Cam Ranh hướng đi mới trong cơ chế thị trường

      Tổng giám đốc Bùi Hữu Sỹ khẳng định: khách hàng truyền thống của Đóng tàu Cam Ranh là ngư dân của dải đất miền Trung từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận. Bởi gần 30 mươi năm trước họ đã quen với cơ sở Đóng tàu Nha Trang chúng tôi, nơi chuyên đóng tàu vỏ gỗ.

                 Cam Ranh ký biên bản bàn giao tàu đánh cá vỏ thép cho ngư dân
 

Bây giờ vươn ra biển xa, Nhà nước có chủ trương thép hóa tàu cá, hướng đi ấy Cam Ranh luôn đồng hành cùng ngư dân không có gì là xa lạ, không có gì là khó khăn. Ngư dân cần loại tàu gì Cam Ranh đều có thể đáp ứng và đó là hướng đi trong cơ chế thị trường.

Nhìn tấm hình ông Phan Bé, chủ chiếc tàu Sang Fish 01 đứng trên mũi tàu ngày bàn giao cùng với đội ngũ thuyền viên, chúng tôi thấy họ rất viên mãn khi thay chiếc tàu vỏ gỗ bằng chiếc tàu vỏ thép mới. Tàu cá vỏ thép của ông có chiều dài 25,21m, rộng 7,8m, lắp động cơ 750CV có máy dò cá với tầm quét 3000m, kho chứa lương thực cho một hành trình 30 ngày với vài chục con người trên tàu, rõ ràng tính năng kỹ thuật của con tàu này hơn rất nhiều so với tàu vỏ gỗ. Chiếc Sang Fish 01 có tầm hoạt động tới 2000 hải lý, có nghĩa là kho nhiên liệu phải tính bằng m3. Khoang lạnh chứa cá có thể bảo quản 45 ngày đêm. Tất cả những vấn đề kỹ thuật mà con tàu đạt được khác xa với các tàu truyền thống mà người dân Quảng Ngãi vẫn dùng để hành nghề trên biển từ xưa tới nay. Có thể chính những ưu việt của tàu cá loại mới này mà thời gian qua trên các phương tiện thông tin đã gọi là sức mạnh thép của ngư dân bám biển.

Như thế là tính tới ngày 2 tháng 7 ông Bùi Hữu Sỹ đã bàn giao cho ngư dân 2 tàu vỏ thép loại đánh cá bằng lưới vây. Tiếp trong chương trình tàu cá, Cam Ranh hạ liệu luôn 2 chiếc nữa cho ngư dân Quảng Ngãi. Tại lễ cắt tôn, ông Nguyễn Xuân Huế, chủ tịch quỹ hỗ trợ ngư dân cho biết, quỹ sẽ cho chủ tàu  vay 100% vốn, có nghĩa là hai chiếc tàu này sẽ được hỗ trợ tới 14 tỷ đồng.

Tiền đã có, chủ tàu đã có nên Tổng Giám đốc Cam Ranh chỉ còn lo làm. Ông Bùi Hữu Sỹ hứa sau 100 ngày thi công tàu sẽ được bàn giao.
                                     Cắt tôn đóng tàu vỏ thép cho ngư dân
 
Công ty Đóng tàu Cam Ranh đã tiến hành tái cấu trúc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều dễ nhận ra nhất khi SBIC tổ chức thành 3 cụm công nghiệp tàu thủy: một ở phía Nam, một ở Hải Phòng – Hạ Long và một nửa ở miền Trung, thì rõ ràng với vị thế địa lý và năng lực hiện có Cam Ranh trở thành điểm sáng của đóng mới cũng như sửa chữa tàu biển. Với cách nhìn của SBIC, mục tiêu sửa chữa được đặt ngang hàng với mục tiêu đóng mới thì ở khu vực miền Trung, Cam Ranh có lợi thế vô cùng lớn, bởi ở đây có thể đưa các tàu cỡ lớn vào sửa chữa.
                                           Tàu của Mỹ vào Cam Ranh sửa chữa
 

Có lẽ vì vậy mà ngay hạm đội 7 của Mỹ cũng đặt hợp đồng để sửa chữa tàu của họ ở Canh Ranh. Đại tá Paul Schilse, một hạm trưởng của hạm đội 7 tại cuộc họp báo ở Cảng Tiên Sa vào ngày 7 tháng 4 năm nay đã đề nghị: “Nhu cầu sửa chữa tàu của chúng tôi (hạm đội 7) đang tăng. Do đó, nếu phía Việt Nam có thể cung cấp các dịch vụ đáp ứng thì việc sửa chữa, bảo trì tại Cam Ranh có thể tăng lên… vừa rồi một đơn vị của SBIC đã sửa chữa tàu cho hạm đội, việc này đã được công khai với quốc tế…”.

