơn vị thành viên với ngót bảy vạn cán bộ, công nhân, viên chức này thì còn có biết bao gia đình gắn liền với số phận của nó như gia đình anh bạn tôi đây?. Cho nên ngoài lý do về kinh tế-chính trị, thì đây là một lý do hết sức quan trọng khiến chúng ta quyết không thể để cho con tàu Vinashin... chìm nghỉm.

Thi công mạn tàu 53.000 tấn sẽ bàn giao cho nước ngoài năm 2011

 - Mà chìm nghỉm thế nào được? Anh nào kém cỏi, đầu tư tràn lan, kinh doanh chệch hướng… thì chết chứ như công ty của chúng tôi đây thì làm sao mà chết! 6 tháng đầu năm nay chúng tôi đã bàn giao một tàu chở ô-tô 4.900 xe cho I-xra-en, một tàu vận tải đa năng 12.000 tấn cho khách hàng trong nước và một tàu chở hàng 53.000 tấn cho Đức. 6 tháng cuối năm, giữa lúc dư luận đang nóng bỏng chuyện Vinashin thì chúng tôi hạ thủy tiếp một tàu 53.000 tấn và một tàu chở ô-tô 4.900 xe để bàn giao cho khách hàng; tiếp tục cắt tôn và đặt ky 4 tàu loại 47.500 tấn và 53.000 tấn cho các hợp đồng mới. Trong nghề đóng tàu của chúng tôi, cắt tôn là động thổ, đặt ky là đổ móng. Thế đấy! Có việc làm ổn định nên tiền lương chúng tôi không chậm, không giảm...

Điều này thì anh bạn tôi nói đúng! Tôi còn được biết thêm là cho đến trung tuần tháng 12 này, Công ty Đóng tàu Hạ Long đã “gối đầu” đủ việc làm cho năm 2011 và một phần kế hoạch của năm 2012. Nhưng trong số hơn hai trăm đơn vị thành viên của Vinashin trước đây, những đơn vị vững vàng như Hạ Long, Sông Cấm, Sài Gòn (Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty Đóng tàu & công nghiệp hàng hải Sài Gòn), Công ty Công nghiệp đóng tàu thủy Cam Ranh… đâu phải là nhiều. Bằng chứng là sau “cơn bão” vừa rồi, chỉ còn 43 đơn vị được giữ lại, còn 216 đơn vị khác phải tái cơ cấu, trong đó có đơn vị phải giải thể hoặc rao bán.

Phan Sơn Hà “thú nhận”: Là nói cứng vậy, chứ trong “cơn bão” vừa rồi, công ty cũng ít nhiều ảnh hưởng. Giữa lúc tin xấu về tập đoàn dồn dập như thế, có là thần kinh thép mới không khỏi hoang mang lo lắng. Cũng như trong một gia đình, khi một người anh em hư hỏng, bất hảo, vướng vào lao lý thì những người khác cũng đứng ngồi sao yên, ra đường sao dám vênh vang nói cười với thiên hạ? Rồi tình hình buộc các chủ tàu và đối tác làm ăn phải cảnh giác, dè chừng chứ! Ngân hàng thắt chặt không cho vay vốn nên nhiều dự án dở dang không thể tiếp tục thi công, lãi suất tiền vay mỗi ngày mỗi đội lên, trong lúc chủ tàu ráo riết đòi bàn giao đúng hạn… Nhiều nơi vì thế mà chủ tàu hủy hợp đồng và bắt trả lại tiền ứng trước. Tám mươi sáu ngàn tỷ đồng công nợ của tập đoàn chủ yếu nằm ở cái sự đầu tư dở dang, tiến thoái lưỡng nan ấy… Trong tình thế ấy, tái cơ cấu là chủ trương kịp thời và khả thi nhất để giúp các đơn vị thoát khỏi tình cảnh một mình một thuyền giữa phong ba bão táp. Tái cơ cấu theo tôi hiểu là sự tổ chức sắp xếp lại cho tinh gọn, hợp lý và “khỏe mạnh” hơn dưới sự chỉ huy điều phối thống nhất của tập đoàn, giống như Bộ tư lệnh chiến dịch vậy…

