Sức sống mới ở Phà Rừng

Những con người chân chất, mộc mạc của Phà Rừng ngày ấy bây giờ vẫn thế, cho dù những khó khăn chồng chất sau cơn khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến ngành đóng tàu và đời sống của đại bộ phận công nhân lao động. Nếu có dịp đến thăm Tổng công ty CNTT Phà Rừng vào những ngày này chúng ta sẽ cảm nhận được một sức sống mới ở đây. Không khí thi đua lao động sản xuất đang diễn ra tấp nập trên công trường, tại các phòng ban phân xưởng. Toàn thể cán bộ CNVC - LĐ Tổng công ty đang dồn tâm trí, sức lực cao cho đợt thi đua hoàn thiện và bàn giao tàu PR02 và hạ thủy tàu PR05 được phát động từ ngày 13/3/2011 và kết thúc vào cuối tháng 7 năm 2011.

 
                               Tàu 34.000 tấn do Phà Rừng đóng mới
Có ở cương vị những người lãnh đạo trong Ban điều hành Tổng công ty thời gian này mới thấu hiểu hết nỗi khổ tâm của họ. Bởi vì chưa lo được cho người lao động những bữa ăn ngon, đầy đủ cũng như chưa trả lương kịp thời, thì họ cũng phải vất vả tìm mọi biện pháp, cách thức để lo liệu. Không còn cách nào khác, không chỉ ban lãnh đạo mà chính người lao động cũng phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, các bộ phận trong đơn vị phải liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm tốt công việc được giao một cách có trách nhiệm thì mới mong vực dậy được đơn vị. Và đó cũng chính là trăn trở của Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn, ông đang cùng với Ban lãnh đạo Tổng Công ty ra sức tìm mọi biện pháp để thổi vào Phà Rừng một sức sống mới, sức sống đó không phải là điều gì xa lạ, phi thường mà đó là sự tiến bộ trong công việc hàng ngày, tiến độ và chất lượng trên từng sản phẩm.

Sau hơn một tháng phát động thi đua, tôi gặp và đặt câu hỏi với anh Vũ Xuân Trường - Quản đốc phân xưởng Vỏ 2, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Tổng Công ty vừa đi kiểm tra tàu về. Anh hiện đang phụ trách Phân xưởng Vỏ 2 với gần 200 CNLĐ với tuổi đời còn khá trẻ, tầm trên dưới 30 tuổi.

“Được biết thời điểm trước thi đua, Tổng công ty thiếu việc làm phải cho người lao động nghỉ chờ việc nhưng ở một số đơn vị bộ phận lại thiếu người lao động như: Phân xưởng Bài Trí, ống... Là một cán bộ trẻ năng động, nhiệt tình anh đã có những giải pháp gì để giúp Tổng Công ty giải quyết tình trạng trên?”.

Anh Trường cho biết: “Việc đầu tiên là phải làm công tác tư tưởng với anh em, vì vào những lúc khó khăn thế này nếu anh em ra ngoài làm thì chưa chắc đã kiếm được thu nhập cao, công việc không ổn định, các chế độ ở ngoài không được tốt. Chúng tôi đã đưa ra 2 phương án, thứ nhất là anh em sang phân xưởng Bài trí nhận việc làm tạm thời, thứ hai đơn vị nhận công việc của phân xưởng Bài trí về cho anh em làm. Và cuối cùng anh em đã vui vẻ nhận công việc về và tự quản lý. Kết quả đã giải quyết được số lao động dôi dư trong lúc chờ việc và tăng thêm thu nhập cho người lao động, hiệu quả công việc vẫn đảm bảo mà lại giúp Tổng công ty giải quyết khó khăn về thiếu nguồn nhân lực trước mắt”.
 
              Lãnh đạo Tập đoàn thăm hỏi động viên công nhân tại nơi sản xuất

“Nhận công việc mới hoàn toàn không đúng với chuyên môn, thu nhập không cao, vậy anh em lao động có gặp nhiều khó khăn không?”.

“Công việc chà chải tàu là công việc của phân xưởng Bài trí, nhiều người cho rằng công việc đó đơn giản nhưng thực tế nó rất phức tạp và đòi hỏi người lao động phải có một kinh nghiệm thì mới làm tốt được. Rút kinh nghiệm từ những sản phẩm trước làm việc nhiều mà hiệu quả thấp thì bây giờ chúng tôi đưa ra một cách điều hành là tập trung làm ở một vị trí nhất định để rút kinh nghiệm rồi mới triển khai rộng ra. Có sự thử nghiệm trong thời gian đầu, sau đó mình ngồi cùng anh em đánh giá và điều chỉnh, sau khi điều chỉnh anh em làm việc tương đối tốt, có hiệu quả nhất định. Tuy kết quả đạt được so với chuyên môn tay nghề chính của họ thì chưa bằng nhưng cơ bản đã đáp ứng được công việc. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã hỗ trợ tương đối để anh em đảm bảo đời sống, mặt khác anh em cũng hoàn toàn chia sẻ với Tổng Công ty trong lúc khó khăn.

