Bắt đầu từ Chương Dương

Trong mọi hiện tượng, sự bắt đầu luôn là thời điểm đáng chú ý nhất. Thomas Caryle (1795-1881) Triết gia người Scotland đã từng nói như vậy. Ngẫm lời của ông khi chúng tôi muốn viết về Phà Rừng, thì cái thời điểm ngày 18 tháng 2 năm 1984, khi chiếc tàu mang tên Chương Dương, “bệnh nhân” đầu tiên vào Phà Rừng để sửa chữa, là một hiện tượng.

Lễ khánh thành Giai đoạn 1 Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng ngày 25/3/1984 (ảnh tư liệu)
Tàu Chương Dương có trọng tải 11.858 DWT, được đóng mới ở Nhật Bản vào năm 1974. Thời kỳ ấy, đây là chiếc tàu lớn của  vận tải biển Việt Nam. Sau 10 năm khai thác, năm 1984 Chương Dương dự kiến được mang đi nước ngoài sửa chữa. Nhưng ở thời điểm ấy Nhà máy Phà Rừng vừa khánh thành giai đoạn 1, trong đó có âu tàu dài 156m, rộng 25m, sâu 4,25m có thể tiếp nhận tàu 15.000DWT vào sửa chữa. Và thế là Chương Dương được đưa vào Phà Rừng ngày 18 tháng 2 năm 1984 và là chiếc tàu đầu tiên mà Phà Rừng tiếp nhận để sửa chữa.

Tất cả các thiết bị từ Bắc Âu lắp đặt ở Phà Rừng được vận hành thí điểm để phục vụ Chương Dương. Các chuyên gia Phần Lan cùng với Việt Nam sát cánh cùng nhau để Chương Dương được rút ngắn tiến độ sửa chữa và đạt chuẩn Châu Âu. Chẳng hạn như phun cát để làm sạch vỏ tàu đạt tiêu chuẩn SA2.5, cân bằng hệ trục chân vịt bằng công nghệ phân bố tải trọng trên các gối đỡ, nắn trục cơ trong môi trường khí nitơ lỏng… Sự bắt đầu ở Phà Rừng là như vậy và Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng trở thành hiện tượng. Thời kỳ ấy các chủ tàu trong nước và quốc tế từng đánh giá Phà Rừng là cơ sở chữa tàu lớn, hiện đại nhất của Đông Nam Á.

Tiếng lành đồn xa, sau Chương Dương là hàng trăm chiếc tàu nhiều quốc gia đã liên hệ để được vào sửa chữa ở Phà Rừng. Bởi ở đó tàu được sửa chữa theo tiêu chuẩn Bắc Âu, tiêu chuẩn tiên tiến không dễ có, lại ở ngay vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Thái Bình Dương. Bởi vậy đưa tàu vào Phà Rừng sửa chữa sẽ giúp các hãng vận tải giảm được chi phí đi lại. Và trong hai mươi năm kể từ Chương Dương đã có hơn 500 chiếc tàu trọng tải trên 10.000DWT vào Phà Rừng sửa chữa với tỷ lệ 25% là tàu của Châu Âu.
                                              Phà Rừng ngày nay 

Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Phần Lan, Phà Rừng sửa tàu theo các quy phạm của Đức, Nauy, Nhật Bản… Năm 2000 đăng kiểm Đức đã cấp chứng chỉ công nhận Phà Rừng có công nghệ hàn kết cấu thân tàu, hệ thống các đường ống… theo tiêu chuẩn Đức. Tiếp theo nhiều đăng kiểm nước ngoài cũng đã cấp chứng chỉ cho công nghệ sửa chữa tàu của Phà Rừng. Đó là những thành quả, chứng chỉ để Phà Rừng hội nhập với thị trường đóng tàu quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy. Phà Rừng trở thành hiện tượng mà sự bắt đầu là Chương Dương. Điều đó mang lại hiệu quả kinh tế và chính trị.

