Đang tải...
Chào mừng đến với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu Thủy
Hotline:
+84(24) 3.77.11.212Tiếng việt
Tiếng việt
Tiếng anh
Theo số liệu nghiên cứu, tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm. Nhấn mạnh điều này tại phiên thảo luận ở hội trường chiều nay, 29.5 về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị: Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần coi đây là ngành công nghiệp xương sống để tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác cùng phát triển.
Tại phiên thảo luận, cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; đồng tình với 11 nhóm giải pháp được Chính phủ đề ra để triển khai thực hiện trong thời gian tới, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đề xuất một số kiến nghị về giải pháp phát triển ngành công nghiệp đóng tàu.
Chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra những chủ trương lớn phát triển các ngành kinh tế biển. Trong đó, phát triển thành công, đột phá về các ngành theo thứ tự ưu tiên về kinh tế hàng hải với trọng tâm là khai thác hiệu quả cảng biển và dịch vụ vận tải, đẩy mạnh phát triển đội tàu biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế; về công nghiệp ven biển với ưu tiên phát triển hợp lý, các ngành sửa chữa và đóng tàu, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ…
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân, mặc dù kinh tế biển đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một quốc gia có hơn 3.000km bờ biển. Trong đó, một số ngành như vận tải biển, đóng mới và sửa chữa các đội tàu biển còn yếu và thiếu, rất nhiều nhà máy, công xưởng đóng tàu đã được nhà nước đầu tư rất lớn hiện đang dừng hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Thời gian qua, ngành đóng tàu nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu nguồn nhân lực do phần lớn đều coi đây là ngành nặng nhọc. Bên cạnh đó, do yêu cầu của thị trường và những quy định của công ước quốc tế, các thế hệ tàu mới phải bảo đảm tính an toàn cao, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã... Đặc biệt, trong gia công, sản xuất phải theo hướng xanh, bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, các nhà máy đóng tàu lớn đa số thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC). Tuy nhiên, các doanh nghiệp này trong nhiều năm qua không được đầu tư đổi mới công nghệ nên khá vất vả trong cạnh tranh với nước ngoài. Đặc biệt, còn đang chịu hậu quả nặng nề từ việc đầu tư dàn trải thời gian trước nên rất khó khăn về tài chính, không đáp ứng được các yêu cầu thông thường về tài chính quốc tế khi đóng tàu.
Có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân nhấn mạnh: Hiện nay, nhu cầu đóng mới tàu chung trên thế giới tăng cao do xu hướng đổi mới trong vận hành tàu theo hướng xanh, nhiều công ước quốc tế mới áp dụng cho tàu biển và nhiều ngành công nghiệp ngoài khơi cũng cần tàu biển dịch vụ cỡ nhỏ. Theo xu hướng này, các nhà máy đóng tàu tại Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều đơn hàng. Với đội ngũ nhân lực đóng tàu khá lành nghề và chi phí nhân công thấp nên chúng ta có những thế mạnh trong cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Theo số liệu nghiên cứu, tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm.
Vì vậy, để phát huy được lợi thế và hạn chế lãng phí nguồn lực của ngành đóng tàu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 36 của Trung ương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân đề nghị: Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá đúng vai trò và có cách nhìn thoả đáng về ngành đóng tàu. Cần coi đây là ngành công nghiệp xương sống để tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp khác như luyện kim, cơ khí, kinh tế biển… cùng phát triển.
Trên cơ sở đó, sớm có các chính sách hỗ trợ về tài chính như: ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp đóng tàu, hỗ trợ bảo lãnh không chỉ với đóng tàu mà còn các ngành phụ trợ khác, giảm thuế đất cho các doanh nghiệp đóng tàu. Đầu tư, hỗ trợ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đóng tàu, khuyến khích/hỗ trợ di chuyển nhân lực, khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghiệp đóng tàu cũng như công nghệ phụ trợ…
Tiếp tục đầu tư kết hợp với phát triển và hiện đại hóa đội tàu biển Việt Nam, gắn việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, cùng với tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trên biển với chính sách để hỗ trợ các chủ tàu lớn phát triển đội tàu hiện đại, hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp đóng tàu.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số tại các cảng biển; quy hoạch phát triển và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cảng biển trọng điểm, cảng biển thông minh, hiện đại tại các miền Bắc, Trung, Nam để tăng năng lực cạnh tranh với các cảng biển quốc tế.
HẢI AN lược ghi
Nguồn: daibieunhandan.vn