Để hiểu hơn về công việc vất vả cũng như sự nỗ lực của CB CNVC - LĐ của một số đơn vị, tôi tìm xuống phân xưởng Bài trí 1 trong thời gian gấp rút thi công sản phẩm trọng điểm tàu PR02 và PR05. Trong cái nắng bỏng rát của tháng 5 thì quả là áp lực, thử thách đối với người công nhân đóng tàu. Gặp anh Nguyễn Xuân Quang - Quản đốc phân xưởng Bài Trí 1 đang hướng dẫn công việc cho anh em. Anh Quang tâm sự: “Hiện nay, nhiệm vụ chủ yếu của phân xưởng là làm sạch sơn các bloock cho các sản phẩm đóng mới và làm sạch sơn các phần phụ kiện. Tại phân xưởng có 3 loại thợ chính: thợ phun bi, thợ sơn và thợ hàn mài. Đặc điểm chung của 3 nhóm thợ này là luôn phải làm trong môi trường tiếng ồn lớn, nồng độ bụi cao. Công việc chủ yếu diễn ra trong các két kín của các khối bloock chật hẹp, có nhiều góc cạnh dẫn đến tư thế làm việc gò bó, cường độ lao động nặng nhọc, tính chất công việc độc hại, yếu tố nguy hiểm cao. Với thợ phun bi còn phải chịu áp lực khí rất lớn của máy phun bi cầm tay trong thời gian dài để đẩy bi liên tiếp bắn vào bề mặt thép làm sạch các rỉ sắt...

Trong két tàu có khoảng không giao nhau giữa gân dọc, gân ngang, gân trên và gân dưới tạo thành các khoang rất hẹp, tối đa là 1m2, có chỗ chỉ chỉ được 75 phân vuông, người công nhân phải chui vào những khoang đó để phun bi, hay sơn, hàn mài. Yêu cầu độ làm sạch lại rất cao đến mức không còn chút vết bẩn nào bám trên đó, kể cả những góc sâu nhất, kể cả lỗ khoét nhỏ nhất cũng phải sạch. Công việc tương đối nguy hiểm và khó khăn, nhưng với tay nghề hiện nay của anh em công nhân thì cũng dần dần theo kịp tiến độ sản xuất.
 
                            Lắp ráp tổng đoạn tàu 34.000 tấn tại Phà Rừng

“Với thợ phun bi thì như thế, còn thợ sơn chắc đỡ vất vả hơn phải không anh? 

“Không đâu, bởi thợ phun sơn cũng phải chịu áp suất từ 280 đến 400kg/1km2 của máy phun sơn. Đặc biệt khi phun sơn yếu tố nguy hiểm nhất là độc hại do dung môi sơn thải ra, cộng với tư thế làm việc gò bó, thời tiết, nhiệt độ để đảm bảo cho các nước sơn nằm trong điều kiện nhiệt độ cao, nhất là mùa hè, những hôm nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 400C đi ngoài đường đã thấy bỏng rát cả chân nhưng người công nhân vẫn phải chui xuống các khoang tàu chật chội làm việc với những tấm tôn, sắt bị hấp thụ nhiệt độ tạo nên sức nóng, bụi khí... là những yếu tố tiếp xúc với người thợ hàng ngày. Có thể nói là cực kỳ vất vả. Thế nhưng yêu cầu sơn phải đảm bảo chiều dày của lớp sơn theo tiêu chuẩn. Mà để hoàn thiện 2 nước sơn trong két tàu phải trải qua 10 bước công nghệ và 4 lần giám sát sơn kiểm tra nên yêu cầu trình độ tay nghề công nhân rất cao mới đáp ứng được.

Khi phun sơn xong lần đầu xem lại vẫn có chỗ sót nên phải chờ cho sơn khô (khoảng 6 tiếng) rồi mới sơn lại được. Các két giàn tàu có các lỗ khoét thông thủy để cho nước chảy qua, đường kính lỗ chỉ vào khoảng 20 đến 25mm; máy phun sơn không thể phun vào được, người thợ sơn phải quét bằng tay và có hàng nghìn lỗ như vậy. Thế nên người công nhân phải rất tỷ mẩn kiểm tra từng lỗ một để quét sơn, yêu cầu 100% không để hở thép. Công việc này yêu cầu phải thật cần mẫn, tập trung để tránh bị bỏ sót. Bản thân những người phụ trách, quản lý như mình cũng cần thấu hiểu tính chất công việc để động viên, chia sẻ với anh em.

