Đường đến hội thi

     Hội thi thợ hàn giỏi của SBIC, theo ông Phó Tổng giám đốc, trưởng ban tổ chức Đỗ Văn Thấu là ngày hội đua tài của đội ngũ công nhân kỹ thuật các đơn vị thành viên Tổng công ty công nghiệp tàu thủy khu vực phía nam (từ Khánh Hòa trở vào) nhằm đánh giá chất lượng tay nghề của thợ hàn tàu.
 
1. Theo thông báo của Ban tổ chức, chúng tôi đến trụ sở của Công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, số 10E đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7 thành phố Hồ Chí Minh để dự Hội thi thợ hàn giỏi của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) khu vực phía Nam, tổ chức trong 2 ngày 24 và 25 tháng 10 năm 2014.

Thêm một lần được đi qua bến Nhà Rồng. ở đó, bây giờ là chi nhánh của bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh của cả nước.

Ngôi nhà cảng được xây dựng từ năm 1862 với lối kiến trúc đặc biệt, trên mái có hai con rồng theo phong cách lưỡng long chầu nguyệt. Vì vậy, tuy là trụ sở của công ty vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) nhưng người dân vẫn quen gọi là Nhà Rồng. Nơi đây ngày 5 tháng 6 năm 1911 Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.

Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh đã chọn Nhà Rồng làm biểu tượng.

Còn Bùi Văn Ba? Là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (được phong ngày 7 tháng 5 năm 1956). Bùi Văn Ba sinh năm 1929 quê ở Rạch Cát, Nhà Bè nay là phường 22 quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Ông là chiến sĩ đặc công, đại biểu quốc hội khóa VII, mang hàm đại tá, mất năm 1998. Tên ông được đặt cho con đường của quận 7, lối vào công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC).

Hội thi thợ hàn giỏi của SBIC, theo ông Phó Tổng giám đốc, trưởng ban tổ chức Đỗ Văn Thấu là ngày hội đua tài của đội ngũ công nhân kỹ thuật các đơn vị thành viên Tổng công ty công nghiệp tàu thủy khu vực phía nam (từ Khánh Hòa trở vào) nhằm đánh giá chất lượng tay nghề của thợ hàn tàu.

Hội thi nằm trong các phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm tới thi đua. Bác đã từng dạy: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua...”. Những người có thành tích thi đua cao, những năm trước đây thường được tặng huy hiệu của Người.

Nhà Rồng cuối thu vẫn một màu nắng phương Nam, ấm áp, rì rào những đợt sóng của dòng sông với nhiều tên gọi: Ngã Cái, Thủ Khúc, Bến Nghé, Nhà Bè... Dù là tên gọi nào đi nữa, thì đây vẫn là dòng sông lớn hợp lưu từ hai sông: Đồng Nai và Sài Gòn để đổ ra biển Cần Giờ.

Sông Sài Gòn chảy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km, rộng từ 225 đến 370m, sâu trung bình tới 20 mét, là một trong những dòng sông thuận lợi để đặt các cơ sở đóng tàu biển. Bởi vậy mà các đơn vị thành viên của SBIC như đóng tàu 76, Saigon Shipmarin, công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn đều tọa lạc dọc theo sông này.

2. Cầm trên tay danh sách 8 đội dự thi (Đóng tàu 76; Đóng tàu Nha Trang, Đóng tàu Cam Ranh, Saigon Shipmarin; Công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn đội 1, đội 2; Đóng tàu Cần Thơ; Huyndai-Vinashin).

Với 36 tay kìm xuất sắc về thành phố mang tên Bác để đua tài, chúng tôi thật sự cảm phục. Trước hết, họ là đại diện cho đội ngũ thợ hàn đông đảo, được đề cử ở các đơn vị mà thương hiệu đóng tàu đã vượt ra ngoài biên giới với những con tàu xuất khẩu.

Kế đó, theo tiêu chuẩn là những người có thành tích cao trong công tác các năm 2012, 2013 và mỗi đơn vị chỉ được cử một đội (đơn vị đăng cai mới được cử 2 đội).

