SBIC đồng hành cùng ngư dân và sức mạnh thép

Chính phủ đã dành những ưu đãi cho ngư dân và ngành đóng tàu, để có sức mạnh thép vươn ra biển. Theo đó, không chỉ tàu cá vỏ thép công suất lớn mà còn các loại tàu dịch vụ trên biển phục vụ ngư trường.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Đóng tàu Hạ Long thị sát tàu kiểm ngư và làm việc với SBIC trong tháng 6 năm 2014
 
Sau chuyến thị sát của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Công ty Đóng tàu Hạ Long, nơi đang đóng những chiếc tàu kiểm ngư cỡ lớn và hiện đại, chiều 13 tháng 6 năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì hội nghị tại Đà Nẵng bàn thảo về một nghị định để phát triển ngành thủy sản với nội dung điều chỉnh những quy định về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm… để vừa phát triển cho ngành thủy sản, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Hội nghị đã thống nhất cao việc ngư dân đóng tàu cá vỏ thép sẽ được vay 90% vốn đầu tư với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%, ngân sách cấp bù 3%. Nếu đóng tàu lắp động cơ lớn trên 800CV thì được vay tới 95%, chủ tàu chỉ phải trả lãi suất 1%, ngân sách bù 4%. Đối với tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép được ưu đãi như tàu cá vỏ thép lắp động cơ trên 800CV.

Ngoài việc thế chấp bằng chính con tàu để vay, ngư dân được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm. Nếu loại tàu đóng mới có động cơ nhỏ hơn 800cv thì mức bảo hiểm thấp hơn (70-90%) tùy công suất.

Hội nghị giới thiệu mẫu tàu cá vỏ thép và trao đổi cùng ngư dân do SBIC phối hợp tổ chức cùng UBND tỉnh Bình Định   
 
Đóng tàu cá vỏ thép, ngư dân có quyền chọn mẫu và nơi đóng. Như vậy SBIC sẽ bước vào thị trường cạnh tranh.

    Để đồng hành cùng ngư dân ra biển, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã có những kế hoạch triển khai tàu cá vỏ thép từ rất sớm. Những con tàu mẫu với phương pháp đánh bắt lưới rê, lưới vây đã được đóng mới và bàn giao cho ngư dân dùng thử, ý kiến phản hồi từ ngư dân đã được SBIC nghiên cứu bổ khuyết cho những chiếc tàu mẫu tiếp theo.

    Để cùng ngư dân ra biển bằng tàu cá vỏ thép, SBIC cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị giới thiệu và hợp tác phát triển tàu cá vỏ thép cho ngư dân vào các ngày 10, 12 tháng 6 năm 2014. Tại hội nghị, SBIC đã giới thiệu quy trình công nghệ đóng mới tàu cá vỏ thép bằng phương pháp hiện đại và sự liên kết giám sát giữa chủ tàu chính là những ngư dân và đơn vị thi công, đơn vị thiết kế cũng như cơ quan đăng kiểm để những chiếc tàu khi bàn giao có chất lượng cao nhất, sử dụng thuận tiện nhất, phù hợp tập quán đánh bắt của ngư dân từng vùng miền của mỗi ngư trường.

    Nhiều ý kiến được nêu trong hội nghị là vấn đề bảo quản. Ví như ở Bình Định sản lượng đánh bắt tăng nhưng giá trị xuất khẩu lại thấp do chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Để khắc phục tình trạng này ông Lê Hữu Lộc – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định khẳng định với ngư dân rằng, tỉnh sẽ hợp tác với SBIC trong quá trình đóng tàu cá vỏ thép phù hợp với phương pháp công nghệ hiện đại, có kho bảo quản sản phẩm đạt chuẩn.
Chủ tịch SBIC cùng đoàn công tác của Tổng công ty gặp gỡ vào trao đổi trực tiếp và lấy ý kiến ngư dân tại cảng cá.
 

    Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC cũng cho biết, những con tàu cá đóng mới cho Bình Định và Quảng Bình cũng như các tỉnh ven biển trong cả nước sẽ là những mẫu tàu được thiết kế phù hợp với mỗi vùng biển cũng như tập quán của ngư dân. Nghĩa là thiết kế và công nghệ của SBIC phải thỏa mãn yêu cầu của người sử dụng. Kinh nghiệm của ngư dân đóng góp cho các chuyên gia thiết kế, thi công của SBIC là vô cùng cần thiết. Những con tàu được xuất xưởng từ SBIC là thành quả chung của sự đồng hành về quản lý, chế tạo và sản xuất.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nơi đang sử dụng tàu cá vỏ thép thử nghiệm của SBIC lại có đề nghị: tàu cá vỏ thép ở thời kỳ này đã có rồi, SBIC cần phát triển cơ sở dịch vụ bảo quản, sửa chữa ở nhiều nơi đáp ứng nhu cầu của ngư dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, địa phương bắt đầu hợp đồng với SBIC đóng tàu cá vỏ thép đã có kế hoạch nhân rộng việc sử dụng tàu cá vỏ thép nhằm xây dựng đội tàu hiện đại, xa bờ. Bởi việc làm này còn có ý nghĩa phân bố lại đội hình ngư dân để ngày đêm bám biển, giữ vững an ninh, vùng nước quê nhà.
Ngư dân xem và trao đổi, góp ý kiến về mẫu tàu của SBIC tại Hội nghị ở Bình Định
 

Nhiều ngư dân đã tính toán rằng, với việc được vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu vỏ thép chắc chắn chỉ trong vòng từ 5 đến 7 năm là có thể thanh toán xong cả nợ lẫn lãi. Chúng tôi được nghe ý kiến của anh Trần Thanh Tâm ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn phát biểu rằng: “Chúng tôi là ngư dân, nay được nghe Chính phủ sẽ hỗ trợ để đóng tàu cá vỏ thép thì mừng lắm. Những ngày tàu hỏng vừa rồi không ra được biển, lòng cứ như có lửa đốt…”.

Là một chuyên gia về đóng tàu, ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng giám đốc SBIC, lý giải về sự thắc mắc của ngư dân về việc tàu cá vỏ thép sử dụng tốn nhiên liệu cũng như giá thành cao hơn tàu vỏ gỗ. Đó là sự lo toan có cơ sở. Để giải tỏa mối lo này, SBIC sẽ đưa ra một danh sách những đơn vị sẽ được tham gia vào chương trình đóng tàu cá phù hợp nhất. Còn về kỹ thuật, SBIC đã từng đóng nhiều loại tàu công nghệ cao, phức tạp nên ngư dân không phải bận tâm về chất lượng. SBIC cũng sẽ đưa chào hàng nhiều mẫu tàu để ngư dân lựa chọn. Còn năng lực của SBIC có thể đáp ứng 500 tàu/năm.
Phần lớn tàu đánh cá của ngư dân trong cả nước làm bằng vỏ gỗ mỏng manh
 

Sức mạnh thép trên Biển Đông mà ngư dân là chủ không chỉ góp phần phát triển kinh tế của đất nước mà còn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Những “nông dân trên biển” từ ngàn đời nay luôn là lực lượng quan trọng để mở nước và dựng nước. Công nghiệp tàu thủy nước nhà đã phát triển ở tầm cao của thời đại, thép hóa tàu cá và những loại tàu dịch vụ khác trên biển của ngư dân luôn có chúng tôi những người thợ đóng tàu SBIC cùng đồng hành.

 

Nguyễn Đức Ngọc

Go to top