Chuyện người trong cuộc: Rèn “ngựa Thánh Gióng” của Biển Đông (Bài 2)

Bài 2:  Người “tạo hình” cho tàu không số

Kỹ sư Lương Văn Triết, người thiết kế chính của các con tàu không số đã ra đi trước ngày kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển chỉ hai tháng, mang theo bao bí mật.

Di cảo mà ông để lại có cuốn hồi ký quý giá mang tên “Ghi chép trên những nẻo đường thiết kế”, trong đó chỉ non một trang nhắc chuyện tàu không số. Nhưng ở đây lại “bật mí” một chi tiết quan trọng: Suốt những năm thiết kế tàu không số, ông thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một người: Trịnh Xương!

Thiết kế những con tàu đầu tiên

Trịnh Xương là ai? Trong hồi ký Lương Văn Triết ghi rõ: “Kể từ năm 1961 trở đi cho đến khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại (1964-1965), chúng ta đã lần lượt thiết kế các loại tàu thuyền đặc biệt, gọi chung là tàu không số. Riêng tôi, rất tự hào được tham dự phần lớn các sản phẩm này với danh nghĩa là cán bộ chủ trì, dưới sự điều khiển trực tiếp của anh Trịnh Xương và bác Ngô Văn Năm".

Người từng là Trưởng phòng Thiết kế thuộc Cục Cơ khí (Bộ GTVT), trưởng ban thiết kế, “kiến trúc sư trưởng” của hầu hết các con tàu không số, nay đã bước sang tuổi 86. Sau khi nghỉ hưu, ông chủ yếu sống tại TP Hồ Chí Minh. May mắn cho chúng tôi, được gặp ông ở Hà Nội, tại nhà con gái. Trước khi nghỉ hưu, Trịnh Xương là Viện trưởng Viện Khoa học-công nghệ tàu thủy Việt Nam. Hơi thở mệt nhọc, giọng nói nhỏ nhẹ, ông nói với tôi: “Chú thông cảm, tôi vừa ốm một trận liệt giường, vừa định nói với chú cái gì mà quên ngay được”.

Nói vậy, nhưng nhắc đến chuyện tàu không số, đôi mắt ông chợt sáng lên, nhịp nói nhanh như không chặn kịp dòng hồi tưởng đầy xúc động. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Định (Thanh Hóa) nghèo đói nhưng giàu truyền thống cách mạng, tuổi thơ của Trịnh Xương gắn với con sông Mã anh hùng cuồn cuộn phù sa. Năm 1954, ông may mắn cùng 23 lưu học sinh khác được sang học tại Trường chuyên nghiệp đóng tàu Thượng Hải (Trung Quốc). Sau 5 năm miệt mài học tập, ông về nước.

Khi ấy, hòa bình vừa được lập lại ở miền Bắc nhưng quân viễn chinh Pháp ở lại Hải Phòng thêm 100 ngày mới rút hết. Lúc rút khỏi cảng Hải Phòng, chúng đem đi tất cả phương tiện vận tải biển. Hải Phòng trở thành cảng… không tàu! Mãi đến cuối năm 1959, cảng Hải Phòng mới được phục hồi nhờ sự ra đời của nhà máy đóng tàu mang tên Bạch Đằng-Hải Phòng.

Trong hồi ký của mình, ông Lương Văn Triết có kể lại thời kỳ thiết kế những con tàu không số vỏ gỗ đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của ông Trịnh Xương: “Sản phẩm đầu tiên là chiếc thuyền vỏ gỗ 35 tấn kiểu thuyền Gò Công cải biên, hai đáy, lắp máy 135 sức ngựa. Xưởng chỉ được cung cấp bản toàn đồ, dạng đồ và kết cấu cơ bản, còn lại Xưởng tùy cơ ứng biến tại hiện trường. Thuyền này do Xưởng đóng tàu 1 làm. Bản thân tôi cũng không có dịp tiếp xúc ở những giai đoạn sau (vì bí mật quốc gia, ai làm việc gì chỉ biết việc đó). Kết quả ra sao, chỉ có đoàn của Đại tá Phước (đã hy sinh) mới biết tường tận và tôi tin chắc cũng không có ai ghi chép đầy đủ. Có lẽ rồi cũng lại lãng quên như muôn nghìn chuyện khác, để đến khi cần lại phải bắt đầu từ đầu.

