Hệ thống quản lý đóng tàu Nhật Bản (tiếp theo và hết)

      Tiêu chuẩn hóa bao trùm tất cả các lĩnh vực trong hệ thống quản lý nhà máy đóng tàu ở Nhật Bản.

 
Tiêu chuẩn hóa

Tiêu chuẩn hóa bao trùm tất cả các lĩnh vực trong hệ thống quản lý nhà máy đóng tàu ở Nhật Bản. Đây là một công cụ quan trọng cho việc đảm bảo tính liên tục, kế thừa dài hạn để phát triển. Trong sản xuất, điều quan trọng là phân chia toàn bộ quá trình sản xuất thành các công đoạn để quản lý hiệu quả. Việc đầu tiên nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất là phân nhóm công việc, mỗi nhóm bao gồm các công đoạn liên quan với nhau. Đây là bước đầu tiên hướng tới công nghệ nhóm, phương pháp sản xuất theo sản phẩm trung gian được phân loại theo các quy trình cần thiết để chế tạo ra sản phẩm đó.

Một ví dụ trong công tác tiêu chuẩn hóa là tổng đoạn đáy khu vực buồng máy luôn được lựa chọn là tổng đoạn chuẩn để đấu tổng thành. Vì khu vực buồng máy là khu vực có nhiều công việc nhất khi đấu tổng thành, nhiều nhất là phần ống (Ví dụ như tàu hàng 22.000DWT, hệ thống ống buồng máy cấu thành từ hơn 3.600 đoạn ống khác nhau, mà phần lớn không theo một quy cách nhất định nào) nên khu vực này luôn được đấu tổng thành đầu tiên, chiếm khoảng thời gian dài nhất cho việc thực hiện các công việc trong buồng máy.

Các loại tiêu chuẩn chính trong nhà máy đóng tàu bao gồm, nhưng không giới hạn:

Tiêu chuẩn kỹ thuật:

- Tiêu chuẩn kỹ thuật về cung ứng vật tư trang thiết bị.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật về bộ phận sản xuất. Tiêu chuẩn gia công chế tạo lắp ráp

- Tiêu chuẩn kỹ thuật về đảm bảo chất lượng sản phẩm

- Tiêu chuẩn kỹ thuật tập trung vào các công đoạn để sản xuất ra sản phẩm.

Tiêu chuẩn thiết kế:

- Tiêu chuẩn thiết kế tập trung vào các chi tiết thiết kế, quy cách  cụ thể cấu tạo nên sản phẩm kỹ thuật.

- Tiêu chuẩn vật liệu và trang thiết bị:

- Tiêu chuẩn về đặc tính kỹ thuật các chi tiết, trang thiết bị định hình, nguyên vật liệu

Tiêu chuẩn về kế hoạch và kiểm soát sản xuất:

- Gồm các tiêu chuẩn liên quan đến kế hoạch, dự toán, lập tiến độ, và các chức năng kiểm soát sản xuất, các tiêu chuẩn liên quan đến nhân công, năng lực trang thiết bị, năng suất lao động.

Tiêu chuẩn về quy trình và chế tạo/sản xuất:

- Tiêu chuẩn về quy trình thiết kế, chế tạo, lắp đặt, thử nghiệm và kiểm tra.

- Tiêu chuẩn tài liệu về phương pháp đóng tàu, quy trình làm việc, tài liệu đào tạo

Đánh giá hiệu quả trong công tác quản lý

Các phương pháp quản lý, tiếp cận đóng tàu khác nhau sẽ dẫn đến nội dung công việc khác nhau và hiệu quả công việc đạt được thông qua việc loại bỏ không ngừng và liên tục các công việc không mang lại giá trị gia tăng (chờ đợi công việc, đi lại, di chuyển đồ dùng dụng cụ, vật liệu lưu kho,… vận chuyển cũng được coi là công việc loại này); Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Trong đó, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu từ sản xuất là yếu tố quan trọng để thực hiện công tác đánh giá.

