Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đi vào cuộc sống

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 1479/CT-TTg ngày 16/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 06/8/2010 của Bộ Chính trị; Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010 về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu…, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức và đạt kết quả bước đầu.

Kết quả bước đầu

Về tình hình thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành bàn giao sang Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 7 công ty con, 23 công ty cháu và 5 dự án, với 5.137 người lao động, tổng tài sản bàn giao là 21.247 tỷ đồng, 24.112 tỷ đồng nợ phải trả và 919 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Những doanh nghiệp, dự án, tài sản của Vinashin chuyển giao sang Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải đều phù hợp với ngành nghề chính và cũng là thế mạnh của hai doanh nghiệp này. Đến tháng 10/2010, hầu hết các doanh nghiệp, dự án, tài sản được bàn giao đã phục hồi sản xuất, hoạt động trở lại, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, có triển vọng phát triển; tàu Hoa Sen gây sự chú ý đặc biệt của dư luận thời gian khá dài được chuyển giao cho Vinalines cũng đã có phương án khai thác…
 
 
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thăm hỏi, động viên
cán bộ, công nhân viên Tập đoàn
 
Về tình hình thực hiện Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu; hoàn chỉnh phương án tái cơ cấu tài chính 5 năm 2011-2015 báo cáo Tổ công tác Ban Chỉ đạo tái cơ cấu của Chính phủ để Tổ thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2013 cơ bản hoàn thành tái cơ cấu với một kế hoạch tổng thể. Theo đó, năm 2011, hoàn thành việc tái cơ cấu 117 đơn vị, trong đó rút vốn 32 đơn vị; bán, thu hồi vốn 19 đơn vị; chuyển giao 17 đơn vị; sáp nhập 16 đơn vị và giải thể 33 đơn vị. Năm 2012, hoàn thành rút vốn 68 đơn vị; năm 2013 rút vốn tại 31 đơn vị.
 
Đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành về cơ bản việc tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân sự, đang tiến hành đổi mới phương thức quản lý tại công ty mẹ, xây dựng lại phương án tái cấu trúc các đơn vị cần giữ lại, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, điều hành của 3 tổng công ty lớn trực thuộc. Mô hình của Tập đoàn Vinashin sau tái cơ cấu sẽ bao gồm Công ty mẹ là công ty TTHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, 19 công ty con, 1 công ty liên kết và 22 công ty cháu với tổng tài sản là 68.243 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 53.054 tỷ đồng; có khả năng đóng mới tàu đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm, sửa chữa đạt 20-25% sản lượng đóng mới, công nghiệp phụ trợ đạt 20% sản lượng đóng mới. Vinashin đã xây dựng chiến lược phát triển, điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn, đồng thời xác định chiến lược phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
 
Về tình hình thực hiện tái cơ cấu tài chính, nội dung cốt lõi nhất nhằm đảm bảo cân đối được dòng tiền đầu tư, sản xuất kinh doanh, trả nợ vay, duy trì, phục hồi từng bước tiến tới ổn định sản xuất của Vinashin. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Chính phủ, Tập đoàn đã xây dựng phương án tái cơ cấu trình Chính phủ phê duyệt chính thức; đồng thời đã, đang triển khai tái cơ cấu vào các khoản nợ vay. Tính đến 28/2/2011, tổng số nợ đã được cơ cấu là 4.154 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ các tổ chức tín dụng trong nước; số nợ đã được khoanh là 2.517 tỷ đồng, chiếm 13% dư nợ, và số nợ này sẽ đồng loạt đến hạn trả vay gốc và lãi vào tháng 10/2011 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về đối tượng, thời gian khoanh nợ.
 