Khu vực miền trung có tới 3 cơ sở công nghiệp tàu biển là Hyundai, Dung Quất và Cam Ranh. Hạm đội Mỹ đã tin và chọn Cam Ranh để hợp đồng chữa tàu. Có ý kiến cho rằng bởi Cam Ranh có địa thế về quân sự nên tàu Mỹ muốn vào đó. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã từng nói: "chúng ta đã có kế hoạch xây dựng Cam Ranh thành khu dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, bởi nơi đây rất gần đường hàng hải quốc tế do đó có thể tiếp nhận nhiều loại tàu vào sửa chữa thu lợi. Tất nhiên tàu muốn vào sửa chữa ở đây phải được cấp phép và có hợp đồng kinh tế ".

Ông Bùi Hữu Sỹ cho biết, từ năm 2010 Đóng tàu Cam Ranh đã tiến hành sửa chữa tàu cho Mỹ. Trong số tàu mà chúng tôi sửa chữa, có những chiếc rất lớn. Chẳng hạn tàu USNS Amelia Earhart (T-AKE6) dài tới 210m, rộng 32,3m, tải trọng 41.000 tấn có thể hoạt động trong phạm vi 16.000 hải lý. Nhưng tất cả đều là loại tàu hậu cần và thời gian vào sửa chữa, bảo dưỡng chưa quá 15 ngày. Bởi vậy đội ngũ kỹ sư, công nhân của Cam Ranh phải rất thành thạo công việc, nhất là phần bảo dưỡng máy và vỏ tàu.

Như vậy cũng đã rõ, muốn có hợp đồng sửa chữa tàu với Mỹ ngoài những lợi thế về địa lý còn phải có đủ năng lực thiết bị, trình độ chuyên môn thỏa mãn yêu cầu của đối tác.

Tàu neo ở Cam Ranh để sửa chữa không thể kéo dài. Thời gian khách hàng yêu cầu là bài toán của đơn vị làm dịch vụ. Cam Ranh đã giải được bài toán này và đó chính là lợi thế cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Trở lại với tàu cá vỏ thép, Cam Ranh đang tập trung vào việc hoàn thành 2 chiếc tàu mới. Một cho ông Huỳnh Luận ở Đức Phổ, một cho ông Nguyễn Hữu Ngọt ở Bình Sơn. Đây là loại tàu đi biển để chụp mực. Ngư dân yêu cầu đóng gì thì Cam Ranh phải đưa ra thiết kế để chủ tàu lựa chọn. Cơ chế thị trường là vậy. Đóng tàu theo yêu cầu, theo cái mà ngư dân cần chứ không phải đóng theo cái mình có. Nghề đi biển vốn có truyền thống cha truyền con nối. Biển với ngư dân cũng như đồng ruộng với nông dân. Trên vùng nước ấy, trên thửa ruộng ấy, họ là người hiểu tường tận nhất. Cái máy cày cũng như con tàu, canh tác trên mỗi vùng có những yêu cầu khác nhau. Muốn thành công thì cơ sở sản xuất ra công cụ phải đồng hành cùng người sử dụng. Thép hóa tàu cá nhà đóng tàu phải đi cùng người đánh cá ra biển, đó là con đường duy nhất để có tiếng nói chung. Đó là cách làm đúng đắn nhất để có sức mạnh thép cho ngư dân vươn ra biển.

    Ngư dân từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận và bây giờ là Đà Nẵng nữa đều là những khách hàng tiềm năng của Cam Ranh. Ông Tổng Giám đốc Bùi Hữu Sỹ xác định như vậy để triển khai đóng tàu vỏ thép là hoàn toàn chính xác, đó chính là hướng đi mới trong cơ chế thị trường. Hướng đi phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc thép hóa tàu cá để ngư dân bám biển.

 

 

Trọng Nghĩa

Go to top