Hệ thống tin học CIM và đặc biệt là CAD là một công cụ không thể thiếu trong ngành công nghiệp đóng tàu và các ngành kỹ thuật khác. CAD được sử dụng kết hợp với việc áp dụng chương trình tin học khác trong một hệ thống chương trình đóng tàu hiện đại theo “định hướng sản phẩm”, cần liên tục cải tiến, phát triển nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu của sản phẩm tàu thủy. Điều này chỉ có thể có được khi công tác đánh giá được thực hiện đầy đủ

Thực tế chỉ ra rằng, ngay cả những chương trình CAD mạnh nhất hiện nay cũng sẽ không bao giờ phát huy được tối đa tiềm năng của CAD nếu không được bổ sung từ kết quả đánh giá thực tiễn của từng nhà máy sử dụng nó. Bởi vì hầu hết những người tạo ra các hệ thống CAD hiện tại và tương lai, vẫn không thể có hiểu biết đầy đủ về mọi khía cạnh của sản xuất phục vụ cho tin học hoá thiết kế, sản xuất đóng tàu; một hệ thống sản xuất sản phẩm đa dạng, phức tạp (cả về số lượng và kích thước), và không ngừng thay đổi, phát triển, hoàn thiện.

Hiểu rõ điều đó, các nhà quản lý nhà máy đóng tàu Nhật Bản xem xét rất cẩn thận tính hợp lý của công việc, phân tích thống kê chi tiết, kỹ lưỡng, để cung cấp thông tin một cách đầy đủ cho người lao động về công việc phải thực hiện (đặc biệt là về tiến độ, quỹ thời gian, và biện pháp phải tuân thủ để đảm bảo chất lượng). Biện pháp ưu tiên hàng đầu của họ là bảo đảm rằng hệ thống quản lý sản xuất phải nắm bắt thật nhiều những ý tưởng cải tiến sản xuất, cho dù áp dụng trong phạm vi rất nhỏ, mà công nhân phản ánh, đề xuất.

Vì vậy, trong một xưởng đóng tàu sử dụng 1.500 công nhân, thì có 27.000 ý kiến đề xuất cho mỗi năm, tính ra khoảng 120 ý kiến mỗi ngày làm việc cần được xem xét. Tập hợp ý kiến này là "xương sống" để hệ thống sản xuất của nhà máy được không ngừng nâng cao. Nhưng sẽ không có xương sống này nếu các đề nghị hợp lý không được xem như dữ liệu của công ty, không được tổng hợp, xử lý, phân tích để có thể sẵn sàng cung cấp cho các nhà quản lý, giám sát để xem xét áp dụng, tổng hợp và lưu giữ. Tất cả đều phụ thuộc vào sự hiểu biết như thế nào đối với hệ thống sản xuất của họ đang thực hiện. Các cải tiến này đã mang lại sự cải thiện và giảm giá đáng kể cho những hồ sơ dự thầu của các dự án tiếp theo (nhưng điều này không có nghĩa phủ định vai trò của bộ phận phát triển dự án, tiếp thị, những bộ phận có trách nhiệm cập nhật thông tin phản hồi sự thay đổi từ sản xuất).

Một hệ thống CAD phát triển phải có khả năng tự động cập nhật, đồng bộ các kết quả của tất cả các thay đổi thiết kế và phương án sản xuất bất kể ở mức độ nào. Thời đại thông tin bùng nổ yêu cầu hệ thống CAD phát triển về dự án, tiếp thị như là một phần của hệ thống sản xuất, đảm bảo khả năng cập nhật chính xác và sự sẵn sàng của hệ thống về các thông tin dự án, maketing.

Công tác đánh giá hiệu quả dựa trên cơ sở những thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất, đây là những mục tiêu cần được quản lý một cách hệ thống nhằm đảm bảo việc duy trì và cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất. Những thông tin chính trong quản lý đóng tàu bao gồm: Thông tin về năng lực trang thiết bị nhà máy, thông tin về nguồn nhân lực nhà máy và thông tin về sản phẩm của nhà máy.

Dưới đây đề cập đến các thông tin liên quan đến sản phẩm nhà máy: 

Các mục tiêu hiệu quả cần quản lý

-  Tỷ lệ khối lượng thép tinh so với khối lượng mua theo hóa đơn.

-  Tổng số tấm tôn thân tàu và tỷ lệ phần trăm của tấm cong (bao gồm các bộ phận bên trong như sàn, vách, …)

-  Tỷ lệ tổng số chiều dài mét cắt bằng máy cắt CNC trên tổng số mét cắt yêu cầu của tàu.

-  Tổng số chiều dài mét hàn đấu nối tổng thành phân tổng đoạn (cả đường nối ngang và nối dọc).

-  Tổng số chiều dài mép đấu nối tổng thành phân tổng đoạn được cắt chính xác (không cần phải rà mép khi đấu).

-  Tổng số chiều dài mép đấu nối tổng thành phân tổng đoạn cần phải rà cắt mép khi đấu, tổng số chiều dài mối hàn đấu phải hàn lót sứ bằng tay.