Về tình hình sản xuất kinh doanh, năm 2010, Tập đoàn bàn giao 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 577 triệu USD, trong đó có 28 tàu xuất khẩu với tổng giá trị hợp đồng là 278 triệu USD, 36 tàu trong nước với tổng giá trị hợp đồng là 299 triệu USD. Riêng thực hiện Lễ ký giao ước thi đua ngày 26 tháng 10 năm 2010, giữa Lãnh đạo Tập đoàn với 14 đơn vị đã hoàn thành, bàn giao 35 sản phẩm đóng mới trong năm 2010 vượt tiến độ 6 ngày. Năm 2011, Tập đoàn Vinashin phấn đấu đạt sản lượng trị giá 22.763 tỷ đồng, bằng 198% so với thực hiện năm 2010, doanh thu đạt 21.143 tỷ đồng, bằng 205% so với năm 2010.
 
Hiện tại, Tập đoàn đang cùng Vinalines thống nhất tiến độ, giải quyết các tồn tại và xây dựng cơ chế trình cấp có thẩm quyền để thực hiện 05 tàu gồm 03 tàu 22.500DWT đóng tại Công ty CNTT Bạch Đằng và 02 tàu 1.800 DWT đóng tại Công ty CNTT Hạ Long. Về Chương trình 40 tàu biển của Vinalines, trước mắt, Tập đoàn phối hợp với Vinalines phối hợp xây dựng, đề nghị cơ chế bảo lãnh tín dụng gói vật tư thiết bị…cho 02 tầu 47.500 DWT. Chương trình 20 tầu giữa Vinashin và Vinalines, Tập đoàn đang cùng Vinalines đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với khối lượng đóng dở dang trước đây, từ đó đẩy nhanh tiến độ bàn giao; Đẩy nhanh tiến độ và thực hiện bàn giao tàu trong những hợp đồng đóng mới với các chủ tàu nước ngoài.

Thời gian qua, Công ty Đóng tàu Hạ Long đã bàn giao tàu chở ôtô mang tên Violet Ace cho chủ tàu Ray Shiping (Israel), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu bàn giao tàu chở hàng 56200 tấn mang tên SELECTA cho chủ tàu Libêria, Công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng bàn giao tàu chở khí hóa lỏng số 1 King Arthur cho đối tác I-ta-li-a - là một trong hợp đồng đóng 4 tàu chở khí hóa lỏng Ethylene 4.500m3 đóng mới, trọng tải tương ứng 4.900 tấn. Vừa qua, Nhà máy Cáp điện Tàu thủy Vinashin (thuộc Công ty Xây lắp & Công nghiệp Tàu thủy miền Trung) tại TP. Đà Nẵng đã xuất bán những lô hàng dây cáp điện tàu thủy đầu tiên - đánh một dấu mốc quan trọng cho bước phát triển vượt bậc của nhà máy và ngành Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam…
 
 
Nguyên nhân của những kết quả đạt được
 
Đạt được kết quả bước đầu nêu trên, trước tiên là do có sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ với việc ban hành nhiều văn bản nhằm “sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển”; với mục tiêu“ hoàn thành tái cơ cấu Tập đoàn vào năm 2013”…

Việc Chính phủ quyết định cấp 2.500 tỷ đồng vốn điều lệ hỗ trợ các cơ sở đóng tàu thuộc Vinashin để đẩy nhanh tiến độ đóng mới, bàn giao các tàu hàng trong năm 2010 và triển khai chế tạo các sản phẩm trọng điểm 2010-2011, góp phần ổn định và đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động cơ khí đóng tàu hiện nay và trong thời gian tới. Số vốn điều lệ của Chính phủ cấp cho Vinashin đã được phân bổ công bằng, công khai cho tất cả đơn vị trực thuộc trên nguyên tắc ưu tiên các doanh nghiệp có sản phẩm đóng mới, bàn giao trong năm 2010; các hạng mục đầu tư cấp thiết, lương và bảo hiểm xã hội; một số sản phẩm trọng điểm đang thi công tại các đơn vị; số vốn này đã được giải ngân trong vòng 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2010).

Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn giải quyết các vướng mắc thuế trong lĩnh vực đóng tàu của Vinashin: Các nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị do các doanh nghiệp thuộc Vinashin nhập khẩu phục vụ các hợp đồng đóng tàu bị hủy được gia hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, đồng thời không cưỡng chế thuế đến hết ngày 31-12-2011; đối với nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị do các doanh nghiệp thuộc Vinashin đã, đang và tiếp tục nhập khẩu để đóng tàu, xây dựng nhà máy, công trình công nghiệp nhưng chưa đóng xong tàu, chưa hoàn thành nhà máy, công trình do suy giảm kinh tế được lùi thời hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2011; đối với tàu đóng để xuất khẩu bị hủy hợp đồng nhưng tìm được khách hàng trong nước thì phải kê khai với hải quan về các khoản thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng của nguyên vật liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ đóng tàu để xác định thời hạn nộp số thuế này theo quy định.
 
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc cho doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Vinashin; doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được chuyển giao từ Vinashin đang nợ tiền lương, nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động có nhu cầu, sẽ được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để trả nợ. Mức vay tối đa bằng số kinh phí chi trả nợ tiền lương, nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (kể cả số tiền lãi phát sinh phải thanh toán do nợ tiền lương, nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định) tính đến ngày 31/10/2010 và thời kỳ tiếp theo đến hết ngày 31/12/2011. Lãi suất cho vay bằng 0%. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc hợp đồng không xác định thời hạn mà đã có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chuyển giao từ Vinashin, bị mất việc làm trong năm 2010 và năm 2011 mà chưa có việc làm, nếu có nhu cầu sẽ được vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm; vay để học nghề theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ sẽ soạn thảo, sớm ban hành một Nghị định về cơ chế đặc biệt cho Vinashin để thực hiện tái cơ cấu…
 
Đối với Tập đoàn Vinashin, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể quần chúng, toàn Tập đoàn đã tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, tài chính, hoạt động SXKD...với tinh thần tự tin thể hiện quyết tâm, biến thách thức thành thời cơ, biến khó khăn thành thuận lợi, biến điều "Không thể" thành "Có thể", "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường". Toàn Tập đoàn luôn chủ động tìm phương án giải quyết tối ưu nhất để đem lại hiệu quả mới, sức sống, vóc dáng mới; đã dốc toàn lực giải quyết chế độ chính sách như lương, thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động để “giữ chân” công nhân và các khoản chi cấp bách cho một số sản phẩm với số tiền gần 400 tỷ đồng.
 

Hiện toàn Tập đoàn đang tiếp tục triển khai đóng mới 110 tàu tại 22 nhà máy với tổng giá trị hợp đồng 1,47 tỷ USD, trong đó đã hoàn thành và bàn giao năm tàu cho các chủ tàu trị giá hơn 70,1 triệu USD, gồm một tàu hàng 22.500 DWT, đóng tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Bạch Đằng cho Công ty Vận tải biển Việt Nam; một tàu hàng 56.200 DWT, đóng tại Tổng công ty CNTT Nam Triệu cho Công ty vận tải biển Hoa Ngọc Lan; hai tàu kéo 5.000 CV, đóng tại Công ty Đóng tàu Sông Cấm cho chủ tàu Damen; một tàu chở hàng 11.000 DWT đóng tại Công ty CNTT Sài Gòn cho chủ tàu Nhật Bản. Đồng thời, các đơn vị trong toàn tập đoàn tiếp tục triển khai các dự án đóng mới tàu cho các đối tác, trong đó có nhiều sản phẩm lớn và sản phẩm xuất khẩu như bảy tàu chở hàng 53.000DWT xuất khẩu tại Công ty Đóng tàu Hạ Long và Tổng công ty CNTT Nam Triệu; hai tàu hàng 34.000 DWT xuất khẩu và bốn tàu chở dầu 13.000 DWT xuất khẩu tại Tổng công ty CNTT Phà Rừng; một tàu chở ô-tô 4.900 xe xuất khẩu, tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, ba tàu chở khí Ethylene 4.500 m3 xuất khẩu và hai tàu chở hàng 17.500 DWT xuất khẩu tại Tổng công ty CNTT Bạch Đằng…