Theo tôi, chỉ trừ trường hợp là bí mật quốc gia, còn nếu không thì đó là một nhược điểm “truyền thống” của chúng ta: Ngay từ đầu không ai chú ý đến chuyện ghi chép, theo dõi, cất giữ, rút kinh nghiệm, làm tài liệu quý cho sau này. Ngay những điều tôi ôn lại đây, chính nhiều thứ tài liệu cũng không có ở bộ phận lưu giữ. Nhiều cái trở thành “thực thực hư hư”, dễ làm cho các thế hệ sau hoài nghi”.

Chiến trường miền Nam ngày càng khốc liệt. Địch hòng chặt đứt mọi con đường tiếp viện của ta từ miền Bắc. Tình thế cấp bách, cấp trên giao phải làm sao thiết kế được một loại tàu có khả năng đáp ứng được chiến trường. Đó là một con tàu trăm tấn chở được vũ khí hạng nặng, chịu được sóng gió cấp 8-9, nhiên liệu có thể chạy 20-30 ngày, chở được ít nhất 12 thuyền viên nhưng phải nhỏ gọn. Nhiệm vụ lại được cấp trên giao cho Trịnh Xương.

Quá gấp! Ông cùng cộng sự nhiều lần thức trắng đêm loay hoay tìm đáp án cho bài toán phác thảo hình dáng, kết cấu của con tàu. Vài phác thảo đã ra mà cấp trên vẫn chưa gật đầu. Trên đã tính chuyện thu xếp đưa Trịnh Xương vào một số tỉnh phía Nam để... học hỏi. Giữa lúc ấy, bỗng nhiên lại có một sự kiện khá trùng hợp xảy ra mà theo ông, thành công có lẽ là do... ý trời.

Ông Trịnh Xương-chỉ huy trưởng nhóm thiết kế tàu không số. Ảnh: Kế Toại.

Số là, vào năm 1960, sau nhiều lần theo dõi, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh phát hiện được một số tàu của địch “lởn vởn” trong lãnh hải của ta. Sau đó, phía ta bắt được một chiếc tàu trên. Điều khiến Trịnh Xương vô cùng ngạc nhiên và rất... “khoái” là chiếc tàu này hoàn toàn không dùng buồm, chạy không sủi bọt lên mặt nước, mà lại chạy rất nhanh. “A đây rồi! Chính cái mình cần!”. Từ chiến lợi phẩm này, bài toán khó khăn đã dần được giải đáp.

Bí mật và thần tốc…

Đã có lời giải, Trịnh Xương ngay lập tức đứng ra thành lập ban thiết kế “Tàu trăm tấn”. “Đây là một nhiệm vụ hết sức bí mật, tôi chỉ được cấp trên giao cho việc đóng con tàu trăm tấn, biết là dùng cho bên quân đội chứ không hay biết về mục đích của nó là đi vào tận... Cà Mau. Mãi đến sau này khi nghe một số người bạn ở chiến trường miền Nam kể lại, tôi mới được biết mức độ quan trọng của những con tàu chúng tôi làm ra”-ông kể. 

Cùng các đồng nghiệp như Lương Văn Triết, Đào Vũ Hùng, Đinh Ngọc Liễn, Trịnh Xương miệt mài làm việc để phác thảo ra hình hài (trong chuyên ngành gọi là tuyến hình) của con tàu bí mật. Một tuần ăn, ngủ, sinh hoạt tất tần tật, cả nhóm thiết kế không hề ra khỏi cơ quan. Phác thảo xong, nhóm đem trình cấp trên. Phương án được chấp thuận, chuyển khẩn cấp xuống Xưởng đóng tàu số 3 ở Hải Phòng để thi công ngay. Từ xưởng đóng tàu này, 6 chiếc tàu “100 tấn” đã ra đời.

