Vinashin: Tái cơ cấu và kế hoạch trả nợ

Ngày 7/12, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin đã tổ chức họp triển khai kế hoạch sắp xếp 217 đơn vị thành viên. Trước đó, ngày 18/11, thủ tướng chính phủ cũng đã ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin.

 

 Một trong những mục tiêu hàng đầu của đề án cũng như kế hoạch nói trên là từng bước giảm gánh nặng nợ hàng chục nghìn tỷ hiện nay của Vinashin. Vậy kế hoạch “giải cứu Vinashin” sẽ được triển khai theo các bước thế nào?            

Chiếc tàu trị giá 30 triệu USD đang được Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Phà Rừng gấp rút hoàn thành để bàn giao vào cuối tháng 12. Đơn hàng này mới được chủ tàu nước ngoài tạm ứng 50% giá trị. Vì thế, hoàn thành và bàn giao tàu sẽ giúp Phà Rừng lấy được nốt phần tiền còn lại và có nguồn để trả nợ.

Năm nay, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm, Phà Rừng và các đơn vị thành viên hoàn thành, bàn giao tổng cộng 8 chiếc tàu cho khách. Còn theo kế hoạch, năm 2011, tổng công ty Phà Rừng sẽ đóng mới và bàn giao thêm 5 tàu cho các đối tác trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch-TGĐ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Phà Rừng, Tập đoàn Vinashin cho biết: “Sau khi bàn giao được tàu thì số nợ của chúng tôi giảm xuống ngay. Ví dụ, một chiếc tàu trị giá khoảng 30 triệu USD, thì bàn giao mỗi chiếc tàu sẽ giúp số nợ của Tổng công ty Phà Rừng giảm đi khoảng 600 tỉ đồng VN. Năm 2011, chúng tôi bàn giao 5 chiếc có tổng giá trị hơn 100 triệu USD, khoảng 2.000 tỉ thì số nợ của chúng tôi ở các ngân hàng và các chủ nợ sẽ giảm ngay khoảng 2.000 tỷ”.

Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng tháng 12 này cũng sẽ hoàn thành bàn giao nốt 4 chiếc tàu trong tổng số 20 tàu của kế hoạch năm 2010.

Tàu giao, tiền sẽ về. Sẽ có một phần được trích ra để trả nợ. Nguyên tắc này doanh nghiệp nào cũng biết nhưng chỉ khoảng nửa năm trước, họ vẫn không thể tiếp tục hoàn thiện các con tàu dở dang vì không vay được tiền để sản xuất.

Tái cơ cấu Vinashin từ tháng 6/2010, một loạt các doanh nghiệp thuộc tập đoàn này đã được “bơm” thêm tiền. Tổng công ty Bạch Đằng và Phà Rừng mỗi đơn vị được cấp thêm khoảng 200 tỷ vốn điều lệ. Nhưng tiền lần này được quản lý chặt hơn, ưu tiên cho sản xuất và được phân bổ trực tiếp xuống những con tàu đang được đóng mới, đặc biệt là ở những dự án đóng tàu đang dở dang.

Ông Chu Thế Hưng, Chủ tịch-TGĐ Tổng công ty CN tàu thủy Bạch Đằng, Tập đoàn Vinashin: “Sở dĩ có những thay đổi tích cực trong việc giao tàu là do trước đây chúng tôi thiếu vốn, nhưng đã được Tập đoàn quan tâm cấp vốn điều lệ để hoàn thiện những con tàu đang dở dang. Đây chính là yếu tố thúc đẩy sản xuất nhanh lên. Đặc biệt là việc đưa vốn điều lệ xuống từng con tàu theo từng danh mục được thực hiện đúng thời hạn. Vì tiến độ được đẩy lên, thời gian được rút ngắn”.

Tập trung vào ngành sản xuất mũi nhọn là đóng mới, sửa chữa tàu để có doanh thu, từng bước trả nợ. Đó là một hướng đi chính trong quá trình tái cơ cấu Vinashin.

Với một loạt các biện pháp tổ chức lại sản xuất và quản lý chặt chẽ vốn, tập trung tối đa cho sản xuất, năm 2010, tập đoàn Vinashin dự kiến sẽ vượt chỉ tiêu hoàn thành bàn giao 42 tàu với tổng trị giá khoảng 10 nghìn tỉ đồng. Một phần số tiền này sẽ được dùng để trả nợ. Năm 2011, Vinashin đặt mục tiêu hoàn thành bàn giao tối thiểu 57 tàu.

Trong quá trình tái cơ cấu tập trung cho sản xuất, vai trò điều phối của Tập đoàn được quan tâm nhiều hơn. Trước đây, số đơn vị thành viên của Vinashin lên tới gần 300, nhưng sự phối hợp gần như không có.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin: “Ví dụ chúng tôi thực hiện việc phân chia tàu 6.900 ô tô đóng cho khách Israel, tàu này nếu chúng tôi không đóng kịp thì sẽ bị phạt, trước hết là trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng vật tư đã nhận, chưa kể tiền lãi khoảng 15 triệu USD. Nhưng nếu cố và để một mình Nam Triệu đóng thì sẽ kéo dài 2 năm và lỗ 40 triệu USD, vì thế phải tổ chức lại và cần sự điều hành của Tập đoàn. Nam Triệu sẽ phải chia con tàu đó ra làm nhiều phần và giao bớt cho Hạ Long, Bạch Đằng và Phà Rừng, mỗi đơn vị đóng một phần rồi ghép lại với nhau. Như thế sẽ tận dụng được năng lực các đơn vị, thời gian sẽ rút ngắn và Nam Triệu sẽ hoàn thành được con tàu này đúng hạn, sẽ thu được lời”.