Những vấn đề đặt ra

Tuy vậy, Tập đoàn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong việc thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, những doanh nghiệp, dự án, tài sản Tập đoàn Vinashin bàn giao sang PVN đã được hai bên cơ bản hoàn thành; PVN đã thanh toán phần lớn giá trị và thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc bàn giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Những doanh nghiệp, dự án, tài sản bàn giao cho Vinalines, Vinashin đã chủ động làm các thủ tục liên quan và ký biên bản bàn giao tổng thể biên bản bàn giao để Vinalines xem xét quyết định…nhưng đến nay Vinalines chưa ký biên bản bàn giao và chưa thanh toán cho Vinashin, trong khi Vinalines đã thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản như điều hành hoạt động doanh nghiệp, điều hành dự án, định đoạt tài sản nhận từ Vinashin…

Tính đến ngày 30/6/2010, Vinalines nhận bàn giao từ Vinashin khoảng hơn 9,9 tỷ đồng bao gồm cả ngoại tệ quy đổi, không kể các khoản nợ vay của các tổ chức tín dụng gắn với các dự án, doanh nghiệp, tài sản bàn giao được chuyển nợ trực tiếp, mà các khoản nợ này bao gồm nợ gốc đến hạn, nợ lãi liên tục phát sinh tăng theo thời gian, gây sức ép rất lớn và yêu cầu phải có lịch trả nợ rất chi tiết. Điều đó ảnh hưởng rất bất lợi cho quá trình tái cơ cấu.

Trong việc thực hiện Quyết định số 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu, Tập đoàn Vinashin đã quyết liệt tập trung triển khai tái cơ cấu, nhưng đến nay Hội đồng thành viên mới đồng ý trên nguyên tắc rút vốn, giải thể 22 đơn vị, việc thực hiện phải theo đúng thủ tục quy trình, chi phí rất nhiều thời gian; việc giải thể doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về giải quyết lao động và công nợ; việc bán doanh nghiệp chưa thực hiện được, vì trình tự và phương thức thực hiện theo quy định hiện hành không phù hợp với tình hình thực tế của Vinashin.

Trong việc thực hiện tái cơ cấu tài chính, Tập đoàn thực thi nhiều biện pháp như: Tăng năng suất lao động, tăng tiến độ đóng tàu, đúng hạn; tăng cường sản xuất công nghiệp phụ trợ, tự sản xuất trong nước để thay hàng nhập khẩu (Vinashin đang đặt mục tiêu đến 2015, giá trị nội địa hóa chiếm khoảng 50% con tàu, hiện nay chỉ chiếm từ 5 đến 10%); bán các dự án, nhà máy, công ty không nằm trong 3 lĩnh vực chính còn lại của Vinashin và nguồn cổ phần hóa các doanh nghiệp trong tập đoàn. Tập đoàn cũng đã chủ động đàm phán với các chủ nợ để giãn nợ; đàm phán với các chủ tàu để được tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà chủ tàu đã hủy…Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức tín dụng trong nước đang gây sức ép lớn đối với tập đoàn và các đơn vị thành viên bằng việc ép trả nợ, phát mại tài sản và kể cả kiện các đơn vị của Vinashin ra tòa, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài của Vinashin…

Trong sản xuất kinh doanh, Tập đoàn tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất giữa các đơn vị thành viên, tiến hành điều phối giữa các đơn vị; "bàn tay" của Tập đoàn thực thi tổ chức, quản trị lại quá trình sản xuất như chỗ thiếu nguyên nhiên vật liệu, thiết bị …thì được điều phối bù từ chỗ thừa hoặc chưa sử dụng sang; điều chuyển cả cán bộ chủ chốt có năng lực từ đơn vị này đến đơn vị khác thuộc Tập đoàn…

