Cảm nhận về Sông Cấm

Năm 2007 Nhà máy đóng tàu Sông Cấm được quyết định chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần. Thời điểm ấy, trong hệ thống của công nghiệp tàu thủy, mô hình cổ phần hóa còn nhiều lạ lẫm. Nhưng Sông Cấm quyết làm và tới tháng 3 năm 2008 thì hoàn thành cổ phần hóa.

      Sản phẩm thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Sông Cấm với Damen - Hà Lan
Sau cổ phần hóa, Sông Cấm cũng gặp những khó khăn như các đơn vị đóng tàu khác, đó là sự suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều hợp đồng đóng mới bị hủy bỏ, công nhân thiếu việc làm, tập đoàn Vinashin phải cơ cấu lại.

Trong bối cảnh ấy, Sông Cấm đã tìm lối đi riêng cho mình là mạnh dạn đầu tư nâng cấp hạ tầng, hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Damen (Hà Lan) để đóng tàu xuất khẩu. Dòng tàu xuất khẩu của Sông Cấm không lớn về trọng tải, nhưng là các loại tàu công tác trên biển, có yêu cầu kỹ thuật cao, nhu cầu thị trường lớn nhưng ở Việt Nam thì chưa có đơn vị nào làm.

Từ năm 2009 với mô hình mới là công ty cổ phần, Đóng tàu Sông Cấm hoạt động hiệu quả, sản xuất tăng 26% về tổng sản lượng, doanh thu tăng 53% so với năm 2008 và bàn giao tới 10 tàu xuất khẩu cho Damen - Hà Lan. Cũng năm này, Sông Cấm kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống (28/5/1959-28/5/2009) và được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì.

Sông Cấm bước vào thế kỷ XXI với những mục tiêu được cổ đông đồng tình đó là nâng cao sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phát huy vai trò Hội đồng quản trị, thực hiện đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó mạnh dạn thay đổi quy trình công nghệ để liên doanh với Damen một cách hiệu quả trong đóng tàu xuất khẩu. Ngày 29 tháng 9 năm 2011, Sông Cấm chính thức ký hợp đồng với Damen để thành lập một doanh nghiệp mới có tên là Công ty trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Damen – Sông Cấm. Lễ ký được tổ chức ở La Hay (Hà Lan)  có sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương Quốc Hà Lan, Mark Rutte.
               Hạ thủy tàu ASD 3212 YN51235 tại Liên doanh Damen-Sông Cấm
Như vậy là Sông Cấm có thêm một cơ sở liên doanh với Hà Lan trên diện tích 413.063,7 m2 tại xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, và chỉ chưa tròn 3 năm đi vào hoạt động Damen-Sông Cấm đã tiến hành lễ hạ thủy chiếc tàu đóng mới có ký hiệu ASD 3212 YN51235 vào chiều 17 tháng 6 năm 2014, chiếc tàu trên đã được hạ thủy thành công, có sự chứng kiến của Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, nhân dịp ông sang thăm Việt Nam.
    Thủ tướng Hà Lan tới dự lễ hạ thủy sản phẩm đầu tay của liên doanh Damen-Sông Cấm 

Sản phẩm đầu tay của Damen – Sông Cấm xuất khẩu cho Venezuela là chiếc tàu kéo biển, dài 32 mét, rộng 12 mét lắp động cơ 6.500 CV có sức kéo tới 85 tấn. Tại lễ hạ thủy Thủ tướng Mark Rutte đã phát biểu: “Cá nhân tôi nghĩ rằng mối quan hệ Việt Nam – Hà Lan trong ngành hàng hải rất sâu sắc, chúng ta hợp tác để cùng phát triển. Liên doanh Damen – Sông Cấm là để học hỏi và tận dụng nhân tài của nhau.

Sức vươn của Sông Cấm trong thập niên đầu của thế kỷ XXI luôn tăng trưởng ở mức trên 11% một năm, số tàu bàn giao luôn đạt từ 12 đến 13 chiếc và được dư luận xã hội đánh giá là một đơn vị đã tìm lối đi đúng trong cơ chế thị trường, nên không những trụ vững mà còn phát triển, đi lên trong mọi thử thách.

Nói đến Sông Cấm bây giờ, người trong nghề nghĩ ngay đến những sản phẩm tàu xuất khẩu ở đẳng cấp cao của người thợ đóng tàu thành phố Hải Phòng. Nói đến Sông Cấm những đồng nghiệp luôn nhắc đến một phương pháp quản trị có tầm vóc thời đại để tạo ra các sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Một trong những dẫn chứng có tính thuyết phục như khi du thuyền có ký hiệu FYS-6711 (dài 67,15 mét, rộng 11,3 mét mớn nước tới 4 mét) là loại du thuyền vào loại hiện đại nhất của Damen thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, mà Sông Cấm đã đóng mới thành công cùng với hàng loạt các loại tàu công vụ khác là những sản phẩm tạo dựng cho thương hiệu của mình. Trong cơ chế thị trường, xây dựng thương hiệu đã khó, nhưng phát huy nó lại càng không dễ. Bởi thương hiệu chính là tài sản phi vật chất, là niềm tin để khách hàng quay trở lại.

