Tấm gương lao động sáng tạo ở SSIC

Trong cái nắng chói chang của mùa hè, tôi tìm gặp "Dock trưởng" Trần Độ khi anh đang bận rộn giao việc cũng như chỉ dẫn, đôn đốc anh em trong tổ ụ triền để xin anh một vài thông tin viết bài về các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh. Bởi tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC), với gần 500 con người thì duy chỉ có anh đang là tác giả, đồng tác giả của 7 sáng kiến và 1 giải pháp kỹ thuật.
 
                 Anh Trần Độ, một tấm gương lao động sáng tạo tiêu biểu ở SSIC
Nở nụ cười với những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt sạm đen vì nắng gió công trường, anh mời tôi vào nhà điều hành của tổ để tiện việc trao đổi. Mở đầu câu chuyện, anh khiêm tốn "có gì đâu mà viết hả em. Sáng kiến, sáng tạo đều do lao động mà ra, có lao động là có sáng tạo, đó là lẽ tự nhiên". Anh bắt đầu công tác tại SSIC từ năm 1992, từ đó đến nay anh đã trải qua rất nhiều công việc như gia công cơ khí, làm việc tại ụ triền như hạ thủy, đưa tàu vào và ra ụ... Và hiện nay anh đang đảm nhận công việc của khu vực ụ triền. Nhưng chính từ những vị trí, lĩnh vực anh trải qua đã giúp anh có điều kiện mở mang thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để có các sáng kiến mới nhằm áp dụng hiệu quả vào trong sản xuất.
Hơn 22 năm gắn bó với nghề, anh đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện buồn vui của người thợ ụ triền. Theo anh làm nghề này tuy vất vả, cực khổ, nhưng lại rất đỗi tự hào vì đã góp phần làm ra những con tàu mang thương hiệu Việt, cũng như tham gia sửa chữa, phục hồi sức khỏe cho những con tàu đủ sức để đi khắp năm châu bốn bể. Niềm vui lớn nhất của người thợ ụ triền như anh là khi thấy con tàu nhẹ nhàng lướt trên đường triền, chạm xuống nước an toàn. Bởi lẽ theo các chuyên gia đóng tàu thì trong quá trình đóng mới một con tàu, từ khi cắt tôn, đặt ky, đấu đà, hạ thủy, hoàn thiện, chạy thử, bàn giao,… thì khi con tàu chạm nước an toàn là đã hoàn thành hơn 50% công việc. Và với người thợ ụ triền như anh thì cảm nhận giây phút con tàu hạ thủy như người mẹ vừa sinh thành ra một đứa con để chuẩn bị gửi vào biển khơi. Bên cạnh việc hạ thủy thì việc đưa tàu vào ra ụ để sửa chữa cũng đòi hỏi những người thợ ụ triền phải rất cẩn thận, tỷ mỉ trong từng thao tác. Anh Độ không thể nhớ rõ đã hạ thủy hay đưa tàu vào và ra ụ bao nhiêu con tàu, chỉ nhớ rằng, với vai trò tổ trưởng, anh và các anh em trong tổ đã góp phần rất lớn trong việc hạ thủy thành công cũng như đưa vào và ra ụ nhiều con tàu. Trong đó phải kể đến thành công lớn nhất là phục vụ hạ thủy tàu xuất khẩu lớn nhất ở khu vực phía Nam, trọng tải 11.000DWT, và đưa tàu trọng tải 22.000DWT vào và ra ụ khô 10.000 tấn.
                        Tàu đang nằm trong Ụ khô 10.000 tấn của SSIC để sửa chữa 
Trở lại với 7 sáng kiến và 1 giải pháp kỹ thuật của anh Trần Độ mà hiện nay tại SSIC vẫn đang áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể có thể kể ra như: ở lĩnh vực ụ triền thì có Giải pháp liên kết các đống căn gỗ khi hạ thủy tàu; hay Nghiên cứu tận dụng lại mỡ bôi trơn đã sử dụng để pha chế mỡ mới phục vụ hạ thủy tàu 2.900 DWT; Thay thế thành phần nguyên liệu bôi trơn cho công việc hạ thủy tàu 4.000 DWT. Lĩnh vực cơ khí thì có các sáng kiến chế tạo xe di chuyển đôn kê trên đường triền; Chế tạo xe nâng hạ kéo tay phục vụ nâng hạ, di chuyển các vật có trọng lượng dưới 250 kg thay cho xe cẩu; Giải pháp công nghệ xử lý bu-lông M20 nắp tudom tàu 11.000 DWT; Chế tạo cây kim cân bằng van servo cần cẩu 300 tấn MKZ 3000; Chế tạo đồ gá uốn ống đồng Nicken D108x2.5m trên máy uốn ống NC….
                    Tàu trọng tải 11.000 DWT xuất khẩu do người thợ SSIC thực hiện
Tuy một số sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của anh chưa được xác định cụ thể giá trị làm lợi nhưng đã góp phần tích cực trong việc làm giảm chi phí sản xuất, rút ngắn tiến độ thi công, cải thiện mức độ an toàn lao động, góp phần nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo quá trình hạ thủy, đưa tàu vào ra ụ được an toàn, đúng và vượt tiến độ. Theo kết quả tính toán của Hội đồng sáng kiến SSIC, ngoài 03 sáng kiến chưa xác định được giá trị làm lợi, thì 04 sáng kiến còn lại xác định được giá trị làm lợi trong lần áp dụng đầu tiên và 01 giải pháp kỹ thuật của anh đã làm lợi cho công ty trên 71 tỷ đồng…