Ngay sau khi Thủ tướng ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin, ngày 7/12, Tập đoàn Vinashin đã tổ chức hội nghị công bố đề án và các bước tái cơ cấu. Theo quyết định của Vinashin được công bố tại cuộc họp này, có 216 doanh nghiệp thành viên thuộc tập đoàn được chia làm 5 nhóm để sắp xếp lại.

Nhóm 1: Vinashin sẽ chuyển nhượng, rút vốn.

Nhóm 2: Vinashin thực hiện bán doanh nghiệp, thu hồi vốn.

Nhóm 3: Vinashin đề nghị chuyển giao cho các đơn vị khác ngoài tập đoàn.

Nhóm 4: Xử lý sáp nhập vào các khác đơn vị thuộc Vinashin

Nhóm 5: Là các doanh nghiệp, đơn vị thuộc diện sẽ bị giải thể.

Theo lãnh đạo Vinashin, việc sắp xếp 217 doanh nghiệp này, cộng với một số động tác tái cấu trúc sau đó sẽ đưa mức nợ của Vinashin về tình trạng có thể kiểm soát được. Hiện tại, sau khi chuyển giao 12 doanh nghiệp, dự án từ Vinashin sang Tập đoàn dầu khí và Tổng công ty hàng, tổng số nợ của Vinashin là 76 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin: “Chúng tôi thực hiện đồng loạt các giải pháp để tái cấu trúc các đơn vị, có thể thu tiền về tối thiểu bằng giá trị đầu tư. Tất nhiên là sẽ có đơn vị thu được cao hơn, có đơn vị thu được thấp hơn tùy theo thị trường, nhưng tính trung bình có thể thu về bằng mức đã đầu tư. Với 216 doanh nghiệp đó số tiền đã đầu tư là 23 nghìn tỷ, như thế sắp xếp có thể thu về 23 nghìn tỷ, do vậy số nợ sẽ giảm xuống còn 53 nghìn tỷ, lúc đó chúng tôi sẽ cổ phần hóa một số đơn vị, bán bớt số vật tư thiết bị tồn kho thì số nợ sau một thời gian tái cấu trúc sẽ còn khoảng 40 nghìn tỷ. Số nợ này so với tổng vốn đăng ký kinh doanh của chúng tôi là 14.650 tỷ thì mới chỉ gấp 2,8 lần. Mà 2,8 lần thì nó nằm dưới mức giới hạn cho phép tối đa là 3 lần. Như vậy 2,8 lần mức có thể kiểm soát được về công nợ”.

Ông Đặng Như Lợi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, giảm gánh nặng nợ nần phải là ưu tiên số một trong quá trình tái cơ cấu hướng tái cơ cấu của Vinashin. Để giảm nợ, việc sắp xếp hơn 200 doanh nghiệp là việc làm cần thiết, mặc dù trong số đó, có nhiều doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Vinashin.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tái cơ cấu Vinashin được thực hiện trong thời gian từ năm 2011 đến 2013. Theo tuyên bố của lãnh đạo tập đoàn này, Vinashin có thể trả nợ và làm ăn có lãi nếu thực hiện đúng lộ trình và kế hoạch tái cơ cấu đã được thông qua.

Vinashin đang nợ lớn. Đó là thực tế. Nhưng các chủ nợ chưa yêu cầu Vinashin phá sản, phát mại để thu hồi vốn, thậm chí, vẫn có kế hoạch giãn nợ và tiếp tục bơm tiền cho tập đoàn này. Điều đó có nghĩa, sự tin tưởng vào khả năng phục hồi và trả nợ của Vinashin vẫn còn. Đây sẽ là động lực cho Vinashin tiếp tục hải trình của mình./.
(Theo vtv.vn)
Các bài viết khác

Liên hoan “Tiếng hát CNLĐ” Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy năm 2024

Hội nghị biểu dương nữ Cán bộ, CNLĐ xuất sắc tiêu biểu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2019 – 2023

ĐOÀN SBIC THAM GIA LỄ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” CÙNG ĐOÀN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024 & KỶ NIỆM 93 NĂM THÀNH LẬP ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH (26/3/1931-26/3/2024)

CÔNG TY MẸ TỔNG CÔNG TY TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2024

SBIC Ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần I năm 2024

ĐOÀN TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY THAM GIA KHỞI ĐỘNG THÁNG THANH NIÊN VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ NĂM 2024 CÙNG ĐOÀN KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

Cơ hội hồi sinh các doanh nghiệp đóng tàu từ việc phá sản SBIC

Nghiên cứu quy hoạch các bến cảng, công trình phục phụ đóng mới, sửa chữa tàu trong quy hoạch kỹ thuật, chuyên nghành

Công điện: Về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an ninh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Doanh thu SBIC vượt kế hoạch hai con số

NHÀ MÁY ĐÓNG TÀU HYUNDAI VIỆT NAM TỔ CHỨC LỄ ĐẶT TÊN 2 TÀU DẦU

Sớm phá sản để hồi sinh SBIC

Thứ trưởng Bộ GTVT làm việc với các công ty thuộc SBIC

Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

Go to top