Khi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt có chuyến đi thăm vương quốc Phần Lan vào tháng 5 năm 1995. Các bạn Phần Lan đã cho biết: Hơn 10 năm về trước, Phà Rừng đã được vận hành, thương hiệu Phà Rừng đã đưa một địa chỉ sửa chữa tàu biển ở Việt Nam vào bản đồ công nghiệp tàu thủy thế giới, phía Phần Lan muốn tiếp tục hợp tác phát triển ngành công nghiệp tàu thủy với Việt Nam, trước mắt là mở rộng Phà Rừng.

Giáo sư, tiến sỹ Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải từng nói rằng, sau chuyến đi Phần Lan thì vào ngày 31 tháng 1 năm 1996 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 69/TTg để thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo mô hình Tổng công ty 91 gồm 24 đơn vị thành viên trong đó có Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, với định hướng trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của kinh tế biển nước ta. Một lần nữa Phà Rừng lại trở thành hiện tượng của công nghiệp tàu thủy.

Ba mươi năm đã đi qua, Phà Rừng vẫn giữ vững truyền thống sửa chữa tàu biển. Bên cạnh ụ khô đặt ở núi Đồng Cân, Phà Rừng đã có thêm những ụ nổi để mở rộng mặt hàng sửa chữa. Chính công tác sửa chữa đã làm Phà Rừng phát triển, bất chấp sự khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu xảy ra làm cho đơn hàng đóng tàu giảm sút. Chính vì vậy chúng tôi nghĩ, việc chiếc tàu đầu tiên vào Phà Rừng sửa chữa có tên Chương Dương đã trở thành hiện tượng của sự bắt đầu.

Sau một vòng quay của chu kỳ phát triển, kinh tế thế giới lại bước vào khủng hoảng, trong đó có ngành đóng tàu, nhưng sửa chữa tàu ít bị ảnh hưởng hơn so với đóng mới. Phà Rừng không đứng ngoài vòng xoáy ấy. Bước chuyển mình của Phà Rừng là tăng năng lực cạnh tranh trong sửa chữa để bù đắp cho sản phẩm tàu đóng mới sụt giảm.

Ngày 11 tháng 4 năm 2014,  Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì buổi làm việc với Phà Rừng. Bộ trưởng đánh giá cao đơn vị đã khắc phục nhiều khó khăn, lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, không chạy theo doanh thu mà hướng tới sự phát triển bền vững, thực hiện cổ phần hóa.

Ba mươi năm sau, kể từ Chương Dương, Phà Rừng là một đơn vị sửa chữa tàu có tải trọng tới 15.000DWT, đóng mới các loại tàu chở dầu, hóa chất, khí ga hóa lỏng, tàu công trình trên biển và tàu nghiên cứu biển…
                                      Tàu sửa chữa trên Ụ nổi Phà Rừng

Đến Phà Rừng, chúng ta sẽ bắt gặp các con tàu biển treo cờ nhiều quốc gia: Nga, Ucraina, Đức, Hàn Quốc, Cuba, Hy Lạp... vào sửa chữa, cùng với đó là hình ảnh những lá cờ trên các con tàu còn thơm mùi sơn với trọng tải 13.000, 34.000DWT của Anh, Ý... được khai sinh ở Phà Rừng ra đi về các quốc gia ở tận vùng biển xa xôi khác.

Trung thành với chất lượng, tiến độ, tàu đóng mới cũng như sửa chữa nên Phà Rừng luôn đồng hành với độ tín nhiệm. Đó cũng là danh dự nghề nghiệp của người thợ Phà Rừng ngay từ những năm tháng mà khởi đầu là Chương Dương.

Ba mươi năm qua đi, món quà mà nhân dân Phần Lan tặng Việt Nam vẫn thắm tình hữu nghị. Lớp lớp những người thợ Phà Rừng luôn nối tiếp xây dựng và phát triển đơn vị của mình kể từ Chương Dương cho đến bây giờ cũng như mai sau. Phà Rừng trong tôi là như thế.

 

Đức Ngọc

Go to top