Người truyền lửa cho “con tàu mắc cạn” Vinashin

Tôi biết rằng, bức chân dung về ông Nguyễn Ngọc Sự sẽ không bao giờ đầy đủ được, không hẳn chỉ bởi khuôn khổ một bài báo mà còn bởi vì cuốn sách đời ông vẫn còn nhiều trang chưa mở và chưa viết, cũng như càng ngẫm lại cuộc trò chuyện với ông, tôi càng thấy ở ông phát lộ nhiều điều mà ấn tượng ban đầu của tôi chẳng đủ để hình dung ra hết được dù ông là "cố nhân" của Petrovietnam. Bức chân dung này chỉ có thể được dựng nên từ vài nét vẽ chấm phá về một người được chọn để gửi gắm niềm tin sẽ vực dậy "con tàu" đang ở thế chênh vênh - Vinashin.

Với công chúng, ông Nguyễn Ngọc Sự được biết đến nhiều hơn từ khi ông được Thủ tướng điều động từ vị trí Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (Petrovietnam) sang Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm Chủ tịch HĐTV. Khi con tàu Vinashin có dấu hiệu “mắc cạn”, việc thuyên chuyển của ông Sự đã là một đề tài thường xuyên được dư luận nhắc đến, quan tâm và bức xúc. Còn đối với tôi, một người đã có đôi ba năm theo dõi ngành Dầu khí, cũng phải thú thực rằng, trước đó tôi chỉ biết đến ông như là một Phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính kế toán của Tập đoàn và là người hay được nhắc đến mỗi khi có báo nào nói về chuyện đổi mới, sắp xếp, tái cấu trúc của Petrovietnam. Có chăng, qua một vài câu chuyện thu lượm từ một vài người đã từng làm việc và tiếp xúc với ông, tôi được bổ sung thêm một chút ấn tượng về một vị Phó tổng giám đốc có tác phong làm việc rất quy củ, trách nhiệm và quyết liệt.

Duyên nghiệp tài chính

Phong thái điềm đạm, lịch duyệt, giản đơn mà thấu đáo và không kém phần quyết liệt mà tôi cảm nhận được ngay từ lúc diện kiến với ông Nguyễn Ngọc Sự đã khiến tôi liên tưởng đến điều mà người ta gọi là “duyên nghiệp” – nghĩa là có khả năng, đam mê và cái duyên để làm, gắn bó với một nghề nghiệp. Và cái duyên nghề nghiệp của ông ở đây là tài chính kế toán – cái nghề đòi hỏi sự trung thực, cẩn thận, chính xác cao độ cùng bản lĩnh chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo. Cảm nhận về thiên chức ấy càng được củng cố hơn khi lắng nghe chuyện nghề của ông: Chỉ đơn giản là một chút tóm tắt quá trình công tác, những kỷ niệm trong nghề mà không có bóng dáng thành tích nào.

 
               
                                                   Ông Nguyễn Ngọc Sự
 
Có một kỷ niệm mà ông bảo là “cực kỳ đáng nhớ”, ấy là khi ông chuyển công tác từ Trường đào tạo nghề Dầu khí về Viện Dầu khí. Lúc tiếp nhận bàn giao công tác kế toán trưởng, kiểm tra sổ sách kế toán ông phát hiện thấy cơ quan mới không có tài chính và cũng không có két để giữ tiền! Đây là một điều không thể chấp nhận được và ở cương vị kế toán trưởng, việc đầu tiên ông làm là ký phiếu chi mua két, bởi với ông, một cơ quan bắt buộc phải có một cái két để giữ tiền, dù ít, dù nhiều, cho an toàn. Cũng ở Viện Dầu khí, ông đã đề xuất thực hiện cơ chế khoán kinh phí đề tài và chủ biên được hưởng 80% tổng kinh phí đề tài thay vì chỉ nhận 20% còn 80% thuộc về Viện như trước kia. Cơ chế mới này ngay từ khi bắt đầu thực hiện đã có tác dụng rất tích cực đối với việc động viên, kích thích niềm say mê nghiên cứu khoa học ở đội ngũ nhà khoa học.