Tuy vậy, hiện các loại vật tư thiết bị đã nhập về do các chủ tàu hủy hợp đồng ở các đơn vị thành viên khá lớn, nếu đàm phán lại để tiếp tục thực hiện hợp đồng thì giai đoạn này giá tàu thế giới rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh; nếu không thực hiện thì vật tư thiết bị đó han gỉ, gây lãng phí lớn. Tình hình thị trường tàu chưa có sự phát triển trở lại, các hợp đồng đóng mới tàu đều ký kết từ trước, không có hợp đồng mới; các dự án đầu tư cho công tác sửa chữa tàu là rất hiệu quả và cần thiết nhưng việc thu xếp vốn rất khó khăn…

Một số đề xuất, kiến nghị

Để ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, để Vinashin hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu, trở thành tập đoàn chủ lực của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm giải quyết những khó khăn vướng mắc đó.

Đề nghị Vinalines sớm thống nhất biên bản bàn giao và thanh toán giá trị của những doanh nghiệp, dự án, tài sản nhận từ Vinashin có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với Chương trình đóng 20 tàu biển cho Vinalines theo Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 18/11/2010 của Văn phòng Chính phủ, đề nghị giải quyết theo hướng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho Vinalines vay 85% vốn, đồng thời có cơ chế để Vinalines có đủ 15% vốn đối ứng nhằm Vinashin có cơ chế vay vốn lưu động bắc cầu hoàn thành tàu đúng tiến độ.

Đề nghị Nhà nước có cơ chế cho Vinashin và các đơn vị thành viên vay vốn trong điều kiện sản xuất kinh doanh chưa thể có lãi; riêng vốn tín dụng đầu tư, cần cho các đơn vị thành viên vay đủ để hoàn thiện các dự án đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, chưa bắt buộc phải có vốn đối ứng. Đối với các tổ chức tín dụng trong nước, tiếp tục bảo lãnh, tái bảo lãnh tiền ứng trước của chủ tàu, bảo lãnh các khoản vay đóng mới tàu chưa tính đến các khoản nợ cũ. Tiếp tục giãn nợ và khoanh nợ cho Vinashin đến hết năm 2013; xác định lại, cấp đủ mức vốn điều lệ cho phù hợp với nhiệm vụ được giao và quy mô thực tế của Vinashin. Đề nghị tiếp tục giải quyết cho Vinashin vay kinh phí chi trả tiền lương, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp mất việc làm đến hết ngày 31/12/2012 với lãi suất cho vay bằng 0%.

Cấp có thẩm quyền nên quyết định việc đàm phán lại để tiếp tục thực hiện hợp đồng với chủ tàu đã hủy theo hướng: chỉ ký thực hiện hợp đồng khi tổn thất nhỏ hơn so với không ký hợp đồng. Và, rất cần thiết, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cơ chế đặc biệt cho Vinashin để thực hiện tái cơ cấu, trong đó có các quy định về việc rút vốn, bán, giải thể doanh nghiệp phù hợp tình hình thực tế của Vinashin hiện nay; cơ chế đặc biệt ưu đãi vay vốn cố định và vay vốn lưu động; quy định đầu tư kiến thiết cơ bản đóng và sửa chữa tàu biển như đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đất nước về lãi suất vay, thời hạn vay đầu tư, mức trích khấu hao sau khi đưa vào sử dụng…; cơ chế ưu đãi khi đầu tư vào công nghiệp phụ trợ đóng, sửa chữa tàu biển; có cơ chế gắn kinh tế với quốc phòng trong công nghiệp tàu thủy như đặt hàng đóng mới, sữa chữa những sản phẩm, tài sản phục vụ trực tiếp quốc phòng - an ninh…

Phạm Văn Nhạ (Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương)

 

(ĐCSVN)

Go to top