-  Tiêu chuẩn lắp ráp và tiêu chuẩn sai số cho phép của các bộ phận thân tàu, phân đoạn, tổng đoạn và các mối đấu nối tổng thành (ngang, dọc).

-  Tổng số lượng bệ nâng tạm thời cần thiết cho đóng tàu.

- Số lượng ván giàn giáo cần thiết để lắp ráp cho riêng từng phần: tổng đoạn mũi, lái; các tổng đoạn phần thân tàu, phục vụ cho đấu lắp tổng thành; cho lắp ráp trang thiết bị từng boong; khu vực sinh hoạt và buồng máy.

-  Tổng số chiều dài mối hàn theo từng loại, cho việc lắp ráp từng phân, tổng đoạn.

-  Tổng số lượng từng chủng loại vật liệu riêng biệt cần được sản xuất hoặc mua, tính theo từng phần như boong, trang thiết bị sinh hoạt, thiết bị máy móc tàu…

-  Chiều dài thực tế của tất cả các ống được phân biệt riêng cho đường kính lớn, vừa và nhỏ (ống thông hơi cũng thuộc mục này và hầu hết các mục liên quan đến ống của các phần sau).

-  Số lượng các phụ kiện đường ống và tỷ lệ phần trăm của các phụ kiện trên các hệ thống (những hạng mục công việc khó kiểm soát và là mục tiêu cần phải giảm trừ.)

-  Chiều dài trung bình của các đoạn đường ống.

-  Số lượng các đoạn ống thẳng và các đoạn ống có thể được chế tạo thẳng và sau đó mới uốn cong (đây là hai loại ống cần chi phí ít nhất).

-  Các đoạn ống uốn cong có góc uốn khác 90 và 45 độ (Cho phép uốn cong với các góc bất kỳ này ảnh hưởng xấu đến việc thống kê, kiểm soát độ chính xác.)

-  Các đoạn ống uốn cong với bán kính uốn yêu cầu nhỏ hơn 3 lần đường kính ống (bán kính uốn nhỏ ảnh hưởng xấu đến việc thống kê, kiểm soát độ chính xác.)

- Số lượng các đoạn ống được lắp ráp trên các cụm chi tiết, số lượng lắp trên các block và số lượng lắp trên tàu.

- Các đoạn ống được lắp ráp trên tàu phải đảm bảo cả trọng lượng, chiều dài không vượt quá giới hạn một công nhân có thể xử lý một cách an toàn.

- Liên quan đến độ chính xác lắp đặt ống: tỷ lệ của các đoạn ống uốn sau, mặt bích lắp sau, hoặc phải sửa lại v.v… trên tổng số các đoạn ống, (điều này cũng là một mục tiêu cụ thể cần giảm trừ.)

- Độ chính xác theo yêu cầu và độ lệch chuẩn cho phép cho các đoạn ống,

- Chiều dài của tất cả các dây cáp điện, phân theo từng loại đường kính nhỏ, vừa và lớn.

- Chiều dài của các dây cáp điện lắp trên block, phân theo từng loại đường kính nhỏ, vừa và lớn.

- Số lượng các đoạn dây cáp điện lắp trên block, phân theo từng loại đường kính nhỏ, vừa và lớn.

- Số lượng các đoạn dây cáp điện được cắt trước, phân theo từng loại đường kính nhỏ, vừa và lớn.

- Số lượng các đoạn dây cáp điện được lắp trên block, phân theo từng loại đường kính nhỏ, vừa và lớn.

- Số lượng dây cáp điện cắt trước được đánh dấu khoảng cách các vị trí lắp đặt tạo điều kiện thuận lợi khi lắp (yêu cầu đánh dấu tham chiếu tương ứng các vị trí này trên block hay trên tàu); phân loại riêng cho đường kính nhỏ, vừa và lớn.

- Tỷ lệ phần trăm dây cáp điện lắp ráp trên block so với tổng số cáp cần thiết.

- Chiều dài trung bình các đoạn cáp thừa của cáp điện cắt trước, phân loại riêng biệt cho đường kính nhỏ, trung bình và lớn.

- Tổng số các giá đỡ cho các lối đi, đường ống, ống thông hơi, máng cáp điện vv…

- Liên quan đến các danh mục vật liệu đặt hàng, tỷ lệ danh mục lỗi, sai trên tổng số chi tiết đơn hàng.

 

 

Đoàn Hà Hải

 

Go to top