Đối với Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ít ai biết rằng, ở thời điểm Việt Nam chưa có tiền lệ đặt cọc, ký quỹ không phải ở tài khoản của một ngân hàng trong nước mà là tại một ngân hàng nước ngoài thì ông (khi đó là Trưởng ban Tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng Tập đoàn) đã đề xuất và xin Chính phủ cho phép Petrovietnam được áp dụng cơ chế này và bảo lãnh ở Ngân hàng Parisbas, do Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) không chấp nhận được cơ chế bảo lãnh mà Tập đoàn đề xuất. Và theo tính toán, phương án này đã mang lại lợi ích trị giá trên 20 triệu USD – một con số rât lớn tại thời điểm đó. Thành công này này đã tạo tiền đề cho các lần đàm phán về cơ chế bảo lãnh thanh toán trong các hợp đồng khác về sau của Tập đoàn.

Đặc biệt, khi Petrovietnam đầu tư xây dựng Nhà máy Điện Cà Mau, hai nhà thầu của dự án là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tập đoàn Siemens (Đức), trong đó Siemens là nhà thầu phụ của Lilama, đảm nhận cung cấp thiết bị cho dự án. Siemens đã yêu cầu Lilama phải có bảo lãnh thanh toán mà chi phí phát hành bảo lãnh do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) “ra giá” với Lilama đã lên tới 4,5 triệu USD – một chi phí quá cao. Theo đề nghị của Lilama và phân công của Tập đoàn, ông đã tham gia hỗ trợ Lilama đàm phán về cơ chế thanh toán. Cuối cùng, ông và các đồng sự đã đề xuất, thuyết phục được Siemens chấp nhận bảo lãnh của chủ đầu tư Petrovietnam chỉ bằng một thư bảo lãnh, cam kết việc thực hiện thanh toán đúng hạn, trực tiếp cho nhà thầu. Như vậy là không cần tốn 4,5 triệu USD chi phí phát hành bảo lãnh mà Petrovietnam lại tạo được niềm tin với nhà thầu.

Thói thường, người ta hay nghĩ rằng người làm công tác tài chính kế toán có vị trí quan trọng, có quyền lực và ảnh hưởng rất lớn, khiến cho ai cũng phải nể nang, bởi “có thực mới vực được đạo”. Thế nhưng, với ông, ông luôn tâm niệm rằng, làm nghề này phải tuyệt đối không bao giờ được lợi dụng tập thể để làm lợi cho cá nhân và đặt quyền lợi cá nhân lên lợi ích tập thể. Một nguyên tắc bất di bất dịch là không được nhũng nhiễu đơn vị, cán bộ cấp trên chỉ được phép hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị bên dưới và phối hợp với các phòng, ban chức năng khác mà không được quyền nhũng nhiễu hay cậy thế cửa quyền. Phải tận tâm, tận lực vì công việc và làm việc gì cũng phải nhanh, gọn, hiệu quả, dứt điểm.

Ông chia sẻ, đối với nghề tài chính kế toán, có 2 trường phái quan niệm: Thứ nhất là chặt chẽ, chi li, ghi chép, theo dõi cẩn thận, giữ tiền cho chắc; Thứ hai là quản lý và làm cho tiền sinh sôi nảy nở. Người làm tài chính kế toán phải biết được mình bỏ ra gì, thu về được những gì. Về nguyên tắc thì không được làm sai quy định nhưng người quản lý tài chính được phép tận dụng những cơ hội và lợi thế tài chính của đơn vị trong khuôn khổ luật pháp cho phép để làm lợi cho doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho tập thể chứ không liên quan đến quyền lợi cá nhân. Đã làm tài chính thì phải dám làm, dám chịu và phải biết làm. Những con số kế toán phải là những con số biết nói và người làm tài chính kế toán phải đọc ra được ý nghĩa của nó. Đặc biệt, với người làm kế toán trưởng, phải biết đến bất đẳng thức “1+1 > 2”, nghĩa là tiền phải đẻ ra tiền. Nếu kế toán trưởng nào không biết bất đẳng thức đó thì không thể làm kế toán trưởng được.