Cái “định nghĩa” về tái cơ cấu của anh bạn khiến tôi nhớ lại những điều đã được chứng kiến ở một số đơn vị khác của Vinashin mấy ngày trước đó. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng từng là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, nhưng trong “cơn bão” vừa qua cũng lao đao khốn đốn vì một số dự án đầu tư dang dở không khai thông được nguồn vốn. Đã có lúc, chỉ cần có thêm 10 tỷ VND để hoàn thiện và hạ thủy con tàu thì thu về được 10 triệu đô-la, nhưng vì nguồn vốn bị “khóa van” theo như cách nói của Tổng giám đốc Chu Thế Hưng, nên nợ mẹ đẻ nợ con, khó khăn chồng chất. May thay chủ trương tái cơ cấu đã kịp thời cứu nguy cho đơn vị, vốn điều lệ được tăng thêm 245 tỷ đồng theo tinh thần đầu tư dứt điểm từng dự án để kịp thu hồi vốn. Hôm chúng tôi đến đã hơn 5 giờ chiều nhưng trên các triền đà và cầu cảng, anh em công nhân vẫn mải mê công việc. Họ cho biết, sau khi có vốn về, xí nghiệp tổ chức tăng ca để chạy đua với thời hạn hợp đồng. Trong tháng 12 này, tổng công ty sẽ giao 2 con tàu 22.500 tấn cho Vinalines, 2 con tàu chở khí hóa lỏng 4.500m3 cho I-ta-li-a và 1 tàu đa năng 17.500 tấn cho Hàn Quốc. Được biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, tổng công ty cũng đã phải “phanh gấp” 3 dự án dàn trải không phù hợp để tập trung cho nhiệm vụ chủ yếu là đóng mới và sửa chữa tàu thủy, đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ đáp ứng nhu cầu nội bộ và cung cấp cho thị trường.

Tương tự mô hình như Bạch Đằng, nhưng Tổng công ty Nam Triệu có quy mô đồ sộ hơn, với 25 công ty thành viên trải dài từ miền Bắc đến miền Trung. Cũng do khó khăn về nợ nần, vốn liếng mà trong số 27 con tàu của Tập đoàn Vinashin bị các chủ tàu hủy hợp đồng thì Nam Triệu chiếm tới 10 con. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ, thời gian qua Tổng công ty Nam Triệu đã sắp xếp, điều chỉnh lại công ty mẹ, điều động kiện toàn lại bộ máy nhân sự, rà soát cắt bỏ những dự án dở dang không cần thiết để thu hồi vốn tập trung hoàn thành các sản phẩm tàu trọng điểm. Đối với các công ty con thì tiến hành chuyển nhượng, sáp nhập, giải thể, thoái vốn, bán cổ phần những đơn vị làm ăn không hiệu quả và những công ty không thuộc ngành nghề kinh doanh chính để tập trung vốn cho những ngành nghề sản xuất chính và những đơn vị làm ăn có lãi…

Chủ trương tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin của Chính phủ bước đầu đã nhìn thấy kết quả cụ thể. Chẳng hạn như ở Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, Tập đoàn Damen của Hà Lan không chỉ vẫn duy trì các hợp đồng đã ký mà còn tiếp tục một số hợp đồng mới cho những năm tiếp theo. Một số khách hàng của Nam Triệu và Bạch Đằng từng hủy hợp đồng bỏ tàu, nay đã quay lại làm ăn. Trong cơn bĩ cực, Tổng công ty Nam Triệu có gần 2000 cán bộ kỹ thuật và công nhân xin chuyển đi nơi khác; nay thấy Chính phủ quyết tâm vực dậy Vinashin và thực tế đã có nhiều tín hiệu tốt, nên nhiều người lại xin quay về và tổng công ty đã làm thủ tục tiếp nhận trở lại hơn 100 người. Còn ở Hạ Long, những ngày này, toàn công ty đang hối hả để kịp bàn giao đúng hẹn một con tàu chở hàng 53.000 tấn cho Đức, một tàu chở công-ten-nơ 1.700 TEU cho Vinalines và một tàu chở ô-tô 4.900 xe cho I-xra-en. Đây là con tàu chở ô-tô thứ hai mà Tập đoàn RAY nổi tiếng ở khu vực Trung Đông đặt hàng cho Công ty Đóng tàu Hạ Long thực hiện. Mới đây, đích thân ông Ra-mi Un-ga, Chủ tịch tập đoàn đã trực tiếp sang đàm phán xúc tiến việc ký kết con tàu thứ ba.