Điều cảm nhận của chúng tôi về công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm là các cổ đông đều đồng tình với phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, vì vai trò của Đảng thể hiện rất rõ trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ. Đảng quan tâm tới hoạt động của các chi bộ, giữ gìn đoàn kết, thực hiện quy chế dân chủ tạo sự đồng thuận trong công ty. Tổ chức công đoàn Sông Cấm cũng làm tốt việc tham gia quản lý, chăm lo quyền lợi cho người lao động.

Như vậy trong cổ phần hóa mà SBIC đang tiến hành ở diện rộng, những kinh nghiệm ở Sông Cấm có thể trở thành một mẫu hình trong công nghiệp đóng tàu.

Sự làm ăn phát đạt của Sông Cấm không thể tách rời những yếu tố như đã nói ở trên và cũng không thể quên những trang sử mà các thế hệ trước đã để lại.
     Gặp gỡ các thế hệ lãnh đạo của Sông Cấm nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập đơn vị 

Gần trăm năm trước, Sông Cấm chính là xưởng đóng tàu của nhà tư sản Việt Nam Bạch Thái Bưởi. Bạch Thái công ty của cụ Bạch đã từng đóng được những chiếc tàu lắp động cơ hơi nước chạy xuyên Việt từ Hải Phòng đến Sài Gòn. Công nhân ở các xưởng đóng tàu cùng với công nhân của xi măng, máy tơ, máy chai, cảng... đã bắt nhịp với phong trào cách mạng và trưởng thành cùng với giai cấp công nhân cả nước.

Hòa Bình lập lại, ngày 13 tháng 5 năm 1955 thành phố Hải Phòng hoàn toàn được giải phóng, một Hải Phòng cơ khí công ty được thành lập trên cơ sở Sông Cấm bây giờ. Ngày 28/5/1959 xí nghiệp công tư hợp doanh cơ khí Hải Phòng được thành lập (trên cơ sở Hải Phòng cơ khí công ty) và ngày này (28/5/1959) được coi là ngày truyền thống của Đóng tàu Sông Cấm.

Các thế hệ đi trước đã để lại cho lớp hậu duệ ngày nay của Sông Cấm cả một truyền thống cách mạng và kinh nghiệm nghề nghiệp. Vấn đề là Sông Cấm biết triệt để khai thác truyền thống kết hợp với khoa học công nghệ hiện đại để bước vào cơ chế thị trường, xây dựng được thương hiệu và tận dụng thời cơ mở rộng liên doanh để chiếm lĩnh thị trường dòng tàu xuất khẩu gần như không có đối thủ. Bởi bên cạnh một Sông Cấm có bề dày kinh nghiệm đóng tàu, có một Damen (Hà Lan) là tập đoàn hàng đầu của dòng tàu công tác trên biển. Sự hợp tác Sông Cấm – Damen đã dẫn đến những thành công của một thương hiệu đóng tàu tọa lạc trên thành phố Hải Phòng kể từ khi bước sang thế kỷ XXI.

Phải chăng những thành công mà Sông Cấm đạt được là ưu việt của sự chuyển đổi sang công ty cổ phần? Có thể là như vậy, bởi sau cổ phần hóa Sông Cấm đã 3 lần đầu tư nâng cấp năng lực đóng tàu của mình để mở rộng hợp tác quốc tế. Đến năm 2014 này, 100% sản phẩm đóng mới của Sông Cấm đều là xuất khẩu. Trong danh sách các quốc gia có quan hệ hợp tác với Sông Cấm về đóng tàu có Singapore, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Hàn Quốc, Nga... và khi nói đến các dòng tàu cứu hộ trên biển ở thời điểm này như: SAR27, SAR41... các dòng tàu kéo biển 5000, 7000 CV... tất cả đều nhắc đến thương hiệu Sông Cấm.

Năm 2005, năm thứ năm của thế kỷ XXI Sông Cấm được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ngày 19 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng đã đến thăm Sông Cấm. Bằng ấy cũng đủ để nói rằng: Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm đang là một trong điểm sáng của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy SBIC nói riêng và thành phố Hải Phòng cũng như cả nước nói chung.

 

Nguyễn Đức Ngọc

Go to top