Bước phát triển mới trong hợp tác lao động với nước ngoài

Bước sang năm 2014, mặc dù nền kinh tế thế giới suy thoái vẫn còn những tác động, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp Việt Nam trong đó có SBIC nhưng nhìn chung thị trường xuất khẩu lao động đã có những dấu hiệu lạc quan, thể hiện qua khả năng hấp thu lao động nước ngoài của các thị trường cao, trong đó có Việt Nam.
 
                              Tu nghiệp sinh ngành đóng tàu Việt Nam tại Nhật Bản
 
Trước tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như: Các thị trường truyền thống tiếp nhận với số lượng lớn lao động Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan đang bị thu hẹp lại do tỷ lệ lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp của Việt Nam tăng cao. Đối với thị trường Hàn Quốc, Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB & XH là tổ chức duy nhất được Bộ LĐTB & XH giao nhiệm vụ tuyển chọn và phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc. Đối với thị trường Đài Loan, việc triển khai xuất khẩu lao động sang Đài Loan của các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động sang Đài Loan hiện đang bị giảm đầu mối do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước và Công ty môi giới Đài Loan gian lận trong xuất khẩu lao động. Đối với thị trường Châu Âu, việc tiếp nhận lao động ngoài khối EU rất hạn chế. Thủ tục đưa đi, nhập cảnh vào các thị trường này gặp nhiều rắc rối và phức tạp. Tiêu chuẩn tuyển chọn lao động rất khắt khe và yêu cầu trình độ ngoại ngữ cao.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay của SBIC vừa thực hiện tái cơ cấu lao động theo chủ trương của Chính Phủ và Bộ giao thông vận tải, việc giữ vững thị trường truyền thống Nhật Bản trong lĩnh vực hợp tác lao động là tầm nhìn chiến lược lâu dài vì các lý do khách quan và chủ quan sau:

Nhật Bản là một trong những nước có tuổi thọ cao nhất thế giới. Việc có hơn 23% dân số Nhật là người già trên 65 tuổi đang đẩy nước này vào tình trạng thiếu lao động trẻ trầm trọng. Để bù đắp thiếu hụt nguồn nhân lực do dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng chương trình thực tập kỹ thuật với thời gian tối đa là 3 năm. Mục đích của chương trình này là đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, công nghiệp ở các nước thông qua chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng và kiến thức về lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản cho người nước ngoài. Ngay từ ngày đầu thành lập tháng 1/1999, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) đã đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nhanh nguồn lao động kỹ thuật đóng tàu có chất lượng cao. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo mới, đào tạo lại tại các cơ sở trong nước, đầu tư kinh doanh, nâng cấp các trường dạy nghề, Tổng công ty đã chủ trương triển khai ngay việc đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại các nước có ngành đóng tàu phát triển, đặc biệt là Nhật Bản. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo và hợp tác lao động, ngày 19/01/1999 Tổng công ty đã thành lập bộ phận chuyên trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Tổng công ty với tên gọi Trung tâm Hợp tác đào tạo lao động với nước ngoài và Trung tâm đã tồn tại và hoạt động cho đến nay.

Sau 15 năm hoạt động, Trung tâm đã thực hiện việc đưa lao động các đơn vị thành viên đi đào tạo tại 4 nhà máy đóng tàu thuộc Hãng đóng tàu JMU (Nhật Bản) là Tsu, Ariake, Kure, Maizuru. Tính đến nay, Trung tâm đã đưa được 1.427 lao động đi làm việc tại Nhật Bản: Nhà máy Tsu: 887 lao động; Nhà máy Ariake: 241 lao động; Nhà máy Kure: 283 lao động; Nhà máy Maizuru: 16 lao động; Số lao động hoàn thành chương trình tu nghiệp về nước: 1.019 lao động; Số lao động bỏ trốn: 105 lao động; Số về nước trước hạn: 75 lao động; Số hiện đang tu nghiệp: 228 lao động.

    Lao động của ta được phía Nhật Bản đánh giá cao về tay nghề, chịu khó và khả năng tiếp thu nhanh về kỹ năng, kỹ thuật, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, công việc ở Nhật Bản. Thu nhập bình quân của người lao động từ 133.000   ~ 142.000 yên/tháng (tương đương 27.000.000 ~ 29.000.000 VNĐ). Các điều kiện phục vụ cuộc sống và sinh hoạt được đảm bảo tốt. Các kỹ sư và công nhân Nhật Bản nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn chuyên môn nghề nghiệp và cuộc sống.

Sau 15 năm đưa lao động sang đào tạo tại Nhật Bản, số thực tập sinh hoàn thành chương trình tu nghiệp trở về đơn vị đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng, đảm nhiệm các công việc đòi hỏi tay nghề cao trong sản xuất, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo chất lượng các sản phẩm lớn có tính năng kỹ thuật phực tạp và các sản phẩm xuất khẩu, đa số được các đơn vị giao làm tổ trưởng, đốc công, một số được bố trí vào các vị trí quản lý điều hành như quản đốc, phó quản đốc…

 
Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép việc gia hạn thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản đối với lao động nước ngoài từ 3 năm lên 5 năm. Ngoài chương trình tu nghiệp, Chính phủ Nhật Bản cũng mở rộng thêm việc tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Nhật Bản nhằm phục vụ Olimpic 2020 tổ chức tại Nhật Bản và tái thiết khu vực Đông Bắc của Nhật Bản do chịu ảnh hưởng của động đất và sóng thần. Dự kiến 2 chương trình này sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đây là cơ hội tốt cho không chỉ SBIC mà còn cho người lao động đóng tàu để giảm bớt khó khăn cho người lao động và đơn vị, đồng thời giữ được đội ngũ công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất khi Tổng công ty đi vào ổn định và phát triển.

Trước những dấu hiệu đáng mừng đó, để giữ vững được thị trường Nhật Bản, Trung tâm phải thực hiện các công việc sau:

- Giữ vững thị trường đào tạo lao động đang có với 4 nhà máy đóng tàu của Nhật Bản; Tích cực đẩy mạnh chất lượng lao động cử tuyển; Làm tốt công tác giáo dục định hướng cho người lao động trong thời gian chờ xuất cảnh, quản lý người lao động ở nước ngoài để hạn chế thấp nhất các vi phạm của người lao động nhằm nâng cao uy tín của Tổng công ty; Tìm mọi biện pháp để phía đối tác tăng thêm số lao động đi đào tạo hàng năm và mở rộng đào tạo ở các lĩnh vực công việc khác như thợ điện, thợ sơn và trang trí nội thất tàu thủy.

- Tranh thủ mối quan hệ đã có với Hãng Japan Marine United Corporation phối hợp với Ban quản lý lao động tại Nhật Bản và Đại sứ quán để tìm thêm các hợp đồng mới với các Hãng khác không chỉ đóng tàu mà các ngành nghề khác.

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng, đã góp phần tích cực đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Với ngành công nghiệp tàu thủy nó còn có ý nghĩa lớn là tạo ra một đội ngũ những người lao động có trình độ kỹ thuật cao, tác phong công nghiệp và ý thức kỷ luật nghiêm. Đây thực sự là những hạt giống quí của ngành đóng tàu trong tương lai.

 

Trần Thị Đoan Trang

Giám đốc Trung tâm

Hợp tác Đào tạo lao động với nước ngoài

Go to top