Cấu tạo chung của mỗi con tàu thường bao gồm một hầm lái và hai hầm hàng (sau này, ông Xương mới biết được đó là kho chứa vũ khí hạng nặng). Số tàu trên, vỏ được kết cấu bằng thép tốt, có thể chịu được sóng gió cấp 8-9, bảo đảm tốc độ cao trong cả thời tiết xấu. Ngoài tàu bằng thép 100 tấn, cấp trên còn chỉ đạo nhóm thiết kế của Trịnh Xương làm ra loại tàu nhỏ gọn hơn, đặc biệt là phải có hai đáy làm nơi che giấu cán bộ. Từ đây, tàu vỏ gỗ (theo kiểu thuyền đánh cá Gò Công) ra đời. Cả quá trình nghiên cứu, thiết kế, thi công đã được các đồng chí: Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Phan Trọng Tuệ, Ngô Văn Năm… theo dõi sát sao, chỉ đạo kịp thời. Trong vòng một thời gian cực ngắn (3 tháng), ta đã đóng được tổng cộng 13 chiếc tàu sắt trọng tải 100 tấn. “Nhiều lúc nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao mọi người lại có thể làm được một việc phi thường như thế”, ông Xương tâm sự.

Đánh địch bằng… trí tuệ

Chiếc tàu 100 tấn thứ 13 hoàn thành, việc thi công những chiếc còn lại được di chuyển sang các xưởng khác lân cận và cả xưởng đóng tàu tại Thượng Hải (Trung Quốc). Sau những đòn thua đau, địch điên cuồng cho máy bay bắn pháo sáng để chặn đánh các thuyền vận tải từ miền Bắc tại vùng biển Lạch Quèn, xã Quỳnh Tiến, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Giải pháp tháo gỡ chưa có.

Một ngày nọ, Trịnh Xương đại diện cho nhóm thiết kế đã đề xuất với Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, yêu cầu cho đóng gấp rút loại thuyền vỏ gỗ có trọng tải 3-5 tấn, giả dạng là tàu đánh cá của ngư dân để chuyên chở vũ khí vào miền Nam hòng qua cặp mắt… cú vọ của địch. Sáng kiến quá hay, cấp trên đồng ý. Thế là, có tới 12 tỉnh miền Bắc đang làm nghề đóng tàu thuyền được huy động tham gia chiến dịch này. Trong đó, theo ông Xương, có cả làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn chiếc tàu “đánh cá” được hoàn thành và đưa vào phục vụ chiến đấu. Chiến dịch này mang tên “T5” và đội vận tải tiền phương bằng thuyền thô sơ chính thức ra đời. Trong khi địch vẫn đang tập trung đánh phá xe vận tải đường bộ, ta đã lén dùng thuyền “đánh cá” đưa vũ khí sâu vào tiền tuyến. Để tránh địch nghi ngờ, số tàu trên được chia thành tốp nhỏ lẻ để ra khơi. Tốp đi trước do thám tình hình, cảnh giới an toàn cho những tốp sau.

Ngoài các thuyền buồm gắn máy giả dạng tàu đánh cá, tại vùng Cửa Đài (Quảng Ninh), nhóm thiết kế của Trịnh Xương cũng sáng tạo ra một loại tàu mang tên “Tiên Yên”. Đây là loại tàu dành cho Bộ tư lệnh Công an vũ trang để trà trộn vào thuyền dân, ngăn chặn kịp thời các hoạt động quấy phá của địch. Có thể nói, ta đã đánh thắng địch bằng trí tuệ. Những sáng tạo tuyệt vời đã giúp chúng ta giảm bớt thương vong, khiến địch choáng váng...

Nửa thế kỷ đã trôi qua, chàng kỹ sư Trịnh Xương đầy nhiệt huyết năm xưa nay tóc đã bạc, mắt mờ, chân chậm… Nhưng khi nhắc tới những kỷ niệm về đoàn tàu huyền thoại, những đứa “con đẻ” của mình, ông không kìm nén được nỗi xúc động. Tôi đã thấy hai hàng lệ trào ra từ khóe mắt của ông. Nhóm thiết kế của ông năm xưa đã ra đi gần hết mà mong mỏi, khát vọng tìm lại một bản thiết kế tàu không số hay một chỉ lệnh kỹ thuật trên giao làm hiện vật kỷ niệm đến nay vẫn chưa thực hiện được...

Bài 3: "Lò tàu sắt" bên dòng Tam Bạc

Ghi chép của PHẠM KẾ TOẠI – NGUYÊN MINH

 

Go to top