Điểm lại các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của anh, tôi lại càng thán phục. Dù là thợ nguội, thợ ụ triền nhưng anh đã có nhiều sáng kiến vượt ra khỏi phạm vi chuyên ngành của mình.

Với đặc thù công việc không làm theo giờ cố định mà phải theo "con nước", anh luôn thu xếp công việc gia đình để sát sao cũng như dành thời gian tối ưu cho công việc. Mọi công việc, dù khó khăn, gấp gáp thế nào anh và anh em trong tổ đều bình tĩnh tìm ra các hướng xử lý để đảm bảo đúng tiến độ cho công việc chung.

Bên cạnh công việc chuyên môn, với vị trí dock trưởng, anh Trần Độ còn luôn quan tâm đặc biệt đến công tác an toàn lao động. Vì theo anh, nghề đóng và sửa chữa phương tiện vận tải thủy là công việc nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Bởi vậy mà "Công việc của người thợ ụ triền đòi hỏi yêu cầu về an toàn rất cao, chỉ cần thao tác sai, hay một chút xao nhãng thôi thì tai nạn có thể xảy ra ngay bất cứ lúc nào" - anh chia sẻ. Với quan điểm đó, ở cương vị tổ trưởng, tổ anh chưa bao giờ bị xảy ra tai nạn lao động dù là tai nạn nhẹ.

Cùng với công tác chuyên môn, anh Độ cũng là người rất quan tâm đến công tác đoàn thể. Anh luôn phối hợp với cán bộ công đoàn để tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho anh em, hướng dẫn thợ mới vào nghề, giúp đỡ anh em có hoàn cảnh khó khăn... không khó lắm khi nhìn thấy anh mỗi chiều tập hợp anh em chơi bóng chuyến, bóng bàn nâng cao sức khỏe, vì vậy, anh được mọi người tin cậy và yêu mến.

Gặp và trao đổi cùng "Dock trưởng" Trần Độ, tôi cũng đã rút ra một kết luận về anh rằng "trong công việc phải làm hết sức mình, phải tư duy, sáng tạo và luôn nghĩ rằng cải tiến cái cũ để có cái mới tốt hơn, vì thành quả sáng tạo đó hơn bất cứ điều gì nó sẽ phục vụ tốt hơn cho công việc của mình và của tập thể".

 

Lê Phúc Minh

Phòng Công nghệ

Công ty TNHH NN MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn

Go to top