Một lần trao đổi với Tổng giám đốc Saigon Shipmarin Lê Hồng Quang, ông cho biết đơn vị có trăm thợ hàn. Như vậy là một đội dự thi chỉ chiếm tỷ lệ 5 - 8% số thợ hàn mà thôi.

Có người đến hội thi chỉ thi một môn, người thi hai môn nhưng có người đăng ký thi cả 4 môn. Đó là thi tay nghề. Hàn thép có hàn tay và bán tự động, hàn ống cũng thế. Còn đề thi thì tất cả mọi thí sinh phải trải qua 3 bài: Thi lý thuyết, thi thực hành và thi tác phong công nghiệp của người thợ. Điểm 3 bài cộng lại mới là điểm để đánh giá giỏi hay xuất sắc.

Cuộc thi nào cũng cần một hội đồng giám khảo công minh. Điều ấy đã được nói rõ trong Văn bản số 01/KH ngày 18 tháng 9 năm 2014 của Tổng công ty, đó là đảm bảo trung thực, khách quan, công bằng, an toàn cho người thi và thiết bị, mang lại hiệu quả về kinh tế, khoa học, quản lý... Hội đồng thi sẽ bố trí giám khảo chấm chéo, nghĩa là giám khảo thuộc đơn vị này sẽ chấm cho đơn vị khác.

3. Những tấm thép lạnh vô hồn, dưới bàn tay thợ hàn sẽ trở thành con tàu có tên, có lý lịch có quốc tịch. Khi ra biển hoặc ở một bến cảng nào đó, con tàu là lãnh thổ quốc gia của nước sở hữu. (Vì thế những con tàu lớn còn được tổ chức lễ thượng cờ cấp quốc gia).

Những tay kìm hàn của công nghiệp đóng tàu không những họ phải “khâu” những tấm thép phẳng mà còn phải “khâu” những loại ống với đủ loại hình cong ít, cong nhiều cho con tàu. Chỉ một chiếc sà lan trọng tải 15.248 tấn đã có chiều dài đường hàn tới 8.000 mét. Còn con tàu mạn đôi, đáy kép trọng tải hàng trăm ngàn tấn thì đường hàn của người thợ phải nhiều gấp chục lần như thế. Vì vậy những người thợ hàn trong ngành đóng tàu luôn được xác định là những thợ kỹ thuật quan trọng. Khi được đứng trong hàng ngũ này, họ còn phải thi để đạt chứng chỉ của các hãng đăng kiểm quốc tế. Trong đội ngũ thợ hàn đóng tàu thế hệ trước đã có một người được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 1985, đó là Cao Thị Ngoãn thợ hàn bậc 7/7 của đóng tàu Bạch Đằng. Chị đã từng nói với chúng tôi: “Đất nước ta, ngành ta có rất nhiều phụ nữ giỏi. Bác Hồ đã tặng cho chị em phụ nữ tám chữ vàng: Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang. Tay kìm của chị còn lưu dấu trên thuyền biển (tàu không số) TM2, HF 350, ụ nổi T5, cầu phao LPP trong những năm chống Mỹ cũng như nhiều con tàu biển khác đóng mới ở Bạch Đằng. Trong cuốn lịch sử giao thông vận tải, chân dung nữ thợ hàn được in trang trọng cùng với những anh hùng Ngô Gia Khảm, Lê Minh Đức, Phùng Văn Bằng, Nguyễn Thị Kim Huế và những người khác.

Đường dẫn đến hội thi thợ hàn giỏi của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) khu vực phía Nam tháng 10 này, ngập nắng vàng của mùa thu phương Nam. Qua Nhà Rồng rẽ sang đường Bùi Văn Ba để đến nơi đua tài của các đội. Chúng tôi thầm nghĩ, đây chính là ngày hội của những con người mà công nghiệp đóng tàu không thể thiếu họ, có họ thì các tấm thép kia mới được “khâu” lại để ra đời những con tàu mang thương hiệu Việt và mỗi con tàu ấy sẽ trở thành một cột mốc chủ quyền trên biển quốc gia.

Sau hội thi thợ hàn giỏi khu vực phía Nam, SBIC sẽ tổ chức hội thi khu vực phía Bắc. Đây là sự khởi sắc của công nghiệp đóng tàu sau những năm chờ đợi.

 

Phóng sự của Thu Thủy

Go to top