Một vài cảm nhận trong đợt công tác ở nhà máy tàu biển Hyundai – Vinashin

Quá trình tổ chức quản lý sản xuất hiện đại của công ty đóng tàu rất phức tạp, ngoài công tác tổ chức sản xuất hiệu quả bên trong doanh nghiệp, còn phụ thuộc vào các yếu tố nguồn cung ứng bên ngoài trong một mạng lưới các khách hàng chủ tàu, các nhà thầu phụ, nhà cung cấp thiết bị hàng hải, các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật và các cơ quan đăng kiểm, hiệp hội ngành nghề...

Nhà máy đóng tàu thực chất là cơ quan phối hợp của các chuỗi giá trị đóng tàu: từ thiết kế, mua sắm vật tư, chế tạo vỏ tàu, mua sắm và lắp đặt các trang thiết bị, hoàn thiện tàu, thử nghiệm, chứng nhận và cung cấp dịch vụ sau bán hàng. 
Để cải thiện quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phảm nhằm tạo thế cạnh tranh, Hàn Quốc đã đầu tư 25 triệu đô – la Mỹ (giai đoạn 2010-2013) cho một chương trình R&D để nghiên cứu môi trường đóng tàu tích hợp, chuẩn bị cho bước phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Hải quân Mỹ đã phải đầu tư 15 triệu đô la Mỹ để thực hiện một dự án nghiên cứu về hình thành giá tàu (trước khi ký hợp đồng) với mong muốn ước lượng được giá tàu một cách chính xác nhất có thể của 150 loại tàu, tránh thua thiệt khi thương thảo hợp đồng với khách hàng. Ấn Độ, trong các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của mình (thường từ 3-5 năm) đều dành hàng chục triệu đô-la Mỹ cho dự án nghiên cứu thiết lập thư viện điện tử cho ngành công nghiệp đóng tàu. Australia thì lại bỏ ra khoảng 6 tỉ đô la (Úc) để thuê hệ thống máy tính của IBM với quyền truy cập thư viện điện tử về nguồn tài nguyên của lĩnh vực đóng tàu trên toàn thế giới mà IBM đang sở hữu trong dự án nâng cao năng lực đóng tàu của họ v.v. Tất cả các dự án này đều có mục đích chung là nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành sản xuất hiệu quả cho lĩnh vực đóng tàu.

Sơ qua các vấn đề trên để thấy rằng quản lý công tác đóng tàu trong các công ty đóng tàu là cực kỳ phức tạp, đòi hỏi mức độ đầu tư lớn, chuyên môn hóa cao, tại mỗi quá trình sản xuất cũng đòi hỏi mức độ chuyên môn hóa sâu, cùng với đó là thời gian hoàn vốn cho sản xuất kinh doanh tương đối dài so với các dự án đầu tư khác. Nhà máy tàu biển Hyundai – Vinashin (HVS) phụ trách một phần công việc trong chuỗi sản xuất của Tập đoàn Hyundai Mipo Dockyard , đó là chế tạo vỏ tàu và lắp đặt trang thiết bị thành tàu hoàn chỉnh để bàn giao. Toàn bộ các công việc khác của chuỗi sản xuất là do công ty mẹ phụ trách và cung cấp đến nhà máy HVS.

HVS được nghiên cứu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống dây chuyền thiết bị tiên tiến cùng với hệ thống phần mềm quản lý công việc bài bản theo mô hình hiện đại của các nhà máy đóng tàu Hàn Quốc, do đó HVS chỉ việc tập trung vào công tác tổ chức quản lý sản xuất để đạt hiệu quả. Công tác quản lý sản xuất tại HVS được nghiên cứu tổ chức khá là khoa học, thừa hưởng từ kinh nghiệm quản lý của công ty mẹ Hyundai Mipo Dockyard (có trả kinh phí quản lý hàng năm), đồng thời cũng được tổng kết và liên tục cải tiến trong mọi quy trình sản xuất hàng năm nhằm đưa ra các biện pháp quản lý ngày càng hiệu quả hơn. Cơ cấu tổ chức quản lý được phân thành nhiều cấp, có mô tả chức năng nhiệm vụ rõ ràng cho từng cấp quản lý. Trong mỗi cấp quản lý có mô tả vị trí công việc tới từng người, bộ phận và đánh giá chi tiết hàng tuần, tháng, quý. Công tác lập kế hoạch sản xuất được chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết cho từng giai đoạn, cũng như đối với mỗi dự án đóng mới tại nhà máy. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn … được xây dựng và áp dụng trên cơ sở tham khảo, điều chỉnh từ hệ thống của công ty mẹ và kiểm soát thật chặt chẽ. Qua đó năng suất lao động từng bước liên tục được cải thiện. Năng suất lao động  của HVS sau hơn 10 năm tăng liên tục vẫn chỉ đạt mức bằng một nửa so với tại công ty mẹ HMD. Nhưng so sánh tương đối thì năng suất lao động của HVS vẫn cao nhất Việt Nam trong lĩnh vực đóng tàu và cao hơn các nhà máy của SBIC khoảng 8 lần. Đây là khoảng cách, đẳng cấp mang tính thách thức đối với chỉ tiêu về năng suất lao động đối với các nhà máy thành viên SBIC.
 

