50 năm Bạch Đằng

Cách đây 50 năm, vào chiều ngày 19 tháng 7 năm 1964, Đóng tàu Hải Phòng (tiền thân của Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng ngày nay) làm lễ khánh thành xây dựng đợt 1 và sáng hôm sau ngày 20 tháng 7 thì khởi công đóng chiếc tàu đầu tiên, trọng tải 1000 tấn. Ngày 20 tháng 7 được chọn là Ngày đấu tranh thống nhất, nên chiếc tàu được đặt tên là 20 tháng 7.

Lễ khởi công xây dựng nhà máy vào ngày 1-4-1960 và đến ngày 19-7-1964 khánh thành giai đoạn 1
 
Hôm ấy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đến dự và ông đề nghị đổi tên Nhà máy Đóng tàu Hải Phòng thành Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng.

Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng có lịch sử 50 năm tính đến 20 tháng 7 năm 2014 và được xem như đứa con đầu lòng của công nghiệp tàu thủy. Sau ngày khánh thành một năm, năm 1965 cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Đóng tàu Bạch Đằng trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Trong hoàn cảnh sản xuất phải sơ tán, cán bộ, công nhân nhà máy “tay búa tay súng” nghĩa là vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ công nhân được tổ chức thành tiểu đoàn tự vệ, có 1 đại đội pháo, 4 trung đội chiến đấu và 1 trung đội công binh. Chiếc tàu 20 tháng 7 vẫn được hạ thủy đúng tiến độ vào ngày 14 tháng 7 năm 1965.

 Hạ thủy chiếc tàu đầu tiên mang tên 20 tháng 7 trọng tại 1000 tấn vào năm 1965
 
Sau 20 tháng 7, Bạch Đằng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất: Đóng các loại thuyền biển (tàu không số), cầu phao công binh (LPP), các loại cầu sợi cáp và nhiều loại tàu vận tải phục vụ cho chiến đấu. Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng trở thành mục tiêu oanh tạc của không quân Mỹ, nhưng máy bay Mỹ cũng đã bị tự vệ Bạch Đằng bắn rơi. Một trong những chiến công phải kể đến của lực lượng tự vệ Bạch Đằng là đã bắn rơi máy bay Mỹ dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng Trần Thị Mái (phân xưởng mộc).

Năm 1975 thống nhất đất nước, Bạch Đằng nhanh chóng khôi phục sản xuất và mang trọng trách lớn của một đơn vị hậu cần trong ngành công nghiệp tàu thủy. Ngoài nhiệm vụ đóng mới những seri tàu có trọng tải lớn hơn 10 lần chiếc tàu 20 tháng 7, Bạch Đằng còn có nhiệm vụ chuyển giao công nghệ cho nhiều đơn vị đóng tàu như Ba Son (quân đội), Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Saigon Shipmarin, Bến Kiền, Nam Triệu... Chính vì vậy mà Bạch Đằng được xem như cánh chim đầu đàn của công nghiệp tàu thủy cả nước.

Bên cạnh đó, Bạch Đằng còn được Nhà nước giao làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào đóng các phương tiện vận tải thủy gồm tàu sông, phà, ca nô lai dắt... giúp Campuchia khôi phục lại một cơ sở đóng tàu và đào tạo công nhân, kỹ thuật, cán bộ quản lý. Hai nước bạn đã đánh giá cao sự hợp tác của Bạch Đằng, nên đã trao tặng huân chương hữu nghị cho đơn vị.

Những năm đầu thế kỷ XXI, chiếc tàu đóng mới ở Bạch Đằng trọng tải 11.500 DWT, có tên Vinashin Sun đã thực hiện thành công chuyến hành trình 131 ngày qua ba đại dương: Ấn độ Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương với hành trình 29.802 hải lý an toàn. Sự kiện đặc biệt ấy đã khẳng định rằng sản phẩm của Bạch Đằng đã mang đẳng cấp quốc tế, từ đó các đơn hàng đóng tàu xuất khẩu đã đến với Bạch Đằng.