Tình cờ lúc leo lên con tàu chở ô-tô lừng lững như một tòa nhà 11 tầng đang đợi ngày bàn giao cho đối tác, tôi đã gặp ông Nikolay Vagilov, một chuyên gia người Bun-ga-ri được Tập đoàn RAY thuê sang giám sát kỹ thuật con tàu. Ông cho biết, ông đã từng 3 mùa hè có mặt ở Việt Nam để giám sát các dự án đóng tàu ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Hải Phòng. Nói về trình độ kỹ thuật của Việt Nam, Nikolay tỏ ra rất hài lòng và nói rằng, ông tin tưởng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, công nghệ đóng tàu thủy của Việt Nam có thể sánh ngang các cường quốc về đóng tàu trên thế giới. Hỏi ông vừa qua có theo dõi những thông tin về “vụ Vinashin” của Việt Nam không? Ông khoát tay: Thời buổi suy thoái kinh tế, chẳng riêng gì ở Việt Nam mà ngành đóng tàu nhiều nước cũng lao đao chẳng kém…

Thật bất ngờ khi anh bạn Phan Sơn Hà hạ giọng nói với tôi: Người ta nói thế thì biết thế mà tự tin phấn đấu, chứ không phải tất cả hai mươi mấy con tàu của Vinashin vừa qua bị đối tác bỏ tàu là do nước họ suy thoái kinh tế cả đâu, mà là vì ta thiếu vốn, chậm tiến độ nên bể hợp đồng… Nguyên nhân sâu xa hơn là ta quản trị tài chính kém, tổ chức sản xuất kém, đầu tư dàn trải nên phân tán nguồn lực. Mình phải nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ yếu kém chủ quan để khắc phục sửa chữa thì mới tạo được nội lực kéo “con tàu Vinashin” ra khỏi vực xoáy. Không ai cứu mình tốt hơn mình tự cứu mình đâu ông ạ!

Tôi nói với anh bạn: Nhưng tôi cũng được biết, không phải tất cả những đơn vị, dự án vừa qua phải chuyển giao, sáp nhập, thanh lý… đều là thua lỗ, kém hiệu quả, đáng “bỏ đi”. Ngược lại, nhiều dự án khi chuyển đổi chủ sở hữu thì phát huy rất tốt vì phù hợp với chức năng, thế mạnh của họ; nhiều dự án đã được Vinashin đầu tư hạ tầng ngon lành rồi, nay “người ta” được thừa hưởng và đôi khi còn cho Vinashin thuê lại để làm ăn…

Anh bạn tôi sôi nổi hẳn: Đấy đấy, mục đích của tái cơ cấu là phải đạt được những điều như thế! Nhưng không phải ai cũng hiểu được vấn đề như vậy đâu. Mà thôi, những yếu kém, khuyết điểm, trách nhiệm… nói nhiều rồi. Bây giờ là lúc dư luận phải động viên ủng hộ chúng tôi phấn khởi, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua giai đoạn cam go này. Nói thật nhé, ông mà còn quy kết, bàn ngược, ăn nói kiểu thiếu thiện chí, thiếu thông tin… thì lần sau tôi nháy chú Vũ và anh em bảo vệ công ty chúng nó cấm cửa đấy nhé!

Rồi Phan Sơn Hà mím môi, dứ dứ nắm đấm, đôi mắt nheo nheo ngộ nghĩnh hệt thằng Hà của tôi hơn ba mươi năm trước…

Hạ Long-Hà Nội, tháng 12-2010
(theo qdnd.vn)
Các bài viết khác

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Go to top