Hàng năm HVS vẫn đầu tư trên dưới 200.000 USD cho các chương trình đào tạo tại chỗ về tổ chức quản lý sản xuất, tập huấn và nâng cao các kỹ năng quản lý, lao động đối với đội ngũ người lao động tại đơn vị chính nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động.  Triết lý làm việc của họ thật đơn giản: “Tất cả bắt đầu từ những điều đơn giản nhất”. Các khóa đào tạo cho người lao động khi mới vào làm việc tại đây kéo dài hai tháng, chủ yếu đào tạo các kỹ năng phổ thông với tinh thần Hyundai, đó là “Cần mẫn – Tiết kiệm – Nhân ái” và ở HVS “Có ước mơ – Có thử thách – Có tương lai”. Tác phong làm việc được duy trì chấn chỉnh từ các vấn đề tưởng như nhỏ nhất, đó là quy định trang phục tại nhà máy, làm việc đúng giờ, chu đáo với khách hàng, chỉn chu trong từng việc nhỏ, chi tiết, ngăn nắp và nền nếp trong sinh hoạt, giao tiếp … kể từ bộ phận bảo vệ, các bộ phận quản lý khác cho đến Tổng giám đốc trong nhà máy. Để đạt và duy trì được điều này, công tác giáo dục thường xuyên đặc biệt chú trọng với yêu cầu: công việc phải giải quyết ngay, không để đến ngày mai.

Đối với quá trình sản xuất:  Trong bất cứ trường hợp nào không kịp tiến độ thì yêu cầu phải làm thêm ngoài giờ. Mỗi bộ phận phải tự đảm bảo tiến độ của mình và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày thông qua hệ thống phần mềm quản lý. Vai trò của người quản lý nhóm được tôn trọng và gắn với quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng, qua đó phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm về công việc của từng nhóm. Mục tiêu của sản xuất là “An toàn – Chất lượng – Vì khách hàng” được thể hiện ở mọi chỗ, mọi lúc và mọi nơi trong nhà máy. Qua đó mục đích “Hoàn thành mục tiêu công việc được giao” đã trở thành nguyên tắc bất biến và tinh thần này được chuyển tiếp đến tất cả các thành viên trong nhà máy. Đặc biệt mỗi người lao động đều nhận được sự khuyến khích cho động cơ làm việc và phát huy hết năng lực vì sự phát triển của nhà máy gắn liền với thu nhập và niềm vui lao động sáng tạo của mình. Nhờ đó mà tinh thần doanh nghiệp luôn đảm bảo khởi sắc và là nền tảng để HVS vượt qua bất cứ những đợt giông bão, thử thách trong SXKD.

Cùng chung cảm nhận của đoàn công tác chúng tôi trong quá trình công tác và làm việc tại HVS, là tinh thần như của người lính trên tuyến đầu, luôn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, chiếm được bất cứ cứ điểm nào để đạt mục tiêu đề ra. Công tác giáo dục thường xuyên, duy trì tinh thần Hyundai mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ, nếp sống chỉn chu ngăn nắp có tác dụng thực sự khích lệ mỗi người lao động trong quá trình sản xuất và sáng tạo của mình. Ở đây nói thêm một chút, vấn đề giáo dục nội quy kỷ luật đối với người lao động và bộ máy quản trị điều hành luôn phải ưu tiên và gương mẫu thực hiện. Câu phương ngữ “Tư tưởng không thông, mang bình tông cũng nặng” đúng trong đời sống cũng như trong quân đội.

Hiện nay Tổng công ty công nghiệp tàu thủy đang thực hiện tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, đổi mới công tác quản trị điều hành. Mỗi người lao động của SBIC phải ý thức và đánh giá đúng vai trò và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vượt qua sóng gió để ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích lũy vốn, trả nợ và nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên. Chúng ta tin tưởng, tuy còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng ủy, Ban lãnh đạo điều hành Tổng công ty, toàn thể cán bộ công nhân viên SBIC đang nỗ lực từng bước đạt được những thành quả về nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất tiến tới ổn định và phát triển.

 

Vũ Minh Phú/Ngô Đức Dũng

Ban Kỹ thuật sản xuất (SBIC)
Go to top