Chuyện người trong cuộc: Rèn “ngựa Thánh Gióng” của Biển Đông (Bài 3)

Bài 3: “Lò tàu sắt” bên dòng Tam Bạc

Cánh cửa sắt hoen gỉ, những ngôi nhà đá rửa ga-ni-tô màu xám tro ảm đạm, công trường đóng tàu cỏ mọc um tùm, cây si già rủ bóng... Cảnh Nhà máy đóng tàu Tam Bạc một chiều đầu thu khiến chúng tôi chạnh lòng khi nghĩ đến rất nhiều trang sử sách từng ghi: Nơi đây đã sản xuất những con tàu sắt đầu tiên phục vụ con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại...

Xưởng tàu “duyên nghiệp” nhà binh

Từ cầu Lạc Long chạy theo tả ngạn sông Tam Bạc, đường tới Nhà máy đóng tàu Tam Bạc chạy qua hai con phố mang tên một vị "tướng văn” và một “tướng võ”: Phố Phạm Phú Thứ và phố Cao Thắng. Nghe nói xa xưa, lúc mới mở có tên là phố Ma-rin (Rue de la Marine), nghĩa là phố thủy quân. Những ký ức xa lắc ấy như ngầm gắn cái duyên quân sự cho một trong những khu phố thợ ra đời sớm nhất thành phố cảng. Từ năm 1882, Hãng Sacric thành lập, là hãng có tàu chở khách và tàu lai, sà lan chở hàng, có xưởng đóng tàu và sửa chữa tàu thủy. Nay cơ sở của hãng là Nhà máy đóng tàu Tam Bạc.

Dẫu hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng nói về quá khứ, cả anh Hùng, Giám đốc nhà máy lẫn các cán bộ mà chúng tôi gặp, đều có thể kể vanh vách câu chuyện tàu không số mà không cần sổ sách. Có lẽ quá khứ vàng son cũng là một động lực để họ không nản lòng trước mọi khó khăn. Khi chúng tôi đến, chị Nguyễn Mai Hương, cán bộ Phòng Hành chính, con gái nguyên Giám đốc nhà máy Nguyễn Cao Bút đã đợi sẵn, nói:

- Chúng tôi đã mời bác Trương Văn Trọng, công nhân đóng tàu không số từ những ngày đầu, bác đang trên đường đến.

Ông Trương Văn Trọng tìm lại nơi đóng tàu không số năm xưa. Ảnh: Văn Minh

Số phận nào chẳng có vinh quang đi liền với cay đắng. Chị Hương đưa chúng tôi xem hai tập giấy mỏng, loại giấy in rô-nê-ô của thời bao cấp, đã úa màu thời gian. Bìa ngoài vẫn còn rõ màu xanh lá cây kèm dòng chữ: “25 năm Nhà máy đóng tàu Tam Bạc (1955-1980)". Nhà máy từng bị cháy, mất hết biết bao hồ sơ, tài liệu. Lần ấy, vô tình lục tìm trong đống rác, chị giữ được hai cuốn “sử” của nhà máy. Giờ đây, lật giở những trang giấy mỏng manh, đọc lại những dòng viết về tàu không số, giọng chị Hương như lạc đi: “Năm 1963, nhà máy đã nhận đóng 6 tàu chạy ven biển với trọng tải 100 tấn, lắp máy 6NVD,36 bằng 225CV với tốc độ không tải là 10,8 hải lý/giờ, khi có tải là 9,5 hải lý/giờ, phục vụ cho Chiến dịch Ấp Bắc. Tàu chạy ven biển một tháng đã vận tải được 200 tấn vũ khí quân trang quân dụng, nối liền tình cảm Bắc-Nam. Tàu đi từ Hải Phòng vào Cà Mau không quá 4 ngày 4 đêm...”.

Con tàu số một

Người công nhân già Trương Văn Trọng năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn hồ hởi đội trời mưa, cưỡi chiếc xe gắn máy cũ đến nhà máy rồi đưa chúng tôi ra tận khu bãi cỏ um tùm, chỉ chỗ này đóng tàu, chỗ kia bộ đội từng đứng gác... Ký ức bỗng ùa về, bừng sáng...

Những ngày cuối năm 1962, ven bờ sông Tam Bạc, Xưởng đóng tàu số 3, tiền thân của nhà máy hiện nay sau 7 năm thành lập, cơ ngơi xưởng nói chung cũng như bộ mặt ngành đóng tàu toàn thành phố thời đó vẫn còn hết sức lèo tèo vì những gì ngon lành nhất thì các ông chủ tư sản đã cuốn gói mang đi. Diện tích của xưởng chỉ chừng 8000m2 với hơn 400 công nhân, chủ yếu làm 3 sản phẩm chính gồm sà lan 200 tấn, tàu lai 80CV và tàu cuốc Đình Vũ. “Đúng thời điểm này, chúng tôi được Giám đốc Đoàn Kim Quang giao nhiệm vụ tham gia đóng tàu sắt cho Đoàn 125, theo mẫu của trên giao xuống. Tôi chỉ biết là đóng tàu cho bộ đội, nhưng không biết tàu đó để làm gì, đi những đâu”-ông Trọng nhớ lại.

