Nỗ lực trong việc tái cơ cấu Vinashin

Do những sai lầm nghiêm trọng của ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, tập đoàn này đã đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, Vinashin đang dũng cảm “lột xác”, nỗ lực cao nhất thực hiện đề án tái cơ cấu và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Khí thế lao động mới 

Những ngày cuối năm này, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có mặt tại nhiều đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Vinashin. Những nơi được đến, chúng tôi nhận thấy không khí lao động khẩn trương, khí thế lao động mới đang diễn ra tại các nhà máy, công trường. Khác với thời điểm trước khi tái cơ cấu, giờ đây, các kỹ sư và công nhân được huy động tối đa để làm việc cả ngày lễ, ngày cuối tuần để kịp hoàn thành tiến độ giao tàu.

Tổng công ty CNTT Nam Triệu tiếp tục đóng mới tàu chở hàng trọng tải lớn

Chúng tôi được chứng kiến giờ phút vui sướng của cán bộ, công nhân Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng thuộc Tập đoàn Vinashin khi bàn giao con tàu chở khí hóa lỏng số 1 King Arthur cho đối tác I-ta-li-a. Đây là con tàu trong hợp đồng đóng 4 tàu chở khí hóa lỏng Ethylene 4.500m3 đóng mới. Tàu có trọng tải tương ứng 4.900 tấn, được giám sát, phân cấp kiểm tra bởi đăng kiểm RINA của I-ta-li-a. “Việc bàn giao con tàu chở khí hóa lỏng Ethylene 4.500m3 số 1 - King Arthur đã khẳng định năng lực, trình độ, tay nghề của cán bộ, công nhân viên Tổng công ty công nghiệp Bạch Đằng trong triển khai đóng mới các sản phẩm có kỹ thuật cao và giá trị lớn đồng thời khẳng định đề án tái cơ cấu Vinashin phát huy hiệu quả” - Chủ tịch Công đoàn, ông Đào Nguyên Huấn khẳng định với chúng tôi như vậy. 

Tại Quảng Ninh, chúng tôi cũng vừa được chứng kiến lễ đặt ky đóng mới 2 tàu chở hàng 47.500 tấn (ký hiệu thiết kế HB02 và HB03 cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) của Công ty đóng tàu Hạ Long (đơn vị thành viên của Tập đoànVinashin).  

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin cho biết: Bước vào thực hiện tái cơ cấu, toàn Tập đoàn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Nhiều hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị chủ tàu thông báo hủy, tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Đứng trước tình hình đó, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, Công đoàn và Đoàn thanh niên Vinashin tập trung sức một mặt lo kinh phí để thanh toán lương cho người lao động, mặt khác tập trung tất cả các nguồn lực, nhất là về tài chính, để phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, Vinashin đã tổ chức ký giao ước thi đua 60 ngày đêm thực hiện của 15 đơn vị với nội dung hoàn thiện và bàn giao 35 tàu trong năm do các sản phẩm đang trong quá trình đóng dở dang nhưng thiếu kinh phí. Ngoài ra, tập đoàn đã đăng ký với Chính phủ quyết tâm khắc phục khó khăn, tiếp tục thi công và bàn giao 35 tàu cho chủ tàu trong 2 tháng còn lại. Đến ngày 25-12, các đơn vị trong tập đoàn sẽ bàn giao được 38 tàu, hoàn thành trước kế hoạch 6 ngày và dự kiến đến ngày 31-12, Tập đoàn sẽ bàn giao thêm 6 tàu nữa. Như vậy, cùng với 22 tàu đã bàn giao trong 8 tháng đầu năm, tính cả năm 2010 toàn Tập đoàn bàn giao được 64 tàu; trong đó có 28 tàu xuất khẩu và 36 tàu trong nước, với tổng trị giá khoảng 700 triệu USD.

Các dự án bàn giao về PVN và Vinalines đã khởi động

Hiện nay, Vinashin đã thực hiện xong bước một của đề án tái cấu trúc là chuyển giao nguyên trạng một số đơn vị vận tải và khu công nghiệp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)  và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Tổng tài sản bàn giao là 21.247 tỷ đồng, 24.112 tỷ đồng nợ phải trả và 919 tỷ đồng vốn chủ sở hữu với 5.137 người lao động.  

Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng chuẩn bị bàn giao tàu chở hàng trọng tải lớn

Tìm hiểu tại PVN và Vinalines, chúng tôi được biết, 30 doanh nghiệp và 5 dự án của Vinashin chuyển giao sang Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải đều phù hợp với ngành nghề chính và cũng là thế mạnh của hai doanh nghiệp này. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, dự án được bàn giao đã phục hồi sản xuất, hoạt động trở lại, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, có triển vọng phát triển. Chiếc tàu Hoa Sen gây sự chú ý đặc biệt của dư luận được chuyển giao cho Vinalines cũng đã có phương án khai thác.

Theo  ông Vũ Quang Nam, Phó tổng giám đốc PVN, các dự án từ Vinashin chuyển giao cho PVN khá phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ cho dầu khí của PVN. Chẳng hạn như Nhà máy đóng tàu Dung Quất của Vinashin là nhà máy đóng tàu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Được  nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN có thể thực hiện đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm nhu cầu về tàu vận chuyển dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Vinashin sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, bao gồm: công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp. Trong đó, công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đề án tái cơ cấu Vinashin được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013.

Ông Vũ Quang Nam khẳng định: PVN nhận các doanh nghiệp và dự án của Vinashin không chỉ đơn thuần là do Chính phủ giao, mà PVN đã chủ động làm việc với lãnh đạo cao nhất của Vinashin để bàn phương án hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh và đề nghị Vinashin nhượng lại một số dự án Vinashin đang đầu tư như dự án tại Nghi Sơn (Thanh Hóa), Soài Rạp (Tiền Giang), Nhơn Trạch (Đồng Nai)... nhưng vì lý do khác nhau mà Vinashin chưa đồng ý. Nay Chính phủ quyết định chuyển giao các dự án này sang cho PVN, đó là điều rất thuận lợi cho PVN.

Còn rất nhiều khó khăn, nhưng Vinashin quyết tâm trả được nợ

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin với chúng tôi. Ông cho biết: Mục tiêu chính của Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-11-2010 là sớm ổn định sản xuất kinh doanh, củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, từng bước trả được nợ, tích lũy và phát triển. Thực hiện mục tiêu này, trong bối cảnh hiện nay quả là rất khó khăn, nhất là việc trả món nợ khoảng 86 nghìn tỷ đồng. Không thể một lúc Vinashin có thể trả được hết nợ. Từ nay đến cuối năm, Vinashin không phải trả khoản nợ nào cả. Còn năm 2011 thì đang cố gắng tái cấu trúc để trả nợ. “Vinashin cũng không muốn giữ nợ lâu, càng nợ lâu càng thiệt thòi, chỉ muốn trả càng nhanh càng tốt, nhưng nó phụ thuộc thị trường, nhà đầu tư, việc giao bán tài sản” - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sự chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sự, có nhiều nguồn để Vinashin trả nợ. Trước hết, từ việc thu lãi từ đóng tàu bằng cách tăng năng suất lao động, tăng tiến độ đóng tàu, đúng hạn. Thứ hai là tăng sản xuất công nghiệp phụ trợ, tự sản xuất trong nước để thay hàng nhập khẩu. Vinashin đang đặt mục tiêu đến 2015, giá trị nội địa hóa chiếm khoảng 50% con tàu (hiện nay chỉ chiếm từ 5 đến 10%). Nguồn thu thứ ba để trả nợ là bán các dự án, nhà máy, công ty không nằm trong 3 lĩnh vực chính còn lại của Vinashin. Nguồn thu này, tập đoàn đang xúc tiến đàm phán. Một nguồn để trả nợ nữa chính là nguồn cổ phần hóa các doanh nghiệp trong tập đoàn.

Đồng chí Nguyễn Quang Khái, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Vinashin cho biết: Thực hiện Đề án tái cấu trúc bước 2, tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ tái cơ cấu với thành viên là lãnh đạo tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên. Trước mắt, tập đoàn thực hiện việc rà soát lại công ty mẹ, tổ chức lại các ban  tham mưu để hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện. Điều đầu tiên phải tạo được mối liên kết giữa các công ty con. Trước đó, giữa các đơn vị này chưa có sự hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất. Tập đoàn cũng không làm được việc điều phối giữa các đơn vị con. Bây giờ, "bàn tay" tập đoàn sẽ tổ chức sản xuất, quản trị lại. Chỗ thiếu thì được điều phối bù từ chỗ thừa sang, ví dụ như nguyên vật liệu, việc làm.../.
(Theo qdnd.vn)
Các bài viết khác

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Go to top