Bình tĩnh và có cái nhìn toàn diện khi xử lý Vinashin

Bình tĩnh và có cái nhìn toàn diện khi xử lý Vinashin

Những khó khăn của Vinashin đang là vấn đề nóng tại diễn đàn Quốc hội. Trong ba ngày tới (22-23-24/11), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm sẽ là Vinashin.

 
Tại cuộc thảo  luận ngày 3/11 vừa qua về phân bổ  ngân sách,  trong khi một số  đại biểu bày tỏ bức xúc trước sự việc của Vinashin và đề nghị  cần có Ủy ban điều tra quy trách nhiệm cụ thể thì cũng có không ít đại biểu đề nghị cần bình tĩnh và có cái nhìn toàn diện để đưa ra các quyết sách hợp lý.

Khoản vay 86 nghìn tỷ không phải đã thất thoát

Theo đại biểu Lê Văn Thành (Hải Phòng), giá trị  sản xuất công nghiệp của Tập đoàn Vinashin tập trung tới 60% trên địa bàn thành phố này và hàng năm, Vinashin đóng góp khoảng 15% - 20% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố.

Đại biểu khẳng định, rà soát của thành phố cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế của Tập đoàn Vinashin có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của địa phương, nhưng không đến mức ghê gớm quá như một số thông tin đã đưa.

Cụ thể, năm 2008 - 2009, Vinashin đóng góp khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố Hải Phòng, năm 2010 dự kiến còn 12%.

Cũng theo đại biểu Thành, tổng giá trị tài sản của Vinashin hiện nay theo báo cáo của Bộ Tài chính là 104 nghìn tỷ đồng, trong khi đó nợ vay là 86 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn vay vẫn nằm trong các tài sản chứ không phải đã thất thoát.

Đại biểu Thành cũng cho rằng, ngoài một số tài sản Vinashin vay chưa phát huy được hiệu quả hoặc phát huy hiệu quả thấp như tàu Hoa Sen, sau khi khảo sát, đoàn khảo sát của thành phố Hải Phòng khẳng định các thiết bị đầu tư của Vinashin rất hiện đại với công nghệ tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu sản xuất chế tạo từ động cơ đến cả con tàu tới 100 nghìn tấn.

Ngoài ra, 2 vạn công nhân lao động có nghề của Vinashin cũng là một tài sản, một tiềm năng lớn, một lực lượng rất cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế.

Từ đó, đại biểu Thành kiến nghị cần bình tĩnh, thận trọng để bàn bạc đưa ra các quyết sách hợp lý.

Tái cấu trúc Vinashin vì chiến lược biển

Cho rằng Vinashin là bài học xương máu, đồng thời không đồng ý quan điểm đổ lỗi cho Thủ tướng, cho Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đặt câu hỏi, “những người nói gay gắt đã đến thăm Vinashin lần nào chưa, đã biết họ hoạt động như thế nào không”?

Là người luôn thẳng thắn trong các phiên chất vẫn cũng như thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Đào kiến nghị, Quốc hội nên cộng đồng trách nhiệm  với Chính phủ về ngân sách, về vốn. Đồng thời, Chính phủ hãy lắng nghe một cách nghiêm túc, lắng nghe nhiều chiều.

Đồng tình với nhận định trên, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) nhìn nhận, Vinashin là một bài học kinh nghiệm rất cay đắng trong quá trình chúng ta điều hành kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đại biểu Trường, nên tái cấu trúc lại Vinashin cho hợp lý, bởi một quốc gia biển không thể không có ngành đóng tàu. Các chiến lược biển của chúng ta sẽ không thực hiện được và lúc nào chúng ta cũng phải phụ thuộc vào các nước khác. Do vậy, việc tái cấu trúc lại Vinashin là việc nên làm.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, không nên vì một sự việc mà kéo lùi tư duy đổi mới, phát triển doanh nghiệp Nhà nước đưa ra cách đây 10 năm tại các hội nghị Trung ương khóa IX.

Có cái nhìn khách quan hơn, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đề nghị chúng ta cần nghiêm khắc nhìn lại vấn đề điều hành và quản lý Nhà nước trong thời gian vừa qua. Nếu là lỗi do cơ chế thì phải sửa bởi cơ chế do chính chúng ta đặt ra, nếu không sửa thì chúng ta sẽ tiếp tục có thêm những Vinashin mới.

“Hải trình” mới cho Vinashin

Trong một bước đi nhằm cải cách tổng thể, Chính phủ đã có định hướng trong việc tái cấu trúc nền kinh tế trong đó việc tái cơ cấu các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là một trong những vấn đề  quan trọng nhất. Riêng với Vinashin, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban.

Việc tái cơ cấu nhằm đạt bốn mục tiêu: duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, sử dụng có hiệu qủa năng lực cơ sở vật chất đã và đang đầu tư, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức tín dụng, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động.

Theo đề án này, lộ trình phát triển cho một Vinashin mới được xác định đến năm 2012 hết lỗ và 2014 sẽ có lãi.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Ban chỉ đạo hiện giải quyết ba việc cùng một lúc bao gồm ổn định  tình hình sản xuất;  thanh tra kiểm tra, điều tra để  xử lý  và cuối cùng đàm phán với các đối tác để xử lý nợ .

Được biết, triển khai Quyết định số 926/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thực hiện kết luận của  Bộ Chính trị, đến nay, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã cơ bản ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập  cho người lao động. Đến ngày 31/10, Vinashin đã bàn giao 32 tàu với tổng trị giá  278 triệu USD, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm Tập đoàn sẽ bàn giao tiếp 35 con tàu nữa với tổng giá trị 152 triệu USD.

Một số đơn vị sau khi được cơ cấu, chuyển sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng đã hoạt động trở lại. Hơn 1.000 công nhân của Nhà máy Đóng tàu Dung Quất đã trở lại làm việc, dự kiến tháng 1/2011 Nhà máy này sẽ hạ thủy tàu chở dầu 104 nghìn tấn. Hầu hết các đội tàu viễn dương chuyển về Vinalines cũng hoạt động trở lại.

Một diện diện mạo mới của Vinashin  đang được hình thành và tin tưởng rằng trong tương lai không xa, những con tàu cỡ lớn với trang thiết bị hiện đại sẽ lại được xuất xưởng bởi chính những bàn tay người thợ đóng tàu Việt Nam.

(Theo Chinhphu.vn)

Các bài viết khác

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Go to top