Tập đoàn Noma (Nhật Bản) đã đặt Bạch Đằng đóng các seri tàu 6.380 DWT, 10.500 DWT, Italia thì đặt đóng tàu chở khí hóa lỏng 4.500 m3 và tiếp đó là những quốc gia châu Á khác... Bạch Đằng cũng là nơi khai sinh các dòng tàu có thương hiệu như tàu chở hàng rời 22.500 DWT, tàu chở xi măng rời 14.600 tấn, tàu chở hàng đa năng 17.500 tấn, tàu container 610 TEU, tàu chở dầu 13.500 tấn cho các chủ tàu trong và ngoài nước. Tàu đóng mới ở Bạch Đằng đa phần do sự giám sát của các tổ chức đăng kiểm quốc tế như BV (Pháp),  GL (Đức), NK (Nhật Bản) và trong nước là VR (Việt Nam). Một số lớn sản phẩm tàu đóng mới của Bạch Đằng đã đạt cúp ngôi sao chất lượng và huy chương vàng tại các triển lãm quốc tế Vietship.
Tàu hàng 22.500DWT trở thành sản phẩm tiêu biểu của Bạch Đằng những năm đầu thế kỷ 21
 

Bên cạnh đóng mới, hàng năm số tàu vào Bạch Đằng sửa chữa cũng tăng, chỉ tính năm nay (2014) số tàu loại lớn đăng ký vào sửa chữa đã là con số 15 tàu.

Cơ chế thị trường đã đặt cho Bạch Đằng bài toán phải tìm ra lời giải, đó là tái cơ cấu toàn diện để cổ phần hóa. Thực hiện kế hoạch này, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã có chỉ đạo cụ thể để Bạch Đằng thực hiện xong cổ phần hóa vào tháng 4 năm 2015. Sự chuyển đổi này sẽ giúp cho Bạch Đằng tiếp cận với quy luật cung – cầu mà ở đó nếu có cơ chế để sản xuất hiệu quả hơn thì sẽ có lợi nhuận lớn hơn. Nói cách khác là sự cạnh tranh khắc nghiệt, bởi giữa người mua và người bán sẽ tác động lẫn nhau theo quy luật cung – cầu.

Tàu chở xi măng rời do Bạch Đằng đóng mới
 
Hiện Bạch Đằng đang xúc  tiến đàm phán để đóng tàu chở xi măng rời, tàu chở gỗ và một số loại tàu khác với đối tác trong và ngoài nước, đồng thời  đang thi công tàu chở khách và hàng hóa cho huyện đảo Bạch Long Vỹ và 5 tàu kiểm ngư, 3 ponton cho Hà Tĩnh...
Hiện Bạch Đằng đang đóng mới tàu chở khách và hàng hóa ra đảo Bạch Long Vĩ
 

Nửa thế kỷ qua đi, Bạch Đằng đã trải qua nhiều giai đoạn với biết bao khó khăn thách thức. Truyền thống đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo được xem là tài sản vô giá của các thế hệ cán bộ, công nhân đơn vị. Mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn hoạt động, Bạch Đằng đều nắm bắt được thời cơ để phát triển. Với truyền thống của một đơn vị hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang các năm 1971 và 1995, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2000 đã khẳng định rằng, Bạch Đằng có một đội ngũ lao động giàu trí tuệ, đầy nhiệt huyết và ý chí để bước vào hội nhập với nền kinh tế thị trường.

Là một trong số rất ít các đơn vị được giữ lại của công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC),  đã có lịch sử nửa thế kỷ, truyền thống của Bạch Đằng không chỉ là niềm tự hào của những người thợ đóng tàu thành phố Cảng, mà còn là “anh cả” của nền công nghiệp tàu thủy cả nước. Nhân kỷ niệm ngày truyền thống lần thứ 50 (20/7/1964-20/7/2014) chúng tôi xin chúc Bạch Đằng cũng sẽ đi đầu trong đổi mới, thành công trong cổ phần hóa để bước vào cơ chế thị trường với niềm tin chiến thắng.

 

 Trọng Nghĩa

Go to top