Thị trường và Quản trị kinh doanh là mục tiêu năm mới của SBIC

LTS: Nhân đầu xuân mới, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC). Ông cho rằng, năm 2015, SBIC phải khẳng định bằng thị trường và quản trị điều hành sản xuất kinh doanh. Bởi đó là mục tiêu của đề án tái cơ cấu mà Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã đặt ra cho SBIC, mũi nhọn thực hiện kinh tế biển.
 

 

Thưa Tổng giám đốc, năm 2015 là năm thứ hai của SBIC, chắc hẳn sự “bỡ ngỡ” ban đầu sẽ được thay bằng những đột phá của một Tổng công ty được xác định là mũi nhọn của kinh tế biển?

Thực hiện Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), nên năm 2014 là năm đầu hoạt động của SBIC. Nói rằng bỡ ngỡ cũng có phần đúng, vì SBIC phải tổ chức lại hoạt động, trong đó có tới 234 doanh nghiệp không được duy trì trong tổ chức mới của Tổng công ty, trong đó 165 doanh nghiệp khác phải tiến hành giải thể, bán hoặc phá sản.

Một khối lượng lớn công việc tái cơ cấu phải tiến hành song song với sản xuất kinh doanh thực ra là có đôi lúc lúng túng. Nhưng sang năm 2015, việc triển khai các hoạt động của Tổng công ty sẽ được tiến hành quyết liệt hơn, phải có đột phá hơn.
 
 
Sự đột phá sẽ như thế nào thưa ông?

Công tác phát triển thị trường và năng lực, chất lượng quản trị điều hành sản xuất kinh doanh. Hai vấn đề này sẽ mang tính quyết định để SBIC phát triển một cách chắc chắn, mạch lạc, bền vững khẳng định đề án tái cơ cấu thành công.

Ông có thể nói rõ hai mục tiêu đặt ra cho năm 2015 của SBIC?

Trước hết là thị trường. Đóng tàu phải có thị trường để tiêu thụ. Bởi tàu thủy không phải là mặt hàng có thể bày bán như những sản phẩm khác. Muốn đóng tàu phải có đơn hàng của thị trường trong nước, ngoài nước. Ở trong nước, ngay tàu cá cũng phải có ngư dân đặt hàng còn ngoài nước phải có hợp đồng cụ thể: đóng cho chủ tàu nào, tàu gì? Ngành đóng tàu nước nào cũng thế, chúng ta có ngành công nghiệp tàu thủy là phải tìm thị trường thế giới, khai thác cơ hội ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Muốn thế, công tác quản trị điều hành kinh doanh phải phát triển tương xứng. Muốn đóng những chiếc tàu đạt chuẩn quốc tế phải có được công tác quản trị xứng tầm. Làm được như thế mới vươn ra được thị trường. Thị trường đóng tàu thế giới vẫn có, vấn đề là SBIC hòa nhập trở lại hay không.

Muốn hòa nhập trở lại sân chơi của đóng tàu thế giới, Tổng công ty năm 2015 sẽ phải làm gì thưa ông?

SBIC phải tiến hành hợp tác với các đối tác lớn của nước ngoài, thông qua công tác cổ phần hóa các cơ sở đóng tàu hiện có nhằm nâng cao năng lực công nghệ. Mục tiêu của Nhà nước là đưa ngành đóng tàu trở thành mũi nhọn trong thực hiện chiến lược kinh tế biển; tập trung vào sản xuất một số loại tàu phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, xác lập lòng tin trên thị trường thế giới rằng Việt Nam là một quốc gia có ngành đóng tàu chất lượng cao.

Trong kế hoạch Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện từ quý I/2015 đến quý I/2018 có việc xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, từng bước áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ, bảo vệ môi trường vào ngành đóng tàu (Quyết định 1901/QĐ-TTg ngày 22 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ). SBIC giữ vai trò quan trọng trong vấn đề này, chúng ta sẽ vào “sân chơi” của đóng tàu thế giới như vậy.

SBIC sẽ hợp tác quốc tế như thế nào và cổ phần hóa các đơn vị thành viên SBIC có liên quan tới vấn đề hợp tác quốc tế ra sao, Tổng giám đốc có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Cổ phần hóa các đơn vị thành viên SBIC có nghĩa là thực hiện đa sở hữu. Đó là bước đi mang tính chiến lược và thay đổi hẳn về quan điểm quản trị. Công nghiệp đóng tàu sẽ mở rộng cửa mời các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, không chỉ một Damen (Hà Lan) mà còn Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng như một số nền công nghiệp đóng tàu phát triển của các quốc gia khác muốn tham gia vào công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Chúng ta phải lựa chọn đối tác vì mỗi đối tượng có cách làm khác nhau, có cách hợp tác khác nhau, trong đó nội dung đóng tàu là một. Xu hướng dịch chuyển đóng tàu sẽ tiếp tục từ Châu Âu chuyển sang Châu Á. Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang dẫn đầu thế giới về công nghệ đóng các dòng tàu phức tạp như LNG, Container cỡ lớn, tàu khoan biển... Chúng ta bước vào thị trường đóng tàu thế giới ở phân khúc ấy.

SBIC xác định vai trò của mình như thế nào trong ngành đóng tàu Việt Nam?

SBIC vẫn giữ vai trò nòng cốt trong công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Điều ấy đã xác định rõ trong chiến lược biển và được nhắc lại trong Quyết định 1901/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/ 10/ 2014: "Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) giữ vai trò nòng cốt”.

Sau tái cơ cấu, nguồn nhân lực của SBIC đã được thu gọn, đảm bảo đủ năng lực, đủ việc làm và đủ sức đấu thầu các gói sản phẩm đóng tàu từ nước ngoài. Nhưng phải nhìn nhận rằng năng lực quản lý, tổ chức sản xuất hay nói một cách tổng quát, là quản trị doanh nghiệp thì nhất thiết phải nâng lên tầm cao mới. Làm được như vậy, SBIC mới chiếm lĩnh được thị trường, mới đồng hành để ra biển, phục vụ nền kinh tế biển và bước vào thị trường đóng tàu thế giới.

Xin cám ơn Tổng giám đốc về cuộc trao đổi đầu xuân này.

 

Đức Ngọc - Vũ Hùng (thực hiện)

Các bài viết khác
Go to top