Bản lĩnh thuyền trưởng

Trở lại với chuyện ông Sự rời Petrovietnam sang gánh trách nhiệm chèo lái Vinashin, từ khi đó, trong tôi đã có những băn khoăn và đặt ra những câu hỏi: Tại sao ông lại được giao trọng trách này? Tâm thế, suy nghĩ của một người đang thành công ở chức vị lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu đất nước như Petrovietnam bỗng dưng “được” điều chuyển phụ trách một doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản như Vinashin, cho dù được bổ nhiệm ở chức vị cao nhất sẽ ra sao? Và ông sẽ làm gì để vực dậy con tàu Vinashin đang sắp đắm? Tôi bắt đầu quan sát và chú ý hơn đến những hoạt động của ông Sự tại Vinashin, những ý kiến, dư luận xung quanh việc này và cũng thử tự tìm cho mình những lời giải đáp.

Bây giờ, ngồi diện kiến ông trong phòng làm việc tại trụ sở Vinashin, linh cảm về sự độ lượng nơi ông lại khiến cho tôi có đủ can đảm để chia sẻ với ông những băn khoăn này và mạo muội xin ông lời giải đáp.

Bắt đầu là suy đoán từ câu trả lời hóm hỉnh của ông Đinh La Thăng trước khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Anh Nguyễn Ngọc Sự đã mang hết những kinh nghiệm đó sang Vinashin rồi đó thôi” khi có nhà báo hỏi “Kinh nghiệm sắp xếp, đổi mới và tái cấu trúc doanh nghiệp ở Petrovietnam có thể giúp gì cho những Tập đoàn kinh tế Nhà nước khác như Vinashin?”.
 

                 
                                             Một con tàu của Vinashin vừa hạ thủy
 
Nghe suy đoán đó của tôi, ông Sự cười xòa: “Có lẽ đấy cũng là một trong những lý do. Câu nói đó của anh Thăng có lẽ vừa là đùa vui nhưng cũng vừa là sự ghi nhận, đánh giá đúng công sức của anh em chúng tôi. Toàn bộ khâu tái cấu trúc Tập đoàn là do tôi phụ trách trực tiếp và nhiệm vụ đó đã được chúng tôi hoàn thành tốt”.

Khi chia tay Petrovietnam – ngôi nhà thân thuộc, nơi ông đã gắn bó đến 30 năm, nơi mà mọi công việc đều đang được ông giải quyết suôn sẻ, thuận lợi, trong lòng ông cũng không tránh khỏi băn khoăn trăn trở và đã hơn một lần mong muốn được trở lại với ngành Dầu khí. Nhưng ông hiểu lý do vì sao ông được tin tưởng giao trọng trách này và luôn coi đó là trách nhiệm và vinh dự của mình. Vì thế, khi Chính phủ cần, ông đã sẵn sàng, dù biết chắc con đường trước mắt sẽ đầy khó khăn và chông gai chồng chất. Đầy mạnh mẽ, lạc quan, ông cho rằng hoàn cảnh khó khăn bi đát của Vinashin chính là môi trường tốt để rèn luyện và là cơ hội tốt để thể hiện, cống hiến. Chẳng thế mà ông vẫn hay động viên anh em cộng sự của ông tại đây rằng Vinashin là môi trường khó khăn nhất, ai vượt qua được môi trường này thì không còn ngại bất cứ một nơi nào khó cả. Thành công ở Vinashin thì có nghĩa là sẽ thành công ở tất cả mọi nơi.

Ngay khi tiếp nhận trọng trách, ông đã trực tiếp đến từng nhà máy, từng công ty, động viên, xốc lại tinh thần làm việc của anh em công nhân, cán bộ và khẩn thiết yêu cầu xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp, trong đó quan trọng nhất là xây dựng được lòng tự tôn về nghề nghiệp, có ý thức vươn lên ở mỗi người lao động.