Trong ký ức, ông Trọng và anh em công nhân dù không rõ lắm đây là loại tàu gì, nhưng họ đã lờ mờ hình dung ra sự quan trọng của nó khi thường xuyên thấy chỉ huy đơn vị bộ đội có mặt ở công trường. Công trường đóng tàu thì quây cót, phủ bạt kín, người đi bên ngoài không nhìn thấy gì, lại thường xuyên có Bộ đội Hải quân đứng gác. Nơi đây, gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người vào làm việc phải có giấy tờ, đúng theo danh sách được duyệt. Ông Trọng nhớ có lần giám đốc Quang tới kiểm tra công trường thì bị chiến sĩ hải quân ngăn lại. Anh ta nhìn ông Quang chằm chằm từ đầu tới chân rồi hỏi tên, đối chiếu với danh sách công nhân. Không có tên, người lính kiên quyết không cho ông Quang vào. Phải đến khi ông Trọng chạy ra nói: “Giám đốc của tôi đấy, cho ông ấy vào kiểm tra đi” thì người lính mới chấp nhận.
Cuốn Lịch sử Nhà máy đóng tàu Tam Bạc in năm 1980
còn ghi rõ những thông tin về đóng tàu không số. Ảnh: Văn Minh
Chiếc tàu đầu tiên được làm gấp rút trong vòng gần 5 tháng, toàn bộ hơn 400 công nhân nhà máy vào cuộc. Lúc này, xưởng đã lắp ráp được tàu sắt 360CV của Trung Quốc nhưng sản xuất loại tàu 100 tấn, vỏ sắt, có khả năng chở được 150 tấn như thế này thì họ chưa làm bao giờ. Tàu còn có nhiều buồng, trong đó buồng thủy thủ có khoảng 5 giường tầng, về vũ khí có bố trí 1 súng máy 12,7mm ở mũi, 1 súng máy 12,7mm ở đầu, 2 khẩu 12,7mm ở hai bên mạn, AK, đại liên được bố trí các gờ bắn hai bên. Hai mạn tàu và ở dưới đáy tàu đều có 2 két thuốc nổ. Có lúc, ông Trung còn nhìn thấy rõ dòng chữ “phải bỏ dầu mới bắn liên thanh được” ghi ngoài bao súng đại liên. Máy tàu được dùng loại máy có tăng áp của Đức nên rất khỏe. Chiếc tàu đầu tiên này, sau hòa bình được dựng lại thành mô hình nhưng sau cháy nhà máy nên mất. Giờ nghĩ lại, ông Trọng cứ tiếc hùi hụi vì không thể tái hiện, những người chung tay làm nó đã tản mát cả sau khi về hưu, nhiều người đã về với tổ tiên.

Giáp Tết 1963, chiếc tàu đầu tiên hoàn thành, được mang thử trên cùng hành trình với con tàu khách chạy ra Cát Bà, là loại tàu khách chạy nhanh nhất lúc bấy giờ. Hôm thử tàu, ông Trọng thấy có cả Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ xuống dự, đi bên cạnh là một ông mặc áo đại cán. Hỏi ra mới biết đó là Tư lệnh Hải quân Tạ Xuân Thu. Tàu chạy băng băng, êm ru, lại nhanh vượt cả tàu khách Cát Bà, anh em vỗ tay hoan hô vui sướng. Còn Tư lệnh Hải quân thì cười rạng rỡ, nắm chặt tay Bộ trưởng Tuệ: “Cảm ơn! Cảm ơn các anh nhiều lắm!”.

Biển gọi

Con tàu đầu tiên sau cuộc đi thử thành công đã được bàn giao cho Đoàn 125 ở khu vực Hòn Dáu. Ngày 17-3-1963, nó đã lên đường chở 44 tấn vũ khí vào bến Trà Vinh an toàn, mở ra một cột mốc mới của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cũng từ đây, nhiệm vụ trên giao càng dồn dập. Tàu này chưa xong, tàu kia đã đóng mới tiếp, cái nọ nối cái kia, xen kẽ. Kinh nghiệm đã có, Xưởng 3 làm với tốc độ cực nhanh, có lúc, chỉ một tháng đã hạ thủy thành công một con tàu. “Sau này nhớ lại, bọn tôi bảo nhau: “Tụi mình làm tàu còn nhanh hơn dân hàng mã chợ Sắt, có khi cứ 3 ngày ra lò một tàu hoặc sà lan”.