Quả thực công việc ở phân xưởng Bài trí tưởng chừng như đơn giản, chỉ mỗi cạo sạch thép, rồi quét sơn, ấy vậy mà quá là vất vả, với nhiều công đoạn, yêu cầu kỹ thuật lại rất cao và đòi hỏi tỷ mỷ đến từng cm. Những người thợ ở đây giống như những chú ong chăm chỉ miệt mài, ngày này qua ngày khác cần mẫn, nhẫn nại, trong môi trường đầy tiếng ồn, nóng bức, chật hẹp, đầy bụi bặm. Họ chính là những người mặc áo mới cho tàu. Sự cẩn thận của họ sẽ mang lại cho những con tàu không chỉ một vẻ đẹp thẩm mỹ mà trên hết là sự an toàn, chất lượng cho từng mảng thép, đường hàn, chi tiết trên mỗi con tàu. Và quan trọng hơn là phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, đăng kiểm, chủ tàu… Minh chứng rõ ràng nhất chính là sản phẩm tàu hàng 34.000DWT mang tên San Felice do người thợ  Phà Rừng đóng mới và bàn giao cho Công ty Vận tải Lavant-Italia là con tàu đầu tiên do Việt Nam đóng được bình chọn là một trong 12 con tàu tốt nhất năm 2010 do Tạp chí Ship and Shipping số ra ngày 26 tháng 1 năm 2011 bình chọn (top 12 Vessels).

Anh Quang cho biết thêm: “Trong thời gian Tổng công ty phát động thi đua CB CNVC-LĐ phân xưởng Bài trí 1 cũng như những đơn vị khác đã nỗ lực không ngừng, tích cực làm thêm ca, thêm giờ để bù đắp lại lực lượng công nhân thiếu, các thợ giỏi ra sức phát huy khả năng kiến thức của mình trong công việc kèm cặp các thợ có tay nghề thấp, còn yếu. Kết quả, năng suất lao động của phân xưởng Bài Trí 1 tăng lên từ mức phấn đấu 1 tuần làm được 7 bloock, thì trong tháng 3, 4 năm 2011 bình quân một tuần đã bàn giao được trên 10 bloock. Riêng trong tháng 5 hoàn thiện được 35 bloock. Trong đợt phát động thi đua này số lượng công nhân xin chấm dứt hợp đồng lao động giảm đáng kể, không có công nhân nghỉ tự do, chờ việc, đại đa số CB CNVC-LĐ đơn vị đến thời điểm này tỏ ra phấn khởi yên tâm công tác, đặt niềm tin tốt đẹp vào sự bền vững và phát triển đi lên của Tổng Công ty.
 
Quả thực sự cố gắng của từng người, từng phân xưởng, bộ phận đã cho kết quả khả quan, những tháng đầu năm 2011, năng suất lao động của các đơn vị trong Tổng Công ty đã tăng khoảng 15 - 20% so với năng suất lao động của năm 2010. Theo đó lãnh đạo Tổng công ty đưa ra mục tiêu phấn đấu trong quý II, quý III năm 2011, năng suất lao động của các đơn vị tăng khoảng 70 - 80% so với năm 2010 và ban hành phương án điều chỉnh lương giai đoạn 1 áp dụng từ tháng 3 năm 2011, kết quả lương bình quân của CB CNVC - LĐ thời điểm cuối năm 2010 là 2.200.000 đ/người/tháng, đến tháng 3 năm 2011 tăng lên là 3.300.000 đ/người/tháng.

Ban chỉ đạo chiến dịch thi đua, Công đoàn, Đoàn thanh niên Tổng Công ty đã tổ chức bám sát hiện trường để kịp thời động viên người lao động. Đến nay Ban chỉ đạo thi đua đã đề nghị lãnh đạo Tổng công ty khen thưởng nóng cho 39 tập thể và 30 cá nhân, Công đoàn Tổng công ty đã khen thưởng cho 19 tập thể và 39 cá nhân nhân đã có thành tích xuất sắc khi tham gia thi công tại 2 sản phẩm PR02 và PR05.

Ngày 11/4/2011, khi con nước thủy triều lên, tàu PR02 khởi hành chạy thử đường dài, tiếng còi tàu vang lên hòa cùng niềm vui sông nước và niềm hân hoan phấn khởi của CBCNV-LĐ Phà Rừng, người công nhân Phà Rừng đang mong đợi và chờ những điều tốt đẹp nhất đến với họ và họ cũng hiểu rằng tương lai nằm trong chính đôi bàn tay và khối óc của họ. Điều đó làm nên sức sống mới trong những con người không bao giờ đánh mất niềm tin vào mình vào ngành công nghiệp đóng tàu. Và sự thực hiện nay, phần lớn người lao động có tâm huyết, có tay nghề vẫn ở lại cùng Tổng Công ty vượt qua những tháng ngày gian khó./.

Thu Hiền

Tổng Công ty Phà Rừng

 

Các bài viết khác

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Go to top