Là người đã tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở ngành Dầu khí, ông hiểu rằng, văn hóa doanh nghiệp đã có ảnh hưởng tích cực đến tinh thần, động lực, cách thức làm việc của người lao động và qua đó góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp như thế nào. Theo ông, cái hay nhất của văn hóa Dầu khí là cuốn hút được tất cả mọi người vào công việc, khiến cho mọi người đều ý thức được trách nhiệm của mình là phải lao vào, lăn lộn cùng công việc để cùng nhau phát triển. Ông muốn đem cái hay nhất đó cùng với sự quyết liệt và nhanh chóng trong tác phong làm việc của Dầu khí sang Vinashin, để người Vinashin làm việc gì cũng phải làm nhanh, quyết liệt, làm đúng, làm tốt và đúng hẹn.

Chính niềm tin, sự quyết tâm, “chất lửa” ở những người lãnh đạo như ông đã thổi một luồng sinh khí mới vào Vinashin, giúp Tập đoàn này xây dựng một bộ mặt mới với một hơi thở mới. Tư tưởng hoang mang, rệu rã ở người lao động ngày nào giờ đang dần ổn định. Những dấu hiệu khởi sắc ấy có thể ghi nhận ở một loạt các phong trào thi đua rút ngắn tiến độ đóng mới, bàn giao tàu và các hiến kế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, xây dựng tác phong công nghiệp, tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh đã và đang được phát động thành công ở Vinashin. Người Vinashin bây giờ đang dốc sức, đồng lòng lấy lại hình ảnh, niềm tin trong mắt đối tác trong và ngoài nước với cam kết về mặt chất lượng, thời gian, uy tín thương hiệu. Những hợp đồng cũ đã được Vinashin hoàn thành đúng hẹn. Những đối tác nước ngoài cũng đã bắt đầu phải “nhìn lại” Vinashin và tin tưởng giao cho Tập đoàn những hợp đồng mới.

Khi được hỏi về về tâm sự muốn gửi gắm với ngành Dầu khí nhân dịp 50 năm Ngày truyền thống của ngành, ông trầm ngâm: “Tôi sinh ra, ra trường, trưởng thành và phát triển cùng ngành Dầu khí và tôi thấy rằng Dầu khí là ngành hết sức thú vị, rèn luyện cho con người làm việc với tác phong công nghiệp, hòa nhập với quốc tế. Tôi chỉ mong rằng, ngành Dầu khí luôn luôn giữ được phong độ, văn hóa, tác phong của một ngành công nghiệp đã sớm được tiếp cận với thế giới. Những đồng chí đang đương chức cần tâm niệm rằng đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự giữ gìn và phát huy văn hóa dầu khí đúng với một ngành công nghiệp tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước”.

Câu chuyện của chúng tôi đã đến lúc phải dừng lại. Băn khoăn của tôi đã được giải đáp mà sao trong lòng vẫn cảm thấy xôn xao bởi những ẩn tình tha thiết trong những gửi gắm với ngành của ông. Tôi chưa thể hình dung được ông Nguyễn Ngọc Sự sẽ ghi dấu ấn ở Vinashin ra sao nhưng tôi chắc rằng ông sẽ vẫn được biết là “người Dầu khí” bởi những cống hiến, tâm huyết của ông với ngành. Có lẽ thế chăng, bởi vì trước khi gặp ông, tôi đã thuyết phục được cô lễ tân ở Vinashin linh động bỏ bớt cái thủ tục công văn, giới thiệu phỏng vấn cho tôi bằng cái lý do rất đơn giản là: “Chú Sự vốn là người của Dầu khí bọn tớ cơ mà”?

Ông Nguyễn Ngọc Sự
Sinh năm: 1957
Quê quán: Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Trình độ: Tiến sĩ kinh tế
Quá trình công tác:
- Năm 1988-1992: Trưởng phòng TCKT Viện Dầu khí;
- Năm 1992-2007: Phó trưởng phòng Kế toán, Phó trưởng phòng Tài chính, Phó trưởng Ban TCKT, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban TCKT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam;
- Năm 2008-10/2010: Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
- 10-2010 đến nay: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Theo Petrotimes

Các bài viết khác

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Go to top