Sản xuất đến chiếc tàu thứ ba thì một hội nghị Trung ương họp ở gần bến Đồ Sơn. Gần nơi cuộc họp diễn ra, hai chiếc tàu không số vừa đi hàng vào tận miền Nam trở về, đang ung dung thả neo chờ nhiệm vụ. Tổng bí thư Lê Duẩn đi qua nhìn thấy, ngạc nhiên hỏi:

- Tàu nước nào đến thăm ta thế này?

Ông Tạ Xuân Thu thưa, đó là... tàu không số. Tổng bí thư xúc động, hỏi dồn: “Tàu không số? Ở đâu làm thế? Sao đẹp như tàu nước ngoài vậy?”-“Thưa! Xưởng 3!”-“Xưởng 3 làm được cơ à? Tốt quá! Cho tôi xuống thăm Xưởng 3”.

Thế là ngay buổi chiều hôm đó, nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng đã xuống tận công trường, thăm và động viên bộ đội, công nhân đang làm tàu không số.

Chiến trường miền Nam gọi đòi vũ khí. Biển gọi tàu. Công trường Tam Bạc thúc giục người công nhân. Họ làm ngày, làm đêm, 2 ca, rồi 3 ca. Cơm chẳng đủ, chủ yếu ăn hột bo bo. Thế mà mỗi người vẫn cứ hăng say làm việc bằng hai, bằng ba vì miền Nam ruột thịt. Một nhà vệ sinh lưu động được đặt ngay giữa công trường để anh em làm việc cho... nhanh.

Nói thì đơn giản vậy, nhưng sản xuất tàu sắt không ít gian nan. Không ít lần, con tàu vừa sơn màu xanh, nằm phơi mình trong nắng chưa khô thì lại nhận lệnh chuyển sơn màu đen. Sơn đen vừa xong, lại có lệnh chuyển màu... ghi! Đó là chuyện thường ngày của... tàu không số. Tàu phải làm sao giả dạng tàu địch, tàu miền Nam từ dáng vóc đến màu sơn theo ý kiến trinh sát Đoàn 125 báo về. Ban đầu, hai két dầu để bên mạn tàu, nhưng ra biển, bị địch bắn, tàu cháy, phải rút kinh nghiệm ngay, đưa dầu xuống đáy. Sau vụ Vũng Rô, còn phải chi li từng chi tiết nhỏ, xóa hết mọi dấu vết “Xưởng 3”, dấu vết xã hội chủ nghĩa trên từng chi tiết cấu tạo của con tàu.

Cùng với đóng mới, Xưởng 3 dần dần phải thêm nhiệm vụ đại tu, sửa chữa những con tàu đi biển trở về. Ông Trọng nhớ nhất lần Trung úy Linh, một cán bộ Đoàn 125 sang bàn giao tàu sửa chữa, anh em ai nấy cứ ngó cái nước da đen trũi của Linh rồi lại thủng thẳng chỉ sang con tàu nhìn “điêu tàn”, mốc thếch như một con “trâu đằm” mà chất vấn:

- Mới hôm nào chúng tôi bàn giao ngon lành thế! Các bố đi đâu, làm gì mà như phá thế này?

Anh Linh ban đầu giả bộ ngó lơ nhưng sau thấy không giấu nổi cũng đành rỉ tai: “Bọn tớ vào Nam”. Đám công nhân tròn mắt, kinh ngạc. Vậy mà, như một ý thức bảo mật tự nhiên thời chiến, chuyện cũng chẳng lộ ra ngoài. Chỉ thấy những bàn tay cạo gỉ, sơn tàu, chữa máy cần mẫn hơn, tỉ mỉ hơn. Hiểu nhau rồi, anh em bộ đội 125 cũng hết mình “chia lửa” với công nhân. Ngày ấy, cả nước ăn bo bo, nhưng bộ đội 125 vẫn là “lính công tử”: Cơm gạo trắng tinh, thuốc lá thơm cả tủ, chè cả bao... Song ai cũng hiểu, chẳng dám so bì với chút ưu đãi cỏn con dành cho những người nguyện xả thân vì nước, mỗi chuyến tàu không số là một lần truy điệu sống, xác định hy sinh. Hơn nữa, một chút ưu đãi để họ có sức khỏe chống chọi với bão tố, với quân thù giữa mịt mùng biển khơi trên con tàu bé nhỏ mà ngành hàng hải thế giới chắc không ai dám dùng tàu này vượt hàng ngàn ki-lô-mét đường biển thì quả là quá xứng đáng! Thế mà, chút quyền lợi bé nhỏ ấy, người lính cũng chẳng dám hưởng riêng một mình. Thấy anh em công nhân vất vả, nhiều lần anh em lại bê ra lúc thì nồi cháo gà, khi thì bao thuốc, gói chè, sẻ chia cùng nhau.

Làm nhanh, làm tốt, không hề lộ bí mật vì tất cả cùng cảm nhận được lời biển gọi. Tổ quốc gọi họ bên bờ sông Tam Bạc.

-------------------------

Bài 4: Tay đóng tàu, tay bắn máy bay

Ghi chép của NGUYÊN MINH

 

Go to top